Tình Người Trong Đại Dịch Covid-19
Quý vị và các bạn thân mến,
Hơn một năm qua, mọi quốc gia trên thế giới vẫn đang oằn mình đương đầu và đối phó với cơn đại dịch toàn cầu Covid-19. Những ngày cuối tháng 4/2021 vừa qua, cả thế giới bàng hoàng trước sự bùng phát làn sóng mới của cơn đại dịch này tại Ấn Độ.
Theo truyền thông đưa tin, khắp Ấn Độ nơi nào cũng có ổ dịch, mọi bệnh viện đều quá tải, oxy không đủ, và vô số người bỏ mạng vì Covid-19, khi chưa tới được nơi điều trị. Giữa tình trạng hỗn loạn và hết sức bi thương đó, mạng truyền thông đăng tải bức ảnh một người phụ nữ Ấn Độ đang nỗ lực dùng miệng của mình mà hô hấp cho người chồng đang hấp hối vì Covid.
Theo báo Indian Express, người phụ nữ này đã cố gắng đưa chồng mình đến nhiều bệnh viện ở Ấn Độ nhưng đều bị từ chối, vì không còn oxy và giường bệnh. Trong suốt quãng đường đó, cô phải dùng miệng của mình hô hấp nhân tạo để cố gắng duy trì sự sống cho chồng mình, bất chấp việc chính cô cũng bị lây nhiễm virút đáng sợ này.
Tiếc thay, người chồng cũng không kịp nhận được sự cứu chữa và đã qua đời trong vòng tay người vợ của mình. Bức ảnh thương tâm ấy được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội, khơi dậy bao nỗi xót xa và thương cảm của nhiều người. Có người đã ngậm ngùi thốt lên rằng: “bức ảnh này cho thấy nỗ lực tranh đấu quyết liệt với cơn đại dịch của con người để giành lấy sự sống cho những người thân yêu của mình đến giây phút cuối cùng”.
Quý vị và các bạn thân mến,
Người ta thường nói rằng: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Điều này quả thật không sai, khi qua các phương tiện truyền thông trong thời đại dịch Covid này, chúng ta nhìn thấy được nỗ lực của biết bao người tìm mọi cách để duy trì sự sống cho người thân yêu của mình. Vì tình yêu dành cho người chồng đang sức tàn lực kiệt vì Covid, người phụ nữ trong bức ảnh ấy là đại diện cho rất nhiều người, bất chấp sự đe dọa của tử thần và hiểm nguy của bản thân, mà cố gắng giữ lấy sự sống cho người mà họ yêu thương.
Cùng chung dòng chảy đau thương của con người và thời đại, rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống, hoc tập và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới – nơi là tâm dịch hay những vùng đang hứng chịu hậu quả thê lương của cơn đại dịch toàn cầu này, cũng kinh nghiệm được những nỗi mất mát và thống khổ. Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh trong những ngày cuối tháng Tư và đầu tháng Năm năm 2021 cũng đang diễn biến hết sức phức tạp.
Các vị lãnh đạo quốc gia, các cơ quan y tế cũng như mọi nguồn nhân lực trên đất nước đều dốc sức thực hiện những biện pháp quyết liệt chưa từng có để ngăn chặn làn sóng lây lan dịch bệnh, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. Giữa khung cảnh chết chóc và đầy lo âu vì cơn đại dịch, Đức Thánh cha Phanxicô đã mở ra cho người Kitô hữu chúng ta một cách thức cụ thể và hữu hiệu để đối phó với cơn đại dịch này, đó chính là thể hiện một tình yêu không giới hạn và vì công ích.
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, ngày 9/9/2020, có sự tham dự của các tín hữu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ tại Ý, được tổ chức tại sân Damaso của Vatican, Đức Thánh cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Câu trả lời của Kitô giáo đối với đại dịch và những khủng hoảng kinh tế xã hội, hậu quả của đại dịch, được dựa trên tình yêu, trên hết là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn đi trước chúng ta (1Ga 4,19)”.
Đức Thánh cha cũng khẳng định rằng sự dấn thân của các Kitô hữu trong nỗ lực chữa lành thế giới bị thương tích vì đại dịch này, được truyền cảm hứng bởi tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Tình yêu này kêu gọi chúng ta không đặt giới hạn cho tình yêu của chúng ta đối với người khác và cũng không dựng lên rào cản, biên giới hay sự phân biệt cho tình yêu khi hành động vì công ích để giải quyết những vấn đề trầm trọng do đại dịch gây ra.
Ước mong rằng cơn đại dịch Covid không làm phai nhạt tình yêu trong lòng chúng ta dành cho tha nhân, đặc biệt là những người đang là nạn nhân của đại dịch này, nhưng khơi dậy niềm cảm thông và sự nâng đỡ tinh thần mà chúng ta dành cho họ trong lời cầu nguyện. Đồng thời, mỗi người chúng ta cũng luôn ý thức tuân giữ các quy định phòng dịch để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.
Lạy Chúa, giữa những khổ đau và hoang mang vì cơn đại dịch này, xin Chúa cho chúng con đừng khép kín lòng lại với tha nhân nhưng biết liên đới với nhau trong lời cầu nguyện và những cử chỉ bác ái phù hợp, để nhờ ơn Chúa và tình bác ái của mọi người ở mọi nơi trên thế giới, cơn đại dịch này sẽ sớm bị đẩy lui và mọi người lại được sống bình yên. Amen.
Duy An
Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org