Sứ Điệp Hòa Bình 2019 Của Đức Thánh Cha 

Nhân cuộc họp báo ngày 18.12.2018, Ðức Hồng Y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện đã công bố Sứ điệp Ðức Thánh Cha Phanxicô Ngày Hòa Bình Thế Giới cử hành ngày 01.01.2019 với chủ đề ‘Chính trị tốt phục vụ Hòa bình’. 

1. ‘Bình an cho nhà này!’.

Ðức Thánh Cha nhắc khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Ðức Kitô dặn họ: « Khi vào bất kỳ nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’. Nếu tại đó có một người con của hòa bình, thì bình an của các con sẽ xuống trên người ấy, nếu không an bình ấy sẽ trở lại trên các con ». (Lc 10,5-6).

Tặng nhau hòa bình là sứ mạng môn đệ Ðức Kitô, món quà được gửi đến mọi người khao khát hòa bình các thảm trạng và bạo lực. ‘Nhà’ đây là mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, mỗi quốc gia, … với những đặc thù và lịch sử họ, không phân biệt hay kỳ thị. Là ‘căn nhà chung’ chúng ta, là trái đất trên đó Thiên Chúa đã đặt để chúng ta cư ngụ và phải ân cần chăm sóc trái đất ấy.

2. Thách đố chính trị tốt

Hòa bình giống như là hy vọng, như một nụ hoa mong manh đang tìm cách nở ra giữa những hòn đá bạo lực. Sự tìm kiếm quyền lực bằng mọi giá đưa tới những lạm dụng và bất công. Chính trị là phương thế cơ bản để kiến tạo cộng đoàn xã hội và các công trình nhân loại, nhưng khi họ không thực thi chính trị như một công tác phục vụ tập thể con người, thì nó có thể trở thành một dụng cụ đàn áp, gạt ra ngoài lề và thậm chí nó được dùng để tàn phá.

Chúa Giêsu dạy: « Nếu ai muốn trở thành người làm đầu thì hãy trở thành người rốt cùng và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9,35). Thực vậy, chức năng và trách nhiệm chính trị là một thách đố trường kỳ đối với những ai được ủy nhiệm phục vụ đất nước mình, bảo vệ mọi người sống trong đó và làm việc để xây dựng một tương lai xứng đáng và công chính. Khi được thực thi trong niềm tôn trọng cơ bản đối với sự sống, tự do và nhân phẩm, thì chính trị có thể thực sự trở thành một hình thức cao nhất của Ðức Ái.

3. Ðức Ái và các đức tính nhân bản cần để có một nền chính trị phục vụ Nhân quyền và Hòa bình.

Ðức Biển Đức 16 nhắc « Kitô hữu được mời thực thi Ðức Ái, theo ơn gọi và khả năng ảnh hưởng trong ‘chánh trị’. Khi được Ðức Ái linh hoạt thì sự dấn thân cho Công ích có một giá trị cao hơn giá trị sự dấn thân chỉ có đặc tính đời và chính trị. Con người hoạt động trên trái đất, khi được Ðức Ái soi sáng và nâng đỡ, góp phần vào việc kiến tạo xã hội phổ quát của Thiên Chúa mà lịch sử nhân loại đang hướng tới ». Trong chương trình này, các chính trị gia có thể theo đuổi, bất luận họ thuộc văn hóa hoặc tôn giáo nào, khi họ cùng nhau mong ước hoạt động cho thiện ích của gia đình nhân loại, bằng một nền chính trị tốt: công bằng, tôn trọng nhau, thành thực, lương thiện và trung tín.

