Trinh nữ sinh con

Mỗi năm khi Giáng sinh về, cả nhân loại hân hoan vui mừng kỷ niệm ngày Con Chúa giáng trần. Đây là niềm vui cho toàn thể nhân loại, đúng như lời các thiên sứ nói với các mục đồng tại Belem năm xưa: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu thế đã sinh ra cho anh em trong thành của Đavít” (Lc 2,10).

Theo lời các thiên sứ, những người mục đồng vội vã tới nơi, điều họ nhìn thấy trước hết, theo thánh Luca, đó là bà Maria, ông Giuse cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thiên Chúa quyền năng có thể phán một lời để cứu chuộc nhân loại, nhưng Ngài lại chọn con đường nhập thể để biểu lộ tình yêu của Ngài đối với thế gian. Con Thiên Chúa đã sinh ra bởi một người phụ nữ, đó là Đức Maria. Trinh nữ thành Nagiarét đã thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu. Đây là một điều nghịch lý theo lẽ thông thường: một trinh nữ sinh con.

 “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14). Bảy thế kỷ trước công nguyên, ngôn sứ Isaia đã tiên báo điều này. Lời loan báo này góp phần nuôi dưỡng niềm trông đợi Đấng Thiên sai của dân tộc Do Thái, mặc dù họ chỉ hiểu một cách mờ nhạt lời sấm này. “Trinh nữ sinh con” đó là điều không thể có nơi thế giới loài người. Đó cũng là điều đã gây tranh luận trong lịch sử và đã có những bất đồng ý kiến, thậm chí gây chia rẽ nghiêm trọng giữa những người cùng tin vào Chúa Kitô.

Tuy vậy, trước quyền năng cao cả của Chúa, tranh luận mổ xẻ những điều kỳ diệu Ngài làm quả thật là một điều vô nghĩa, thậm chí còn là báng bổ, bởi đối với Chúa, chẳng có gì mà Ngài không làm được, như lời quả quyết của Thần sứ Gabrien. Từ hư vô, Thiên Chúa đã sáng tạo đất trời. Có lẽ nào Ngài không can thiệp được cho một phụ nữ sinh con bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần? Thiên Chúa là Đấng sắp đặt mọi trật tự và mọi định luật trong thiên nhiên vũ trụ, có lẽ nào Ngài không thực hiện được một luật trừ, tức là cho một phụ nữ sinh con mà không cần có sự can thiệp của người đàn ông? Quyền năng cao cả của Thiên Chúa và tình thương bao la của Ngài, đó là câu trả lời xác đáng nhất.

Trong ngày truyền tin cho Trinh nữ Maria, Sứ thần Gabrien lặp lại chính xác điều ngôn sứ Isaia đã loan báo, và với một người cụ thể, trực tiếp: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 131). Tên Đấng Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã trở thành Giêsu - Đấng Cứu độ. Khi nghe những lời này, bản thân Trinh nữ Maria cũng hết sức bỡ ngỡ và ngạc nhiên. Bởi lẽ, cũng như bao người khác, Bà không thể tin rằng một người phụ nữ có thể mang thai và sinh con mà không cần có sự can thiệp của người đàn ông.

Vì vậy, Bà đã đặt câu hỏi: “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Câu hỏi này không diễn tả sự nghi ngờ, nhưng nói lên tâm trạng bối rối của Bà, vì trước đó Bà đã khấn giữ mình trinh khiết, và Bà không từ bỏ lời khấn ấy. Nói cách khác, Trinh nữ Maria thà từ bỏ vinh dự được cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu thế, chứ không muốn rút lại lời đã khấn hứa cùng Đấng Tối cao.

Khi đọc kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng: “(Đức Giêsu) sinh bởi Bà Maria đồng trinh…” Kinh Tin kính này được gọi là Kinh Tin kính của các tông đồ, có nghĩa là nội dung của các tín điều chúng ta tuyên xưng đã có từ thời sơ khai của Giáo Hội. Như thế, ngay từ ban đầu, cộng đoàn tín hữu đã tin và tuyên xưng Đức Trinh nữ trọn đời trinh khiết, mặc dù niềm tin này gặp phải nhiều chống đối.

