Thánh Lễ tạ ơn mừng kim khánh của một linh mục sau chặng đường dài phục vụ xem ra cực hoành tráng. Cũng đúng và hợp tình hợp lý vì bao công lao mà Cha đã bỏ ra suốt 50 năm sứ vụ linh mục.
Dẫu thế nào đi chăng nữa, con người với hạn chế của sức khỏe, của tuổi tác nên dù muốn dù không thì Cha già kính yêu của giáo xứ phải rời bỏ căn nhà mà bao nhiêu năm trời Cha gắn bó cùng với biết bao nhiêu con chiên thân thương. Vì lẽ dù muốn dù không để rồi Cha phải dọn đến chỗ mới và nhường vị trí cha đang giữ cho một linh mục trẻ. Và, sau khi Cha thư ký đọc văn thư của Tòa Giám Mục kính gửi Cha già yêu dấu thì hình bóng của cha mới xuất hiện ngay sau đó. Chỉ có điều là chờ vài ngày nữa khi Cha già "khuất bóng" thì lại một lễ nhận xứ hoành tráng dành cho Cha mới. Chả ai làm cái điều trao xứ mới trong ngày đại lễ nên thôi để dành đó.
Với những lý do nội tại và nhất là tế nhị, Đức Giám Mục có lẽ cũng cân não để dùng những từ yêu dấu dành cho cha già yêu dấu. Đức Cha cứ nhắc đi nhắc lại với cộng đoàn rằng Cha già luôn khẳng định : "Linh mục không có nghỉ hưu!".
Vâng ! Linh mục là linh mục đời đời nhưng sức khỏe và thân phận của con người thì không đời đời Cha già yêu dấu ạ !
Để "dỗ dành" cha già, Đức Cha rất khéo nói để không đụng chạm : "Từ nay, Cha về tại Nhà Hưu Dưỡng của Giáo Phận, Cha tiếp tục phục vụ Giáo Phận như ban bí tích Hòa Giải cho các nơi cần Cha ..."
Chính xác ! Cha vẫn ban bí tích hòa giải chứ đâu phải khi đi hưu là Cha không còn giải tội.
Khi nghe đến những lời đó, dù muốn dù không khuôn mặt Cha già như héo lại. Khổ nổi hờn cái bạn quay máy và hờn hơn là cái bạn ngồi bàn dựng. Hình ảnh ấy, khuôn mặt ấy của Cha già chắc có lẽ làm cho nhiều người buồn, nhất là Cha già nhưng không sao tránh khỏi.
Với cha già là như vậy, Đức Cha chủ tế Thánh Lễ hôm ấy cũng có ngon lành hơn gì Cha già đâu mà nói ! Đức Cha cũng đã vào tuổi hưu theo luật định và đang chờ ngày trao giáo phận cho vị mục tử khác.
Nghe đâu ở Tòa Thánh, có người viết phần mềm để rồi ai nào đó truy cập vào trang mạng đó thì thấy tên tất cả các giám mục trên toàn thế giới. Điều đặc biệt là phần mềm ấy báo ngày tháng mà giám mục nào đó ... đi hưu.
Trong Giáo Hội cũng thế, ngoài đời cũng vậy ! Con người, dù có tài năng cách mấy nhưng cũng đến lúc phải dừng "cuộc chơi" dù lòng không muốn.
Đời thường, có lúc con người đến nơi nào đó thưởng lãm, du lịch và dĩ nhiên nơi đó như ngọn núi cao đẹp mà Thánh Phêrô buột miệng : "Thưa Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm!" nhưng rồi Phêrô và các môn đệ hôm đó phải xuống núi và phải ngang qua thập giá rồi mới đến vinh quang.
Nhiều người tài cao chức bự nhưng rồi cuối cùng cũng phải khép lại sau chuỗi ngày dài đương chức.
Chuyện Cha già hay chuyện Đức Cha là còn biết trước vì đến ngày luật định thì phải ngưng nghỉ. Cạnh đó, quanh ta, ngày mỗi ngày có những quyết định "nghỉ hưu" thật chóng vánh.
Có người mới ngày hôm qua cười cười nói nói nhưng hôm nay đi vào cõi lặng của phậ người.
Có người dự định sẽ xây cái này dựng cái kia nhưng công trình dở dang vẫn còn đó.
Có người ao ước sẽ xây giấc mộng vàng nhưng cơn đột quỵ hay nhồi máu cơ tim đến để rồi để giấc mộng đó còn trong mộng.
Cuộc đời con người là vậy, phận người là thế nhưng ít ai để ý đến cùng đích, nghĩ đến ngày mà mình phải rời bỏ "cuộc chơi" trần thế này.
Nhìn Cha già, nhớ Đức Cha, nghĩ đến những sự ra đi đột ngột đó nên chăng ta nghĩ lại phận mình. Phận mình dù cao sang, dù giàu có dù lộng lẫy như thế nào đi chăng nữa rồi cũng đến một ngày phải đi về với nguồn cội của mình.
Nghĩ như thế, nhớ như thế để mỗi người hãy cố gắng buông bỏ bớt đi cái tham sân si đang ngự trị trong mình, bỏ bớt đi cái tự cao tự đại mà sống nhẹ nhõm với đời và với người :
Con nay trở về, trở về cùng Chúa Chúa ơi
Con nay trở về, lòng sầu thống hối khôn nguôi
Muốn khóc cho một niềm tin
Đã trót bao phen ngả nghiêng
Bước chân hoang đàng, nay mến yêu thương tình đáp tình
Con nay trở về, trở về miền đất tái sinh
Con nay trở về, về đường chính lý quang minh
Có suối nhân sinh chan ứa
Có lá hoa không tàn úa
Lúa thơm trăm mùa, thêm trái ngon hoa ngọt cỏ thừa ...
Người Giồng Trôm