Sứ điệp cho ngày Chúa Nhật lễ Thăng thiên và Truyền Thông
SỨ MẠNG SỐNG ĐỜI KITÔ HỮU TRONG THỜI COVID LÀ ÂN HUỆ VÀ THÁCH ĐỐ
Đức Hồng y Charles Maung Bo, SDB, Myanmar
Dung Hạnh chuyển ngữ từ CNUA
Anh chị em thân mến trong Đức Kitô,
Hãy để mọi tạo vật được chúc phúc.
Hãy để thế giới này tiếp tục được chúc phúc.
Hãy để tất cả anh chị em tham dự vào cuộc cử hành Bánh và Lời này được chúc phúc dư đầy nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa hằng sống, yêu thương và giải thoát chúc lành cho anh chị em với tất cả sự tốt lành. Hôm nay chúng ta quy tụ để cử hành hai sự kiện quan trọng: Chúa Nhật lễ Thăng thiên và Ngày Thế giới Truyền thông.
Trước hết là sự kiện Chúa lên trời. Đức Giêsu đã có thể hân hoan nói rằng: “Sứ mạng đã hoàn tất!” Chúa Con trở về với Chúa Cha. Chúa Con đã hoàn thành những điều kỳ diệu khi hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Việc này phải trả bằng một giá rất đắt. Mặc dù là Thiên Chúa, Người đã tự hủy và mang lấy thân nô lệ. Chiên Thiên Chúa phải chịu cực hình, phải vác Thánh giá và bị đóng đinh. Ngày thứ Sáu Tuần thánh chúng ta đã bước đi trên đường Thánh giá của Người, ngày thứ Bảy Tuần thánh đã hy vọng đợi chờ và vào Chúa Nhật Phục sinh đã hân hoan vui mừng khi đến ngày thứ ba Người chiến thắng cái chết cùng sự mục nát, và vinh thắng chỗi dậy. Sau khi ở lại với các môn đệ 40 ngày và với sứ mạng đã hoàn thành, Người mãn nguyện trở về cùng Chúa Cha.
Lễ Thăng thiên mừng vui.
Hôm nay cử hành chiến thắng ánh sáng trên bóng tối, sự sống trên sự chết, hy vọng trên thất vọng, sự lành trên sự dữ, Thiên Chúa trên Satan. Hôm nay hãy để cho cuộc chiến thắng hào hùng này đầy tràn trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta cần cảm thức chiến thắng này hơn bao giờ hết trong kỷ nguyên đại dịch này. COVID đã khiến cuộc sống của nhiều người trong chúng ta bị bế tắc. Chúng ta đã vượt biển qua những cơn bão của tuyệt vọng và của đêm tối tâm hồn trong suốt những tháng ngày này. Những đêm tối vẫn chưa qua. Sự im lặng chói tai của ngày thứ Bảy Tuần thánh dường như vẫn còn kéo dài. Nhưng mỗi Kitô hữu đích thực đều tin rằng Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa không thấu hiểu được nỗi đau khổ của chúng ta. Người hiểu sự tan nát và những giọt nước mắt của chúng ta như trong thư gửi tín hữu Do Thái khẳng định: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.” (Dt 2, 18).
Chúng ta hãy tiếp tục hành trình đức tin của chúng ta qua những ngày COVID này. Hãy để COVID trở thành lịch sử và biến mất vì Thiên Chúa hằng sống làm chủ. Thánh lễ này được dâng để cầu nguyện cho tất cả chúng ta, cách đặc biệt cho các anh chị em đang gặp khó khăn nặng nề bởi lo âu, bệnh tật, những vấn đề gia đình và những khó khăn tài chính. Hãy để cho Thiên Chúa, Đấng bẻ năm chiếc bánh để nuôi năm ngàn người ăn, vươn cánh tay uy hùng của Người để chữa lành anh chị em và cung cấp cho anh chị em tất cả mọi nhu cầu. Hãy để mình được chúc lành. Sắp tới ngày bóng tối sẽ qua đi. Đêm trường sẽ chấm dứt và hừng đông sẽ đến.
Vào ngày lễ Thăng thiên này, chúng ta biết ơn Đức Giêsu vì sự đau khổ cứu độ và phục sinh vinh thắng của Người đã cứu độ tất cả chúng ta. Người không biến mất trong những tầng trời sau khi Thăng thiên. Người đã ủy thác sứ mạng của Người cho anh chị em và cho tôi. Vâng, chúng ta là những môn đệ được tuyển chọn của Người và sứ mạng Người trao thì đơn giản: Hãy đi đến mọi nơi trên mặt đất, công bố Tin Mừng và làm cho người ta trở nên môn đệ. Chúng ta trở thành tiếng nói của Đức Giêsu. Tiếng nói của ta được mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần trước khi Người ra đi. Bây giờ Chúa Thánh Thần mời mỗi người chúng ta tiếp tục sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu.
