Một đan viện với 10 nữ tu trên đảo Sardinia của Ý đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ việc làm của cộng đoàn họ và để bảo đảm sự sống còn của họ. Điều này xem ra có vẻ gây ngạc nhiên, vì các nhữ tu này chọn cuộc sống làm việc và cầu nguyện trong thinh lặng, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài.
Nhưng trong tư cách một thần học gia Công Giáo chuyên về sinh hoạt phụng vụ và tu trì, cuộc tìm tòi của tôi cho thấy việc các nữ tu quay qua không gian điều khiển (cyberspace) chỉ là chương muộn nhất trong một lịch sử dài của các dòng tu sử dụng các phương tiện truyền thông tốt nhất.
Câu truyện Dòng Tên đã phát triển dòng tu của họ một cách mạnh mẽ ra sao trong thế kỷ 16 cho ta một trường hợp điển hình đáng lưu ý.
Truyền thông để đời sống tu kín tồn tại lâu dài
Trong các năm gần đây, gần như mọi dòng tu nam nữ trong Giáo Hội Công Giáo ở Âu Châu và Bắc Mỹ đều phải đối đầu với một cuộc suy sụp nhanh chóng về con số thành viên. Thực vậy, theo Trung Tâm Nghiên Cứu Áp Dụng Tông Đồ (CARA), con số linh mục dòng từ 22,707 năm 1965 giảm xuống chỉ còn 12,010 năm 2014; con số tu huynh từ 12,271 năm 1965 giảm xuống chỉ còn 4,318 năm 2014; con số nữ tu từ 179,954 năm 1965 giảm xuống chỉ còn 49,883 năm 2014.
Trong số các dòng bị suy sụp hơn cả, có nhiều dòng kín của phụ nữ, tức các dòng thực hành cuộc sống cầu nguyện và làm việc của họ phía sau các bức tường ngăn cách với thế giới bên ngoài.
Một trong các tu viện kín đang chật vật nói trên là Đan Viện Thánh Clara, đã được thành lạp từ thế kỷ 14 tại Thành Phố Sardinia thuộc vùng Oristo phía tây Địa Trung Hải. Hiện nay, cộng đoàn này chỉ còn thưa thớt 10 nữ tu, mà phần đông đã cao niên, một số đã ở tuổi 90. Dù mọi nữ tu cùng cố gắng hết sức để tham dự 8 buổi cầu nguyện hàng ngày, chỉ ít dì có thể làm việc ở ngoài vườn, khâu vá và trông nom trẻ em, cũng như lắng nghe người ta tới chuyện vãn và xin cầu nguyện. Dĩ nhiên, các nữ tu cao niên cũng cần được chăm sóc. Hiện nay, để có thể tồn tại, sự trợ giúp từ bên ngoài và các thành viên mới là những điều tối cần.
Thời Trung Cổ, khi nở rộ ở Tây Âu, các đan viện thường tọa lạc ở các thành phố hay thị trấn. Tuy cách ly xã hội chung quanh, nhưng các đan sĩ và nữ tu vẫn đảm nhiệm việc huấn giáo cũng như huấn đạo cho các khách vãng lai. Những người này ngồi tại những chỗ bên lề dành cho họ trong các nhà nguyện của đan viện, lắng nghe và cầu nguyện trong thinh lặng khi các đan sĩ hay nữ tu hát kinh tại các dẫy ghế gần bàn thờ nhất. Chính nhờ các tương tác giữa đan viện và “thế gian” này mà lời kêu gọi được ngỏ cùng các đồng lao công để họ gia nhập cộng đoàn. Các người đàn ông và đàn bà được chứng kiến sự hiện hữu và lối sống của đan viện qua sự gần gũi thể lý và đích thân thăm viếng.
Tuy nhiên, ngày nay, lời kêu mời ơn gọi buộc phải đi qua Hệ Thống Cung Cấp Liên Mạng Hoàn Cầu (World Wide Web). Gia nhập hàng ngũ rất nhiều tu viện và đan viện khắp thế giới, các nữ tu của Đan Viện Thánh Clara đã nhận ra nhu cầu phải thông đạt tốt hơn mình là ai và mình có gì để cung hiến. Thành viên trẻ nhất của họ, Nữ Tu Maria Catarina, 42 tuổi, đã phát động trang mạng (https://www.monasterosantachiaraoristano.it) và trang Facebook (https://www.facebook.com/Monastero-Santa-Chiara-Oristano) của cộng đoàn.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên các cộng đồng tu trì buộc phải nghĩ tới phương cách truyền thông tốt nhất để phát triển con số thành viên của mình.
Sự lớn mạnh của Dòng Tên ở buổi đầu
Hội Dòng Chúa Giêsu (The Society of Jesus), một dòng tu dành cho các linh mục và nam tu sĩ thường được gọi là Dòng Tên, được thành lập từ năm 1541. Nhóm nguyên thủy của họ chỉ gồm 7 người vốn là bạn bè của nhau; những người này đoan giữ không những các đức khó nghèo, thanh tịnh và vâng lời mà còn sẵn sàng phục vụ bất cứ sứ mệnh nào của Đức Giáo Hoàng.
Không như các cộng đồng tu sĩ đơn tu, các tu sĩ Dòng Tên làm việc tông đồ, nghĩa là dòng truyền giáo. Thay vì kín cổng cao tường, kiểu dòng tu của Công Giáo Rôma này “lên đường truyền giáo” khắp “thế giới”.
Cho tới lúc một số những nhà sáng lập trên qua đời, dòng đã phát triển đến hơn một ngàn thành viên. Một trong các chìa khóa đưa đến thành công là việc luân lưu các thư viết tay, một phương tiện có thể vớ vẩn đối với ngày nay, nhưng là một khí cụ truyền thông vô cùng giá trị vào thời ấy.
