ĐỀ TÀI THỨ II
NGƯỜI GỌI TÔI BỞI LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA NGƯỜI
Ơn gọi của ông Gia-kêu,
niềm vui của ơn cứu độ
Sau khi vào Giêrikhô, Ðức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. 2 Và kìa, có một người tên là Giakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông tìm cách để xem cho biết Ðức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung, để xem Ðức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. 5 Khi Ðức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!" 6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!" 8Còn ông Giakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." 9 Ðức Giêsu nói về ông ta rằng: "Hôm nay ơn cứu độ đên với nhà này, nởi người này cũng là con cháu tổ phụ Apraham. 10Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." (Lc 19,1-10)
Công trình tạo dựng của Thiên Chuá là toàn bộ lịch sử tình yêu giữa Thiên Chuá và thụ tạo của Ngài (Verbum Domini, số 9). Khi nhìn ngắm vũ trụ vạn vật trong dòng lịch sử cứu độ, chúng ta thấy con người có một vị trí trung tâm: Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chuá, được đặt vào trung tâm điểm của công trình tạo dựng này. Đây là hồng ân cao quý mà Thiên Chuá ban cho con người, với những giá trị: thân xác, lý trí, tự do và lương tâm. Trong công trình tạo dựng, Thiên Chuá đã truyền thông cho con người tình yêu mà Người muốn tặng ban, để con người thông phần vào tình yêu của Thiên Chuá.
1, Gặp gỡ Đức Giêsu và hoán cải
Câu truyện của ông Gia-kêu trình bày một cuộc hoán cải, với những biến cố xảy đến vượt quá sự chờ mong của một con người đáng thương: Ông không thiếu vật chất, nhưng lại thiếu ơn cứu độ cho đến khi ông tìm và gặp được Đức Giêsu như lòng ông mong mỏi. Khởi đi từ động lực tò mò muốn biết Đức Giêsu là ai (Luca cho biết ông muốn “xem cho biết”). Ông đã tìm mọi cách để có được “tương giao” với Đức Giêsu. Và cuối cùng, ông đã được Người đến trú ngụ trong nhà mình.
Thái độ hoán cải của ông, phát xuất từ cảm nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, chứng tỏ hiệu lực của ơn cứu độ mà ông đã nhận được, và Đức Giêsu đã xác minh điều đó: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abbraham.” (c. 9). Đức Giêsu đã gọi chính tên ông, Người đọc ra khát vọng thẳm sâu nơi ông. “Chúa đã nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham, và cho con cháu đến muôn đời.” (Lc 1,55). Gia-kêu vội vàng xuống, mừng rỡ đón rước Người:
Niềm vui của ông là niềm vui của một người đã được thỏa lòng mong ước, bất chấp những tiếng xầm xì của đồng bào. Một số nhà chú giải liên tưởng đến cảnh dân Hípri cũng than phiền Đức Chúa trong xa mạc khi họ không có được điều họ muốn, như thể là tình thương Chúa đã gặp điều khó hiểu và chống đối về phía con người. Nhưng điều đó lại nói lên rằng tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người vượt quá sự hiểu biết của con người. Điểm gặp gỡ giữa tình thương của Thiên Chúa và con người, điển hình qua ông Gia-kêu, hệ tại nơi khát vọng chính đáng của con người đã gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa.
Sáng kiến của Thiên Chuá trong công trình tạo dựng là sáng kiến của tình yêu. Ngay cả khi con người chưa phạm tội, tình yêu của Thiên Chuá đã thể hiện rõ ràng trong công trình của Người. Rồi đến khi con người trót phạm tội vì sử dụng tự do Chuá ban một cách không đúng, Thiên Chuá vẫn có sáng kiến để cứu chuộc con người qua nhiệm cục cứu độ mà Người đã thực hiện cách viên mãn trong Đức Giêsu Kitô.
Mầu Nhiệm Thập giá, nhìn dưới góc độ con người, là “nỗi nhục đối với người Dothái, là sự điên rồ đối với dân ngoại”, nhưng với Thiên Chuá lại là cả một mầu nhiệm khôn dò khôn thấu của một tình yêu mà Thiên Chuá dành cho nhân loại. Chính Đức Giêsu đã cho các môn đệ biết: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu.” Đây là mầu nhiệm mà người tu sĩ được mời gọi chiêm ngắm, để cảm nhận và sống, để cảm nhận và phục vụ tha nhân.
Đức Kitô, trong bài Tin Mừng, đã có một sáng kiến lạ lùng, nếu chúng ta có thể nói như vậy. Người đã đến cư ngụ nơi một nhà vốn được coi là “xa lạ” dưới con mắt của người Do Thái: “Nhà người tội lỗi” (c. 7). Nhưng, ơn cứu độ đã được trao ban, lan rộng ra cả bên ngoài phạm vi của Do Thái Giáo. Gia-kêu được hưởng lời hứa ban ơn cứu độ mà Chúa đã hứa với Tổ Phụ Abraham.
