Nhận biết ánh nhìn của Chúa Giêsu qua Kinh thánh

Nhận biết ánh nhìn của Chúa Giêsu qua Kinh thánh

NHẬN BIẾT ÁNH NHÌN CỦA CHÚA GIÊSU QUA KINH THÁNH

Leonard J. DeLorenzo

“Từ trời cao nhìn xuống, CHÚA thấy hết mọi người.
Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế.
Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên,
việc họ làm, Chúa thông suốt cả”. (Tv 33, 13-15)

WHĐ (07.11.2023) – Không ít người trong chúng ta thường lo lắng về người khác nhìn chúng ta như thế nào và không lưu tâm tới việc Chúa nhìn chúng ta ra sao. Điều này cũng dễ hiểu, vì chúng ta có thể thấy ánh mắt của người đang nhìn mình, trong khi đó, chúng ta khó có thể bắt gặp hoặc hình dung ánh mắt Chúa đang nhìn chúng ta.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, chúng ta có thể thấy rằng rất nhiều lần Phúc âm kể lại về ánh nhìn của Chúa Giêsu, và chính ánh nhìn của Ngài đã tạo nên sự khác biệt đối với người chạm được ánh nhìn ấy.

Ánh nhìn của Chúa Giêsu dành cho người thanh niên giàu có

Ðức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: ‘Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi’”. (Mc 10, 21)

Phúc âm kể lại rằng, người thanh niên giàu có đến với Chúa Giêsu để tìm kiếm bí quyết dẫn đến sự sống đời đời. Chúa Giêsu biết anh thực sự coi trọng điều gì, và với ánh nhìn yêu thương, Ngài nói với anh một sự thật rất thách đố, khó khăn nhưng lại mang tính quyết định: Anh không thể đặt Thiên Chúa lên hàng đầu cho đến khi anh ngừng bám víu vào tài sản của mình.

Đây quả thực là một sự thật đầy thách đố vì việc thay đổi những ưu tiên đòi hỏi người thanh niên phải trao tặng những gì quý giá nhất của mình cho những người quý giá nhất của Chúa: người nghèo. Điều này có nghĩa là, bằng việc yêu thương những người Thiên Chúa yêu thương, anh sẽ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, nơi phát sinh sự sống vĩnh cửu.

Có thể thật đau đớn khi nhìn thấy ánh mắt này của Chúa Giêsu, một ánh mắt tràn đầy yêu thương nhưng cũng kèm theo một mệnh lệnh. Chúa Giêsu nhìn thấy điều mà người thanh niên yêu thích hơn sự sống đời đời, và mệnh lệnh của Ngài là hãy từ bỏ những gì anh có để dành chỗ cho tình yêu của Ngài. Sự từ bỏ nào cũng có những đau đớn, và ngay cả việc nghĩ về sự từ bỏ cũng gây đau đớn.

Trước ánh nhìn và mệnh lệnh của Chúa Giêsu, người thanh niên “sa sầm nét mặt”. Anh quay lưng và vì thế, anh không nhận ra ánh nhìn yêu mến mà Người dành cho anh. Để rồi, anh bước đi theo lối của mình trên con đường mà tài sản được anh đặt giữa anh và ánh nhìn của Đấng yêu thương anh.

Ánh nhìn của Chúa Giêsu dành cho Phêrô sau khi chối Thày

Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông… Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”. (Lc 22, 61-62)

Chính khi nhìn thấy ánh nhìn của Chúa, Phêrô cảm thấy xấu hổ vì nhận ra những gì mình đã làm. Ánh nhìn của Chúa Giêsu không phải là ánh nhìn lên án, mà là ánh nhìn mạc khải: Phêrô đã được mạc khải về chính mình bởi ánh nhìn của Chúa, một ánh nhìn giúp ông tự vấn lương tâm và nhận thức được hành động chối Thày của mình, nhận thức sự thất bại của mình trong tình yêu đối với Thày, Đấng yêu thương mình đến cùng. Đây là đáy vực sâu và cũng là khởi đầu của sự cứu rỗi của Phêrô. Đòi hỏi đầu tiên để lãnh nhận ơn cứu độ là nhìn tội lỗi là tội lỗi, và đây là thời điểm Phêrô nhận ra tội lỗi của mình.

Khi suy tư về cảnh này, những người sáng tác bản hợp xướng tuyệt vời “The Passion” của Dàn hợp xướng dân gian Notre Dame hình dung Phêrô trên bờ biển, chợt nhớ lại thất bại trước đây của mình khi Chúa Giêsu gọi ông đến với Ngài. Phêrô bước đi bằng đức tin trên mặt nước, nhưng khi rời mắt khỏi Chúa Giêsu thì Phêrô bắt đầu chao đảo như muốn chìm. Đây là dấu chỉ báo trước về sự chìm thực sự của Phêrô, khi ông rời xa Chúa bằng việc chối Ngài để tự vệ và tìm sự an toàn cho bản thân. Chính khi Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô, ông mới nhận ra con người thực của mình, và chính ánh nhìn ấy giúp Phêrô nhớ lại lời Thày đã nói với ông trước đó, để sám hối và mở lòng đón nhận sự tha thứ của Đấng yêu thương ông trọn vẹn từ đầu đến cuối.