Về vấn đề này, hãy nhắc đến những ‘mối phúc của chính trị gia’ đã được Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đề xứng… 

(Xin phép được ghi đầy đủ chi tiết về văn kiện này để tưởng nhớ Ngài)

Ngày 03.05.2002, Đức Hồng Y (ĐHY) đã diễn thuyết lần cuối cùng, một ngày trước khi nhập viện để chịu giải phẩu. Hôm đó, sau khi trình bày về sự thành hình, mục đích và hoạt động của Hội Đồng Giáo Hoàng Công lý và Hòa bình, với tư cách Chủ tịch Hội Đồng nầy trước các chính khách tại Padova, miền Bắc nước Ý. Sau đó, ĐHY đã nhấn mạnh: tôi chỉ phát biểu như một Mục tử khi ĐHY phát biểu về ‘TÁM MỐI PHÚC THẬT CHO CÁC CHÁNH TRỊ GIA’ :

1. Phúc cho những Chánh trị gia nào ý thức cao độ và hiểu biết sâu rộng về vai trò của mình. Công đồng chung Vatican II đã định nghĩa Chánh trị là một Nghệ thuật cao quý và khó khăn. Ngày nay, gần 40 năm sau, và giữa thời đại hoàn vũ hóa, định nghĩa nầy lại càng được cũng cố hơn khi chúng ta nhận thấy rằng người ta chỉ có thể đáp ứng sự yếu kém và mong manh của hệ thống kinh tế với kích thước toàn cầu bằng sức mạnh của Chánh trị hoàn vũ kiên cố và đặt nền tảng trên những giá trị được mọi người nhìn nhận.

2. Phúc cho Chánh trị gia nào biết phản ảnh uy tín qua nhân cách của chính mình. Trong thời đại chúng ta, chánh trị thế giới có biết bao tham nhũng, lạm quyền dính liền với chi tiêu quá cao trong các chiến dịch tranh cử. Tình trạng tiêu cực nầy ngày càng gia tăng khiến cho các nhà chánh trị ngày càng mất uy tín. Để lật ngược tình thế, cần phải đưa ra một trả lời vững chắc. Một câu trả lời bao gồm cả nổ lực canh tân và sửa đổi để phục hồi hình ảnh phải có của nhà Chánh trị.

3. Phúc cho Chánh trị gia nào biết hoạt động cho Công ích chứ không chỉ lo cho tư lợi. Để sống Phúc thật nầy, Chánh trị gia phải tự vấn lương tâm, tự hỏi tôi đang lo việc cho dân tộc hay cho riêng tôi. Tôi có đang làm việc cho Tổ quốc, cho văn hóa hay không? Tôi có đang làm việc để đề cao Luân lý, Đạo đức hay không? Tôi có phục vụ chân thành cho nhân loại hay không?

4. Phúc cho Chánh trị gia nào biết trung thành sống phù hợp với Niềm Tin của mình. Niềm Tin đi đôi với đời sống dấn thân hoạt động chính trị. Cần tôn trọng những điều mình đã hứa, lời nói đi đôi với việc làm.

5. Phúc cho Chánh trị gia nào thực hiện và bảo vệ sự Hiệp nhất bằng cách đặt Chúa Giêsu là trọng tâm. Chúa Giêsu vốn là trọng tâm Hiệp nhất. Sở dĩ, phải hành động như thế vì chia rẽ là tự hủy. Ở Pháp, người ta nói các tín hữu Công Giáo Pháp không bao giờ cùng đứng chung với nhau trừ lúc nghe đọc Phúc Âm. Theo tôi, câu nói bình dân nầy cũng có thể áp dụng cho nhiều dân tộc các nước khác được.

6. Phúc cho Chánh trị gia nào dấn thân thực hiện một cuộc thay đổi tận gốc rễ. Sự thay đổi như thế xảy ra khi người ta cố gắng tranh đấu chống lại sự sa đọa trí thức như nhất quyết không gọi là Thiện những gì là Ác. Không xếp Tôn giáo vào xó riêng của cuộc sống tư riêng, nhưng biết ý thức những ưu tiên trong những chọn lựa của mình dựa trên Đức Tin có một Đại Hiến chương là Phúc Âm.

7. Phúc cho Chánh trị gia nào biết lắng nghe. Biết lắng nghe tiếng dân trước, trong và sau cuộc bầu cử. Biết lắng nghe Lời Chúa qua kinh nguyện. Hoạt động của Chánh trị gia ấy sẽ đạt được nhiều chắc chắn, an ninh và hữu hiệu.

