NHẬT KÝ TUẦN TĨNH TÂM NĂM 2016 Từ ngày 28/8 đến ngày 03/9/2016

CHỦ ĐỀ

SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

VỚI NHỮNG LỜI KHẤN

THANH KHIẾT - THANH BẦN – TUÂN PHỤC VÀ TRỢ THẾ

Trong Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại điệp khúc của Thánh Vịnh 136, qua đó ngài hướng dẫn chúng ta suy niệm mầu nhiệm tình thương hải hà mà Thiên Chúa đã dành cho Dân Riêng, và cũng là cho tất cả chúng ta, những con người đang trên hành trình đức tin theo Chúa: “Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời”. Thánh vịnh này còn được gọi là Thánh vịnh Hallel, kể lại những kỳ công Chúa làm trong Lịch Sử Cứu Độ; Thánh vịnh nói lên những cảm nhận của dân Hípri về sự can thiệp của Thiên Chúa trong Lịch Sử Cứu Độ.

Cũng qua Thánh Vịnh này, cả nhân loại chúng ta cũng được mời gọi để cảm nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, được hoàn tất trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô: “Lòng thương xót làm cho lịch sử của Thiên Chúa nơi Dân tộc Israel trở thành lịch sử cứu độ. Khi lặp lại liên tục câu ‘vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời’, Thánh vịnh này như muốn phá vỡ vòng vây của không gian và thời gian, để đặt tất cả vào mầu nhiệm của tình yêu. Thánh vịnh như thể muốn nói rằng, không chỉ trong lịch sử, nhưng cho đến đời đời, con người vẫn luôn sống dưới ánh mắt thương xót của Chúa Cha.[1]

Trước đó, nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao tầm quan trọng trong cuộc đời mỗi tu sĩ chúng ta, những người được mời gọi “cảm nghiệm tình thương lân tuất của Thiên Chúa[2], một cảm nghiệm đưa mỗi chúng ta đi vào cõi thâm sâu của hành trình cảm nghiệm cá nhân với Thiên Chúa tình thương; một cảm nghiệm mang đậm nét tương quan cá vị, giữa mỗi người với Đức Giêsu Kitô, Đấng là Hình Ảnh trung thực của Lòng Thương Xót của Chúa Cha, và cũng là Đấng mà chúng ta đang muốn từ bỏ mọi sự để đi theo trên hành trình tu trì.

Các bài chia sẻ trong tuần tĩnh tâm, khởi đi từ việc suy niệm về Lòng Thương Xót của Chúa, khai triển các đề tài về Lòng Thương Xót thần thiêng trong bối cảnh đời tu của chúng ta hôm nay. Mong đây là cơ hội để mỗi người tìm lại những khoảnh khắc êm đềm trong cầu nguyện, suy tư, nghỉ ngơi và tâm tình với Chúa, để cảm nhận vì thương mà Chúa đã gọi chúng ta trong đời sống tu trì, vì thương mà Người tha thứ lỗi lầm thiếu sót của chúng ta, vì thương mà Ngài cứu độ chúng ta. Có thể nói chủ đề tĩnh tâm gắn bó thiết thân với Dòng Trợ Thế Thánh Gioan của chúng ta: Phục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ theo gương Chúa Giêsu nhân từ và thương xót.

Có thể những suy nghĩ này được chia sẻ và được lặp lại nhiều lần chỗ nọ hay chỗ kia; điều cần thiết là những gợi ý này giúp mỗi người ý thức dung hòa những nét cá nhân với những nét chung của Hội Dòng trong cùng một cuộc lữ hành với Giáo Hội. Qua đó, mỗi chúng ta tìm thấy vị trí của mình trong dòng chảy Hồng Ân Cứu Độ.Các đề tài được phân chia thành những mục nhỏ, tương ứng với thời khắc của những ngày tĩnh tâm: Suối nguồn của lòng thương xót (1), lòng thương xót Chúa thể hiện trong cuộc đời của mỗi ơn gọi thánh hiến (2), sự từ bỏ của chúng ta cần dựa vào cảm nhận về lòng thương xót thần thiêng (3), hoa trái của cảm nghiệm này được thể hiện trong tương quan với các thành viên trong cộng đoàn và nơi tha nhân (4), với những quyết tâm sống và noi theo Thầy Chí Thánh và Mẹ Maria -mẫu gương của lòng thương xót (5).

