Những bài học từ cuộc đời Thánh Cả Giuse

Thái Hà (19.03.2017) – Nói về thánh Giuse thì có rất nhiều cảm hứng trình bày, nhiều khía cạnh phân tích, nhiều đề tài chia sẻ và nhiều bài học tâm linh. Thế nhưng, Ngài lại là một vị thánh sống âm thầm lặng lẽ, hiếm ngôn từ, không muốn nói là cô độc, đơn côi vì đời sống ẩn dật, thinh lặng, không có gì nổi bật của Ngài. Ngài cũng là một vị thánh được trình bày trong Phúc âm rất ít, có thể nói là rất mờ nhạt, không có gì nổi bật dưới con mắt người đời. Điều quan trọng muốn nói trong cuộc đời của thánh Giuse, không phải là những gì ngài đã làm mà là những gì ngài đã sống, đã thực thi sứ mạng được Thiên Chúa giao phó. Qua đời sống của ngài chúng ta càng nhận diện rõ ràng và sâu sắc tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại.

joseph28

Theo thánh sử Luca, “sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” (x.Lc 1,3). Thánh sử cho biết Giuse – quê ở Bê-lem, thuộc chi họ Giuđa, là dòng họ và là hậu duệ đời thứ 40 của vua Đavít (x.Lc 3,23-31), và làm nghề thợ mộc (Mt 13,55) với gia cảnh tầm thường trong giới bình dân lúc đó (x.Lc 2,24). Được đính hôn với Maria, quê ở Nadarét, cũng thuộc chi họ Giuđa và trong miêu duệ vua Đavít. Đây đúng là một gia đình nghèo, chẳng giàu có tiếng tăm gì trong xã hội đương thời. Mặc dù cũng thuộc dòng dõi “đế vương” nhưng nói được là “có tiếng mà không có miếng” trong xã hội lúc ấy. Nhưng cả hai vị đã được Thiên Chúa tuyển chọn, trở nên “cộng tác viên” đặc biệt trong mầu nhiệm Con-Thiên-Chúa nhập thể.

Rồi Phúc Âm tường thuật cho chúng ta biết thêm về thánh Giuse qua bốn lần thiên thần báo mộng với Ngài như sau:

Lần thứ nhất, qua biến cố “truyền tin” – Thiên thần hiện đến trong lúc ngài đang bối rối nghi nan khi biết Đức Maria có thai, để bảo cho ngài biết: “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt.1,20b). Nói cách khác là Mẹ Maria đã cưu mang người con mà không có sự can thiệp của người phàm. Ngày nay lắm khi vẫn bị “sốc” khi chồng nghe tin vợ mình như thế, huống hồ vào thời đó! Lại còn do “thần thánh” nữa, thật khó tin làm sao (theo nhãn giới đương thời)! Chuyện xảy ra “động trời” như vậy nhưng ngài vẫn an tâm tiếp tục ngon giấc. Rồi: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse đã làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt.1,24).

Lần thứ hai, Thiên thần đến bảo đem Hài Nhi và mẹ Ngài trốn qua Ai Cập, kẻo Hêrôđê lùng giết. Giuse không nói, không rằng “liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt.2,14). Sử liệu cho biết Hêrôđê Cả qua đời khoảng 3 năm sau đó. Đó cũng chính là thời gian Gia-đình-thánh sinh sống nơi đất khách. Chắc vất vả, khó khăn không ít khi phải tha hương ?

Lần thứ ba, sứ thần Chúa lại hiện ra với thánh Giuse ở bên Ai cập, bảo trở về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi (x.Mt 2,19-20). Giuse dự định đưa gia đình về ở Bêlem.  Nhưng nghe tin Ác-khê-lao vốn tính hung bạo, lên làm vua xứ Giuđê thay cha, nên ngài sợ không dám về nơi đó.

Lần thứ tư, được báo mộng đem Đức mẹ và Chúa Hài Nhi lui về miền Galilê, và định cư tại thành Nadarét (x.Mt 2, 22-23). Lúc ấy, Nadarét là một ngôi làng vô danh ở Galilê, dân số tối đa chỉ khoảng 400. Quá nhỏ bé và tầm thường ! đến nỗi về sau – Nathanaen – một môn đệ Đức Giêsu đã nhận xét: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46).

Sống rất kỷ cương, mẫu mực, đạo đức và thánh thiện. Vì hàng năm, thánh Giuse đều đưa Đức Maria và Hài nhi Giêsu đi hành hương Đền thờ Giêrusalem cách nhà khoảng 65 km (Lc 2,41).

