Phải chăng Thiên Chúa đã chết?

Thiên Chúa tự bản chất không thể chết, vì Người là Đấng Hằng Sống. Nhưng Thiên Chúa “chết” trong tâm hồn của con người, trong cuộc sống của họ. Nói cách khác, Thiên Chúa phải “biệt cư” ra khỏi tư tưởng con người, khỏi cuộc sống chúng ta.

Dụ ngôn về những tên tá điền sát nhân được Chúa Giêsu trực tiếp kể cho các thượng tế và kỳ mục trong dân Do Thái, được thánh Matthêu viết lại dưới ánh sáng biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, được đọc lại trong bối cảnh của thế giới tục hóa hiện nay, quả đúng là một ngụ ngôn, trong đó tất cả các chi tiết đều mang ý nghĩa riêng: gia chủ là Thiên Chúa; vườn nho là dân Israel, được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng; Chúa đã thiết lập giao ước Xinai với thể chế Môsê để bảo vệ và hướng dẫn dân này, ví như giậu, bồn đạp nho, vọng gác trong vườn; tá điền sát nhân là những người Do Thái thất tín, nhất là các nhà lãnh đạo đã đưa dân vào con đường bội nghĩa; các đầy tớ của gia chủ là các vị ngôn sứ, qua các thời đã bị đối xử tàn tệ. Người con của gia chủ là chính Chúa Giêsu, bị đóng đinh trên thập giá bên ngoài thành Giêrusalem. Người Do Thái tưởng giết Chúa Giêsu để nắm trọn vận mạng dân tộc. Nhưng họ sẽ bị truất quyền và bị trừng phạt; Chúa ám chỉ sự tàn phá Giêsusalem sau này. Còn Nước Thiên Chúa thì sẽ được ban cho một dân khác biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Dân mới này là Hội Thánh quy tụ lại từ mọi dân thiên hạ.

Cũng như những dụ ngôn khác, dụ ngôn này chứa đựng những ý nghĩa mở rộng. Một đàng, nó diễn tả tình yêu và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với loài người qua từng giai đoạn của lịch sử cứu độ: từ sáng tạo đến cứu chuộc. Dẫu con người có bất tín, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người, vẫn kiên nhẫn, hiện diện, đồng hành để vào cuộc cứu độ. Lịch sử cứu độ là lịch sử lòng thương xót của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa không bỏ cuộc và bị khuất phục bởi sự dữ, nhưng tình yêu luôn chiến thắng và là lời cuối cùng.

Đàng khác, dụ ngôn còn diễn tả thái độ cố chấp, bội nghĩa và khước từ của con người qua mọi thời đại: bắt đầu từ Adong và Evà với tội kiêu ngạo chống lại Thiên Chúa, đến các thế hệ loài người đã quá sa đọa dưới thời Noê, rồi các tiên tri như thời Isaia, như được nói ở trong bài đọc I (Is 5,1-7), đến nỗi làm cho Thiên Chúa phải hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất (x. St 6,6); “Thiên Chúa mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe tiếng khóc than” (Is 5,7); đến thời Chúa Giêsu, thập giá là bản cáo trạng lớn nhất về tội ác và sự quay lưng của nhân loại đối với Thiên Chúa. Con người đã giết chết Con Thiên Chúa.

Thái độ loại trừ Thiên Chúa trở thành một hệ thống triết học và chính trị vô thần duy vật chất với những tên tuổi như Feuerbach, Kark Marx. Triết gia hiện sinh vô thần Nietzsche đã đặt trên môi miệng của một người điên đang xông vào đám người vô thần lời tuyên bố này: “Thiên Chúa đã chết! Thiên Chúa sẽ mãi mãi chết! Và chính chúng ta đã giết Người” (Nietzsche, Le Gai Savoir, Livre troisième, 125). Theo ông, phải giết chết Chúa để chừa chỗ cho siêu nhân và cho ý chí quyền lực của con người.

