Đức Hồng y João Braz de Aviz, Tổng Trưởng Bộ Đời sống Thánh Hiến đến thăm và dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho những tu sĩ, chủng sinh Giáo phận Xuân Lộc.Chiều tối ngày 2/9/2018, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giáo phận Xuân Lộc đã đón Đức Hồng Y (ĐHY) João Braz de Aviz- Tổng Trưởng Bộ Đời sống Thánh Hiến và linh mục Donato Cauzzo -Thư ký của ĐHY tại phi trường Tân Sơn Nhất và đưa rước ĐHY cùng cha Donato về Tòa Giám Mục giáo phận Xuân Lộc để dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Tu sĩ của Giáo phận.Dù Thánh Lễ được dâng khá muộn lúc 7g30 PM, nhưng rất đông các tu sĩ nam nữ thuộc các hội dòng và quý Thầy Chủng sinh Xuân Lộc đã hiện diện trong Nhà Nguyện Tòa Giám Mục để chào đón ĐHY và cùng hiệp dâng Thánh Lễ với Ngài. Sự hiện diện quý báu và đông đảo này của quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và chủng sinh Xuân Lộc đã nói lên tâm tình yêu mến dành cho ĐHY Tổng Trưởng Bộ Đời sống Thánh Hiến với cha thư ký của ngài, đặc biệt thể hiện dấu chỉ sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha Phanxicô.Trước khi Thánh Lễ bắt đầu, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo đã thay mặt toàn thể anh chị em tu sĩ, chủng sinh chào mừng Đức Hồng Y. Ngài cũng trần tình rằng, chưa bao giờ có tổ chức một Thánh Lễ với thời khắc muộn như ngày hôm nay. Dù muộn, nhưng sự hiện diện đông đảo của mọi thành phần, những người sống đời thánh hiến trong Nhà Nguyện, cùng hiệp thông trong Thánh Lễ với Đức Hồng Y Tổng Trưởng đã nói lên một sự quý mến và mong mỏi được gặp gỡ Đức Hồng Y tại nơi này.Sau lời chào mừng của Đức Cha Giáo Phận, Cha Đặc trách Tu sĩ Giáo phận đã trình bày với Đức Hồng Y Tổng Trưởng về tình hình chung của tu sĩ trong Giáo phận, bao gồm số các hội dòng, nhân sự tổng thể, các lãnh vực ưu tiên hoạt động đóng góp cho Giáo phận tùy theo đoàn sủng của mỗi hội dòng. Đồng thời, cha Đặc trách cũng nêu lên những thuận lợi và những khó khăn chung mà các hội dòng, các tu sĩ được hưởng lợi và phải đối mặt trong khi thi hành sứ vụ. Thánh Lễ cầu nguyện cho những người sống đời thánh hiến trong giáo phận Xuân Lộc do ĐHY João Braz de Aviz- Tổng Trưởng Bộ Đời sống Thánh Hiến chủ tế. Cùng đồng tế với ĐHY có Đức Cha Ph rô Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Ủy ban Tu Sĩ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, cha Thư ký của ĐHY, cha Giuse Trần Hòa Hưng, SDB, Đặc trách Tu sĩ Giáo phận Xuân Lộc, cùng quý cha Giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, quý Cha thuộc các Dòng.Trong bài giảng lễ, ĐHY đã chào mừng đến tất cả mọi tu sĩ nam nữ, chủng sinh. Điều ngài rất ấn tượng khi nhìn thấy rất nhiều khuôn mặt tu sĩ, chủng sinh rất trẻ, vui tươi đang hiện diện trong Nhà Nguyện này, điều mà ở Roma, ngài khó tìm thấy những khuôn mặt trẻ như thế. Và vì thế, trong xác tín riêng, ĐHY nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương Giáo Hội Việt Nam rất nhiều, và vì Giáo Hội Việt Nam được sinh ra từ giòng máu các Thánh Tử Đạo, cùng với việc phải trải qua những thời kỳ khó khăn. Theo ĐHY, từ những khó khăn đó đã làm nên những hành trình theo Chúa Kitô rất cụ thể vững chắc. Và theo ngài, từ một cộng đoàn trưởng thành này- Giáo Hội Việt Nam- đã nảy sinh ra nhiều người theo Chúa trong đời thánh hiến. Và những người sống trong đời sống thánh hiến không phải cao trọng hơn những người sống đời hôn nhân- gia đình, tuy nhiên, theo Chúa trong đời thánh hiến có một nét đặc biệt hơn, bởi được nuôi dưỡng bằng tình yêu của Chúa. Tuy vậy, thời gian này là thời điểm mà chúng ta cần nhìn lại đời sống thánh hiến của chúng ta. Điểm đầu tiên, là người tu sĩ cần học hỏi rất nhiều trong Tin Mừng và đem ra thực hành, đem Lời Chúa vào trong cuộc sống của chúng ta. Điểm đầu tiên mà tất cả mọi người bao gồm giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ, tập