 Tương truyền, thánh Giuse qua đời trước khi Chúa Giêsu ra rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Vì không còn thấy ngài xuất hiện cùng Mẹ Maria và xuất hiện giữa bà con thân thuộc (Mc 3, 31-35; Ga 2,1)

Cuộc đời của Thánh Giuse chỉ có thế. Đơn giản, vắn tắt, cô đọng vài mươi dòng. Nhưng lại có tầm ảnh hưởng đặc biệt lớn mạnh và sâu rộng trong đời sống các tín hữu và đời sống Giáo hội. Đa phần các chủng viện, các dòng tu, các tổ chức, các hiệp hội, các cơ sở giáo dục, các cơ sở y tế và các cá nhân Công giáo đều chọn thánh Giuse làm quan thầy bầu cử cho mình và ngài được tôn kính là thánh cả trong hàng ngũ các thánh ! Cuộc sống của thánh nhân là cả một cuộc đời ẩn dật, âm thầm, khiêm nhượng, phó thác, dũng cảm và khôn ngoan. Thánh Giuse đã tận tụy gìn giữ gia đình Nadarét mà Chúa trao phó cho Ngài coi sóc, trông nom. Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao với tất cả lòng tin mạnh mẽ, trông cậy vững vàng, phó thác tất cả vào Chúa quan phòng.

Qua đó, chúng ta thủ đắc được những bài học quý báu sau:

Bài học đức tin: mạnh mẽ, sống động. Qua những lần được thiên thần báo mộng, thánh Giuse đã đáp lại bằng thái độ mạnh tin, vững tin, chắc tin. Niềm tin này của ngài được minh chứng qua hành động: lập tức thi hành ngay điều mình tin. Không một chút chần chừ, đắn đo. Thiên thần truyền lệnh kêu làm là ngài làm, gọi đi là ngài ra đi, rồi bảo trở về là ngài về. Thực hiện mau mắn, chuẩn xác: đúng giờ, đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ. Không do dự, không hoài nghi, không thắc mắc, không nghi nan.

Ngài đã “hành động” để dạy chúng ta từ nhìn thấy, rồi bắt đầu cảm nhận, để sau cùng hiểu biết tường tận thế nào là “tin”. Bởi vì, không phải hễ nói “tin” như cách chúng ta vẫn thường tuyên xưng đức tin như bấy lâu nay, thì đã là thành “đức tin”. Nhưng phải là những đòi hỏi buộc “sống cho” (phục vụ), “sống vì” (bảo vệ) niềm tin bằng “việc làm” một cách cụ thể, mà về sau thánh Giacôbê cũng đã giáo huấn như vậy (x. Gc 2, 14-26). Cuối cùng, việc “làm-tin” cần phải được tác động và kiện toàn bởi đức ái (ICr 13,2, Gl 5,6). Thật vậy, chính căn cứ trên hành động mà mỗi người được lượng giá tội – phúc đời mình (Rm 2,6). Thật hạnh phúc khi nhìn lên thánh Cả là thầy dạy đức tin !

Bài học khiêm nhường, phó thác: Thánh Giuse đã hoàn toàn phó thác đời mình cho Chúa cách khiêm nhường. Ngài phó thác cả quyền tự do của mình, quyền lựa chọn hạnh phúc lứa đôi của mình, để mặc Thiên Chúa định đoạt, sử dụng ngài làm “cộng tác viên đặc biệt” cho chương trình Cứu độ, đó là: làm bạn “trăm năm” với Mẹ Maria, làm dưỡng phụ của Hài nhi Giêsu cách hợp pháp theo lề luật. Cũng với biến cố ấy, khi sứ thần Gáp-ri-en báo tin cho Đức Maria thì Mẹ còn hỏi lại: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc.1,34) Còn thánh Giuse thì im lặng tin ngay, làm ngay. Bởi vì ngài biết rõ, càng sử dụng trí óc hạn hẹp của con người để cố gắng hiểu những điều bí nhiệm của Thiên Chúa thì càng chẳng hiểu được gì hoặc sẽ hiểu sai lạc. Thay vì để cố gắng hiểu ý Chúa bằng trí não, thánh Giuse đã hết lòng bảo vệ Đức Mẹ và Con Chúa, bằng hành động “quẳng gánh lo đi” mà phó thác tất cả cho Chúa. Làm cho nhân loại thấy sự lạ lùng Thiên Chúa đã làm nơi Đức Mẹ qua Chúa Thánh Thần.

Thánh Giuse quả thực là một người hết sức lạ lùng. Vì trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Ngài đã sống hết sức khiêm nhượng, hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa.