Câu nói: “bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham” (c. 9) nói đến phạm vi rộng mở của ơn cứu độ, cho dù Gia-kêu có thuộc dòng tộc của Tổ Phụ xét theo huyết thống hay không, điều đó không còn quan trọng; ông cũng đã hưởng ơn cứu độ nhờ gặp gỡ Đức Giêsu Kitô.
2, Từ nội tâm con người vang lên tiếng mời gọi làm điều tốt, theo tiếng nói của “luật tự nhiên”
Là thụ tạo của Thiên Chuá, với tính ưu việt Thiên Chuá ban, con người có một ơn gọi cao quý là sống xứng với phẩm giá của mình. Luật định hướng cho hành vi nhân linh của con người chính là “luật tự nhiên”, được khắc ghi trong tâm khảm của từng người, nhắc họ làm điều tốt và tránh điều xấu. Hướng về cứu cánh của đời mình là sự thiện hảo nơi Thiên Chuá, con người định hướng hành vi và lẽ sống của mình.
Ông Gia-kêu đã nhận được ơn cứu độ bởi lòng khát khao của ông. Việc ông tự nguyện làm để chuộc lại những lỗi lầm của quá khứ, xét theo luật lệ Do Thái giáo, vượt quá luật quy định (x. Lv 5,20-26: Khi biển thủ của cải của tha nhân, người ta phải hoàn lại toàn bộ, và thêm một phần năm; nói cách khác, đền một trăm hai mươi phần trăm); Ông muốn đền gấp bốn. Với hành vi bố thí, ông chia đôi tài sản, quá nhiều so với những gì Luật yêu cầu. Khi con người, qua hình ảnh của Gia-kêu, đụng đến lòng thương xót của Chúa, người ta có thể hành xử vượt quá những gì Luật định, bởi họ được hoán cải trong tình thương của Chúa.
Người tu sĩ chúng ta xác tín được ơn gọi của mình vốn là ân huệ Thiên Chuá ban, chúng ta được mời gọi cách mãnh liệt hơn nữa sống theo tiếng mời gọi của Thiên Chuá: nên thánh. Sự thánh thiện này, phát xuất từ Thiên Chuá trong Đức Giêsu Kitô, ghi dấu ơn gọi của người Kitô hữu, và cần phải tiến triển không ngừng trong đời sống đức tin của họ. Đã là một điều thuộc ơn gọi, thì sự thánh thiện cũng nói lên căn tính của người Kitô hữu. Sự thánh thiện không còn là điều xa lạ với họ, nhưng là căn tính và bổn phận phải kiện toàn.
Không phải là ngạo mạn khi nói đến sự hoàn thiện Kitô Giáo, vì sự hoàn thiện của chúng ta bắt nguồn từ Thiên Chuá, trong đó sự thánh thiện là một hoàn thiện tuyệt đối nơi Thiên Chuá. Mỗi Kitô hữu được mời gọi cảm nhận sự hiện diện của Ngôi Lời trong cuộc đời mình, và sống cho đúng sự thánh thiện như Người muốn, bởi Thiên Chuá là Đấng Thánh.
Đời tu, được đặt nền trên sự thánh hiến trong Bí Tích Rửa Tội, là một cuộc đời thánh hiến sâu sắc cách đặc biệt. Đó là ơn gọi nên thánh theo cách thức riêng mà Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ, và sau đó là những người sống đời thánh hiến: “Hãy theo Ta!”. Các Tông Đồ đã từ bỏ mọi sự để đi theo Chuá, được mời gọi cảm nhận về Người và chung chia sứ mạng với Người. Các ngài đã can đảm làm chứng về Người sau biến cố Chuá Phục Sinh, bằng những lời chứng mạnh mẽ, và bằng cả cuộc đời của các ngài nữa.
Trong đời tu, người tu sĩ được mời gọi để sống và cảm nhận sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc đời mình trước khi đi loan báo về Chuá cho tha nhân. Chúng ta được mời gọi làm chứng cho thế gian biết sự hiện diện của Chuá giữa lòng đời, một Thiên Chuá giàu lòng thương xót và giàu ân sủng. Xét theo chiều sâu của ơn gọi này, cảm nhận lòng thương xót của Chúa chính là cách thức để đạt đến sự thiện toàn của đức mến.
Hơn bao giờ hết, tu sĩ chúng ta làm chứng cho tình thương và lòng thương xót của Chúa qua chính con đường phục vụ và truyền giáo của mình. Việc phục vụ tận tâm, chứa đựng trong đó tình thương mến - nhất là khi chúng ta đụng chạm đến sự đau khổ mà các bệnh nhân đang phải chịu, khi chúng ta gặp những cảnh nghèo khổ mà chúng ta cảm thấy bó tay, không thể giúp họ vật chất đầy đủ để nâng họ trỗi dậy - sẽ là chứng từ hữu hiệu cho công việc tông đồ của người tu sĩ. Để làm được điều đó, thiết nghĩ mỗi người chúng ta cần kín múc trước tiên sức mạnh của Lòng Thương Xót thần thiêng, để chúng ta có đủ nghị lực và niềm vui trong công việc loan báo Tin Mừng Tình Thương của Đức Giêsu Kitô.