Xuyên suốt chặng đường dài lịch sử hơn năm thế kỷ qua, trái thạch lựu tại thành phố Granada thuộc đất nước Tây Ban Nha, được chọn làm biểu tượng của Dòng anh em Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa. Đây chẳng phải là một sự kiện ngẫu nhiên, hay tự ý các tu sĩ của Dòng thấy trái thạch lựu có chức năng chữa trị được nhiều thứ bệnh hiệu qủa nên đã chọn biểu tượng này cho riêng mình? Mà là một biến cố khởi đầu đánh dấu một bước ngoặc lớn trong sứ vụ tông đồ của cha thánh Gioan Thiên Chúa.
Theo chiều kích lịch sử, thì chính Chúa Hài Đồng hiện ra trao ban cho chính Thánh Gioan Thiên Chúa... Để giúp rõ hơn vấn đề, chúng ta thứ tìm hiểu ý nghĩa và biểu tượng trái thạch lựu theo chiều kích tự nhiên là một loại cây dùng để làm thuốc, kế đến là chiều kích lịch sử liên quan đến sứ mạng của thánh Gioan Thiên Chúa, và là biểu tượng của Hội dòng. Trước hết, xin trình bày về chiều kích tự nhiên của qủa thạch lựu là chữa bệnh, hay nói cách khác là một cây dùng để làm thuốc.
Phần mô tả cây thạch lựu:
Lựu (Punnica granatum L.), còn gọi là Tháp lựu, Thạch lựu, An thạch lựu, Đan nhược, Kim bàng, Kim tượng, Tạ lựu..., là một loại cây nhỏ, thuộc mộc, cao khoảng chừng 2-3 mét, thân xám, có vỏ mỏng, cành mảnh, lá đơn mọc đối, hình thuôn dài, gân 5,6 đôi hình cung, mép nguyên cuống ngắn. Hoa lựu màu đỏ tươi hoặc trắng (được gọi là bạch lựu) mọc riêng lẻ hoặc từng xúm 3 hoa ở kẽ lá thường nở vào mùa hạ.
Qủa mọng, to bằng nắm tay, hình cầu, mang đài còn lại ở phía đỉnh, vỏ dày, ngoài da màu lục, khi chín có màu vàng đỏ lốm đốm. Trong qủa có 8 ngăn xếp thành hai tầng, tầng trên có 5 ngăn, tầng dưới có 3 ngăn, phân cách nhau bởi một màng mỏng. Hạt rất nhiều, hình 5 cạnh, sắc màu hồng trắng.
Thành phần hóa học và công dụng:
Cây lựu được trồng khắp nơi để làm cảnh và lấy qủa ăn. Vỏ thân, vỏ rễ và đặc biệt là vỏ qủa còn được dùng làm thuốc với công dụng sáp tràng (làm săn se niêm mạc), chỉ tả (cầm tiêu chảy), chỉ huyết (cầm máu), khử trùng (trừ giun sán), chuyên dùng để chữa các chứng bệnh như cửu tả cửu lỵ (lỏng lỵ mãn tính), tiện huyết, hoạt tinh, thoát giang (lòi dom), băng lậu, đới hạ (khí hư), trùng tích phúc thống (đau bụng do giun sán)...
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, vỏ qủa lựu có chứa Tanin 10, 4%, Wax, Resin 4, 5%, D-mannitol, Mucilage, Gallic acid, Malic acid, Pectin, Calcium Oxalate, Gum, Inulin, Elaidic acid, Isoquercetriin, Cyanidin 3 - Gluco -side, Cyanidin - 3, 5 Diglucoside, Pelargonidin – 3, 5, - Diglucoside..., có tác dụng băng se và bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, kháng khuẩn, kháng virus và tẩy giun sán. Hoa lựu có vẻ đẹp rực rỡ và qúy phái, đến nỗi cổ xưa nhân có câu : “Ngũ nguyệt hoa lựu chiếu nhãn minh”. Hoặc đại thi hào Nguyễn Du cũng đã viết một câu thơ nổi tiếng về hoa lựu như sau:
“Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”.
Tuy nhiên, ngày nay không ít người biết rằng, trong nền Y học cổ truyền hoa lựu còn là một vị thuốc độc đáo. Theo các Y thư cổ như Bản thảo cương mục, Thánh tễ tổng lục, đắc phối bản thảo, phân loại thảo dược tính..., thạch lựu hoa có vị chua sáp, tính bình, có công năng chủ trị các chứng bệnh như tỵ huyết (chảy máu cam), thổ huyết (nôn ra máu), xuyết huyết do trật đả, kinh nguyệt không đều, lỵ tật, bạch đới (khí hư), viêm tai giữa, đau răng...
