Thêm một mái nhà cho bệnh nhân nghèo

Sau ba năm xây dựng, Dòng Gioan Thiên Chúa đã hoàn thiện và bắt đầu đưa vào hoạt động ngôi nhà lưu trú dành cho bệnh nhân nghèo tại cơ sở chính của nhà dòng (P.Tân Biên, TP Biên Hòa, Ðồng Nai). 

Giữa thời kỳ dịch bệnh, khi bệnh nhân nghèo chất chồng khó khăn thì việc có thêm một địa chỉ bác ái như điểm tựa với họ. Nhân dịp mừng vui với nhà lưu trú mới, linh mục Antôn Nguyễn Chân Hồng, phụ trách công trình ý nghĩa này đã chia sẻ với báo Công giáo và Dân tộc một số thông tin. 

 

PV: Tòa nhà mang ý nghĩa như thế nào với người bệnh cũng như với dòng, thưa cha?

Cha Antôn Nguyễn Chân Hồng:  Mục đích và tôn chỉ của Hội dòng từ ngày đầu đến nay là các tu sĩ sống đời thánh hiến, tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, và lời khấn phục vụ bệnh nhân theo tinh thần thánh Gioan Thiên Chúa, với châm ngôn: “Qua thân xác yếu hèn tới linh hồn bất diệt”. Nghĩa là chăm sóc con người toàn diện, bao gồm các yếu tố như: thể lý, tâm lý, tâm linh và xã hội. Các tu sĩ được mời gọi thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người nghèo, người bệnh, và giúp đỡ họ cách toàn diện. Nơi mỗi con người, chúng ta nhận ra họ là những người anh em, không một chút kỳ thị, chúng ta đón tiếp họ như phục vụ chính Chúa Kitô đau khổ. Do đó, khi Dòng hiện diện, phục vụ tại Việt Nam, công việc chăm lo cho bệnh nhân vẫn luôn xuyên suốt qua nhiều hoạt động. Với những thuận lợi là Hội dòng chuyên trách về lãnh vực y tế trong việc phục vụ người nghèo, người bệnh, các tu sĩ luôn coi việc chăm sóc bệnh nhân như phục vụ chính Chúa Giêsu. Trải qua gần 70 năm hiện diện trên quê hương Việt Nam, Dòng luôn nhận được sự trân trọng và quý mến của mọi tầng lớp trong xã hội.

Các tu sĩ của Dòng đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu chữa bệnh bằng phương pháp y học dân tộc theo phương châm: “Nam dược trị Nam nhân”. Ðặc biệt, chữa trị các di chứng do tai nạn và tai biến, qua phương pháp châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu rất hiệu quả, đồng thời giúp rút ngắn thời gian điều trị, cũng như giảm bớt chi phí cho người bệnh. Bởi thế, các phòng khám ngày càng nhiều bệnh nhân tìm đến. Phần lớn là người nghèo, thuộc mọi hoàn cảnh. Ngoài việc giúp đỡ chữa trị bệnh tật, chúng tôi còn phục vụ bữa ăn, nơi ở cho bệnh nhân, đồng thời, còn tham gia cộng tác với Ban Bác ái Xã hội của các Giáo phận, trong việc huấn luyện kiến thức y tế cộng đồng, phòng ngừa bệnh truyền nhiễm và mục vụ chăm sóc bệnh nhân theo tinh thần Kitô giáo.

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn đó những khó khăn, như việc đào tạo nhân sự, nâng cao kỹ năng chuyên môn, xây dựng cơ sở, phương tiện y khoa, vì là phòng khám từ thiện, nên tất cả chi phí trang trải đều phải tự lực, nếu có thu một vài khoản cũng chỉ ở mức tượng trưng. Hầu hết bệnh nhân đến chữa trị đều là người nghèo, với những căn bệnh mạn tính, thời gian điều trị lâu dài, thậm chí có bệnh nhân sống đời thực vật rất đáng thương, họ rất cần được ở lại để điều trị vì việc đi lại rất khó khăn, tốn kém. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của chúng tôi rất giới hạn, bởi những ngôi nhà đã xuống cấp. Ðó cũng là những băn khoăn trăn trở của chúng tôi, làm sao để nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh cho bệnh nhân ngày càng hiệu quả hơn.

