TÌNH YÊU XOÁ BỎ HẬN THÙ
Chuyện kể về một người đàn ông nhìn thấy một con rắn bị cháy đến gần chết và anh đã quyết định đưa nó ra khỏi ngọn lửa. Tuy nhiên, khi anh ta vội vàng đưa tay đến gần con rắn để tìm cách cứu nó thì con rắn đã cắn thật mạnh vào tay của anh ta. Do đau đớn, anh ta phải rụt tay ra xa con rắn. Dù vậy, người đàn ông ấy vẫn không từ bỏ ý định cứu con rắn thoát khỏi đám lửa. Anh ta nhìn xung quanh và tìm thấy một thanh gỗ. Thế là ngay lập tức, anh ta đã dùng thanh gỗ để đưa con rắn ra khỏi ngọn lửa và cứu sống được nó.
Một người khác đứng gần đó quan sát diễn biến toàn bộ sự việc và tò mò hỏi : “Con rắn lúc nãy đã cắn anh, tại sao anh vẫn cố gắng để cứu nó? Với loài rắn độc địa đó thì cứ để cho nó chết cho rồi có phải hơn không?” Người đàn ông ấy đã trả lời: “Bản chất tự vệ của con rắn là cắn, nhưng điều đó vẫn không làm thay đổi bản chất của tôi là muốn giúp đỡ nó”.
Quý vị và các bạn thân mến,
Trong câu chuyện mà chúng ta vừa nghe, người đàn ông đã cố gắng làm điều tốt cho con rắn nhưng anh chỉ nhận lại được sự kháng cự và vết cắn đau đớn. Dĩ nhiên, anh có thể nổi điên lên và để cho con rắn đáng ghét đó chết cháy trong ngọn lửa. Đó là luật sòng phẳng “ăn miếng trả miếng”. Tuy nhiên, anh đã không làm như vậy. Anh vẫn không căm ghét con rắn đó mà vẫn kiên trì giúp nó thoát chết. Câu chuyện này gợi lên cho chúng ta những suy tư về cách cư xử của chúng ta đối với những người hay đem đến cho chúng ta những sự tổn thương và phiền muộn.
Nhiều người trong chúng ta đã rất quen thuộc với câu nói của người xưa: “bánh ít đổi đi, bánh quy đổi lại”. Câu nói này diễn tả phần nào một nhân sinh quan về sự công bằng trong tương quan giữa con người với nhau và về luật nhân quả trong cuộc sống hằng ngày. Quan điểm này tác động rất mạnh mẽ lên cách hành xử và lối sống của chúng ta. Khi nhận được sự giúp đỡ nơi ai đó, chúng ta cảm thấy rất vui lòng giúp đỡ lại người đã giúp đỡ mình. Trái lại, khi bị ai đó phản bội hay làm những điều gì đó khiến chúng ta bị tổn thương thì chúng ta cũng mong muốn trả đũa lại một cách cân xứng cho người đã gây đau đớn cho mình. Mục đích của thái độ này chính là muốn cho người đã gây tổn thương cho chúng ta cũng phải nếm trải sự đau đớn mà họ đã gây ra cho chúng ta một cách sòng phẳng.
Cách hành xử sòng phẳng này đã được Luật Môsê ấn định rất dứt khoát: “Chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng; kẻ đó phải chịu cùng loại thương tích mà mình đã gây ra” (Lê-vi 24,20). Điều luật này đã giúp cho các quan án thời đó đưa ra hình phạt tương xứng với thiệt hại mà kẻ phạm tội đã gây ra và cũng để ngăn người ta lạm dụng để báo thù hoặc làm hại người khác ở mức độ nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, sự đền trả sòng phẳng đó không thể giải quyết thoả đáng được mọi vấn đề xảy ra giữa con người với nhau mà chỉ khiến cho sự thù hận có cơ hội được trú ngụ và lớn lên trong tâm hồn và cuộc sống của con người.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng muốn có sự sòng phẳng trong tương quan với người khác. Đặc biệt, khi bị người nào đó gây ra những phiền muộn và tổn thương, chúng ta cũng thường có khuynh hướng phản kháng lại đối tượng đã làm tổn thương mình. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một giải pháp khác đó chính là “đừng chống lại kẻ dữ; nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5:39). Người dạy cho chúng ta bài học hết sức lớn lao về lòng khoan dung, và biết mạnh dạn nói “không” với sự báo thù và trả đũa để chúng ta luôn được sống trong tình yêu của Thiên Chúa – Đấng giàu lòng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương (Tv 103, 8.10).
Lạy Chúa, Chúa đã không theo tội chúng con mà xét xử, cũng không trả báo cho tương xứng với bao lỗi lầm của chúng con. Xin Chúa thanh lọc những sự ganh ghét, oán giận và ý muốn trả thù đang chế ngự tâm trí chúng con. Nhờ đó, những người xung quanh có thể nhìn thấy được vẻ dịu hiền và tấm lòng bao dung của Chúa nơi sự hiện diện và cuộc sống của chúng con. Amen.
Duy An