Một số hướng dẫn cách dùng cụ thể:
- Phế ung (Áp xe phổi): Hoa lựu trắng 7 đóa, hạ khô thảo 9g, sắc uống. Hoặc hoa lựu 6g, ngưu tất 6g nhẫn đông đằng 15g, bách bộ 9g, bạch cập 30g, đường phèn 30g sắc uống.
- Phế kết hạch (lao phổi): Hoa lựu trắng 30g, hạ khô thảo 30g sắc uống
- Ho và nôn ra máu : Hoa lựu trắng tươi 24 đóa, đường phèn 15g sắc uống.
- Viêm tiền liệt tuyến: Hoa lựu trắng tươi 30g, nấu canh với thịt lợn ăn hàng ngày.
- Lỵ cấp và mãn tính :Hoa lựu trắng 18g, sắc kỹ chia uống ngày 3 lần trong ngày.
- Trĩ xuất huyết: Hoa lựu trắng 7 đóa, đường phèn 9g sắc uống.
- Thoát giang (lòi dom): Hoa hoặc vỏ qủa lựu lượng vừa đủ, phèn chua một chút, sắc kỹ rồi cho thêm một ít bột ngũ tử sao, ngâm hậu môn hàng ngày.
- Khí hư: Hoa lựu 3-5 đóa, sắc với chút rượu uống. Hoặc hoa lựu 30g sắc kỹ, lấy nước bỏ bã rồi ngâm rửa âm đạo.
- Băng lậu: Hoa lựu 9g, trắc bá diệp 9g, sắc uống. Hoặc hoa lựu 3-5 đóa sắc với rượu uống.
- Viêm tai giữa: Hoa lựu lượng vừa đủ, sấy khô, cho thêm chút băng phiến, tán thành bột mịn, mỗi lần lấy một ít thổi vào tai bị đau.
- Chảy máu mũi: Hoa lựu lượng vừa đủ, sấy khô tán bột rồi lấy một ít thổi vào lỗ mũi.
- Đau răng: Hoa lựu lượng vừa đủ sắc uống thay trà hàng ngày.
- Viêm loét miệng: Hoa lựu đốt tồn tính, tán bột rồi bôi vào chỗ loét, mỗi ngày 2 lần. Có thể cho thêm một chút thanh đại thì càng tốt.
- Phỏng: Dùng hoa hoặc vỏ qủa lựu lượng vừa đủ, sấy khô tán bột rồi trộn với dầu vừng bôi lên tổn thương.
- Vết thương xuất huyết: Hoa lựu khô tán vụn rồi rắc lên vết thương.
Lưu ý: Hoa lựu nên thu hái khi vừa mới nở, dùng tươi hoặc đem phơi trong bóng râm cho khô rồi cất giữ nơi khô ráo để sử dụng từ từ. Cũng như vỏ, qủa và vỏ rễ, hoa lựu không nên dùng cho những bệnh nhân bị táo bón. Như vậy, qua tìm hiểu công năng tự nhiên của trái Lựu mang tính chữa bệnh khá nhiều và hiệu qủa cao. Điều này giúp ta nhận rõ Thạch Lựu là một vị thuốc được sử dụng khá phổ biến trong nền Y học Thế giới nói chung và đặc biệt trong nền Y học Đông y của Việt Nam nói riêng.
Chiều kích lịch sử liên quan đến biểu tượng Dòng Anh Em Trợ Thế.
Trước hết xin nói đến yếu tố địa lý, nước Tây Ban Nha có một thành phố mang tên là Granada, thành phố này nằm dưới chân ngọn núi Sierya Nevada có độ cao khoảng 3,478 mét, Grenada hưởng một khí hậu ấm áp và thiên nhiên ưu đãi, ở độ cao 700 mét so với mặt biển. Một thành phố vui tươi nhộn nhịp nằm giữa thung lũng phì nhiêu “Voga de Granada” (được gọi là vười cây ăn trái Granada) chỗ hợp lưu của hai con sông Nil và sông Darre, nơi cung cấp màu mỡ cho đất đai và chảy tràn lan những dòng nước trong trẻo vào vô số những mạch nứơc của các kênh đào kinh thành. Suốt bảy thế kỷ, Granada chịu ách thống trị của quân Hồi.