Trong bối cảnh của thế giới hiện đại và hậu hiện đại, dụ ngôn còn soi sáng cho chúng ta hiểu về thực trạng đáng buồn hiện nay của thế giới, nhất là ở Châu Âu. Đó là một thế giới bị thống trị bởi hiện tượng tục hóa và giải thiêng, và chủ thuyết duy tương đối hóa lên ngôi như một thứ độc tài mới. Trong thế giới đó, Thiên Chúa bị lãng quên, bị loại trừ khỏi cuộc sống. Chúa Giêsu đã bị “loại ra khỏi vườn nho,” khỏi nền văn hóa được gọi là hậu Kitô giáo hay là chống Kitô giáo. Những lời của các tá điền vườn nho được lặp lại trong xã hội tục hóa hôm nay: “Chúng ta hãy giết người thừa tự và tài sải sẽ thuộc về chúng ta.” Nhân loại bị tục hóa muốn là người thừa kế và ông chủ. Jean Paul Sartre đã đặt trên miệng một người có cá tính đặc biệt tuyên bố này: “Không còn gì ở trên thiên đàng, cả điều tốt lẫn điều xấu, không có ai có thể truyền lệnh cho tôi... Tôi là một con người, và mỗi con người phải khám phá lộ trình của mình.”

Thái độ dửng dưng tôn giáo là thái độ đặc trưng của con người hôm nay. Ngày hôm nay, người ta không còn quan tâm đến vấn nạn có Thiên Chúa hay không; Thiên Chúa có mấy ngôi như thời các giáo phụ. Thiên Chúa có mấy ngôi thì cứ mặc ngài, tôi không quan tâm. Thiên Chúa có hiện hữu, thì ông cứ hiện hữu trong thế giới của ông, còn tôi, tôi có thế giới riêng của tôi. Tôi không muốn liên lụy đến Người nữa.

Như thế, lời tuyên bố của Nietzsche có phần đúng như một lời tiên tri. Thiên Chúa tự bản chất không thể chết, vì Người là Đấng Hằng Sống. Nhưng Thiên Chúa “chết” trong tâm hồn của con người, trong cuộc sống của họ. Nói cách khác, Thiên Chúa phải “biệt cư” ra khỏi tư tưởng con người, khỏi cuộc sống chúng ta; nhưng khi Người không còn là điểm quy chiếu, là lời mời gọi, và bị quên lãng thì cái chết này chỉ duy nhất xảy ra cùng với cái chết của nhân loại, như lịch sử đã hiển nhiên minh chứng qua câu chuyện sa ngã của nguyên tổ, cũng như qua các thế hệ loài người. Bởi lẽ, nếu Thiên Chúa chết, thì con người cũng chết. Nơi nào mà niềm tin vào Thiên Chúa tan biến, thì nơi đó sẽ để lại một sự trống vắng và một sự lạnh lẽo đến vô tận. Vắng bóng Thiên Chúa, chúng ta hoàn toàn và vô vọng nộp mình cho số phận, cho sự ngẫu nhiên và cho những con sóng quyền lực, tiền bạc, danh vọng của dòng đời đưa đẩy. Vắng bóng Thiên Chúa, chúng ta không còn một uy quyền nào để bám víu. Vắng bóng Thiên Chúa, mọi hy vọng cho một cuộc sống có ý nghĩa và công bằng hoàn toàn sụp đổ!

Khi suy gẫm đến thái độ từ chối và phản bội này của con người qua các thế hệ không phải để lên án ai, nhưng là để chúng ta soi bóng mình và trở về với lòng mình: phải chăng nơi đó chúng ta có thể chứa đựng những mầm mống phản loạn, hay thái độ dửng dưng vô cảm trước tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa, khi Chúa mời gọi vào làm vườn nho cho Chúa, làm điều Chúa muốn, nhưng chúng ta lại không làm, mà làm những điều theo ý riêng, theo sự cám dỗ của xác thịt, thế gian và ma quỷ.

Đồng thời, dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta đọc ra “dấu chỉ thời đại về sự vắng bóng Thiên Chúa” trong xã hội hôm nay, để hun đúc lòng nhiệt thành tông đồ, say mê tìm kiếm Thiên Chúa, học hỏi và thấm nhuần chân lý đức tin để sẵn sàng xung vào đội ngũ làm vườn nho cho Chúa trong cánh đồng truyền giáo.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, mẫu gương về đức tin, nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban dư tràn ân sủng cho chúng ta trong hành trình tìm kiếm và làm chứng cho Người. Amen./.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Nguồn: http://giaophanvinh.net