NỢ MỘT LỜI GIÃ BIỆT
Quý vị và các bạn thân mến,
Trong những ngày cuối tháng Mười, đầu tháng Mười Một năm nay, giữa lúc mà tin tức về các vụ sạt lở đất gây thiệt mạng cho nhiều anh chị em đang sinh sống ở miền Trung liên tục được thông báo, nhiều trang mạng xã hội đã chia sẻ bức ảnh một nữ sinh vẫn còn mang trên mình bộ đồng phục học sinh, vừa từ trường trở về làng, đang đau buồn gục đầu bên hai nấm mồ còn tươi màu đất của cha mẹ sau vụ sạt lở đất tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Nữ sinh đó là Hồ Thị Điệp - học sinh lớp 11, trường Trung học Phổ thông Nam Trà. Em đã được thầy cô giữ lại ở trường tránh bão số 9 nên thoát được vụ sạt lở đất kinh hoàng ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, vào chiều ngày 28 tháng Mười. Măc dù biết cha mẹ của Điệp đã gặp nạn, các thầy cô trong trường vẫn chưa cho em biết để không làm em bị sốc và hoảng loạn. Mãi đến chiều ngày hôm sau, Điệp mới được thầy cô đưa về làng. Em thảng thốt trước cảnh tượng tang hoang, đổ nát của ngôi làng mình. Người trong làng đã dẫn em tới trước hai đống đất được phủ bạt lên trên và nói cho em biết dưới đó là bố mẹ của em. Quá bất ngờ và tuyệt vọng, Điệp đã quỳ sụp trước hai nấm mồ của cha mẹ mình mà than khóc.
Bức ảnh ấy của Điệp đã được mệnh danh là “bức ảnh ám ảnh về nỗi đau thấu trời tại Trà Leng”. Đó là một trong rất nhiều hình ảnh khác không được ghi nhận lại về nỗi đau của bao người đột ngột mất đi người thân yêu của mình sau những trận sạt lở đất bất ngờ xảy đến tại nhiều thôn ở miền Trung của nước ta. Một người mẹ chỉ kịp giữ được đứa con bốn tuổi của mình, còn ba đứa con còn lại không kịp gọi tiếng mẹ đã bị đất đá chôn vùi. Một cô giáo nghẹn ngào nhặt từng tấm giấy khen lấm lem bùn đất của bốn đứa học trò gặp nạn của mình. Hàng trăm người bị chôn vùi dưới hàng tấn đất đá ấy đã đột ngột ra đi không kịp nói một lời từ giã người ở lại. Họ vẫn còn nợ cuộc đời và người thân của mình một lời giã biệt.
Quý vị và các bạn thân mến,
Chúng ta đang bước đi trong tháng Mười Một – khoảng thời gian đặc biệt trong năm phụng vụ để cùng với Giáo hội tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất. Khi tưởng nhớ những người đã khuất, đặc biệt là những người có vị trí hết sức quan trọng trong con tim và cuộc đời của mình, chắc chắn tâm hồn chúng ta không khỏi bồi hồi và se sắt khi nhớ lại những khoảnh khắc biệt ly. Sự giã biệt, dù chỉ là một cái nhìn trìu mến, da diết hay tiếng thì thầm nhắn nhủ không thành lời… cũng có thể khiến người ra đi và kẻ ở lại phần nào đó mãn nguyện trong giây phút chia xa mãi mãi. Do vậy mà trong bài thơ “Không đề” của mình, thi sĩ Xuân Diệu đã bộc bạch rằng: “Hãy để cho tôi được giã từ, vẫy chào cõi thực để vào hư”.
Thế nhưng, cuộc đời luôn có cách vận hành riêng của nó không giống như những gì chúng ta mong muốn. Đã có bao cái chết bất ngờ và những sự ra đi không một lời giã biệt. Tính bất ngờ của cái chết không hề xa lạ trong niềm tin của người Kitô hữu chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo cho chúng ta rằng: “như chớp lóe ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy” (Mt 24, 27), và “chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24, 44). Do vậy, chúng ta phải luôn có thái độ chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đi vào giờ Chúa đến trong cuộc đời mình. Không phải đợi đến giây phút cuối của cuộc đời mới nói lời giã biệt, lời giã biệt mà chúng ta gửi lại cho những người thân yêu của mình và cuộc đời này chính là tình yêu thương mà chúng ta đã và đang chăm chút thực hiện trong bổn phận, và trách nhiệm của mình ngay trong những giây phút sống của hiện tại.
Trong những phút cầu nguyện này, chúng ta cầu nguyện cho linh hồn những người đã chết bất ngờ trong các trận sạt lở đất ở miền Trung. Xin Chúa Cha giàu lòng thương xót đưa họ vào niềm vui vĩnh cửu, nơi không còn lo âu hay đau đớn nữa.
Lạy Chúa, xin thương đến các linh hồn đã qua đời vì thiên tai và nhân tai trên quê hương chúng con cũng như trên toàn thế giới, và xin Chúa cũng thương ban niềm an ủi cho những người thân của họ trong mất mát lớn lao này. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.
Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org