Đề tài thứ I: “Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời.” (Tv. 136)

Mục 01: Thiên Chúa muốn chúng ta được gọi là con của Người (Tv. 136)

Mục 02: Lòng thương xót, suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng, an bình (Misericordiae Vultus, 2)

Đề tài thứ II: Người gọi tôi bởi Lòng Thương Xót của Người

Mục 03: Ơn gọi của Gia-kêu, niềm vui của ơn cứu độ

Mục 04: Ơn gọi của Lêvi, sự từ bỏ dứt khoát

Đề tài thứ III: “Người kéo tôi ra chỗ thảnh thơi, vì yêu thương tôi nên Người giải thoát.” (Tv 17,20)

Mục 05: Lời khấn Khiết Tịnh

Mục 06: Lời khấn Khó Nghèo

Mục 07: Lời khấn Vâng Phục

Đề tài thứ IV: “Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời.” (Misericordiae Vultus, 2)

Mục 08: Lòng thương xót trong đời sống cộng đoàn

Mục 09: Thể hiện lòng thương xót khi phục vụ bệnh nhân và người  nghèo khổ

Đề tài thứ V: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không cần hy tế.” (Mt 9,13)

Mục 10: Sống niềm vui của lòng thương xót

Mục 11: Chiêm ngắm Dung Mạo của Đức Kitô

Mục 12: Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót


ĐỀ TÀI NGÀY THỨ NHẤT

 “Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời.” (Tv. 136)

MỤC I

Thiên Chúa muốn chúng ta được gọi là con của Người (Tv. 136)

Dẫn nhập: Suy niệm đoạn Tin Mừng Mc 10,46-52. Lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô đã chữa anh mù được lành.

Tựa đề của mục này được trích từ phần kết luận trong suy niệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về Thánh vịnh 136, ngày 19/10/2011. Trong bài suy niệm, Ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện với Thánh vịnh 136, để qua đó chúng ta đọc lại những chặng đường lịch sử cứu độ, được Thánh vịnh gia khéo léo trình bày qua từng giai đoạn. Chúng ta lược lại ba điểm cơ bản trong bài suy niệm của Đức Thánh Cha như sau[3]:

Đây là một lời nguyện tạ ơn trọng thể, thường gọi là bản Hallel Lớn; Thánh Vịnh 136 thường được hát lên vào cuối bữa Vượt Qua của người Do Thái, và có lẽ Đức Giêsu đã cùng với các môn đệ của Người dùng để cầu nguyện trong Lễ Vượt Qua lần cuối cùng: “Sau khi hát Thánh Vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ đi đến Núi Cây Dầu.” (Mt 26,30; Mc 14,26). Theo giải thích của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, “triển vọng ngợi khen đang chiếu rọi con đường gian lao Golgotha.”[4]

Bài Thánh vịnh liệt kê biết bao kỳ công Thiên Chúa đã làm, và câu điệp ca điểm nhịp cho việc tường thuật đó nhắc đến động lực của hành vi chúc tụng: tình yêu muôn đời của Chúa. Ý nghĩa yêu thương trong tiếng Do Thái: sinh sôi, thương xót, nhân hậu, ân sủng, dịu dàng. Đây là động lực thống nhất toàn thể Thánh vịnh, trong khi Thánh vịnh gia kể lại tuần tự những kỳ công Chúa làm: Sáng tạo (c. 5-9), Xuất hành giải phóng (c. 10-15), dẫn vào Đất hứa (16-22), sự trợ giúp không ngừng của Chúa quan phòng đối với dân Ngài và mọi thụ tạo.

Dù công trình Tạo Dựng được kể lại trong trình thuật của Thánh Vịnh không nói đến con người, nhưng cũng ám chỉ trong đó điểm son của công trình Tạo Dựng: Thiên Chúa dựng nên vì yêu thương con người; mặt trời - mặt trăng giữ nhịp thời gian cho con người, đặt con người vào mối liên hệ với Thiên Chúa, Đấng Hóa Công, đặc biệt qua dấu chỉ các Mùa Phụng Vụ. Cuộc vượt qua ở Biển Đỏ cho thấy “cánh tay mạnh mẽ của Chúa” đã đẩy lui mọi thế lực thiên nhiên và kẻ đối nghịch với Dân, để Dân băng qua mà tiến bước trong hành trình hướng đến tự do. Kế đó là bốn mươi năm trong xa mạc thử thách đức tin của Dân Riêng, “để họ học cách sống đức tin trong sự vâng phục và tuân theo mệnh lệnh Chúa”.[5] Thiên Chúa được ví như Mục Tử nhân lành đã hướng dẫn dân đi trong sa mạc suốt 40 năm, dạy bảo và chăm sóc yêu thương Dân.

