Sau ngày gia nhập Hội Thánh, ông hăng say phục vụ quên mình, đến nỗi người trong xứ vẫn hay gọi ông bằng cái tên hóm hỉnh nhưng cũng không phải… không có lý: người được Chúa quy hoạch. Ông là Ða Căt Hà Dương, Chủ tịch HÐMV gx Ðạ Tông, GP Ðà Lạt.
Ông mời chúng tôi ghé thăm gia đình. Đó là một căn nhà nhỏ dựng theo kiểu đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, cách nhà thờ Đạ Tông độ 7 cây số. Bên trong nhà treo đầy bằng khen của Giáo hội và xã hội. Đặc biệt, những tấm hình chụp chung với nguyên Đại diện không thường trú của Tòa Thánh - Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - và các Đức cha… được ông đóng khung treo nơi trang trọng, và xem như niềm vui riêng nho nhỏ sau nhiều tháng ngày dấn thân...
Ðón Chúa về cùng buôn làng…
Từ Đà Lạt, để lên tới Đạ Tông không xa, chừng 70km, tuy nhiên, đó là theo đường… chim bay. Còn để thuận tiện nhất dẫn từ xứ sương mù tới nơi này là phải trở lại quốc lộ 20, tới ngã ba Liên Khương, từ đó men theo quốc lộ 27. Vậy nên, nếu bắt đầu từ Tòa Giám mục Đà Lạt, để lên tới Đạ Tông cũng “ngót nghét” gần 140 cây số, trong đó có 80% là đèo núi quanh co. Ngoài ra, vẫn còn một lộ trình khác nối hai điểm này, dài khoảng 60km, nhưng phải băng xuyên rừng. Và cũng chính trên cung đường đó, mỗi tháng một lần, ông Hà Dương đã trèo đèo lội suối, vượt bao nhiêu là hiểm nguy, rất nhiều lần chạm mặt thú dữ…, để lên Đà Lạt đón rước Chúa về với bà con buôn làng.
Người già ở đây kể, cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Ðạ Tông đón nhận Tin Mừng từ các cha truyền giáo dòng Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên về sau, do các cách trở, các cha không thể vào cùng đồng hành nên đời sống đạo của người dân bị thiệt thòi. Lúc này, đức tin được họ dưỡng nuôi cách đơn giản từ bức tượng Đức Mẹ, cuốn Kinh Thánh, tràng chuỗi hạt…, những vật phẩm Công giáo còn sót lại sau bao năm tháng vắng bóng chủ chăn. Chính cách sống mộc mạc nhưng tràn ngập yêu thương của người tín hữu, cộng với lối sống dạy người ta ăn ngay ở lành, bỏ đi hủ tục… đã đánh động chàng thanh niên tên Dương lần mò tìm hiểu. Sau khi tốt nghiệp 12 và xuống Đà Lạt học lên, hằng ngày anh qua nhà các nữ tu gần đó để xin giúp việc, học đạo. Ngày 24.5.1987, ở tuổi 26, Hà Dương được làm con cái Chúa. Càng dấn bước càng thêm tin yêu nên người giáo dân mới người dân tộc M’Nông này còn muốn bước vào đời tu để về phục vụ lại cho những con chiên còn đang bơ vơ nơi trong làng. Dầu vậy, thời điểm đó việc theo đuổi ơn gọi còn gặp nhiều trở ngại nên vâng lời Đấng bản quyền GP Đà Lạt lúc đó, anh chọn hướng đi khác là làm Tông đồ phụ trách vùng Đạ Tông. Một năm sau ngày được Rửa tội, anh trở thành thừa tác viên ngoại lệ.
