Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997) Nữ tu Sáng lập Dòng
“Thương hiệu” của bạn là gì?
Lúc sinh thời mẹ Têrêsa Calcutta đã từng giới thiệu về mình: “Theo huyết thống, tôi là người Anbani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian. Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu” (Mẹ Têrêsa).[1]
Văn phong câu nói giống hệt như văn phong quảng cáo một thương hiệu… Mà quả thật, chính mẹ Têrêsa Calcutta là một thương hiệu; Hội dòng Thừa sai Bác ái và các Hội khác Mẹ sáng lập là một nhóm thương hiệu;… Mẹ đã làm nên một thương hiệu nổi tiếng có gắn “logo là trái tim yêu thương của Chúa Giêsu.”
Liên quan đến thương hiệu Têrêsa Calcutta tưởng cũng nên kể về bộ đồng phục mà mẹ đã chọn cho mình và các đồng nghiệp.[2] Đó là bộ tu phục sari trắng đơn giản với các sọc xanh. Các chị em Hội dòng của mẹ Têrêsa cho biết, trước khi mẹ qua đời mẹ không muốn tên của mình được sử dụng cho mục đích thương mại, vì vậy các chị em trong Hội dòng không muốn để tu phục của họ bị lợi dụng qua các hình thức thương mại... Vì vậy, vào năm 2013, Hội dòng Thừa sai Bác ái đã đăng ký bản quyền để bảo vệ nó.
Tuy nhiên, công việc này không mấy dễ dàng đối với chính quyền Ấn Độ. Mặc dầu vậy, ngày 04/9/2016, bộ tu phục của Hội dòng đã được cấp quyền sở hữu trí tuệ, đó cũng chính là ngày mà mẹ Têrêsa được Đức Thánh Cha Phanxicô phong hiển thánh.[3]
Thương hiệu có gắn “logo là trái tim yêu thương của Chúa Giêsu” mà mẹ Têrêsa Calcutta và các chị em trong dòng đã tạo nên, làm thành một kiểu mẫu cho người trẻ hôm nay bắt chước. Chỉ dẫn để tạo “thương hiệu của người trẻ”[4] một thương hiệu giúp trẻ trung và dấn thân trong phục vụ và bác ái yêu thương có thể tìm thấy trong Tông huấn Đức Kitô đang sống các số từ 168 đến 174. Thương hiệu ấy mời gọi người trẻ sống giữa xã hội và thế giới để mang Tin Mừng cho khắp mọi nơi, hoạt động vì sự lớn mạnh của hòa bình, hòa hợp, công bằng, nhân quyền và lòng thương xót,...
Thương hiệu ấy giúp người trẻ xây dựng các cây cầu qua các trải nghiệm của văn hóa gặp gỡ. Cụ thể là: biết sử dụng tài năng và kỹ năng một cách sáng tạo... dành thì giờ cho người già và người khổ đau,… quan tâm đến những người vô gia cư, giúp phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hoặc cung cấp nhiều loại trợ giúp cho người túng thiếu… cộng tác với nhau trong môi trường đại học…
Ngày nay, các công ty, các doanh nghiệp đều rất coi trọng thương hiệu bản quyền. Lý do là vì họ muốn uy tín và chất lượng sản phẩm không thể bị đánh cắp hay buôn bán trao đổi một cách giảm giá các sản phẩm của họ. Thế giới hôm nay phải nghiêng mình vì tấm lòng nhân hậu của mẹ Têrêsa đối với người nghèo. Sinh thời Mẹ đã nổi danh với các hoạt động bác ái, một người không mỏi mệt trong việc tìm kiếm và cứu giúp những nghèo nhất trong số những người nghèo.
Mẹ đã từng tuyên bố: “Nếu trên cung trăng có người nghèo tôi cũng sẽ lên đó để giúp đỡ họ.” Đây là cách mẹ Têrêsa xây dựng và bảo vệ thương hiệu có gắn “logo là trái tim yêu thương của Chúa Giêsu.” Còn bạn và tôi, chúng ta đang chọn và bảo vệ “thương hiệu” nào? Gương của mẹ Têrêsa và lời mời gọi của Tông huấn Đức Kitô đang sống có lẽ đang để lại cho mỗi chúng ta những thôi thúc mãnh liệt.
Giờ đây, cùng với mẹ Têrêxa chúng ta cầu nguyện xin Chúa cho chúng ta biết bảo vệ thương hiệu yêu thương mà Chúa đã dạy chúng ta.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày, nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách: những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu Lời Chúa; những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước, nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương; những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác, nhưng còn trong tinh thần nữa, bằng cách thực thi lời hy vọng này: “Ðiều mà ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính Ta." (Mẹ Têrêxa Calcutta)
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org