8. Phúc cho Chánh trị gia nào không sợ hãi. Trước hết, vị đó không sợ ở trong Chân lý. Đức Gioan Phaolô II đã nói: người ta không bầu Chân lý. Một Chánh trị gia chỉ nên sợ chính mình mà thôi, vì chỉ có mình biết mình. Chánh trị gia không nên sợ các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong cuộc phán quyết sau hết, Chánh trị gia sẽ phải trả lẽ hành động của mình trước Thiên Chúa, chớ không phải các phương tiện truyền thông đại chúng.

Mỗi khi có sự thay đổi các chức vụ dân cử, mỗi hạn kỳ bầu cử, mỗi giai đoạn trong đời sống công cộng, đều là những dịp để trở về với nguồn mạch và những tham chiếu soi sáng công lý và luật pháp. Điều này; nền chính trị tốt phục vụ hòa bình; nó tôn trọng và thăng tiến các nhân quyền cơ bản, đây cũng như những nghĩa vụ hỗ tương, để giữa các thế hệ hiện tại và tương lai có một liên hệ tín nhiệm và biết ơn.

4. Những tật xấu của chính trị gia.

Bên các đức tính tốt nơi chính trị gia, họ còn có không ít các tật xấu, do thiếu khả năng hay do biến chất trong môi trường và qua cơ chế. Người ta thấy rõ những tật xấu của họ làm cho các chế độ chính trị bị mất uy tín, làm suy yếu lý tưởng một nền dân chủ chân chính, là điều ô nhục cho đời sống công cộng và khiến hòa bình xã hội bị lâm nguy, như nạn tham nhũng, chiếm đoạt trái phép của công, lạm dụng tha nhân, phạm luật và quy tắc cộng đồng, làm giàu bất hợp pháp,… 

5. Chính trị tốt cổ võ sự tham gia của người trẻ và lòng tín nhiệm tha nhân.

Khi việc thực thi quyền bính chỉ nhắm bảo tồn lợi lộc một số kẻ có đặc ân, thì tương lai bị thương tổn và người trẻ có thể bị cám dỗ không còn tín nhiệm, vì họ bị kết án ở ngoài lề xã hội, không có cơ hội tham gia vào một dự án tương lai. Trái lại, khi nền chính trị được thể hiện cụ thể qua việc khích lệ những người trẻ có tài và ơn gọi đòi được thực thi, thì hòa bình lan tỏa trong các lương tâm và trên các khuôn mặt. Nó trở thành một sự tín nhiệm năng động, nghĩa là 'tôi tín nhiệm bạn và tôi tin bạn’, có thể cộng tác với nhau cho Công ích. Vì thế chính trị phục vụ hòa bình được diễn tả qua việc nhìn nhận những đoàn sủng và khả năng của mỗi người. 

Mỗi người đóng góp viên đá mình cho việc xây dựng căn nhà chung. Nền chính trị chân chính dựa trên luật pháp và trên sự đối thoại chân thành giữa mọi người, được đổi mới nhờ xác tín rằng mỗi người, mỗi thế hệ đều có trong mình một lời hứa có thể làm bùng lên những nghị lực mới, những nghị lực tương quan, trí tuệ, văn hóa và tinh thần. Một niềm tín thác như thế không bao giờ là điều sống dễ dàng, vì tương quan giữa con người với nhau thật là phức tạp, trong một thời đại mà bầu không khí nghi kỵ nẩy sinh từ thái độ sợ hãi người lạ, lo sợ mất các lợi thế của mình, và biểu lộ cả ở mặt chính trị, qua các thái độ khép kín hay quốc gia chủ nghĩa. 