Thánh Justinô (thế kỷ thứ hai) đã viết: “Người ta tự hỏi đây (vấn đề Đức Maria đồng trinh) có phải là huyền thoại hay là luận điểm thần học không có chứng cứ lịch sử. Về vấn đề này, phải trả lời rằng: đức tin vào việc Mẹ Maria thụ thai Chúa Giêsu mà còn đồng trinh, đã bị người Do Thái và lương dân vô tín chống đối mãnh liệt, chế giễu hoặc hiểu sai” (Trưng dẫn trong Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, số 498). Sách Giáo lý Công giáo cũng trích dẫn Công đồng Vaticanô II để diễn giải: “Việc sinh hạ Đức Kitô không làm suy giảm nhưng thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn của Mẹ. Phụng vụ của Giáo Hội tôn vinh Mẹ là Aeiparthenos, “Đấng trọn đời đồng trinh” (số 499).

Đức Trinh nữ Maria, người phụ nữ khiêm hạ quê ở Nagiarét, đã được Thiên Chúa chọn và phó thác một sứ mạng vô cùng quan trọng, đó là cưu mang và sinh hạ Ngôi Lời nhập thể. Chúa Cha sai Con mình xuống thế làm người, sống thân phận con người để cứu độ con người. Thiên Chúa không dùng một chiếc đũa thần để cứu độ con người từ xa, nhưng Chúa làm người để cảm thông những nỗi nhọc nhằn của họ.

Qua cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, Thiên Chúa trở nên gần gũi con người, đồng cam cộng khổ với họ và chỉ cho họ con đường nên thánh. Đức Maria là phương tiện Chúa dùng để thực hành ý định yêu thương ấy. Trinh nữ đã trải qua nhiều đau khổ, nhất là giờ phút đau thương dưới chân thập giá. Mẹ đã khôn ngoan biến đau khổ ấy thành của lễ có giá trị cứu độ, cùng với Con mình đem lại cho nhân loại sự giải phóng khỏi án tội tổ tông ở khởi đầu của lịch sử.

Ơn đồng trinh là một đặc ân mà Chúa ban riêng cho Đức Mẹ, cùng với ba đặc ân khác là ơn vô nhiễm nguyên tội, làm Mẹ Thiên Chúa và ơn được lên trời hồn xác. Đức Maria như một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ, mà chính Thiên Chúa là tác giả. Mẹ là thụ tạo mẫu, để mọi loài thụ tạo phải nơi gương bắt chước, nhờ đó mà nên hoàn hảo trước mặt Chúa. Giáo lý của Giáo Hội dạy rằng, Đức Maria được ơn đồng trinh trước, trong và sau khi sinh con.

Thiên Chúa cho Đức Mẹ vừa được ơn đồng trinh, vừa được làm mẹ, và như thế, Đức Mẹ vừa là mẫu gương cho những người sống đời trinh khiết, vừa là mẫu gương cho những người sống đôi bạn. Mẹ trinh khiết để giúp những ai sống đời tận hiến, luôn giữ mình trong trắng để thuộc trọn vẹn về Chúa. Mẹ làm mẹ để cảm thông và chuyển cầu cho những ai đã mang nặng đẻ đau, để họ chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ, khiêm tốn, hy sinh giữ gìn mái ấm gia đình.

Trong chuyến viếng thăm gia đình người chị họ là bà Êlisabét, vừa nghe lời chào của Đức Maria, bà Êlisabét đã thốt lên: “Em thật có phúc, vì em tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Qua những lời này, bà Êlisabét đã nói lên một nét đẹp nổi bật của Đức Maria, đó là đức tin. Mẹ đã tín thác vào Chúa, đến mức trao trọn vẹn đời sống của mình, cùng với hiện tại và tương lai trong tay Ngài, để tùy ý Ngài hoạt động. Đức Mẹ tín thác nơi Chúa, Chúa cũng tin tưởng nơi Đức Mẹ.

Do lòng tín thác tin tưởng ấy, Thiên Chúa đã trao ban Con Một của Ngài cho thế gian, mà khởi đi từ việc Đức Mẹ thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu. Khi thưa lời: “Xin vâng” với sứ thần Gabrien, Đức Maria đã đón nhận Chúa Giêsu vào lòng, rồi sau đó, Mẹ trao ban Chúa Giêsu cho nhân loại.

Mẹ đồng trinh, đó là bằng chứng của quyền năng Thiên Chúa. Mẹ đồng trinh, đó cũng là hào quang thánh thiện của Mẹ. Quỳ bên hang đá máng cỏ trong những ngày này, chúng ta hãy xin với Mẹ giúp chúng ta gắn bó với Chúa trọn đời, dù cuộc sống còn biết bao khó khăn thử thách, dù cuộc đời còn đầy rẫy những thăng trầm. Với lòng cậy trông phó thác, chắc chắn Mẹ sẽ chuyển cầu cho chúng ta.

Mùa Vọng 2016

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn:http://hdgmvn.ogr