Hôm nay sứ mạng đó là gì đối với anh chị em? Sứ mạng là một Kitô hữu trong thời COVID là một ân huệ và thách đố. Là thách đố vì việc đóng cửa lâu dài những nhà thờ thân yêu của chúng ta tiếp tục thách thức đức tin của chúng ta. Thách đố của Đức Kitô đang kêu gọi mỗi người chúng ta là tông đồ của Tin Mừng tại những nơi anh chị em sinh sống. Hãy là Tin Mừng cho nhau. Mỗi gia đình là một giáo hội nhỏ. Hãy nếm thử và nhận biết Thiên Chúa nhân lành trong gia đình và bạn bè của anh chị em. Chúng ta sống nhờ Ân sủng và Thách đố bởi vì Thiên Chúa biết sức lực và sự mỏng dòn của chúng ta.
Tôi đã nói Chúa Nhật này ý nghĩa vì hai lý do: một là sự kiện vui mừng Chúa Thăng thiên, hai là ngày Thế giới Truyền thông 2020. Vào ngày này Đức Thánh cha Phanxicô đã có lời tuyên bố hay với chủ đề trọng tâm: “Anh em hãy nói cho con cháu anh em.” (Xh 10, 2).
Đời sống trở thành lịch sử.
Chúng ta kể Chuyện Đức tin, Lịch sử đức tin về tình yêu bao la của Thiên Chúa cho gia đình nhân loại. Câu chuyện đó là kinh nghiệm của con người về tình yêu mù quáng của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại. Chuyện tình của Thiên Chúa đã bắt đầu với ước muốn chia sẻ tình yêu vô biên của Người với A-đam và E-và. Nó tiếp tục với sự phản bội của người nam và người nữ. Nó tiếp tục với sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho dân Ít-ra-en. Câu chuyện về Thiên Chúa là Đấng giải phóng những người Do Thái bị áp bức khỏi sự kìm kẹp dã man của Pha-ra-ô, câu chuyện về Thiên Chúa là Đấng cung cấp trong sa mạc, câu chuyện về Thiên Chúa đã đi vào tương quan giao ước với nhân loại. Câu chuyện của Thiên Chúa là chuyện về tình yêu vô điều kiện – “Ta đã gọi con từ trong lòng mẹ, ngay cả khi người mẹ quên mất đứa con của mình, Ta không bao giờ quên con. Ta khắc tên con trong lòng bàn tay Ta.” Câu chuyện của Thiên Chúa cũng là câu chuyện về sự chăm sóc đặc biệt của Người dành cho trẻ mồ côi, góa phụ, người nghèo của Gia-vê. Nó cũng là tình yêu điên cuồng của Thiên Chúa dành cho thụ tạo của Người khi Người quyết định hiến tế con mình “Thiên Chúa quá yêu thế gian nên đã gửi người con duy nhất, không phải để kết án nhưng để cứu độ.”
Đức Giêsu tái hiện câu chuyện của toàn nhân loại. Người kể lại câu chuyện về Cựu Ước. Người đã mang đến một mùa xuân đức tin tươi mới thông bằng việc kể lại “Thiên Chúa nghiêm khắc, giận dữ, hận thù và trừng phạt” thành “Áp-ba, Cha của chúng ta trên Thiên đàng.” Người kể lại câu chuyện về Thiên Chúa không phải là một kỳ quan độc đoán trượng phu, mà là Thiên Chúa sống như một cộng đồng Ba Ngôi, dạy chúng ta rằng tất cả chúng ta được kêu gọi tìm kiếm phẩm giá trong cộng đồng.
Đức Giêsu đã kể lại câu chuyện của những người đơn sơ như anh chị em và tôi. Trong một xã hội Do Thái có nghi lễ cao, Đức Kitô đã chỉ ra rằng Thiên Chúa không đến để tìm kiếm những người khỏe mạnh và giàu có nhưng là những người bệnh tật và nghèo nàn. Người kể lại câu chuyện về người thu thuế Gia-kêu, bị từ chối và bị kỳ thị bởi giới thượng lưu Do Thái. Người ăn tối với người thu thuế, Người tái lập ông như là người yêu hối cải của nhân loại. Người xin phụ nữ Sa-ma-ri nước là nhóm người bị các thượng tế và những người Pha-ri-siêu có lương tâm trong sạch kỳ thị. Đức Giêsu kể lại câu chuyện của cô và biến cô thành một tông đồ của Tin Mừng. Những câu chuyện của Đức Giêsu trao quyền: lấy ví dụ về người Sa-ma-ri nhân hậu, người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Đức Giêsu kể lại câu chuyện người có quyền phục vụ thế nào và những người tìm kiếm quyền lực và vinh quang bị kết án ở cửa trời.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong thông điệp Ngày Thế giới Truyền thông của mình, đã tường thuật rất hay về câu chuyện Truyền thông của Thiên Chúa với nhân loại. Thiên Chúa luôn giao tiếp với nhân loại, qua các Thiên thần, các tiên tri, các phép lạ. Nhưng đến thời sau hết Người đã nói qua Con của Người. Phương tiện cũng chính là thông điệp. Đức Kitô là sự giao tiếp hữu hình của Chúa Cha vô hình. Đức Kitô là người kể chuyện tuyệt qua phương thức rao giảng là các dụ ngôn. Lời giảng dạy tốt lành của Người đến từ những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều là dụ ngôn của Thiên Chúa.
Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi chúng ta nhớ lại những câu chuyện của chính mình. Chúng ta cần kể những câu chuyện đời mình. Một số câu chuyện về việc mình bị tổn thương, bị bỏ rơi, hay biết mình không được yêu thương. Nhưng Đức Thánh cha Phanxicô yêu cầu chúng ta đọc lại câu chuyện đời mình dưới ánh sáng những câu chuyện của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa có chuyện để kể về mỗi người chúng ta. Chúng ta cần lắng nghe câu chuyện này trước. Câu chuyện của Thiên Chúa về tôi và kế hoạch của Người dành cho tôi. Như người phụ nữ Sa-ma-ri, khi nghe vị cứu tinh kể câu chuyện của mình, đã chạy đi loan báo cho dân làng; cũng vậy, câu chuyện của tôi cần phải được chia sẻ giữa cộng đoàn chúng ta, những người thân yêu và những người thân cận. Hãy nhớ rằng các câu chuyện luôn giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng co cụm ảo tưởng về chính mình. Sự thật và chúng ta chỉ cách nhau một câu chuyện! Hãy kể câu chuyện của Thiên Chúa về anh chị em. Chúng ta là bức thư tình của Thiên Chúa như Thánh Phao-lô phấn khởi reo lên:
“Anh em là bức thư của Đức Kitô, do tay chúng tôi soạn ra, viết không phải bằng mực, nhưng là bằng Thần khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải trên những bia đá, mà là trên những bia lòng, bia thịt!” (2 Cor 3, 3)
Điều rất quan trọng là trong thời đại truyền thông xã hội và các thiết bị tiện ích này, Đức Thánh cha không nói về Facebook, twitter hay điện thoại di động… Ngài biết rằng điện thoại có thể kết nối với nhau, nhưng không thể kết nối trái tim chúng ta. Giữa sự thừa mứa tiếng ồn truyền thông xã hội hôm nay, Đức Thánh cha thúc giục chúng ta: Đừng đối diện với sách, nhưng hãy đối mặt với con người cùng những câu chuyện của họ. Chúng ta chia sẻ cho nhau những câu chuyện của mình như chia sẻ Bí tích Thánh Thể. Chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta kết nối với nhau, không phải qua điện thoại nhưng qua bản tính nhân loại. Các phương tiện truyền thông xã hội đã cướp đi nhân tính của chúng ta và biến chúng ta thành những kẻ nô lệ cho kỹ thuật số. Chúng ta đang bị giam cầm ở Ba-by-lon vì luôn lệ thuộc vào tình trạng nô lệ cho truyền thông xã hội. Chúng ta chờ đợi một Mô-sê mới có thể đưa chúng ta vượt qua bến mê đến vùng đất hứa của nhân loại.
Cũng chính Đức Thánh cha, đấng thúc giục chúng ta trở thành người kể chuyện để lấy lại nhân tính, đang cảnh báo chúng ta “không phải tất cả các câu chuyện đều là những câu chuyện bổ ích.” Tình trạng nô lệ kỹ thuật số đã tước mất cảm thức và sự nhạy bén của các nước, ngay cả các quốc gia văn minh. Đất nước Myanmar, được biết đến với những con người duyên dáng và một nền văn hóa sáng chói, đã bị ô nhiễm nặng nề bởi loại nước thải kỹ thuật số. Một bộ phận thế hệ trẻ uống phải thứ rượu độc hại của những câu chuyện thù hận, hành vi lạm dụng và cưỡng bức, hình ảnh khiêu dâm gây nghiện và hàng loạt loại bom tiêu cực khác.