Ánh nhìn của Chúa Giêsu dành cho người đàn ông bị bại liệt

Và kìa có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Ðức Giêsu. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: "Này anh, anh đã được tha tội rồi’” (Lc 5, 18-20)

Người bại liệt không thể đến với Chúa Giêsu được nên thân hữu khiêng đi. Đến nơi, họ không thể vào được nơi Chúa Giêsu đang ngồi vì quá đông người. Không nản chí, họ khoét một lỗ trên mái nhà và hạ người bạn bại liệt xuống ngay chỗ Chúa Giêsu. Chứng kiến đức tin của họ, Chúa Giêsu đã động lòng thương người bị liệt. Trước hết, Ngài tha tội cho anh, và tiếp đến, Ngài chữa anh khỏi bại liệt. Quả thật, Chúa rất lưu tâm đến những lời người ta cầu xin vì lợi ích của người khác. Chúa nhìn đến mối quan tâm của chúng ta dành cho nhau và Ngài đáp lại tấm lòng của chúng ta bằng lòng thương xót của Ngài.

 

Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), nhiệm vụ của Tin Mừng và công cuộc loan báo Tin Mừng là “ước muốn, tìm kiếm, và bảo vệ lợi ích của người khác” (Số 178). Trái tim của người rao giảng Tin Mừng “đầy ắp những con người” (Số 281). Khi những người bạn đưa người bại liệt đến với Chúa Giêsu, Ngài không chỉ nhìn thấy hành động của họ mà còn nhìn thấy tấm lòng của họ. Họ mang trong lòng sự quan tâm đến hạnh phúc của bạn mình. Đây là của lễ đẹp lòng Chúa và đã được Chúa chúc lành.

Ánh nhìn của Chúa Giêsu dành cho hai môn đệ tiên khởi

Ðức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế?’” (Ga 1, 38)

Hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả tò mò về Chúa Giêsu vì những gì Gioan nói về Người. Chúa Giêsu thấy họ đi theo mình liền hỏi họ tìm gì. Ngôi Lời trở thành xác phàm quan tâm đến điều mà những người tìm kiếm Ngài thực sự mong muốn. Vì thế Ngài lên tiếng hỏi: Các anh tìm gì thế?

Đây là câu hỏi mà Chúa Giêsu hỏi mọi người muốn trở thành môn đệ, và thực sự, đó là một câu hỏi không bao giờ hết tính hiện sinh. Vì thật, ngày nay, Chúa Giêsu vẫn nhìn chúng ta và hỏi mỗi khi chúng ta tìm kiếm Ngài, và bao lâu chúng ta còn tìm kiếm Ngài: Chúng ta thực sự muốn tìm gì? Trái tim chúng ta khao khát điều gì? Chúng ta sẵn sàng đón nhận điều gì?

Ánh nhìn của Chúa Giêsu dành cho Nathaniel

Ðức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: ‘Ðây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối’” (Ga 1, 47)

Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng (x. St 3, 1). Xảo trá là che giấu bản chất thực sự bạn là ai. Nó có nghĩa là nắm giữ một kế hoạch bí mật và dự tính với những âm mưu. Chúa Giêsu nhìn Nathaniel và thấy ông là người chân thật. Nathaniel đã nói những gì ông muốn nói, nói đúng những gì ông nghĩ, và rất chân thành trong cách thể hiện bản thân. Do đó, Nathaniel là mẫu mực trong việc để mình được Chúa nhìn thấy như mình là.

Làm sao để chúng ta nhận ra ánh nhìn của Chúa để biết rũ bỏ thủ đoạn và ý muốn tư lợi của chính mình? Không có đường tắt; chúng ta phải thực hành việc xưng thú thường xuyên: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Chúa mời gọi chúng ta sống trong sự chân thật, để có thể hân hoan đến gặp Ngài.

Ánh nhìn của Chúa Giêsu dành cho bệnh nhân tại hồ nước Bethesda

Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Ðức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: ‘Anh có muốn khỏi bệnh không?'” (Ga 5, 5-6 ; x. Lc 13, 10-13, Ga 9, 1-3)

Người đàn ông bị bệnh đã 38 năm và trải qua mọi ngày đều giống nhau: chẳng ai chữa lành cho ông. Nhưng hôm nay thì khác, vì đây là ngày Chúa nhìn thấy bệnh tình của ông. Được Chúa nhìn thấy là khởi đầu của một điều gì đó mới mẻ, và đã đến lúc người đàn ông phải thưa rằng, vâng, tôi muốn, và nhờ đó, ông thực sự được chữa lành.