Bài học gia đình: Thánh Giuse là giáo trình đào tạo các gia trưởng một cách chuẩn mực. Vì ngài đã tận tụy dưỡng nuôi Chúa Giêsu và bảo vệ, yêu thương săn sóc mẹ Maria trong suốt quãng đời phu thê và nắm giữ vai trò trụ cột trong gia đình. Ngài đã chu toàn bậc sống gia đình với tất cả trách nhiệm và gánh nặng của bậc sống ấy. Sống một tình yêu trinh khiết, thánh thiện thay cho tình yêu vợ chồng theo cách tự nhiên. Vì rằng ngài ý thức được rằng gia đình ngài đang bảo bọc, chăm sóc là gia-đình-thánh, gia đình gương mẫu cho mọi gia đình khác, gia đình mà trong đó có Con-Thiên-Chúa-làm-người, gia đình được hình thành từ hành động đầy tính sáng tạo của Thiên Chúa. Để từ nay trở đi, gia đình là khuôn-thánh-sáng-tạo vì Thiên Chúa đã can dự vào đời sống nhân trần.

Bài học lao động: Thánh Giuse làm thợ mộc tại Nadaret. Thuật ngữ Hy lạp, “tekton” (τέκτων): thợ mộc. Được định nghĩa là một nghệ nhân chế tác đồ đạc từ gỗ, từ sắt hoặc từ đá. Ngày nay, thợ mộc bị xem là nghề rẻ tiền, thấp kém; vì bị đồ kỹ nghệ công nghiệp lấn áp. Nhưng suy cho cùng, thì ngành mộc đang bắt đầu hồi sinh trở lại và đang dần chiếm thế thượng phong như trước. Theo thuật ngữ trên, lúc đó thợ mộc là “nghệ nhân” thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, chứ không đơn thuần chỉ biết cưa xẻ, bào đục, lắp ráp thông thường mà thôi. Đó là một nghề “thời thượng” lúc bấy giờ, một nghề tuy đơn giản nhưng không hẳn thấp kém như người ta nghĩ. Vậy không nghi ngờ gì “danh tiếng” của thánh Giuse lúc ấy và ngài đã tâm huyết truyền nghề lại cho Chúa Giêsu, dân chúng đương thời ai cũng đều biết đến cha con ngài (x. Mt 13,55; Mc 6,3). Như vậy, thánh Giuse là một “nghệ nhân” tài hoa, không hẳn chỉ là bác thợ mộc tầm thường như mọi người suy nghĩ lâu nay, tuy dù tính đặc thù của nghề có vất vả, lao nhọc. Xem ra vẫn “oách” hơn nghề ngư phủ hay thâu thuế của thập-nhị-tông-đồ sau này ! Với đôi tay gân guốc dân dã, cần cù chuyên chăm lao động và bầu nhiệt huyết yêu nghề, thánh Cả đã tạo tác nhà cửa, vật dụng sinh hoạt, thổi hồn vào các vật liệu chế tác, tô điểm làm đẹp đời sống gia đình; tạo nên những thành công trong nghệ thuật cuộc sống, bất chấp mọi gian lao, khổ cực hay vất vả trong đời thường. Thánh nhân đã làm với một tâm tình yêu mến, thiện hảo và tự hiến cho gia đình, cho xóm giềng. Từ đó, ngài đã đem lại cho lao động một giá trị và một ý nghĩa mới, ngoài giá trị tự nhiên và giá trị xã hội vốn có của nó. Thiên Chúa đã rút ngắn “khoảng cách” giữa trời với đất, bằng cách chọn sinh ra trong một gia đình nghèo. Qua lao động, là phương tiện để Ngài xích lại gần gia đình nhân loại, chia sẻ cơ cực của kiếp người bằng “tay làm hàm nhai”, lấy mồ hôi đổi lấy bát cơm.

Giá trị lao động được đề cao qua gương sáng của thánh Giuse và Chúa Giêsu. Giờ đây lao động là góp phần hoàn thiện việc sáng tạo vũ trụ vạn vật của Thiên Chúa. Làm việc vì danh Chúa, vì hạnh phúc của mình, cũng như của xã hội là một nghĩa vụ, một vinh dự cho con người. Ðó cũng là điều kiện để tiến bộ, để mưu cầu hạnh phúc bây giờ và đời sau. Trên Thiên quốc, ta sẽ được lãnh phần thưởng tùy công việc ta đã làm ở trần gian (Mt 16,27)

Qua lao động, hình thành chiều kích của đức ái và tạo nên những mối liên hệ phát sinh tình huynh đệ tương thân, tương ái trong Đức Kitô, phá vỡ vỏ bọc ích kỷ, khép kín của lòng người, xây dựng xã hội nhân ái, công bình.

