Hiện nay, ở một số quốc gia trên thế giới, thực trạng thuốc giả đã và đang là một thảm họa lớn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
Thuốc giả là gì?
Với nhiều quan niệm khác nhau tùy theo quan điểm của từng quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một định nghĩa thống nhất về thuốc giả như sau: "Thuốc giả là thuốc được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Việc làm giả có thể áp dụng cho cả sản phẩm thương mại và sản phẩm gốc, các sản phẩm giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng, hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất, không đủ hoạt chất hoặc với bao bì giả". Thuốc giả có thể chia thành 6 nội dung có liên quan đến hình thức giả mạo và mức độ giả mạo của chúng như: sản phẩm không có hoạt chất, sản phẩm có lượng hoạt chất không đúng, sản phẩm có hoạt chất sai, sản phẩm có lượng hoạt chất đúng nhưng có bao bì giả, nhái lại sản phẩm nguyên bản, sản phẩm có nồng độ hoạt chất không tinh khiết và có chất nhiễm bẩn cao. Khi kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu phổ biến ngày càng nhiều. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng từ 10-30% thuốc bán trên thị trường các nước đang phát triển có thể là thuốc giả; một số nghiên cứu khác cho rằng tỷ lệ này còn cao hơn. Đối với các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Australia, Canada, New Zealand và các nước EU..., thuốc giả chiếm tỷ lệ thấp, chưa đến 1%. Thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng được làm giả một cách tinh vi, nếu nhìn bằng mắt thường rất khó có thể phát hiện được. Trước đây, với kỹ thuật công nghệ thấp, muốn làm giả một sản phẩm thuốc tân dược phải mất một thời gian khá lâu. Hiện nay với sự phát triển của công nghệ hiện đại, chỉ cần vài tuần, thậm chí vài ngày là các đối tượng, tổ chức cơ sở làm thuốc giả, thuốc nhái có thể sản xuất ra các sản phẩm tương tự thuốc thật mà mắt thường khó có thể phân biệt được.
Làm sao nhận biết được thuốc giả?
Với công nghệ sản xuất thuốc giả tinh vi hiện đại thì không thể phân biệt được thuốc thật, thuốc giả bằng mắt thường. Bệnh nhân và thân nhân người bệnh rất dễ mua nhầm phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường, kể cả thuốc tân dược lẫn đông dược. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải đề cao cảnh giác, tự tìm tòi, học tập, nâng cao kiến thức và trở thành một người am hiểu để có thể nhận biết được phần nào thuốc giả. Đây là một việc rất khó vì với kỹ thuật công nghệ sản xuất tinh vi, hiện đại thì thuốc "giả mà như thật" hiện nay là một thách thức rất lớn đối với cộng đồng, kể cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Dù sao trên thực tế và dựa vào kinh nghiệm kết hợp với sự cảnh giác, thận trọng, tinh ý; người mua thuốc có thể phát hiện ra thuốc giả hay thuốc thật đối với những loại thuốc đã quen sử dụng, còn các loại thuốc chưa sử dụng lần nào sẽ bị lúng túng khi phân biệt. Bằng cảm quan, nhận xét, có thể căn cứ vào mùi vị, màu sắc... của thuốc dự định mua để so sánh với thuốc thật đã quen sử dụng. Thử bẻ viên thuốc ra xem thì thuốc giả dễ bị vỡ hơn so với thuốc thật. Thuốc giả cũng thường được đóng gói kém chất lượng, kém thẩm mỹ hơn, nhãn mác, tên thuốc cũng có sự "nhái" lại; đối chiếu từng mẫu tự của nhãn thuốc sẽ thấy có một hoặc hai ký tự khác đi so với thuốc thật. Để nhận biết chắc chắn cần phải lấy mẫu thuốc đem về phòng thí nghiệm và kiểm nghiệm, đánh giá. Việc kiểm nghiệm này phải được thực hiện tại phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn của các trung tâm kiểm nghiệm hoặc viện kiểm nghiệm thuốc-mỹ phẩm-thực phẩm với đầy đủ máy móc, trang thiết bị, hóa chất... cần thiết theo quy định của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới.
Biện pháp khắc phục chống tệ nạn thuốc giả
Các biện pháp khắc phục chống tệ nạn thuốc giả hiện nay phải có quy mô rộng lớn vì thảm họa thuốc giả đã mang tầm cỡ quốc tế. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của người dân ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển và các nước kém phát triển. Theo các chuyên gia, một trong những tác nhân gây nên thực trạng này chính là sự mở cửa cho thị trường tự do thương mại hoạt động, đặc biệt ở những nước khuyến khích thương mại phát triển, nơi đó hàng rào thuế quan bị hủy bỏ hoặc giám sát một cách lỏng lẻo. Điều này đã tạo kẽ hở để thuốc giả thâm nhập hoặc sản xuất và đóng gói giả mạo rồi tung ra thị trường. Giám đốc Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) Ilisa Bernstein đã nói: "Tự do thương mại đã bị sự giả mạo xâm chiếm, kể cả việc bán hàng trên mạng cũng là một đường đi an toàn của thuốc giả".
Khi kỹ thuật công nghệ càng phát triển tối tân, hiện đại thì tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, thuốc nhái nhãn mác, mẫu mã... càng nhiều. Các loại thuốc giả thường chỉ được phát hiện khi đã lưu hành trên thị trường và cũng rất khó truy tìm nguồn gốc, thủ phạm. Hầu hết các trường hợp thuốc giả được phát hiện khi những nhà sản xuất tiếp nhận thông tin phản hồi thuốc do cơ sở mình sản xuất ra không đáp ứng hiệu quả trong điều trị hoặc các cơ quan quản lý, kiểm nghiệm thuốc đi kiểm tra định kỳ hay đột xuất, thu mẫu để xét nghiệm, đánh giá thì mới phát hiện được. Đưa ra các quyết định thu hồi và đình chỉ thuốc giả lưu hành trên thị trường chỉ là biện pháp thụ động, ngành y tế cần tìm một biện pháp chủ động hơn để ngăn chặn trước khi thuốc được sản xuất và lưu hành trên thị trường. Để góp phần vào việc hạn chế tình trạng thuốc giả đang lưu hành trên thị trường, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở phấn đấu xây dựng các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành Nhà thuốc tốt (GPP), phục vụ thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân là thuốc thật. Đối với mỗi người dân, cần cảnh giác với thực trạng thuốc giả đang lưu hành hỗn loạn trên thị trường hiện nay và hãy tự bảo vệ mình, những người thân trong gia đình mình bằng cách tự trang bị kiến thức để nhận biết đâu là thuốc giả, đâu là thuốc thật mà đề phòng.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh (Sk&Đs)
Nguồn: http://www.thuocbietduoc.com.vn