Dòng Tên mau chóng được các giới chức đạo đời mời thiết lập các khu truyền giáo ở Á Châu. Các thư từ giữa các bề trên dòng và các tu sĩ ở hải ngoại dĩ nhiên là nguồn cung cấp thông tin, tìm và ban hành các chỉ thị cũng như cho ý kiến. Tuy nhiên, một số thư từ còn được thiết kế để vận động sự hỗ trợ cho dòng, xây dựng các thành viên và gợi hứng cho nhiều người mới nhập dòng.
Sử gia Dòng Tên John O’Malley giải thích như sau: “Điều quan trọng hơn cả, cả các tu sĩ Dòng Tên lẫn người khác học biết tu sĩ Dòng Tên là những ai nhờ đọc những điều họ làm”.
Thánh Phanxicô Xaviê, nhà truyền giáo Dòng Tên đầu tiên tới Ấn Độ và Nhật Bản, đã gửi nhiều bức thư không những cho các bề trên dòng ở Rôma và Bồ Đào Nha mà còn cho cả Vua Bồ Đào Nha là Gioan III nữa, trong các năm từ 1542 tới 1552. Nhà vua cho đọc từng lá trong 8 lá thư của Thánh Phanxicô trong các Thánh Lễ cử hành tại các lãnh thổ của ông. Các lá thư này, mà phần lớn bao gồm các lời yêu cầu cung cấp các người mới tuyển có phẩm chất cao, đã vừa củng cố sự hỗ trợ của nhà vua đối với Thánh Phanxicô trong tư cách đại sứ của Ông ở Đông Phương mà còn giúp gợi hứng cho sự lớn mạnh nhanh chóng của Dòng Tên mới thành lập ở Âu Châu.
Trong khi ấy, Dòng Tên phát triển hệ thống thư từ riêng gửi trong nội bộ và giữa các cộng đoàn của họ. Nổi tiếng là các thư luân lưu bán niên của Juan de Polanco giữa thế kỷ 16. Polanco lúc đó là thư ký chấp hành của ba bề trên cả Dòng Tên đầu tiên ở Rôma. Các lá thư của ngài truyền đạt việc ban lãnh đạo lên khuôn ra sao đường lối sống và hệ thống giáo dục của Dòng. Những lá thư này xây dựng nên phong thái rất khác biệt của Dòng Tên trong lối sống tu dòng và dự phóng những điều đã được chứng tỏ như là hình ảnh lôi cuốn đối với những người mới được tuyển chọn.
Các lá thư giữa các tu sĩ Dòng tên ở hải ngoại, như Thánh Phanxicô Xaviê, và các giới chức ở Âu Châu đã được chuyển giao nhờ các tầu buôn và thường phải mất vài năm mới tới được người nhận. Đối với những lá thư cần phải luân chuyển giữa các cử tọa rộng lớn hơn, như thành viên của các nhà Dòng Tên hay công chúng tham dự Thánh Lễ tại Bồ Đào Nha của Vua Gioan III, chúng thường phải được chép tay.
Sự bùng nổ của nghề in đã đặt chữ viết lên trên các trang sách, tập san và tờ tin tức. Bước qua thế kỷ 20, truyền thông đại chúng xuất hiện cùng với việc phát triển của điện thoại, truyền thanh, phim ảnh và các phương tiện truyền hình và liên mạng. Việc chia sẻ ý nghĩ và thông tin càng ngày càng lớn mạnh về khối lượng và tầm vươn.
Các tu sĩ mới của Dòng Tên nối vòng tay lớn với thế giới trên Mạng
Suốt thời hiện đại, các định chế và dòng tu Công Giáo, trong đó có Dòng Tên, đã sử dụng mọi phương tiện truyền thông như trên. Gần đây hơn, từ Vatican xuống tận các định chế vùng và địa phương, đã trăm hoa đua nở sự hiện diện Công Giáo trên liên mạng. Các trang mạng phần lớn trình bầy thông tin về một giáo phận, một trường học hay một dòng tu nào đó. Một số sử dụng hình thức báo chí truyền thống như tập san và nhật báo, để truyền đạt sứ điệp của mình.
Một nhóm các tu sĩ trẻ Dòng Tên Hoa Kỳ cũng đã khởi sự một trang liên mạng của riêng họ gọi là The Jesuit Post. Các “blogs” và “tweets” của họ nhằm vào thế hệ của họ. Như họ nói trên trang mạng của họ, các tu sĩ trẻ của Dòng Tên này tìm cách “chứng minh rằng đức tin có liên quan tới nền văn hóa ngày nay và Thiên Chúa đang hành động trong nền văn hóa này”. Cũng như với những lá thư luân lưu của ngày qua , ngày nay chính các bài đăng trên liên mạng đang phát huy hình ảnh người tu sĩ Dòng Tên. Các dòng tông đồ khác, như Dòng Da Minh, cũng đang làm tốt việc này.
Nhờ chia sẻ việc làm của mình qua các phương tiện truyền thông mới nhất, các dòng tu trên chỉ đang thích ứng những gì vốn là truyền thống lâu đời của họ trong việc giao tiếp với thế giới. Ngay đối với các nữ tu kín như Đan Viện Thánh Clara, việc tiếp tục sống còn trên thế giới rộng lớn này cũng là một việc phải chia sẻ đời sống mình trên Hệ Thống Cung Cấp Liên Mạng Hòan Cầu.
Bruce T. Morrill, Ghế Edward A. Malloy về Công Giáo Học, Giáo Sư Nghiên Cứu Thần Hoc, Đại Học Vanderbilt, How Social Media Has Changed Religion, International Business Times, June 17, 2017
nguồn:http://www.vietcatholic.net