Ngày 14/1 hàng năm là ngày quốc tế Di dân. VietCatholic có được những giây phút hiếm hoi được Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng- Chủ tịch Ủy Ban Di Dân trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dành cho VietCatholic cuộc phỏng vấn về những hoạt động Di dân của Giáo Hội Việt Nam nhân ngày quốc tế này.

Nt. Maria Minh Du: Chúng con xin kính chào Đức Cha, thay mặt cho Anh Chị Em độc giả VietCatholic, chúng con kính gửi đến Đức Cha lời chào trong Đức Kitô.

Kính thưa Đức Cha, ngày quốc tế di dân năm nay Đức Cha có những hoạt động gì cho người di dân trên toàn diện lãnh thổ VN không và các giáo phận tổ chức ngày di dân như thế nào ạ?

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng: Tại VN có 26 giáo phận, mỗi giáo phận đều có một linh mục đặc trách di dân, nhưng thường là những di dân xuất cư; vì giáo phận nào cũng có người đi học hay đi làm việc ở nơi khác. Chỉ có một số giáo phận lớn mới có di dân nhập cư như : Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. HCM; người dân, nhất là giới trẻ, đến những thành phố lớn để học tập và làm việc. Vì thế, mỗi giáo phận tùy hoàn cảnh tổ chức ngày di dân. Riêng tại Saigon số di dân nội địa đông nhất nước (khoảng 5 triệu người), có tổ chức “Tuần Lễ Di Dân”

- Chúa Nhật 07/01/2018 : Khai mạc tại Tu Viện Don Bosco Bến Cát: 258/3 Dương Quảng Hàm, P.5, Gò Vấp – từ 13g00 đến 20g30

- Chúa Nhật 14/01/2018 : Bế mạc tại Tại Giáo xứ Phaolô, số 280 đuờng Vành Đai Trong, khu phố 3, phuờng Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân – từ 14g00 đến 20g00

- Chương trình sinh họat trong tuần : (Từ Chúa Nhật 07/01/2018 đến Chúa Nhật 14/01/2018) (tại các giáo xứ có đông di dân) :

- Chầu Thánh Thể - cầu nguyện Taize .

- Học hỏi sứ diệp di dân 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô

- Đọc kinh phòng trọ - chia sẻ Lời Chúa và các sinh họat chung tại nhà thờ.

* Đối tượng đặc biệt năm nay: các gia đình di dân trẻ

Nt. Maria Minh Du: Đó là những sinh hoạt dành cho di dân người Việt mình. Vậy thưa Đức Cha, đối với Anh Chị Em ngoại kiều Công Giáo đang sinh sống tại Saigon thì chúng ta có những hoạt động gì dành cho họ trong tuần lễ đặc biệt này không ạ?

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng: Đây là những người nước ngoài đến làm việc tại Tp. HCM được chia làm 5 nhóm ngôn ngữ chính : Anh, Pháp, Hàn, Đức, Ý.

Chiều thứ bảy 13-01-2018 (từ 15g00 đến 18g00) tại Trung tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận có buổi Gặp gỡ Đức tin cho các cộng đoàn ngôn ngữ: Anh, Pháp, Hàn, Đức, Ý. Chương trình buổi Gặp gỡ Đức tin như sau:

+15g00 - 16g30: Tôi có cuộc gặp gỡ với anh chị em. Mỗi cộng đoàn sẽ cử đại diện trình bày về lịch sử và sinh hoạt của cộng đoàn tại thành phố này.

+ 17g00: Thánh lễ chung bằng tiếng Anh (mỗi cộng đoàn hát 1 bài trong Thánh lễ); Ca nhập lễ: tiếng Anh, Thánh vịnh đáp ca: tiếng Đức, Dâng lễ: tiếng Hàn, Hiệp lễ: tiếng Pháp, Kết lễ: bài hát đa ngôn ngữ.

Thánh lễ đồng tế do Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế. Tôi giảng lễ cùng đồng tế có quý cha đang phụ trách giúp các cộng đoàn di dân ngoại kiều.

- Sáng Chúa Nhật 14-01-2018 (đúng ngày Quốc Tế di dân 2018) Tối sẽ chủ sự thánh lễ tiếng Anh cho cộng đồng người nước ngoài tại Nhà thờ Chánh Tòa Sàigòn.

Nt. Maria Minh Du: Sứ điệp di dân ngày 14/8/2017 của Đức Thánh Cha Phanxico, Ngài kêu gọi tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn. Vậy với đặc thù của GHVN chúng ta sẽ áp dụng sứ điệp ấy như thế nào ạ ? Cha nhắm đến điều gì đặc biệt cho người di dân năm nay?