Cuối hành trình này kết bằng việc Dân vào Đất hứa, gia nghiệp Chúa dành cho họ, để họ hưởng dùng “phần thừa hưởng” từ ân lộc Chúa ban. (Nhưng, như chúng ta đã biết, hành trình của Dân Hípri trong xa mạc cũng là hành trình thanh luyện đức tin: họ đã phải đối diện với những cám dỗ thờ tà thần, vật chất; Lịch sử cho thấy họ đã phạm tội, đã bị phân tán và chịu cảnh nhục nhằn). Nhưng, trong mọi hoàn cảnh, Chúa vẫn tỏ tình thương xót Dân: “Chúa đã nhớ đến ta trong cảnh nhục nhằn.” (c. 23).

suy tư: Thánh vịnh mở đầu và kết thúc bằng việc ca tụng Thiên Chúa là Chúa của Tạo Dựng. Và khi kể lại mọi công trình Người đã thực hiện, Dân nhắc lại lòng nhân hậu của Chúa. Dù trong dòng chảy lịch sử có nhiều thung lũng tối tăm, gian lao, và cả sự chết, Chúa không quên Dân của Người. Israel ghi lòng tạc dạ tình thương của Chúa, Đấng nhân hậu, toàn năng, Đấng muôn đời vẫn tỏ lòng thương xót.

Có thể nói, ký ức chính là sức mạnh cho niềm hy vọng Israel. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã nói đến ký ức của Dân Israel, và “chính chúng ta cũng có ký ức về sự thiện hảo, về tình yêu giàu lòng thương xót muôn đời của Chúa; lịch sử Israel cũng đã thuộc về ký ức của chúng ta. Ký ức về cách Chúa tỏ mình và thành lập dân Chúa. Rồi Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta, sống với chúng ta, chịu đau khổ cùng chúng ta và đã chết cho chúng ta. Chúa ở lại với chúng ta trong Bí Tích và Lời Chúa. Đó là lịch sử và ký ức về lòng nhân hậu của Chúa, Đấng cam kết tỏ lòng nhân hậu của Ngài đối với chúng ta.”[6]

Có thể chúng ta đã ít nhiều chia sẻ với nhau về cảm nghiệm của mỗi người trong dòng lịch sử cứu độ. Nhưng hôm nay, cũng cần nhắc lại như lời kết luận cho bài chia sẻ đầu tiên này: Lịch sử cứu độ là lịch sử Thiên Chuá thông ban Lời của Ngài cho con người. Trong Cựu Ước, Thiên Chuá “dựng lều” giữa dân Người. Hình ảnh rất đẹp mang tính du mục là Lều Hội Ngộ, điểm quy chiếu của toàn dân Israel. Thiên Chuá hiện diện giữa dân người qua dấu chỉ Lều Tạm, và lòng dân hướng về Lều Hội Ngộ này với tất cả sự tôn kính và cậy trông. Họ hướng về nơi đó chờ đợi mệnh lệnh, chờ đợi Thánh Ý; họ quy tụ nơi đó như điểm hội tụ để dâng lễ tế lên Thiên Chuá. Lều Hội Ngộ là điểm quy tụ của toàn dân Israel.

Đấng Cứu Độ ở giữa chúng ta: Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chuá đã sai Con Một đến trần gian. Theo ngôn từ của Tin Mừng Gioan, “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14). Trong Cựu Ước, Thiên Chuá phán dạy qua các vị trung gian; trong Tân Ước, Thiên Chuá phán dạy chúng ta qua chính Thánh Tử (Dt 1,1). Mầu nhiệm Nhập Thể cho chúng ta thấy ơn bình an và niềm vui của toàn thế giới đã hiện thực giữa nhân loại, như lời thiên sứ loan báo cho các mục đồng: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã được sinh ra cho anh em.