sinh khám phá khả năng đi theo Chúa, và tương quan với Chúa của mọi người phải ở mức độ sâu thẳm. Tất cả những việc làm đó không dừng lại ở kiến thức, nhưng đi vào bên trong, để thấy niềm vui từ bên trong khi đi theo Chúa. Và sự gặp nhau nơi đây là một sự hiệp thông để giúp đỡ nhau trong đời thánh hiến, và không chỉ là hiệp thông với nhau, mà còn là hiệp nhất với Đức Thánh Cha- ngai tòa Thánh Phê rô, một sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha và hiệp thông với nhau. Đồng thời cần phải trung thành với đoàn sủng của Đấng Sáng lập hội dòng, vì đoàn sủng được ví như ngọn nến của Chúa Thánh Thần trao cho Đấng Sáng Lập và chúng ta buộc phải trung thành tuân giữ.Trước khi kết thúc Thánh Lễ, ĐHY Tổng Trưởng đã chia sẻ với cộng đoàn những ý tưởng hay và ngắn gọn xoay quanh “Rượu mới- Bình mới” trong đời thánh hiến ngày hôm nay.Dẫn ý từ Công đồng Vatican II cũng như của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói về tu sĩ-những người theo Chúa Kitô” họ không phải chỉ là theo Chúa Ki tô trên bình diện ý chí”, nhưng hành trình theo Chúa Kitô, như Đức Thánh Cha nhắc đến, cần được nối kết với 3 điểm: đầu- trái tim và đôi tay. Điều này có nghĩa là những người theo Chúa Kitô cần biết suy nghĩ, phân định, yêu thương và hiện thực hóa mọi việc qua hành động. Là môn đệ của Chúa Ki tô, như Công đồng Vatican II nói đến, người tu sĩ không phải là những người tách biệt với cộng đoàn Dân Chúa. Nếu Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, thì những người sống đời thánh hiến là một thành phần trong cộng đoàn Dân Chúa ấy. Điều này đồng nghĩa với việc đi ra bên ngoài, một ý tưởng mà Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn hay nói đến. Giáo Hội cần đi ra bên ngoài, can đảm đến những vùng “ngoại biên”, và như vậy người thánh hiến cũng cần phải đi ra bên ngoài, như Giáo Hội đã làm. Họ phải đi về phía người giáo dân, những người nghèo, những người đang khó khăn, và đây là điểm quan trọng.Đồng thời, theo Chúa Kitô cũng còn phải là đi theo Đấng Sáng Lập Hội dòng, Tu hội…của mình, bởi từ nơi Đấng Sáng lập hội dòng, tu hội, đoàn sủng của Hội dòng được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và ban cho.Một điểm nữa mà ĐHY ĐHY Tổng Trưởng nói đến chính là cần lưu tâm đến việc đối thoại với nền văn hóa mà chúng ta, những người thánh hiến đang sống ở trong đó bao gồm luôn cả văn hóa toàn cầu, văn hóa cá nhân, văn hóa tục hóa…những nền văn hóa đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: làm sao chúng ta, những người thánh hiến, có thể đem ánh sáng của Chúa đến cho những vùng văn hóa ấy. Bởi vì ánh sáng mà chúng ta nhận được từ nơi Chúa Ki tô, không chỉ là dành riêng cho chúng ta, nhưng còn là phải chia sẻ, đem ánh sáng ấy đến cho mọi người. Nếu nhiều hội dòng nơi đây đang là Hội Dòng Giáo phận, hội dòng địa phương, ĐHY khuyến khích, hãy nghĩ đến và trở nên Hội Dòng Giáo Hoàng, để nhờ đó, hội dòng của chúng ta mới có thể giúp đỡ được những nơi khác cần đến, đồng thời, cũng là một phương cách để học hỏi những điều hay từ những nơi khác. Và đó chinh là sự năng động của đời sống thánh thiến.Điểm thứ tư ĐHY nhắc nhớ mọi người rằng: ngày hôm nay, chúng ta không chỉ đi theo Chúa Kitô một mình, nhưng là đi theo Chúa Kitô cùng với nhau, vì thế, hãy tìm lấy những tương quan trong cộng đoàn của chính mình. Nếu một khi chúng ta nhận ra rằng “ Tôi thờ phượng Chúa Ki tô trong lòng, tôi đón nhận Lời Chúa, tôi đón nhận Thánh Thể..và như thế, tôi cần phải học cách trao ban Chúa Ki tô cho anh chị em mình.” Thì sự vượt qua bản thân là điều rất cần thiết khi mà chúng ta muốn trao ban Chúa Kitô cho tha nhân.Từ đây, ĐHY đã nói đến 4 điểm quan trọng khác nữa dựa trên Bản định hướng “Rượu mới và bầu da mới”- một thành quả của Hội Nghị diễn ra từ ngày 27-30/4/2014 của Bộ Các Hội dòng thánh hiến