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng: Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp di dân ngày 14/8/2017 với 4 hành động : tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân, Ủy ban Di Dân của HĐGMVN tập trung vào 2 chương trình chính :Chương trình 1: Phổ biến và áp dụng Văn bản Hướng dẫn Mục vụ Di dân vừa được HĐGMVN phê chuẩn cho thử nghiệm trong 2 năm, vào kỳ họp HĐGMVN tháng 10/2017. Để anh chị em di dân được tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập, đặc biệt trong lãnh vực đời sống đức tin, cần có sự thống nhất về mục vụ di dân trong tất cả cá giáo phận (nơi xuất cư và nhập cư). Có thể tìm được Văn bản Hướng dẫn Mục vụ Di dân tại trang Web của HĐGMVN: http://hdgmvietnam.org/huong-dan-muc-vu-di-dan/9207.32.21.aspx hay http://www.mucvudidan.com/vi/

Dự tính có một Đại hội Toàn quốc tại Trung Tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sàigòn từ ngày 23 đến 26/4/2018; trong đó đại diện của Ủy ban Di dân của 26 giáo phận gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ… đặc biệt là áp dụng Văn bản Hướng dẫn Mục vụ Di dân thế nào.

Chương trình 2: Khảo sát thực trạng di dân tại VN, để có thể có được những chương trình cụ thể nhằm tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân. Ủy Ban Di Dân VN có nhờ Giáo sư Nguyễn Đức Lộc, Phó giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành Nhân học, Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề xã hội đương đại viết một phần mềm ứng dụng (apps) trên Smartphone, được giới thiệu và phổ biến trên : ICAN.COM.VN (Mạng lưới thông tin dịch vụ xã hội). Với ứng dụng này, các bạn di dân tại Tp.HCM (phần đông là giới trẻ) có thể dùng SmartPhone của mình vào trang ICAN.COM.VN để cung cấp thông tin về mình (tên, tuổi, làm gì, đang ở đâu, thuộc giáo xứ nào, cần nhu cầu gì…). Nhờ đó Ủy Ban Di Dân có thể biết được tình hình cụ thể của những người di dân, từ đó có thể có những chương trình cụ thể giúp đỡ họ. Xin xem Hướng Dẫn Sử Dụng Ican.com.vn (trên YouTube) https://www.youtube.com/watch? v=WWq3HawZ1Rs

Tổng Giáo phận Sàigòn có 230 giáo xứ, trong đó 35 giáo xứ ở ngoại ô là có nhiều anh chị em di dân nhập cư nhất. Ủy Ban Di Dân phối hợp với Ban Caritas của 35 giáo xứ trên để thực hiện Khảo sát này.

Vào Chúa Nhật 14-1-2018, ngày Bế mạc “Tuần lễ Di dân” tại giáo xứ thánh Phaolô, sẽ chính thức giới thiệu cho các bạn di dân về “Ứng dụng Khảo sát Di dân”, và thực tập ngay trên Smartphone của mình. Chương trình Khảo sát này sẽ áp dụng trước hết tại Tổng giáo phận Sàigòn (tại 35 giáo xứ với sự hỗ trợ của Ban Caritas), sau đó sẽ lần lượt áp dụng tại các giáo phận khác.

Nt. Maria Minh Du: Điều gì làm Đức cha quan tâm và lo lắng cho người di dân nhất ạ?

ĐC Giuse Đỗ Mạnh Hùng: Trước thực trạng 5 triệu người di dân tại Tp. HCM, trong đó có hơn 300.000 người Công Giáo, có 2 nhu cầu cho đời sống đức tin của di dân tại Tp.HCM là cơ sở : cần thiết lập những giáo điểm tại những vùng ngoại ô của thành phố, để có thể “đón tiếp” anh chị em di dân đang tuôn về những nơi này (có những khu công nghiệp mới…). Có những chỗ phải đi từ 10-15km mới có nhà thờ để tham dự lễ Chúa Nhật. Khi có bệnh nhân hấp hối cần linh mục xức dầu, thì thật khó khăn… Cả Tổng giáo phận Sàigòn, với chương trình Truyền giáo do Đức Tổng Giám Mục Phaolô đề xuất, đang nỗ lực xây dựng những giáo điểm này. Thứ đến là nhân sự : cần có và đào tạo nhân sự (linh mục, tu sĩ, giáo dân) để phục vụ tại các giáo điểm này. Ngoài ra Ủy ban Di dân đang cộng tác với Ủy ban Caritas và Ủy ban Truyền giáo trong công tác phục vụ anh chị em di dân.

Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha đã dành thời gian quý báu cho quý vị Độc giả VietCatholic được chia sẻ những hoạt động, những hướng đi và những công việc của Ủy Ban Di Dân đã, đang và sẽ thực hiện. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho Đức Cha dồi dào sức khỏe thể xác và tinh thần; cũng như cho những công việc mà Ủy Ban Di Dân đang và sẽ làm luôn được Thiên Chúa chúc lành hầu mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho Anh Chị Em Di Dân.

ĐC Giuse Đỗ Mạnh Hùng: Xin cảm ơn Sơ Minh Du, cám ơn Quý vị Độc giả VietCatholic. Nguyện xin Thiên Chúa hằng chúc lành cho Anh Chị Em.

Saigon 12/1/2018
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du
Dòng Đa Minh Rosa Lima
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News