Cách diễn tả của hai tác giả Tin Mừng Nhất Lãm cho chúng ta thấy sự hiện diện của Thiên Chuá giữa con người cách êm đềm, ẩn dật; Người xuất hiện giữa những con người chất phác, đơn sơ. Cuộc hạ mình cách khiêm hạ của Ngôi Lời mang lại cho con người bình an, niềm vui, niềm hy vọng. Xét tỉ mỉ sứ điệp Nước Trời, chúng ta sẽ thấy Mầu Nhiệm Giáng Sinh khởi đầu hai chữ “bình an” cho thế trần, và mở ra một thời đại mới, thời đại của “bình an” khi Đức Giêsu Phục Sinh, bằng lời chào thân ái: “Bình an cho anh em.” (Lc 24,36).

Trong mỗi cộng đoàn tu trì của chúng ta, sự bình an là yếu tố quan trọng cho nếp sống chung của chúng ta. Ắt hẳn đó không chỉ là một sự bình an bên ngoài, theo kiểu dĩ hòa vi quý, hoặc theo cách thức “bằng mặt mà không bằng lòng”, nhưng cần thiết một sự bình an đích thực mà Ánh Sáng Tin Mừng soi tỏ, một sự bình an tiên vàn đến từ ân sủng của Chúa, và thứ đến là từ nỗ lực nên hoàn thiện của mỗi bản thân người tu sĩ.

Thiên Chuá cho nhân loại cảm nhận một cách cụ thể và sâu xa sự hiện diện của Người qua Đức Giêsu; chính trong Người, chúng ta được mời gọi sống và cảm nhận chiều kích thẳm sâu của mầu nhiệm tình thương. Ngôn từ không thể diễn tả hết kho tàng vô tận của tình thương hải hà của Thiên Chuá. Đời tu trì mang nét ẩn dật như Ngôi Lời giáng trần chốn khiêm hạ: Theo Chuá Kitô sống khiêm nhường phục vụ. Chính đây là sức mạnh của đời tu trì dâng hiến cho Chuá, vì nó bén rẽ tận căn nơi suối nguồn sống động của đời tu trì: Sequela Christi.

MỤC 2

Lòng thương xót,

suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng, an bình

(Misericordiae Vultus, 2)

Dẫn nhập: Suy niệm đoạn Tin Mừng “Dụ ngôn người cha nhân hậu” (Lc 15,11-32).

Lời mời gọi đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Misericordiae Vultus được coi như lời nhắc nhở cần chuyên cần chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót: “Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót. Đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Lòng thương xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng thương xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta.” (Misericordiae Vultus, 2).

Chúng ta chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót như thế nào trong thế giới hôm nay, một thế giới đầy ồn ào, có nơi đầy bạo động, bon chen, ...? Vâng, cũng chính trong một thế giới đầy biến động này, như Đức Thánh Cha đã nhận định trong Evangelii Gaudium, mà chúng ta cần hơn bao giờ hết chiêm ngắm Lòng Nhân Hậu của Thiên Chúa, để chúng ta sống mạnh mẽ hơn, tin tưởng hơn nơi Người; và để chúng ta chia sẻ xác tín đó cho tha nhân.

Hạt nhân của Tin Mừng: Lòng Thương Xót của Chúa

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề cập đến ưu tư của ngài về công cuộc loan báo Tin Mừng: “Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, và cách riêng trong thời hiện đại chúng ta đang sống, Giáo hội phải coi một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình là rao truyền và thể hiện Lòng Thương Xót đã được mặc khải một cách tuyệt vời trong Đức Kitô”.

Cũng trong tinh thần đó, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đề cập đến trong lễ Chúa Nhật Kính Lòng thương Xót Chúa ngày 30-03-2008: “Lòng Thương Xót là hạt nhân trung tâm của sứ điệp Tin Mừng; đó chính là thánh danh của Thiên Chúa, là khuôn mặt Ngài tự mặc khải trong Cựu Ước và đầy đủ với Đức Giêsu Kitô, sự nhập thể sáng tạo và tình yêu cứu độ”.

Khi khai triển nội dung Tin Mừng cho việc truyền giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý đến sứ điệp Tin Mừng, đặt trong tương quan với sứ điệp luân lý Kitô Giáo, trong tương quan với các nhân đức. Trong số 37 của Evangelii Gaudium, ngài nói: “Thánh Thoma Aquinô đã dạy rằng ngay cả giáo huấn về luân lý của Hội Thánh cũng có một phẩm trật riêng của nó, giữa các nhân đức và giữa các hành động phát xuất từ chúng. Ở đây, điều quan trọng hơn cả là “đức tin hoạt động qua đức ái” (Gl 5:6).