và Tu đoàn tông đồ với chủ đề: “Rượu mới trong bầu da mới, đời sống thánh hiến 50 năm sau Hiến chế Ánh sáng muôn dân và Sắc lệnh Đức ái trọn hảo”. “Rượu mới” luôn luôn là Chúa Ki tô. Vậy bình mới là gì? Có 4 điểm liên quan đến “bình mới”Điểm đầu tiên của “bình mới” đề cập đến việc đào tạo, huấn luyện. Đây là một công việc được thực hiện suốt cuộc đời, từ khi chào đời đến khi nhắm mắt. Một người đã là giáo sư, không có nghĩa họ đã xong quá trình đào tạo và không còn cần phải đào luyện nữa. Tuy nhiên, đào luyện là một sự năng động, không có sự dừng lại, vì nó là một tiến tình. Nhân đức quan trọng nhất trong việc đào luyện là khả năng thay đổi con người của chính mình. Với hình ảnh công việc nặn những chiếc bình gốm, ĐHY nói rằng, người tu sĩ phải để cho Chúa làm việc trong sự thâm sâu của con người mình, nếu chúng ta để Chúa làm việc nhiều hơn trên cuộc đời mình, chúng ta sẽ có những “chiếc bình đẹp” của chính mình.Điểm thứ hai của “bình mới” làm cho chúng ta suy nghĩ lại về quyền lực và sự vâng lời trong đời tu. ĐHY nhắc nhở rằng người bề trên không phải là người điều khiển, áp đặt người khác. Chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa trao ban ơn cứu rỗi cho con người không cách tự do, chứ Ngài không áp đặt ơn cứu rỗi đó trên nhân loại, trên chúng ta. Quyền lực, dựa trên tài liệu “Rượu mới- Bình mới”, là phải tạo được khoảng không cho người khác. Người bề trên là người quyết định cho cộng đoàn mình đi về đâu sau khi đã lắng nghe anh chị em mình. Và vâng lời không phải là kiểu của dân chủ, đi theo số đông, bởi nhiều khi ý kiến của số đông chưa chắc đã nói lên sự thật, trong khi đó, có thể trong số người thiểu số ấy nơi cộng đoàn- 1,2 người- lại có những ý kiến, suy nghĩ nói lên sự thật. Vì vậy, cần phải khám phá mầu nhiệm này. Ngay cả khi Chúa Giêsu than thở với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu “Lạy Cha, xin cất chén này ra khỏi con”, chúng ta thấy dường như trong Chúa Giêsu có sự mâu thuẫn. Vì sao, vì Cha là tất cả của Chúa Giêsu và ngược lại. Vậy mà, Chúa Giêsu lại than thở, nhưng rồi, Ngài đã không chạy trốn mà ở lại trong quyết định của Chúa Cha.Điểm thứ ba của “bình mới” là việc nhìn nhận, khám phá lại hình ảnh trong sáng của mình trong giới tính, phái tính. ĐHY nhắc cho mọi người nhớ rằng, nhân loại này không chỉ có đàn ông, hoặc chỉ có phụ nữ, nhưng là cả hai và cả hai- người đàn ông và người phụ nữ- được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, cần phải khám phá nét đẹp của phái tính, giới tính của mỗi người chúng ta, tu sĩ nam hoặc nữ. Để có như thế, chúng ta sẽ mở ra nhiều hơn với khía cạnh này, thấy sự trong sáng trong tương quan giữa người nam và người nữ.Điểm thứ tư của “bình mới” liên quan đến tiền bạc. Có những nhà dòng, hay cá nhân tu sĩ thuộc loại giàu, nghĩa là có nhiều tiền. Bên cạnh đó, cũng có những nhà dòng nghèo và cá nhân tu sĩ nghèo. Tuy vậy, vấn đề không phải là chỗ có hay không có tiền, nhưng là làm sao tiền bạc đó được đi đúng nơi, đến đúng nơi cần đến. Nhìn lại các vị sáng lập dòng, thường thì các ngài chẳng có tiền bạc, cũng không cơ sở…nhưng các ngài có tình yêu nhiệt thành với Thiên Chúa. Với 2 cụm danh từ “Chuyên nghiệp” và “Tin Mừng” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập, ĐHY nói rằng, ĐTC mời gọi chúng ta không làm việc theo cách khoa học, hay chuyên nghiệp, nhưng việc chúng ta làm cần phải được xây dựng trên tinh thần Phúc Âm, chứ không phải làm sao để có được nhiều tiền.10g00: Thánh Lễ kết thúc và mọi người chia tay ra về trong lời tạ ơn Thiên Chúa vễ những gì mỗi người đã nhận được và có lẽ, ai cũng cảm thấy thao thức về một “bình mới” nơi cá nhân và hội dòng, tu hội của mình.Xem thêm ảnh của cuộc viếng thăm và thánh
Tin: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P; Ảnh: Nguyễn Thương Media
Nguồn: http://giaophanxuanloc.net