6. Không chấp nhận chiến tranh và chiến lược sợ hãi.

Trăm năm sau Thế Chiến I, khi tưởng niệm những người trẻ đã ngã gục trong các trận chiến và các thường dân chết tan xác, bây giờ hơn trước kia, chúng ta thuộc bài học kinh khủng ‘chiến huynh đệ tương tàn’, hòa bình không bao giờ có thể bị thu hẹp vào sự quân bình các lực lượng và sợ hãi. Ðe dọa người khác có nghĩa là thu hẹp họ vào trạng thái một đồ vật và phủ nhận phẩm giá họ. Sự gia tăng dọa nạt và làm lan tràn các võ khí không kiểm soát được là điều trái ngược với luân lý. Sự kinh hoàng gây ra cho những người dễ bị tổn thương góp phần làm cho dân chúng phải di tản, tìm kiếm nơi an bình hơn. Ðừng biện minh các diễn văn chính trị cáo buộc những di dân về mọi tai ương và làm cho người nghèo mất hy vọng. Trái lại, cần tái khẳng định hòa bình dựa trên sự tôn trọng người khác, dù lai lịch họ thế nào. Ðặc biệt, hãy nghĩ đến các trẻ em sống trong các vùng xung đột, và những người đang dấn thân để cuộc sống và các quyền của các em được bảo vệ.

7. Một dự phóng lớn về hòa bình.

Trong khi kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền, hãy nhớ đến nhận xét của Thánh Giáo hoàng Gioan 23: « Khi con người ý thức về các quyền của họ, thì trong lương tâm họ nhất thiết nảy sinh ý thức về các nghĩa vụ tương ứng: các quyền của họ, trước tiên chúng giống như những biểu hiện phẩm giá mà họ phải làm nổi bật, và tất cả những người khác có nghĩa vụ nhìn nhận và tôn trọng các quyền ấy ».

Ðúng vậy, Hòa bình là kết quả của một dự phóng chính trị lớn dựa trên trách nhiệm hỗ tương và sự lệ thuộc nhau của con người. Nhưng nó cũng là một thách đố đòi phải được đón nhận ngày qua ngày. Ðó là một sự hoán cải tâm hồn, qua ba chiều kích không tách rời của hòa bình nội tâm và cộng đoàn ấy:

- hòa bình với chính mình, từ bỏ thái độ khăng khăng nhất mực, hãy thực thi dịu dàng đối với bản thân, để cống hiến dịu dàng đối với người khác;

- hòa bình với tha nhân, dám gặp gỡ và lắng nghe sứ điệp của họ;

- hòa bình với thiên nhiên, tái khám phá sự cao cả của hồng ân Thiên Chúa và phần trách nhiệm mỗi người chúng ta, trong tư cách là người dân của thế giới, công dân và là tác nhân xây dựng tương lai.

Một nền chính trị công chính, với những con người mong manh đảm nhận nó, chúng ta hãy kín múc từ tinh thần bài ca Magnificat mà Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô và là Nữ Vương Hòa bình, hát nhân danh mọi người: « Từ đời này đến đời kia, lòng thương xót Chúa đổ xuống trên những kẻ kính sợ Người. Chúa đã giơ cánh tay uy quyền mạnh mẽ, đập tan những kẻ kiêu căng, Người lật đổ những kẻ quyền hành khỏi tòa cao và nâng người hèn mọn lên; [...], Người nhớ lại lòng thương xót, như đã phán cùng Cha ông chúng ta, với Abraham và cho con cháu đến muôn đời ». (Lc 1,50-55)

Từ Quê hương Việt Nam, Ðức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận tân lập Hà Tĩnh, trả lời Vatican Radio, cho biết : « Tôi có nhiều ưu tư, ưư tư về Hòa bình, ưu tư về Nhân quyền, ưu tư về con người. Tôi rất cảm động khi Ðức Thánh Cha, trong Sứ điệp Ngày Hòa bình, đã nhắc đến ‘Mói phúc cho các Chính trị gia’ của Ðức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Trong đó, ÐHY có nói : « Phúc cho nhà chính trị nào có ý thức cao và hiểu biết sâu về vai trò của mình, có được sự tín nhiệm, có hoạt động cho Công ích chứ không gì tư lợi, có lời nói đi đôi với việïc làm, biết hoạt động cho sự hiệp nhất, cho sự thay đổi quyết liệt, có khả năng lắng nghe và không sợ hãi. Nhắc lại các tật xấu của họ mà Ðức Thánh Cha đã nói, Ðức cha còn nêu thay vì phục vụ lợi ích Quốc gia, tiền đồ Dân tộc, họ bảo vệ đảng và ý thức hệ. 

Hà Minh Thảo
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/248329.htm