Bài học sống nội tâm: điều dễ nhận thấy ở đời sống của thánh Giuse là không nghe ngài nói, hẳn là ngài cũng có nói nhưng lời nói đơn sơ, giản dị, mộc mạc đến nỗi các thánh sử không chú ý đến và ghi chép lưu lại cho hậu thế. Nhưng chắc chắn một điều là ngài rất ít nói, cẩn trọng trong lời nói, nói năng dè dặt, điềm tĩnh, biết giữ thinh lặng, nói năng đúng lúc khi cần. Đó là tiêu chuẩn sự khôn ngoan mà kinh thánh đề cập (x.Cn 17,27-28).

Khi thánh Giuse đưa gia đình lui về ẩn dật tại Nadarét theo lời sứ thần Chúa. Tức là về quê quán của Đức Maria (x.Lc 1,26-27). Về quê vợ, ít nhiều gì ngài cũng chịu điều tiếng là “thực lộc chi thê”. Thánh nhân phải can đảm, nhẫn nhục và có sức chịu đựng phi thường lắm vậy ! Ðời sống ẩn dật của thánh Giuse là một đời sống nội tâm, sống chiêm niệm phong phú. Sống nội tâm – “sống bề trong”, “sống ẩn kính” –  là một danh từ tu đức học để diễn tả sự hoạt động dồi dào của một linh hồn tín hữu, xuất phát từ những yếu tố bên trong: ân sủng, đức tin, đức mến, hầu tinh luyện linh hồn để kết hợp với Chúa trong tâm tư, trong tình cảm và cả trong hành động nữa. Người tín hữu nào cũng có đời sống siêu nhiên, nhưng đời sống nội tâm thì chỉ có một số người ưu tú đạt tới mà thôi. Ðó là bậc chiêm niệm. Với đời sống trầm mặc, hiếm ngôn; thánh Giuse đã trở thành gương mẫu và thầy dạy đường nhân đức trọn lành. Thánh nữ Têrêsa Avila, tiến sĩ hội thánh đã chứng thực điều đó khi bà viết: “Nhờ ơn thánh Giuse dạy dỗ, chẳng bao lâu tôi đã lên tới bậc chiêm niệm cao sâu. Nếu ai chẳng tìm được thầy dạy cách nguyện ngắm thì hãy xin thánh Giuse dạy cho, ắt chẳng bao lâu, ta sẽ thành thông thạo.”

Khám phá và làm hiển lộ sức mạnh hướng thượng trong nội tâm mỗi người là đặc ân cao quý nhất của con người, được tạo hóa ban cho để tự bảo vệ mình trước những nghịch cảnh !
Cuộc sống chúng ta ngày nay quá gấp gáp, vội vã. Người ta – ai nấy hối hả, tất bật như không còn kịp để sống. Chúng ta đang sống ở một thời đại nhân tâm thất tán, ưa nhìn và đánh giá qua bề mặt, nhìn danh lợi tha hóa con người đến cùng cực mà chẳng bận tâm. Người ta mải mê hụp lặn giữa giòng nước xoáy, không kịp vuốt mặt để thở, sống như không bao giờ chết. Người ta không ngần ngại dẫm đạp lên nhau để dành một chỗ đứng, rủa sả, sỉ nhục người lân cận, thậm chí người vô can để có quyền lực trong tay mình. Dù có khi chỉ là ảo tưởng ! Con người ngày nay dễ bị cuốn hút vào giòng xoáy cuộc đời, nếu không biết tạo một khoảng lặng cần thiết.

Nếu có thể hỏi một hạt cát chìm dưới lòng sông hay lăn lóc trên bãi biển, chắc nó không biết gì nhiều về kích thước nhỏ bé, tầm thường của nó. Nhưng mỗi hạt cát mà thượng đế tạo ra, có khả năng chứa đựng cả giòng sông và cả đại dương !

Vậy, hãy học lấy đời sống gia đình, tín thác của thánh Giuse, vì những nghịch cảnh vẫn đang xảy ra hằng ngày. Hãy tìm đến sự khiêm nhu, cần lao với thánh Giuse vì những nỗi bất an trong lòng vẫn xảy ra vào mỗi thời khắc. Hãy nài xin đời sống thầm lặng, chiêm niệm của thánh Cả giúp hãm bớt sự sôi sụt, những cuốn hút của dòng chảy trần đời. Những tâm hồn nguội lạnh hãy nài xin thánh Cả ban ơn phù trợ, mưa xuống mặt đất “tâm hồn” hoang hóa, khô cằn, từ lâu đã cạn mầm. Để có ngày vươn cao mầm sống thánh thiện

Cát biển

Nguồn: tinmung.net

Trích đăng lại từ nguồn: http://nhathothaiha.net/nhung-bai-hoc-tu-cuoc-doi-thanh-ca-giuse