Tội lỗi và nỗi buồn

Khi chàng thanh niên giàu có trong Phúc Âm ra đi, từ chối lời mời gọi của Đức Giê-su, không phải anh ra đi với cái xấu, nhưng ra đi với nỗi buồn. Anh vẫn tốt, vẫn chân thành nhưng anh buồn. 

 

Leon Bloy, triết gia Pháp, người có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình giúp ông bà Jacques và Raissa Maritain đến với đức tin, một lần đã phát biểu: “Chỉ có một chuyện buồn đích thực trong đời, đó là không nên thánh.” 

Đây không phải là lời phát biểu của một tấm lòng mộ đạo, nhưng một lời nói thể hiện cái nhìn thấu suốt vào tâm điểm của chính cuộc sống. Tội lỗi làm chúng ta buồn. Cuộc sống sẽ tốt hơn nếu chúng ta thấu hiểu được điều đó. Nhưng chúng ta lại luôn kết hợp tội lỗi với cái xấu hơn là với nỗi buồn, chúng ta đã đánh mất một cái gì đó trong kết hợp này. Tội lỗi làm chúng ta buồn hơn là làm chúng ta xấu. 

Tội lỗi cũng làm chúng ta trở nên xấu bởi vì nó làm chúng ta sa ngã vào dối trá. Đó là nguy hiểm trầm trọng nhất. Sa chước cám dỗ vì yếu đuối và đam mê không làm chúng ta trở nên xấu. Xấu là sau khi phạm tội, chúng ta phủ nhận tội lỗi của mình và đổ lỗi lầm đó cho người khác. Chính điều đó làm tâm hồn chúng ta trở nên thô cứng, lệch lạc và cay chua. 

Chúng ta đã thấy điều này trong câu chuyện của ông A-dong và bà E-và, tội lỗi đầu tiên của loài người. Bất tuân lệnh Thiên Chúa là một tội, nhưng sau đó, họ thấy cần phải lẫn trốn và che phủ lỗi lầm của mình bằng lá cây và các lời biện hộ, kết cục là họ bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Mỗi lần phạm tội, chúng ta cũng có thôi thúc như vậy, cố gắng che đậy và biện hộ cho chính mình. Chúng ta cố gắng hợp lý hóa tội lỗi của mình bằng cách phủ nhận nó đã ảnh hưởng lên chúng ta. Đó là vấn đề, vấn đề không phải là Chúa có tha thứ hay không. 

Chúng ta không cần phải luôn lo lắng về lòng thấu hiểu, bao dung và hay thứ tha của Chúa. Đức Giê-su bảo đảm cho chúng ta lòng quảng đại, tha thứ của Thiên Chúa vượt quá mọi tưởng tượng của chúng ta. Chúa Giê-su tha thứ tất cả những kẻ bách hại Người, ngay cả lúc họ đang giết Người. Giống như dụ ngôn người làm vườn nho, đến giờ nào cũng được phần giống nhau làm rõ vấn đề thật sự của chúng ta, không phải Thiên Chúa bao dung hay không, nhưng chúng ta có đón nhận lòng bao dung mà không cân đo công trạng, hoặc đố kị nào cả không. Điều nguy hiểm không phải là chúng ta sẽ không được trao ban cái chúng ta đáng được hưởng, nhưng nguy hiểm là chúng ta có thể tự mình chấm dứt khả năng nhận ra và tận hưởng niềm vui. Nỗi buồn không phải là lửa địa ngục, nỗi buồn như cái bóng lờ mờ đích thực đe dọa chúng ta. 

Vấn đề của tội lỗi không phải nó làm chúng ta trở nên xấu hay loại chúng ta khỏi tình yêu của Chúa, nhưng nó làm chúng ta buồn, ngay tại đây, bây giờ. Qua kinh nghiệm, chúng ta biết rằng đây chẳng phải là một cái gì trừu tượng. 

Khi phạm tội đến một mức độ nào đó, chúng ta bắt đầu đánh mất đi khả năng tận hưởng các thú vui giản dị, tươi mới, và trở nên chán nản, giận dữ, đố kị, không còn khả năng tận hưởng bất cứ điều gì. Lên một mức độ nào đó thêm nữa, các âm thanh vui vẻ, trong sáng, hồn nhiên bắt đầu làm chúng ta phát cáu, và gần như một cách tự động, chúng ta tự vệ bằng cách tự bọc mình trong một chiếc kén của giả dối, nghi ngờ và khắc nghiệt. Ở trong cái kén khắc nghiệt này, chúng ta rất dễ xem các lựa chọn sai lầm của mình như một chiến thắng tinh thần, một chiến thắng cho tự do, và như một điều gì đó làm chúng ta trở nên thông minh và hiểu biết hơn người khác. 

Tuy nhiên, tội lỗi đến cùng với nỗi buồn, chúng ta không thể giấu người khác được dù chúng ta cố để giấu chính mình. Giống như ông A-dong và bà E-và, chúng ta bước ra khỏi vườn địa đàng với đôi mắt mở to hơn, nhưng trái tim thì có ít khả năng chứa đựng cảm hứng và đam mê.

 

Tội lỗi lấy đi sự hồn nhiên bằng cách làm tổn thương và giết chết “đứa trẻ” trong chúng ta. Như chúng ta biết, để được hồn nhiên có nghĩa là không bị tổn thương và có khả năng diễn tả niềm vui, chứng nghiệm qua kinh nghiệm và qua Thánh Kinh, liên quan với hồn nhiên, với những gì giống trẻ thơ trong tâm hồn chúng ta. Chính xác, tội lỗi làm chúng ta buồn, nó làm chúng ta thành giả dối vì đã làm tổn thương đến “đứa trẻ” trong chúng ta. Ngược lại cũng đúng. 

Cách đây vài năm, một nhóm linh mục trẻ mời tôi tham gia một buổi trong số những buổi họp mặt hằng tuần của họ. Nhóm của họ không giống bất cứ một nhóm linh mục nào. Họ đến để khích lệ nhau trong quyết tâm sống đời linh mục sao cho lương thiện hơn, trong sáng hơn, khó nghèo hơn, và nên thánh hơn. Vì vậy, mỗi tuần họ gặp nhau, thành thật kể cho nhau nghe tội lỗi rất riêng tư và những yếu đuối của mình.  Hiển nhiên, họ đã trở thành những vị linh mục tốt hơn, và đó chính là mục tiêu của họ. Nhưng điều ngạc nhiên, giống như một kết quả phụ kèm theo, việc làm đó làm cho họ có nhiều, rất nhiều hạnh phúc hơn với cuộc sống. Niềm vui của họ (bớt giận, bớt tủi thân, bớt than phiền) có thể thấy được. 

Thành viên trẻ nhất của nhóm, chỉ mới ba mươi lăm tuổi, kể với tôi rằng: “Cha biết không, con tham gia nhóm này từ năm ngoái, tuần nào con cũng đến với nhóm. Nỗ lực để sống tốt hơn là điều khó khăn nhất mà con đã từng thi hành trong cuộc đời của con. Nhưng cũng là điều tốt đẹp nhất mà con đã làm. Con chưa bao giờ hạnh phúc như thế này!” 

Khi chàng thanh niên giàu có trong Phúc Âm ra đi, từ chối lời mời gọi của Đức Giê-su, không phải anh ra đi với cái xấu, nhưng ra đi với nỗi buồn. Anh vẫn tốt, vẫn chân thành nhưng anh buồn. 

Và có phải đó là tình cảnh hoài mãi của chúng ta không?

Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch