Chị Courtney ở Temecula, California đang theo dõi qua ứng dụng Radio Immaculate Heart, chị đang trò chuyện với Jimmy Akin, xin mời chị đặt câu hỏi. Xin chào, câu hỏi của tôi là:
Có phải Chúa đã tạo ra bệnh tật? Tôi muốn đặt câu hỏi này bởi vì tôi đang mắc chứng bệnh thoái hóa mắt gọi là Hội chứng Kearns-Sayre, và tôi luôn nghĩ rằng chính Thiên Chúa, vì một lý do nào đó, đã gửi nó đến cho tôi, vì tôi sẽ trở nên người tín hữu tốt lành hơn nhờ căn bệnh này, và tôi có thể làm được nhiều điều hơn với căn bệnh mà tôi đang mang này.
Vâng, tôi phải nói là câu trả lời cho câu hỏi này không hề đơn giản chút nào. Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy có nhiều đoạn mô tả về bệnh tật, như là một bệnh dịch, như thể do Thiên Chúa gửi đến, như thể Ngài chủ ý gây ra nó.
Nhưng chúng ta cũng biết rằng không nên hiểu những đoạn văn trong Kinh Thánh theo nghĩa đen thuần túy. Một trong những điều chúng ta nhận thấy được, khi nghiên cứu cẩn thận cách thức ngôn ngữ được sử dụng trong Thánh Kinh đặc biệt khi trình bày về Thiên Chúa, các tác giả Thánh Kinh, và các bậc tiền nhân nói chung,nói rằng như thể Thiên Chúa chủ động GÂY RA những thứ mà vốn dĩ chúng ta cũng có lý do để tin rằng thực ra Ngài chỉ CHO PHÉP (xảy ra) mà thôi.
Một ví dụ về điều này thực ra liên quan đến một bệnh dịch.Có một sự kiện rất nổi bật đã được chép lại trong các sách sử của Cựu Ước, khi vua Đa-vít tiến hành một cuộc điều tra dân số của It-ra-en, được xem như một biểu hiện của việc thiếu niềm tin vào Thiên Chúa. Giống như việc ông ấy đang cố thiết lập một đạo quân và ông tin vào đạo quân của mình thay vì tin vào Thiên Chúa, và kết quả là một bệnh dịch đã ập xuống vương quốc It-ra-en.
Và Thiên Chúa… Vua Đa-vit sau đó đã sám hối, ông đã mua một mảnh đất để xây dựng đền thờ dâng cho Thiên Chúa sau này, và đó là thời khắc rất quan trọng trong lịch sử It-ra-en, nhưng điều đáng quan tâm trong sự kiện này là những cách giải thích khác nhau trong những sách lịch sử khác nhau. Theo một bản văn, chính Thiên Chúa đã tác động vua Đa-vit thực hiện cuộc điều tra này; nhưng theo một bản văn khác, ma quỷ đã tác động đến lòng trí vua Đa-vit khiến ông thực hiện việc đó.
Và cả hai bản văn đều đồng ý rằng đó là một điều không hợp lẽ, vì sau đó vua Đa-vit đã bị trừng phạt vì điều này, nhưng một bên thì cho rằng đó là ý Chúa, còn bên kia thì cho là do ma quỷ.
Vậy chúng ta nên hiểu thế nào? Vâng, theo lô-gic, cả tôi lẫn nhiều nhà chú giải cho rằng tiền nhân có một thói quen, vì họ muốn diễn tả Thiên Chúa là đấng đầy sức mạnh và quyền năng, nói về Thiên Chúa như thể Ngài gây ra những việc đó dù thực tế Ngài chỉ cho phép chúng xảy ra.
Và để dung hòa hai bản văn này, chúng ta có thể nói rằng, vâng, thật ra, đây là một sự dữ và ma quỷ đã tác động đến vua Đa-vit, và Thiên Chúa đã cho phép ma quỷ làm như vậy.
Nhưng vì cách tiền nhân có xu hướng nói về Thiên Chúa, và những vị vua nói chung đều chủ động và có quyền quyết định mọi sự trong vương quốc của họ, nên vấn đề sẽ được hiểu theo cách khác.
Và điều đó có nghĩa là khi chúng ta đọc thấy ngôn ngữ mô tả Thiên Chúa tạo ra bệnh tật thì chúng ta sẽ phải đặt câu hỏi: “Điều này đúng theo nghĩa đen, hay chỉ là một cách diễn tả Thiên Chúa dựa vào việc tiền nhân đã nhìn nhận thế nào, và phải chăng Thiên Chúa thật sự cho phép bệnh tật xảy ra?” Và không hề có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này.
Các nhà thần học và triết học luân lý đã trình bày sự khác biệt giữa cái được gọi là “sự dữ luân lý,” còn gọi là tội lỗi, và “sự dữ tự nhiên,” tức là sự đau khổ, xét theo bản chất.
Và Thiên Chúa không tạo ra sự dữ luân lý vì chính đó lại là một sự dữ luân lý. Nếu Thiên Chúa làm vậy, chính Thiên Chúa sẽ phạm tội nếu Ngài khiến người ta phạm tội. Nhưng nhiều nhà thần học Công Giáo trong quá khứ đã nói rằng Thiên Chúa tạo ra sự đau khổ bởi vì đó không phải là sự dữ luân lý. Sự đau khổ có thể mang đến ơn ích, ý tôi muốn nói rằng đó là lý do chúng ta có thể cảm thụ nỗi đau qua xúc giác, và nó khiến chúng ta có cái nhìn tích cực hơn về việc giữ mình không làm đau chính mình.
Chị biết đấy, có những người bẩm sinh đã mang một hội chứng bất thường đó là không cảm giác được những cơn đau, và họ không cảm thấy đau đớn. Họ có thể tự cắt thịt, hay tự thiêu, họ có thể làm chính họ chịu thương tích, bởi vì họ không có cơ chế cảm thụ được nỗi đau cơ thể.
Vì đau khổ có thể đóng vai trò tích cực, nên nhiều nhà thần học trong lịch sử đã nói rằng, “Thiên Chúa có thể tạo ra điều đó” và Thiên Chúa, dù không mang tội, có thể gửi đến những đau khổ cho một người, miễn là người đó sinh ơn ích từ những nỗi đau họ chịu.
Và Courtney, cách lý giải mà chị có trong hoàn cảnh của chị phù hợp với lối giải thích đó. Lý giải của chị phù hợp với cách chú giải vừa nêu.
Đó là chú giải thần học chính thống.
Nhưng mặt khác, nhiều nhà thần học ngày nay tỏ ra ngần ngại khi cho rằng Thiên Chúa đã chủ ý gây ra những sự đau khổ ngay cả khi nó sinh ra những ơn ích.
Nhiều người nói rằng có thể chúng ta muốn nhìn sự đau khổ bằng lăng kính khác, và nói rằng thật ra Thiên Chúa đã cho phép sự đau khổ xảy đến để mang lại những ơn ích, nhưng Ngài không hề chủ động gây ra nó. Và với cách nhìn này, Thiên Chúa không hề chủ động gây ra hay tạo nên bệnh tật hay cái chết cho một ai, nhưng–
và những bản văn chép rằng như thể Ngài đã làm như vậy, chị biết đấy, theo cách nhìn nhận của tiền nhân về câu chữ, không phải theo nghĩa đen–
Nhưng Ngài đã cho phép điều đó xảy ra để mang đến những ơn ích từ đó. Dù thế nào, sẽ không có những đau khổ hay bệnh tật mà không có ơn ích
Chúa gửi kèm theo, nhưng có một câu hỏi mở về thần học liên quan đến việc liệu Chúa chủ động tạo ra những sự ấy hay đơn thuần cho phép chúng xảy ra.
Câu trả lời có giúp chị hiểu không,Courtney?
Có, tôi đã hiểu được một chút, cảm ơn anh rất nhiều.
Tôi rất hân hạnh, và xin Chúa chúc lành cho chị và chúng tôi sẽ xin khán thính giả tiếp tục cầu nguyện cho chị cũng như cho những ai đang trong hoàn cảnh tương tự.
Cảm ơn Courtney. Cảm ơn!
Cảm ơn vì đã trao đổi với chúng tôi Courtney.
Chuyển ngữ: Nguyễn Danh
Hiệu đính: Minh Vương
Phụ đề: Minh Anh
Trích đăng từ nguồn: https://dongten.net/2019/01/15/thien-chua-gay-ra-benh-tat-chang