Quân Hồi đã chiếm phần lớn tài sản về Nông nghiệp, Kỹ nghệ, Tơ lụa và đã xây nhiều đền đài nguy nga tráng lệ, như đền Alhambara, đền Generalefe, những tường thành Albaicin.... Sau đó một thời gian, các vua Công giáo đã chiếm lại được và đã khôi phục vào năm 1492. Trước khi Gioan Cidade đặt chân đến chỉ có 48 năm, thành vẫn còn trong thời kỳ chuyển tiếp và quá độ. (....) Vì là thành phố được thiên nhiên ưu đãi, nên cây cối rất xanh tươi và mát mẻ. Đặc biệt, cây lựu là một trong những loại cây được trồng nhiều nhất vừa làm cảnh, vừa dùng để ăn quả vừa chữa bệnh. Đến nỗi người ta đặt tên cho thành phố ấy là thành phố Granada. Tức là tên của loài cây thạch lựu.
Yếu tố liên quan đến biểu tượng của Dòng
Kể từ khi Gioan Thiên Chúa được ơn ăn năn sám hối, quyết tâm hiến dâng cuộc đời còn lại để phụng sự Chúa trong việc phục vụ bệnh nhân tại thành phố Granada. Tương truyền rằng, có một lần Chúa Giêsu hiện ra dưới hình thức một em bé tay cầm qủa thạch lựu trao cho Gioan Thiên Chúa và nói: “Đây là thánh giá của con”*... và kể từ đó thánh Gioan đã đón nhận và xem đây như là sứ mệnh tông đồ của Ngài.
Đồng thời thánh nhân thực hiện công việc bái ái phục vụ người nghèo người bệnh trong suốt cuộc đời. Và từ đây biểu tượng qủa Thạch Lựu cũng được các con cái của Ngài chọn làm biểu tượng của riêng mình như chính thánh Tổ phụ ngày xưa đã đón nhận từ chính bàn tay Chúa Hài Đồng vậy. Và kể từ ngày đó đến nay, Qủa Thạch Lựu không những chỉ được ươm trồng trong phạm vi thành phố Granada, mà còn được lan rộng khắp các phương trời Năm Châu Bốn Bể, và còn tồn tại mãi mãi hễ nơi nào còn có dấu chân các tu sĩ trợ thế, thì hãy còn có biểu tượng ấy...
Có lẽ, nếu có ai đó lần đầu tiên đến Tu viện, Bệnh viện dòng Thánh Gioan Thiên Chúa mà nhìn vào tháp nhà thờ hoặc các bảng hiệu của Dòng tại phòng khách hay ở đâu đó thường nhìn thấy một hình Logo có in hình qủa Thạch Lựu. Họ có ý nghĩ và chất vấn ngay: “Tại sao biểu tượng của Dòng lại là một qủa ổi chín nhỉ?” Và thật sự đã có rất nhiều người đặt ra câu hỏi này, và họ rất ao ước được một tu sĩ nào đó giải đáp cho thắc mắc trên để họ ra về trong lòng khỏi băn khoăn tại sao?
Vâng ! có thể nói, đây là một vấn đề khá xa xưa và cũ rích như trái đất. Nhưng thiết nghĩ, nếu chúng ta không chịu khó tìm hiểu lịch sử, cội nguồn. Hẳn nhiên câu trả lời sẽ chẳng đơn giản chút nào, hoặc nếu có cắt nghĩa chăng nữa thì có lẽ cũng thiếu....Khi nói tới điều này thực nhớ lại bài báo phần “Thời sự và suy nghĩ” của Báo tuổi trẻ số ra 204/2003 – thứ 2 ngày 01-09-2003, trang 01 của tác giả Điệp Văn Sơn khi đề cập tới “Bài Quốc Ca”. trong đó có đoạn viết: (......) “Nếu chịu khó làm một cuộc khảo sát nhỏ sẽ thấy có nhiều cán bộ công chức không thuộc quốc ca.” Ông nói tiếp “Có một chuyện có thật đáng buồn ở một đại Sứ quán Việt nam ở một nước Bắc Âu, khi tiếp một đoàn đại biểu thanh niên của nước sở tại, các đại biểu say sưa hát quốc ca Việt nam, ngược lại, các nhân viên sứ quán chỉ hát bập be3ï ...”
Cũng vậy, là anh em tu sĩ Trợ Thế, chúng ta cũng cần hiểu rõ về cội nguồn lịch sử của Dòng chúng ta, để khi có ai đó thắc mắc chúng ta có thể hướng dẫn, giải thích về căn tính của ta, chứ nếu không biết thì đó là điều đáng tiếc. Hơn nữa, khi đã biết rõ về nguồn cội cũng như lịch sử của Hội dòng. Chúng ta sẽ càng yêu mến và gắn bó hơn, hăng say dẫn thân hơn trong sứ vụ tông đồ.
ANTON. OH