Những việc làm của đức ái hướng đến tha nhân là sự bày tỏ hoàn hảo nhất bề ngoài của ân sủng của Chúa Thánh Thần ở bên trong: “Yếu tố chính của Luật Mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được tự tỏ lộ trong đức tin, hoạt động qua đức ái”. Về điều này ngài nói rằng, đối với hành động bên ngoài, lòng thương xót cao trọng hơn tất cả các nhân đức. ‘Lòng thương xót tự nó lớn nhất trong các nhân đức, vì tất cả các nhân đức khác xoay quanh nó, và quan trọng hơn nữa, nó bù đắp cho sự thiếu xót của những nhân đức khác. Điều này đặc biệt cho nhân đức cao trọng, và như thế thích hợp với việc Thiên Chúa có lòng thương xót, mà qua đó sự toàn năng của Ngài được tỏ bày cách rõ ràng nhất.’ “Chúng ta thấy hai điểm từ số trích dẫn: Lòng Thương Xót là trung tâm của sứ điệp Tin Mừng, Đức Kitô là hiện thân của Lòng Thương Xót.

Có thể nói, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra trong sứ điệp của ngài một cái nhìn mới, khởi đi bằng chính kinh nghiệm bản thân khi chạm đến Lòng Thương Xót thần thiêng. Khi nhận nhiệm vụ Giáo Hoàng, ngài đã khiêm tốn nói: “Tôi là một kẻ tội lỗi mà Chúa đã đoái nhìn”, “Tôi là kẻ có tội, nhưng tôi tin tưởng vào lòng thương xót và nhẫn nại vô hạn của Thiên Chúa”. Chính những lời này nói lên lòng khiêm tốn của một người đã cảm nghiệm thực sự lòng thương xót của Chúa. Từ đó, ngài đã lấy sự hiền từ mà khuyên các linh mục rằng: “Tòa giải tội không phải là phòng tra tấn nhưng là nơi dành cho lòng thương xót của Chúa, là điều khích lệ chúng ta làm điều lành càng nhiều càng tốt” (Evangelii Gaudium, số 44).

Lòng thương xót của Thiên Chúa

Trong Tông sắc Misericordiae Vultus, Đức Thánh Cha dẫn giải con đường yêu thương liên kết con người với Thiên Chúa: “Lòng thương xót là ‘Con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn do tội lỗi chúng ta’; lòng thương xót là “luật căn bản ở trong tâm hồn mỗi người”; là ”xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội”; ”là lý tưởng sống và là tiêu chuẩn xác định xem niềm tin của chúng ta có đáng tín nhiệm hay không”. Có nhiều định nghĩa Đức Phanxicô dành cho lòng thương xót, ngài nhấn mạnh rằng lòng thương xót ”không phải là một dấu chỉ sự yếu nhược, nhưng đúng hơn là phẩm tính toàn năng của Thiên Chúa”. Lòng thương xót của Thiên Chúa là ”vĩnh cửu” vì ”đời đời con người sẽ luôn ở dưới cái nhìn thương xót của Chúa Cha”. Trong Chúa Giêsu, ”tất cả đều nói về lòng thương xót và không gì bị thiếu sự cảm thương”, vì ”con người của Chúa Giêsu không là gì khác hơn là tình thương, một tình thương trao ban nhưng không”.

Con người sống tinh thần của lòng thương xót

Đức Thánh Cha đề cao Lòng Thương Xót như tiêu chuẩn để nhận ra ai là người con đích thực của Chúa (mà chúng ta có thể tóm tắt trong đôi dòng sau đây): Lòng thương xót không phải chỉ là hành động của Chúa Cha, nhưng còn trở thành tiêu chuẩn để hiểu ai là những người con đích thực của Chúa. Trong thực hành, tất cả chúng ta đều được kêu gọi sống lòng thương xót, vì lòng thương xót đã được áp dụng cho chúng ta trước tiên: vì thế, tha thứ những xúc phạm người ta làm cho chúng ta... chính là một mệnh lệnh mà các tín hữu Kitô không thể tránh né hoặc bỏ qua. Đức Thánh Cha nhận xét rằng bao nhiêu lần tha thứ dường như là bấy nhiều lần khó khăn, nhưng tha thứ chính là phương tiện đặt trong những bàn tay mong manh của con người để đạt tới sự thanh thản trong tâm hồn, để sống hạnh phúc.

