VATICAN. Tòa Thánh mời gọi các Phật Tử cùng với các tín hữu Công Giáo bài trừ nạn tham nhũng trên thế giới.
Lời mời gọi này được Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn gửi đến các Phật tử trên thế giới hôm 11-4-2018 trong sứ điệp chúc mừng nhân dịp lễ Vesakh.
Đối với các tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ Vesakh mừng cuộc đản sinh, thành đạo và viên tịch của Đức Phật, năm nay trùng vào ngày 29-5 tới đây, trong khi các tín đồ Phật giáo đại thừa, cử hành các biến cố đó vào những ngày khác nhau.
Sứ điệp mang chữ ký của ĐHY Chủ Tịch Jean Louis Tauran và vị Tổng thư ký là Đức Cha Miguel Ángel Ayoso Guixot, trong đó hai vị khẳng định rằng nạn tham nhũng là hiện tượng lạm dụng vị thế quyền bính để mưu lợi cho bản thân, trong lãnh vực tư cũng như công. Tệ nạn này lan tràn trên thế giới đến độ LHQ đã ấn định 9-12 là Ngày Thế giới chống nạn tham nhũng.
Sứ điệp của Tòa Thánh nhắc đến giáo huấn của Công Giáo cũng như của Phật giáo đều chống lại và lên án tệ nạn tham nhũng, dầu vậy vẫn có những tín đồ tham ô hối lộ, gây bao nhiêu thiệt hại cho xã hội và đất nước. Sứ điệp có đoạn viết: ”Dân chúng lấy làm gương mù vì những nhà chính trị bất tài và tham ô, vì luật pháp thiếu sót và sự thiếu khả năng điều tra về những vụ tham nhũng trầm trọng nhất. Từ đó nảy sinh những phong trào mỵ dân, nhiều khi do trào lưu tôn giáo cực đoan thúc đẩy và hỗ trợ, để phản đối và chống lại những vi phạm chống lại sự thanh liêm trong đời sống công cộng”.
Hội đồng Tòa Thánh cũng khẳng định rằng ”chúng ta không thể đáp trả nạn tham nhũng bằng sự im lặng, và những ý tưởng xuất phát từ thiện ý là điều không đủ trừ khi chúng được mang ra thực hành để bài trừ tham nhũng... Sự đóng góp chính yếu của chúng ta là khuyến khích các tín đồ liên hệ gia tăng đời sống thanh liêm và cảm thức về công bằng và tráach nhiệm.”
”Sự dấn thân chúng của chúng ta trong việc bài trừ tham những phải bao gồm cả sự cộng tác với các phương tiện truyền thông và với xã hội dân sự để phòng ngừa và tố giác tham nhũng; kiến tạo sự ý thức nơi quần chúng về nạn tham nhũng, buộc những công chức biển thủ công quỹ quốc gia phải chịu trách nhiệm về những hành động của họ, bất phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến và giai cấp; giảng dạy và soi sáng cho tất cả mọi người, nhất là các nhà chính trị và các công chức, hãy hành động hết sức thanh liêm về thuế khóa, tài chánh; khởi sự những tiến trình luật pháp để phục hồi những của cải họ đã ăn cắp do tham nhũng và đảm bảo thi hành công lý đối với những tội phạm..”
Và sứ điệp kết luận rằng: ”Các bạn Phật Tử thân mến, chúng ta hãy tích cực dấn thân thăng tiến một môi trường không có tham nhũng trong các gia đình và các tổ chức xã hội, chính trị, dân sự và tôn giáo của chúng ta, để sống một cuộc sống lương thiện và thanh liêm” (Rei 11-4-2018)
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news