Một nền văn hóa xinh đẹp, được nuôi dưỡng qua nhiều thế kỷ, đang uống từ những giếng nước ô nhiễm đồi bại của các bit và byte xác thịt. Phương tiện truyền thông xã hội đóng góp được gì cho thế hệ tiếp theo? Đức Thánh cha biết rằng những tin giả và những câu chuyện xảo trá thường làm gãy đổ các mối tương quan của con người và khiến cho sự hòa hợp trong cộng đồng xã hội bị giảm sút. Những câu chuyện mà những kẻ ác phổ biến trên mạng đã gây vết nội thương cho thế hệ tiếp theo, ngay cả trẻ em cũng không được tha. Kẻ độc ác truyền dạy cho trẻ em lòng thù hận vào sự ác độc. Chúa Giêsu đã giận dữ thốt lên: “Thà nó bị khoanh cối đá tròng vào cổ và xô xuống biển, còn hơn là nó nên cớ vấp phạm cho một người nào trong những kẻ nhỏ này.” (Lc 17, 2)
Những lời tường thuật giả dối thuộc về văn hóa COVID. COVID thực có thể biến mất với một số vắc-xin. Các phương tiện truyền thông xã hội COVID sẽ gây tử vong về đạo đức cho thế hệ trẻ của chúng ta. Sự hòa hợp xã hội đã bị xáo trộn do những câu chuyện thù hận lan truyền bởi các nhóm cực đoan. Xung đột hoành hành ở nhiều nơi trên cả nước. Ngày xưa chúng ta đều là những người con của cùng một đất nước. Nhưng ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội đã chia cắt chúng ta thành các mảnh vụn theo tôn giáo, sắc tộc và ngôn ngữ. Ngay cả các phương tiện truyền thông xã hội, Facebook cũng đã lưu ý đến dung nham của sự thù hận đang phun trào qua phương tiện truyền thông xã hội ở Myanmar. Người dân Myanmar cả trong và ngoài nước xuất hiện và hò hét trên Facebook và Youtube, 90% là sai văn phạm và nhất là sử dụng những từ ngữ thô tục. Đó là dấu hiệu của sự thiếu giáo dục, thiếu lễ phép và rất thiếu nhân bản.
Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi chúng ta hãy loan truyền những câu chuyện tôn vinh tình người. Ngài bảo chúng ta hãy kể lại những câu chuyện của chúng ta dưới ánh sáng của Đức Giêsu, người kể chuyện vĩ đại nhất về ơn cứu chuộc nhân loại. Người chính là câu chuyện. Ánh mắt của Người cần thiết ở Myanmar để xóa sạch tất cả những câu chuyện ô nhiễm. Người hướng dẫn chúng ta phân định giữa điều tốt và điều xấu, giữa sự cứu chuộc và sự kết án. Sự tiêu cực và thù hận của chúng ta được xóa sạch bởi câu chuyện về tình yêu vô điều kiện của Đức Giêsu đối với tất cả chúng ta.
Tất cả chúng ta cần một nguồn cảm hứng tốt lành để vượt qua sự vô nhân đạo do các phương tiện truyền thông mang lại. Đức Thánh cha hướng dẫn chúng ta để “giao phó chúng ta cho một người nữ đan kết trong cung lòng mẹ nhân tính của Thiên Chúa và những biến cố trong đời như Tin mừng cho chúng ta biết. Vì Đức Trinh Nữ Ma-ri-a “giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng. (Lc 2, 19)
Vào Ngày Thế giới Truyền thông này, chúng ta hãy hiệp cùng Đức Thánh cha cầu nguyện với Đức Ma-ri-a - lời cầu nguyện liên quan đến tình trạng hiện nay của đất nước Myanmar: Lạy Mẹ Ma-ri-a, là phụ nữ và là mẹ, xin lắng nghe những câu chuyện của chúng con, cất giữ chúng trong trái tim của Mẹ và làm cho những câu chuyện không ai muốn nghe thành câu chuyện của riêng Mẹ. Xin dạy chúng con nhận ra những điều tốt đẹp đang diễn ra trong lịch sử. Xin Mẹ nhìn vào những nút thắt rối trong cuộc sống làm tê liệt trí nhớ của chúng con. Bằng bàn tay dịu dàng của Mẹ, mọi nút thắt có thể được tháo cơi. Người Nữ của Thần khí, người mẹ của lòng tin, xin cũng truyền cảm hứng cho chúng con. Cùng với Đức Thánh cha chúng ta hãy thêm những lời cầu nguyện riêng của mình. “Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp chúng con xây dựng những câu chuyện hòa bình, những câu chuyện hướng đến tương lai. Và xin chỉ cho chúng con cách sống hòa hợp với nhau ở đất nước Myanmar vĩ đại này. Amen.”
Xin phúc lành của Thiên Chúa luôn ở lại với cộng đoàn dân Chúa thân yêu của con.
Nguồn: https://hdgmvietnam.com