Những gợi ý mang tính mục vụ là cách diễn tả cụ thể lòng thương xót: Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hãy tha thứ và cho đi, xa tránh tật xấu nói hành nói xấu người khác, tránh những lời nói vì ghen tương, phân bì, và hãy đón nhận điều tốt lành ở nơi mỗi người, trở thành khí cụ tha thứ.

Hơn nữa, cởi mở tâm hồn đối với những hoàn cảnh bên lề cuộc sống, mang lại an ủi, cảm thương, liên đới và quan tâm đến những người đang sống trong những tình trạng bấp bênh, đau khổ trên thế giới ngày nay, quan tâm đến anh chị em bị tước đoạt phẩm giá, ước gì tiếng kêu của họ trở thành tiếng kêu của chúng ta và cùng nhau chúng ta có thể phá vỡ hàng rào của sự dửng dưng lãnh đạm là thái độ đang lan tràn, che đậy sự giả hình và ích kỷ.

Với người tu sĩ, khi đi theo Đức Kitô, chúng ta nhận ra Ngài là Ánh Sáng cho trần gian, chiếu soi đêm tối, mà bóng tối không thể diệt được. Lời làm cho sống lại chính là ánh sáng quyết định trên đường chúng ta đi (Verbum Domini, 12). Khi sống với Người và trong Người, chúng ta có thể sống trong ánh sáng. Đức Giêsu Kitô là trung tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử. Những giờ phút cầu nguyện và chiêm niệm liên lỉ là những giờ phút làm chúng ta được kết hiệp với Chúa, Đấng là trung tâm điểm của đời tu trì. Một khi đã chọn Chuá là gia nghiệp đời mình, người tu sĩ chỉ biết kiếm tìm Người, và thực thi sứ vụ mà Người đã cho phép thông phần với Người. Đây chính là căn tính của đời tu: là môn đệ của Đức Giêsu, trở nên giống Người khi tỏ lòng thương xót với tha nhân.

Sự thánh hiến của đời tu kín múc từ tác động của Thiên Chúa. Thiên Chuá gọi tên của một ai đó, đặt riêng người đó để người đó được tận hiến cho Thiên Chuá một cách đặc biệt. Đồng thời Chuá cũng ban ơn đáp trả, xét về phía con người chúng ta. Tin Mừng nói nhiều đến việc đáp trả này.

Ơn gọi – sự đáp trả là hai hành vi mang tính liên kết cao độ, nối kết tương quan thân tình giữa từng tu sĩ với Thiên Chuá. Về phía con người, bằng sự phó thác toàn thân cách sâu xa và tự nguyện, người tu sĩ đi vào tương giao với Thiên Chuá cách thân tình, và thể hiện cuộc đời tu trì của mình cách trung tín, trong hiệp thông và sứ vụ, để làm vinh danh Chuá, đem lại niềm vui cho chính đời thánh hiến, và ơn cứu độ cho thế gian. Chính Đức Giêsu là Đấng Chuá Cha đã thánh hiến và sai đi một cách tuyệt hảo (Ga 10,36). Nhờ phép Thanh Tẩy, người Kitô hữu đã được thánh hiến; nhờ lời khấn Dòng, người tu sĩ được thánh hiến cách đặc biệt hơn cho Chúa; Sự thánh hiến qua lời khấn công khai còn làm cho đời sống này trở nên phần thánh thiện của Hội Thánh.

Hoa trái của ân sủng: tâm hồn có bình an đích thực[7]

Trong tác phẩm Hoa trái của thinh lặng, đan sĩ Thomas Merton đã viết: Bạn cầu nguyện tốt nhất khi tấm gương linh hồn mình trống trơn mọi hình ảnh ngoài Hình Ảnh của Chúa Cha Vô Hình. Hình ảnh này là Khôn Ngoan của Chúa Cha, là Lời của Chúa Cha, Lời Vọt Ra Tình Yêu, vinh quang của Ngài. Xuyên qua cái tăm tối của hình ảnh Ngài, chúng ta làm vinh danh Chúa Cha trong niềm cậy trông vốn loại bỏ mọi hình ảnh tương tự ra khỏi linh hồn mình; một niềm cậy trông khiến chúng ta sống bằng mối tương quan và sự phụ thuộc hoàn toàn vào Ngài. Một cuộc sống tuỳ thuộc được hoàn thiện trong đức tin tinh tuyền là đời sống duy nhất hoà hợp với ấn tích của con cái Chúa Cha trong Đức Kitô.

