Philip Kosloski
Việc các tín hữu Công giáo sử dụng hình thập giá là đi theo một truyền thống cổ xưa vốn tôn kính hiến tế tối cao của Đức Giêsu.
Trong khi thập giá đơn thuần là một biểu tượng chung của Kitô giáo được sử dụng bởi tất cả các giáo hội Kitô thì Công giáo lại thường xuyên sử dụng thập giá, một thập giá có thân thể bị tra tấn của Đức Giêsu Kitô.
Tại sao vậy?
Giáo hội Công giáo từng tôn kính hy tế tối cao của Đức Giêsu Kitô trên thập giá từ những buổi sơ khai nhất của Kitô giáo. Lúc đầu, điều này được thực hiện một cách giấu kín bằng những hình thức mang tính biểu tượng để diễn tả Đức Giêsu trên thập giá. Khi ấy, những ký tự tau (T) và rho (P) được đặt vào giữa và tạo nên một hình ảnh trừu tượng trông có vẻ như một ai đó trên thập giá.
Cũng thế, các Kitô hữu thời sơ khai được biết tới qua việc sử dụng một hình con cá uốn cong mình được bện lại xung quanh một cái đinh ba cạnh vốn là những biểu tượng vay mượn từ thần thoại Hy lạp được áp dụng cho cuộc hiến tế của Đức Giêsu trên thập giá.
Tuy nhiên, khi Kitô giáo được công nhận hợp pháp, các hoạ sĩ có thể phác hoạ hiện thực và mở ra hơn, những Kitô hữu tự do vẽ Đức Giêsu trên thập giá. Một trong số những gợi hứng đằng sau sự diễn tả mang tính nghệ thuật này là từ thư gửi tín hữu Côrintô của thánh Phaolô, trong đó, Ngài viết : “chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1 Cr 1, 23)
Mục đích của thập giá luôn để biểu lộ tình yêu bao la mà Đức Kitô đã dành cho hết thảy nhân loại và nhắc nhớ chúng ta về niềm hy vọng sự Phục sinh sẽ chiến thắng nhờ cuộc vinh thắng của cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.
Vào thế kỷ thứ 4, Thánh Augustine đã đưa ra một tóm kết hoàn hảo về lý do những tín hữu Công giáo sử dụng cây thập tự.
Cái chết của Thiên Chúa là Chúa chúng ta không nên là một cớ làm chúng ta xấu hổ; nhưng nên là niềm hy vọng lớn nhất, niềm vinh dự cao cả nhất của chúng ta. Chính việc tự mình mang lấy cái chết vốn tự có nơi chúng ta, Người đã trung tín trong lời hứa đem lại sự sống nơi Người cho chúng ta, sự sống mà chúng ta không thể tự có nơi mình.
Người yêu chúng ta đến nỗi, chính Người vô tội nhưng đã chịu đau khổ vì chúng ta là những kẻ tội lỗi, chịu những hình phạt mà đáng ra chúng ta phải nhận vì tội lỗi của mình. Vì Người là nguồn của sự ngay chính, nên làm sao Người có thể không trao cho chúng ta phần thưởng nếu chúng ta đáng nhận được vì sự ngay chính của mình? Người là Đấng luôn trung tín trong lời hứa, thì sao lại không trao tặng phần thưởng cho những người sống thánh hiện khi Người mang lấy hình phạt của các tội nhân cho được, dẫu chính Người không phạm tội?
Hỡi anh em, hãy can đảm thừa nhận và thậm chí tuyên bố công khai rằng Đức Kitô đã chịu đóng đinh vì chúng ta; hãy thú nhận điều ấy, không phải trong sự sợ hãi nhưng với niềm vui, không phải trong sự hổ ngươi nhưng với niềm vinh dự.
Sau cùng, thập tự nhắc nhớ chúng ta rằng, không có phục sinh nếu không có thập giá; chúng ta được mời gọi để mang lấy những thập giá của mình và bước theo Đức Giêsu. Người đã cho chúng ta thấy mẫu gương sống động của người Kitô hữu đích thực và chúng ta nên bắt chước Người và tình yêu lớn lao mà Người dành cho nhân loại hết thảy, sẵn sàng làm bất cứu điều gì, ngay cả việc phải trao hiến cuộc sống mình vì người khác.
Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.
Nguồn: https://aleteia.org/2019/03/22/why-do-catholics-use-crucifixes-that-show-jesus-on-the-cross/
Trích đăng lại từ: https://dongten.net/2019/09/14/tai-sao-cac-tin-huu-cong-gia