Ngôi nhà lưu trú từ ước mơ trở thành sự thật. Nhận thấy nhu cầu bệnh nhân bị các di chứng bại liệt ngày càng nhiều, nhất là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, và hậu quả của tai biến mạch máu não. Là những tu sĩ chuyên trách về lãnh vực y khoa, chúng tôi không được phép làm ngơ trước đau khổ của họ. Chúng tôi đã xin phép xây dựng ngôi nhà làm nơi lưu trú để bệnh nhân yên tâm ở lại điều trị, giảm thiểu chi phí đi lại. Công trình đã được khởi công từ ngày 24.6.2017, trong thời gian 3 năm xây dựng, nhờ ơn Chúa, nỗ lực của anh em, và đặc biệt sự giúp đỡ của quý vị ân nhân, cho đến nay ngôi nhà đã hoàn thành và chuẩn bị chính thức đưa vào hoạt động trong thời gian tới.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, ngày khánh thành tòa nhà phải hoãn lại, tuy nhiên không biết rằng các kế hoạch tiếp nhận bệnh nhân, điều trị hoặc hỗ trợ chỗ ở trước mắt sẽ như thế nào, thưa cha?

Cha Antôn Nguyễn Chân Hồng: Công trình nhà lưu trú bệnh nhân được xây dựng trong thời gian 3 năm và đã chuẩn bị cho ngày khánh thành. Lần thứ nhất là ngày 31.5.2020, lần thứ hai ngày 22.8.2020. Có thể nói, đây là niềm vui không chỉ dành riêng cho anh em tu sĩ chúng tôi, mà là niềm vui cho tất cả mọi người, nhất là người bệnh. Thế nhưng, cả hai lần dự kiến làm lễ khánh thành đều bất thành bởi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra quá phức tạp và nguy hiểm, là những người thực hiện công tác mục vụ ngành y khoa, chúng tôi luôn nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ chỉ thị của Bộ Y tế, đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn mọi người thực hiện tốt các chỉ thị nhằm phòng ngừa cho bản thân cũng như tránh lây lan cho cộng đồng. Công trình hiện đã sẵn sàng chờ phục vụ bệnh nhân. Nhà lưu trú có diện tích 1.900m2, tất cả có 6 tầng, kể cả tầng hầm. Về công năng, trong khu nhà có 4 phòng khám, một phòng tư vấn, hai khu vật lý trị liệu, khu dinh dưỡng cho bệnh nhân, khu lưu trú, nhà nguyện nhỏ… Hiện nay, mọi sự đã sẵn sàng để tiếp nhận người bệnh.

Trong tinh thần liên đới yêu thương, cha có thể chia sẻ một chút về tâm tư bản thân cũng như các linh mục, tu sĩ trong hội dòng và tình cảnh khó khăn của bệnh nhân nghèo, nhất là trước những thử thách của đại dịch?

Cha Antôn Nguyễn Chân Hồng: Tạ ơn Chúa đã ban cho tôi được sống ơn gọi Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, hằng ngày tiếp cận với những đau khổ và cái chết của bệnh nhân, khi làm công tác mục vụ tại môi trường bệnh viện, tôi nhận ra sự giới hạn của phận người. Ðại dịch Covid-19 càng giúp tôi xác tín hơn về quyền năng, sự quan phòng của Thiên Chúa. Cho dẫu khoa học phát triển đến đâu vẫn không kịp trở tay trước cuộc khủng hoảng này, chỉ có lời cầu nguyện, lòng bác ái, sự hy sinh mới giúp con người nhận ra sự yếu hèn của mình, để cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Cùng với anh em tu sĩ trong Hội Dòng, chúng tôi luôn ý thức mình được cộng tác với Chúa trong ơn gọi phục vụ, chăm sóc chữa lành các bệnh nhân. Ðây là hồng ân cao cả mà Chúa ban qua Giáo hội và Hội Dòng. Lịch sử Dòng đã có nhiều tu sĩ chết trong khi dấn thân phục vụ bệnh nhân trong dịch bệnh như thánh Gioan Granda, thánh Ricardo Pampuri, và nhiều tu sĩ cũng đã qua đời trong đại dịch Ebola tại châu Phi. Trong thời gian dịch Covid-19 đang hoành hành, anh em chúng tôi vẫn tiếp tục dấn thân phục vụ bệnh nhân trong điều kiện và khả năng cho phép. Xin quý vị tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi và cho các bệnh nhân.  

Minh Hải (thực hiện)

Trích đăng từ Nguồn: http://www.cgvdt.vn