CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH - B
Cv 10, 25-26.34-35.44-48; 1Ga 4, 7-10; Ga 15, 9-17
“Không có tình thương nào cao cả hơn
tình thương của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu”
“Người bác sĩ đã chết để nhân loại được sống.” Đó chính là tựa đề của rất nhiều bài báo trong và ngoài nước được đăng tải nhân dịp kỷ niệm 10 năm “chiến thắng” đại dịch SARS, một trong những đại dịch nguy hiểm hàng đầu được ghi nhận trong thời gian đầu của thế kỷ 21. Chỉ trong thời gian rất ngắn, bệnh dịch đã lây lan nhanh chống ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với 8.422 người mắc bệnh. Trong đó có 916 người tử vong. Sự tiến triển lây lan nhanh chống của dịch bệnh, cùng với đặc tính nguy hiểm đến tính mạng của những người dân phải tiếp xúc, sống gần khu vực có người bệnh hoang mang tột độ.
Một trong những chứng nhân dám hy sinh để phục vụ các bệnh nhân cho đến chết, đó chính là Bác sĩ Carlo Urbaningười Italy đã đến Việt Nam, dành trọn tâm sức, trí tuệ và sự tận tụy để đẩy lùi căn bệnh đang đe dọa sự sống toàn cầu. Tại Việt Nam, bệnh SARS được phát hiện đầu tiên vào tháng 3 năm 2003, khi Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân nước ngoài mắc bệnh lạ, dịch đã hoành hành trong 45 ngày, gây lây nhiễm cho 65 người, làm 5 người tử vong. Trong số đó, có cả bác sĩ Carlo Urbani người đã hết mình phục vụ các bệnh nhân và ông cũng chết bởi căn bệnh dịch ấy.
Nói về sự ra đi của ông, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, khi đó là Kofi Annan đã viết: “Bác sĩ Carlo Urbaniđã ra đi trong niềm thương tiếc vô hạn của đại gia đình Liên Hợp Quốc. Ông đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe, cứu sống người bệnh, có công trong việc phát hiện sớm đại dịch SARS. Thật trớ trêu thay, trong khi Carlo đang nỗ lực giành giật sự sống cho từng bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần, thì chính căn bệnh quái ác ấy đã cướp đi mạng sống của ông”.
Theo tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet viết: “Trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 29/3/2003, bác sĩ Carlo Urbani viết thư nói với bà vợ như sau: “Biết công việc của mình đang làm là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không làm những công việc này thì chúng ta đến đây để làm gì? Chẳng lẽ ngồi đọc thư điện tử, ký văn bản giấy tờ, hoặc đi dự tiệc? Chúng ta không được phép sống ích kỷ, mà phải suy nghĩ và hành động vì sự sống của người khác”. Có thể nói, đây là những lời di chúc cuối cùng mà bác sĩ Carlo Urbani đã để lại cho tất cả chúng ta về luật yêu thương. Đặc biệt với những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân, cần phải ý thức trách nhiệm và đạo đức lương tâm nghề nghiệp.
Cũng vậy, đoạn Tin Mừng hôm nay thánh sử Gioan ghi lại những lời trăn trối của Chúa Giêsu trước khi chia tay với các môn đệ để đi vào cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã để lại một lời tâm sự được coi như lời di chúc cuối cùng của Ngài. Đó là lệnh truyền: "Anh em hãy yêu thương nhau". Đây chính là dấu hiệu rõ ràng nhất, và thiết thực nhất để nhận ra ai là kẻ thuộc về Ngài: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau".
Tuy nhiên, để thực hiện được lệnh truyền yêu thương này một cách trọn vẹn, không phải muốn thực hiện thế nào cũng được, mà phải quy chiếu vào chính tình yêu của Chúa Giêsu, một tình yêu vốn đã quy chiếu vào tình yêu của Chúa Cha, bây giờ trở nên kiểu mẫu và cội nguồn tình yêu cho những kẻ thuộc về Ngài: Yêu như Chúa yêu. "Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em". Đó là một tình yêu mở ra cho hết thảy mọi người không giới hạn cũng chẳng loại trừ ai. Một tình yêu san bằng mọi hố sâu ngăn cách, dẹp bỏ mọi rào cản để mọi người trở nên gần gũi với nhau hơn. Tình yêu đó chủ động và đi bước trước.
Một tình yêu đòi hỏi sự từ bỏ tính tư lợi ích kỷ cá nhân gia đình hoặc phe nhóm, như bác sĩ Carlo Urbani, vốn là một người trí thức, sống trong đất nước văn minh, ông có quyền ở lại phục vụ và hưởng những phúc lợi cho bản thân và gia đình tại quê hương mình. Nhưng động lực nào đã khiến người Bác sĩ trẻ tuổi ấy dám dấn thân phục vụ các bệnh nhân nơi đất nước nghèo nàn lạc hậu, đầy nguy hiểm bởi dịch bệnh? Đó chẳng phải là tiếng gọi của tình yêu hay sao? Như lời khẳng định của ông trong bức thư gởi cho người vợ: “Biết công việc của mình đang làm là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không làm những công việc này thì chúng ta đến đây để làm gì? Chẳng lẽ ngồi đọc thư điện tử, ký văn bản giấy tờ, hoặc đi dự tiệc? Chúng ta không được phép sống ích kỷ, mà phải suy nghĩ và hành động vì sự sống của người khác”.
Sự sống chính là quà tặng tình yêu mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta, nhưng sự sống và tình yêu đó, còn ý nghĩa và giá trị hơn nữa khi chúng ta biết đem phục vụ vì lợi ích cho người khác. Tình yêu đó đã được Chúa Giêsu thể hiện trong cuộc thương khó sự chết và phục sinh của Ngài. Lịch sử Giáo Hội đã có những vị thánh can đảm noi gương Chúa chết thay cho người khác, như thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Konbê. Chúng ta đang sống trong tâm tình của mùa Phục sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm đoạn Tin Mừng trong chúa nhật này, để mỗi người chúng ta cũng biết noi gương Chúa Giêsu.
Sự hy sinh của chúng ta được thể hiện qua nhiều hình thức, trước hết là sự hy sinh từ bỏ tính ích kỷ hẹp hòi, thay vì tìm cách thâu vén cho cá nhân, cho gia đình, cho phe nhóm, chúng ta có thể chia sẻ cho người khác khi họ đang phải đối diện với những vấn đề như; đói khổ bệnh tật, không cơm ăn, áo mặc, thuốc men, nhà cửa…Nếu như mỗi người chúng ta thể hiện được tình yêu đó một cách ý thức, thì chắc chắn thế giới này sẽ vơi bớt đi những hiềm khích và hận thù, đồng thời mỗi người sẽ nhận ra tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau như lời Chúa Giêsu khẳng định: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau… Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu”.
Lm. Antôn Nguyễn Chân Hồng. OH