Chỉ một tình yêu tinh tuyền mới có thể quét sạch cách hoàn hảo khỏi linh hồn những hình ảnh các tạo vật; từ đó, tình yêu nâng chúng ta vượt quá những ước muốn. Để sẵn sàng cho công việc này, chúng ta đừng tìm cách tống khứ khỏi chính mình tất cả mọi hình ảnh, nhưng trước tiên, hãy bắt đầu bằng cách thay thế những hình ảnh độc hại bằng những hình ảnh tốt lành. Để từ đó, chúng ta loại bỏ ngay cả những hình ảnh tốt lành nhưng vô ích hoặc những hình ảnh lôi kéo chúng ta cách vô bổ vào những đam mê và cảm xúc. Phong cảnh đẹp là một nhà giải phóng tài giỏi trước những hình ảnh như thế bởi nó có thể xoa dịu và đem lại bình an cho trí tưởng tượng và những cảm xúc, đồng thời giúp cho ý chí được tự do tìm kiếm Thiên Chúa trong đức tin. Về điểm này, chúng ta mới đang ở tại trật tự tự nhiên nơi các khả năng tự nhiên của con người.

Hoạt động tinh tế của ân sủng trong linh hồn bị quấy phá nghiêm trọng bởi tất cả những gì gọi là bạo lực của con người. Đam mê, dục vọng một khi trở chứng, sẽ bạo hành tinh thần; và nó sẽ trở nên nguy hiểm nhất khi người ta nghĩ rằng, trong nó, dường như họ tìm thấy bình an. Bình an, hoa trái của ân sủng, là sự ổn định thiêng liêng rất thâm sâu đối nghịch với bạo lực. Cảm xúc có thể quấy nhiễu bề mặt hiện hữu của chúng ta, nhưng nó sẽ không khuấy động được những chiều kích thâm sâu nếu những chiều kích này được ân sủng nắm giữ và chiếm hữu.

Có một thứ bạo lực của lòng ham muốn thoả hiệp quá mức khác, cản trở hoạt động của ân sủng cùng với việc tạo điều kiện cho việc đẩy xa lòng bác ái ra khỏi chúng ta hoàn toàn. Một thoả hiệp như thế nhấn chìm chúng ta quá sâu vào những quyết định của dục vọng; vậy mà, nó có thể làm điều đó với cớ là phục vụ Thiên Chúa. Bạo lực thiêng liêng nguy hiểm nhất chính là khi nó đem ý chí chúng ta đi xa, với một ý nghĩ sai lầm như thể phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng thực tế, do chính dục vọng gợi lên. Rất nhiều trong những kế hoạch thao thức nhất của chúng ta cho vinh quang Chúa lại chỉ là những đam mê quá mức được nguỵ trang bằng những hứng khởi do chúng tạo ra.

Thiên Chúa của sự bình an không bao giờ được tôn vinh bằng bạo lực. Chỉ có một loại “bạo lực” vốn có thể chiếm được Nước Trời – “bạo lực” đặt bình an lên các chiều kích sâu thẳm của linh hồn giữa những đam mê dục vọng. “Bạo lực” này tự nó là một mệnh lệnh được tạo ra trong chúng ta bởi quyền năng và tiếng nói của Thiên Chúa bình an vọng lên từ đền thánh của Ngài: Thế nhưng Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Israel là Ngài (Tv 21,4).

 [1] ĐGH Phanxicô, Misericordiae Vultus, số 7.

[2] x. ĐGH Phanxicô, Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, I, 1.

[3] x. Bênêđictô XVI, Cầu Nguyện trên nền tảng Thánh Kinh –Tập I : Cựu Ước, nxb. Tôn Giáo (bản Việt Ngữ : Vương Nghi - Khổng Thành Ngọc), tr. 160 tt.

[4] Ibid., tr. 161.

[5] Ibid., tr. 166-167.

[6] Ibid., tr. 170.

[7] Phần này trích dẫn chủ yếu trong: Thomas Merton, “Thoughts in Solitude” (Bản Việt Ngữ của dịch giả Minh An: “Hoa trái thinh lặng”, nxb. Tôn giáo, Sài Gòn 2014).