Có vẻ hiển nhiên là người bị bệnh sẽ muốn được chữa lành, nhưng liệu điều đó có hiển nhiên như thoạt đầu chăng? Đôi khi điều khó nhất lại là thực sự mong muốn những điều tốt đẹp cho mình và đồng ý để ai đó giúp chúng ta những điều mà mình không thể tự làm được. Chúa Giêsu nhìn thấy điều đó nơi bệnh nhân này. Câu hỏi quan trọng theo sau những gì Chúa Giêsu nhìn thấy: điều quan trọng là ông có muốn được khỏe mạnh hay không. Chúa Giêsu nhìn thấy ông bị bệnh, nhìn thấy ông cần được chữa lành, và nhìn thấy rằng người ông phải chấp nhận việc chữa lành nếu ông muốn được khỏe mạnh.

Ánh nhìn của Chúa Giêsu dành cho dân như chiên không có người chăn

Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. (Mc 6, 34)

Chiên không có người chăn sẽ như thế nào? Nói một cách đơn giản: Chúng bất lực. Chúng không thể tự nuôi sống mình, không thể tự bảo vệ mình, và không thể tự mình sống sót. Chúng lang thang, chạy tán loạn, và trở thành mồi của dã thú. Đây là ánh nhìn Chúa Giêsu dành cho đám đông đã theo Ngài “đến nơi vắng vẻ”. Đồng thời, Chúa Giêsu nhận ra cơn đói của họ vào cuối ngày, và Người sẽ làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều cho họ ăn no nê. Chúa Giêsu không chỉ nhìn thấy những nhu cầu trước mắt của họ là của ăn, mà Người còn nhìn thấu nhu cầu tâm linh của họ là có người mục tử để đồng hành, chăm sóc và hướng dẫn họ.

 

Ánh nhìn của Chúa Giêsu dành cho Lazarô

Thấy cô khóc, và những người Dothái đi với cô cũng khóc, Ðức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến”. (Ga 11, 33; x. Lc 5, 1-7)

Chúa Giêsu nhìn thấy nỗi đau buồn và chia sẻ nỗi đau buồn đó của Maria trước cái chết của người em là Lazarô. Nhưng Chúa Giêsu cũng nhìn thấy sự thay đổi của đám đông và bối rối trước sự thay đổi của họ. Chính những thành viên của đám đông này – những người đến gặp Ngài và khóc – sẽ lập tức báo cho những người Pharisêu khi họ chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại từ cõi chết (x. Ga 11, 45-46). Chúa Giêsu thấy điều gì là đúng và điều gì là sai, điều gì là lòng trắc ẩn và điều gì là sự tính toán theo kiểu con người.

Thực ra, những gì dường như là cùng một hành động nơi hai người khác nhau có thể được nhìn nhận rất khác nhau dưới ánh nhìn của Chúa. Chúa Giêsu không chỉ nhìn vào “cái gì” mà còn nhìn vào “tại sao”. Ngài luôn gần gũi những tấm lòng tan vỡ (x. Tv 34, 18).

Ánh nhìn của Chúa Giêsu dành cho Đức Maria và người môn đệ Ngài thương mến

Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà". Rồi Người nói với môn đệ: "Ðây là mẹ của anh". (Ga 19, 26-27)

Giữa sự mất mát và xa cách, ánh nhìn của Chúa mang lại sự hiệp thông. Từ trên thập giá, Chúa Giêsu trao Mẹ mình cho người mộn đệ mà Ngài yêu thương, và cũng trao người môn đệ ấy cho Mẹ. Chúa Giêsu nhìn thấy chính tình yêu sẽ làm cho chúng ta nên trọn vẹn và truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương những người mà Ngài trao tặng cho chúng ta để yêu thương.

Chúa nhìn thấy những người ở giữa chúng ta đang cần tình yêu thương của chúng ta. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu là yêu thương những người mà Ngài nhìn với ánh nhìn của lòng thương xót.

***

Xin cho chúng ta nhận ra ánh nhìn của Chúa về chúng ta luôn là điều quan trọng nhất. Để trong ánh nhìn của Chúa, chúng ta có thể thấy mình đã là ai hoặc chúng ta có thể trở thành ai, và nhất là để nhìn thấy chính xác chúng ta hiện tại là ai.

Xin cho chúng ta học được cách nhìn bản thân từ nhãn quan của Chúa chứ không phải từ nhãn quan của mình hoặc của người khác. Nhờ đó, chúng ta nhận ra mình là thụ tạo tội lỗi, đáng thương, và biết nhìn người khác bằng ánh nhìn của Chúa.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: oursundayvisitor.com (03.11.2023)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/