Nhiều lúc khó khăn trong cuộc sống, ông luôn đến bên Đức Mẹ để tìm nguồn nâng đỡ cậy trông - ảnh: Đình Quý
Giờ đây, dù không còn phải kiệu Mình Thánh Chúa bằng gùi như xưa nữa nhưng mỗi dịp gặp mặt, ngồi ôn kỷ niệm của ngày cũ, hai ông lại vang lên tiếng nói cười và lời tạ ơn. Họ nói hành trình dù vất vả nhưng lại luôn cảm nhận được ơn thiêng từ Chúa Thánh Thể giữ gìn. “Có lần kia đang đi thì mệt lắm, muốn xỉu ngay dọc đường thì tự nhiên xuất hiện mấy anh xe ben chở củi, họ nhiệt tình bảo mình lên xe cho đi nhờ. Qua được đoạn đường khó, người khỏe, lại tiếp tục lên đường”, Hà Yang kể.Từ ngày lãnh trách nhiệm, hằng tháng Hà Dương đều men theo đường núi lên nhà thờ Chánh tòa Con Gà hoặc nhà thờ Lang Biang để kiệu Mình Thánh Chúa về. Đường đi dù phải đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng không ngăn được bước chân người tín hữu nhiệt thành này. “Gặp phải hôm ông trời mà mưa thì đường núi trơn trượt khó đi lắm. Mấy con sông, con suối đầy nước chảy xiết nên không khéo là té liền. Nhiều lần cũng gặp phải cọp beo hay thú dữ nhưng tạ ơn Chúa, chúng đều lẳng lặng đi qua mà không gây phiền hà gì”, Hà Dương kể với chất giọng từ tốn, ngọt lừ đầy sốt mến và cả trìu mến nữa. Để mang Mình Thánh về tận nơi cho dân phải mất hai ngày, nhưng đều đặn gần 20 năm, 12 giáo khu trong xứ không tuần nào không được rước Chúa. Về sau, ông nhận được thêm sự san sẻ của một tín hữu khác là ông Liêng Hot Hà Yang nên việc đi lại giảm bớt.
…và xây đắp quê hương
Năm 2006, các cha đã thường xuyên vào dâng lễ và làm mục vụ tại Đạ Tông, những cuộc kiệu Mình Thánh xuyên rừng của Hà Dương mới khép, sau 18 năm miệt mài không một tiếng than cực. Dầu vậy, ông vẫn không ngơi tay vì trước đó đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐMV nên giờ đảm đương nhiều việc khác.
Vì trải qua một thời gian dài không có linh mục hiện diện nên trong xứ, nhiều người trở nên nguội lạnh, xa rời việc đạo đức. Vốn cùng dân tộc, chung ngôn ngữ, lại hiểu rõ phong tục địa phương nên ban đầu, ông là cầu nối giúp cuộc thăm viếng của các cha đến với bà con, giúp việc mục vụ thêm hữu hiệu. Về sau, lại là hạt nhân không thể thiếu khi thành lập các đoàn thể, xây dựng nhà thờ nhà thánh. Nhớ lại khoảng thời gian này, cha Anphongsô Nguyễn Đức Vĩnh, một trong những linh mục đầu tiên đặt chân lên Đạ Tông và hiện đang làm chánh xứ nhận xét vui: “Anh Dương là người được Chúa quy hoạch, vì nếu không có anh thì lúc đầu các cha rất khó làm việc”. Chưa hết, đang vào tuổi 60 nhưng ông Chủ tịch hiện còn kham luôn cả việc giật chuông và mở khóa nhà thờ mỗi sáng sớm, dầu ngày mưa hay đêm rét muốt.
Song song chuyện lo việc nhà thờ, Đa Căt Hà Dương còn canh cánh suy tư làm sao nâng cao đời sống cho bà con, vì nhớ mãi lời Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn khi còn làm Giám mục Đà Lạt căn dặn: “…Con ơi, rao giảng Tin Mừng không chỉ có nói về Chúa thôi, mà còn phải thương yêu và giúp anh em đồng bào phát triển kinh tế…”. Từng nằm trong số những người dân tộc thiểu số đầu tiên trong huyện Đam Rông học lên cao nên với khả năng bản thân, ông không ngừng mày mò, đi đầu trong việc áp dụng phương thức làm ăn mới, sau đó truyền đạt lại cho bà con khi đã cho kết quả tốt, như mô hình trồng dâu nuôi tằm là một ví dụ : những con tằm ngày nay đã đều đặn kéo sợi giúp nhiều gia đình trong vùng có nguồn thu nhập ổn định, nhờ công lớn của Đa Căt Hà Dương. Gần đây, ông còn hợp đồng với một vài doanh nghiệp trồng khoai lang xuất khẩu để biến những khu đất hoang hóa trở thành luống cây xanh mơn mởn. Từ mảnh đất bỏ hoang vì bạc màu, người dân giờ có thêm đồng ra đồng vào nhờ cho thuê đất và đi làm cho doanh nghiệp.
Do những đóng góp cho đạo và cho đời nên ông rất được bà con trong vùng mến mộ, nhưng với Hà Dương, phục vụ đơn giản chỉ để đền đáp lại sự tin yêu của mọi người. Ông có những lời đầy cậy trông: “Năm nay cũng tròn 30 năm tôi được trở thành thừa tác viên của Chúa. Mình cứ cố gắng hết khả năng tới lúc nào Chúa còn dùng được. Tạ ơn Chúa vì đã cho con biết và phục vụ Ngài”.
PHÚ THỊNH
Nguồn: cgvdt.vn