Nên thánh giữa đời

Theo giáo lý Công giáo, các thánh là những người sống tốt lành đạo đức trong cuộc sống trần gian, và nay, sau khi đã kết thúc hành trình trần thế, họ đang được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Khi sống ở đời này, họ đã kiên trì cộng tác với ơn Chúa, nỗ lực cố gắng để vượt qua những cám dỗ đời thường và sống trọn lành, thanh tịnh. Giáo Hội Công giáo tôn những tín hữu này là những đấng thánh, vì họ phản ánh trung thành sự thánh thiện của Thiên Chúa. Có những vị thánh đã trung kiên theo Chúa và làm chứng cho Ngài, dù phải đổ máu, như trường hợp các thánh tử đạo.

Các vị thánh theo đúng nghĩa là những vị được tôn phong và được tôn kính trên các bàn thờ. Cũng có những vị thánh, dù không được Giáo Hội phong thánh, nhưng trước mặt Chúa, họ tinh tuyền thánh thiện và đang cùng với triều thần ca ngợi vinh quang của Đấng Tối Cao. Trong số đó, có những người thân của chúng ta, có những người suốt đời âm thầm gieo hạt công bình bác ái, có những người chỉ đơn giản chu toàn bổn phận của mình một cách trọn vẹn, có những người dù nghèo khổ, cơ hàn, bệnh tật, nhưng vẫn vững một niềm cậy trông.

Từ buổi sơ khai của Giáo Hội, những người tin Chúa và gia nhập Đạo được gọi là “các thánh” hoặc “dân thánh”. Thánh Phaolô, trong các thư giáo huấn của ngài, đã để lại cho chúng ta những chứng từ này (x. 1Cr 1,2). Họ hiệp thông với nhau trong kinh nguyện, trong đời sống và trong những nghĩa cử chia sẻ bác ái. Nhờ lời giảng dạy của các tông đồ, họ say sưa tìm kiếm Đấng quyền năng vô biên mà họ gọi là Thiên Chúa. Ngài là Đấng ngàn trùng chí thánh, hoặc là Nguồn của mọi cội nguồn. Đức tin khẳng định với họ, Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ muôn loài.

Con tim nói với họ, Chúa là Đấng đáng yêu mến và kính tin. Hành trình đức tin của họ cũng là hành trình tìm kiếm Chúa. Những con tim khao khát Chúa chẳng bao giờ thỏa mãn, vì càng khám phá ra Chúa, thì lòng ao ước muốn kết hợp lại càng thâm sâu mãnh liệt hơn. Thánh Augustinô là một ví dụ điển hình. Ngài đã viết: “Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên chúng con để hướng về Ngài, và tâm hồn chúng con không nghỉ ngơi cho đến khi nghỉ yên trong Ngài”.

Nên thánh là mục đích của đời sống Kitô hữu. “Chúng con hãy nên thánh, vì Ta là Thánh” (Lv 11,45). Đó là lời mời gọi từ thời Cựu ước. Chúa Giêsu không tách biệt khỏi giáo huấn của truyền thống, Người tiếp nối lời mời gọi ấy: “Hãy nên thánh thiện như Cha các con trên trời là Đấng thánh thiện” (Mt 5,48).

Nên thánh vừa là một chuỗi cảm nghiệm sự ngọt ngào của ân sủng, vừa là một cuộc chiến đấu gian nan không ngừng. Bởi lẽ, con người sống ở trần gian như giữa sóng cả bao đào, phải khôn ngoan bền chí mới có thể đứng vững. Sống trên đời là đi vào cuộc giao tranh khốc liệt giữa thánh thiện và tội lỗi, giữa cái thanh tao và dung tục, giữa ánh sáng và tội lỗi, giữa chọn lựa Thiên Chúa và chọn lựa thế gian. Cuộc giao tranh ấy xảy đến mỗi ngày, rất nghiệt ngã cam go. Trong lịch sử, có nhiều người đã kiên gan trung tín, chiến thắng ba thù (ma quỷ, thế gian, xác thịt) để nên hoàn thiện.

Tuy vậy, cũng có những người không bền tâm vững chí, ngã gục trước những cám dỗ của cuộc đời. Dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn không mất hy vọng. Thiên Chúa là Cha yêu thương không bỏ rơi những ai cậy trông phó thác nơi Ngài. “Mỗi vị thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai”, những người đã một thời lầm lỗi, nay nhận ra con đường chân lý để sám hối trở về, sẽ được Chúa yêu thương tha thứ và giang rộng vòng tay thân thương đón nhận. Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” trong Tin Mừng Thánh Luca đã chứng minh điều ấy. Trong cuộc chiến đấu này chúng ta không đơn lẻ một mình, vì có Chúa luôn ở cùng với chúng ta.

Cùng với ơn Chúa, chúng ta còn sự nâng đỡ của cộng đoàn đông đảo các thánh trên trời, tức là những người đã đạt tới sự hoàn thiện. Ngoài ra, chúng ta còn có tình hiệp thông huynh đệ của anh chị em tín hữu trong Giáo Hội, điều mà chúng ta gọi là “Mầu nhiệm các thánh cùng thông công”. Nhờ sự hiệp thông huynh đệ này, chúng ta vững tin bước đi trong cuộc đời mà không còn sợ vấp ngã.

Nếu hiểu các thánh là những người, qua cuộc sống của mình, phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa Tối Cao, thì trong cuộc sống xung quanh ta, có rất nhiều vị thánh. Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Ngài là nguồn mạch của sự thánh thiện. Ngài là khởi nguyên của Chân, Thiện, Mỹ.

Tất cả những gì con người thực thi trong cuộc sống, nếu đó là những việc tốt, nhằm đem lại niềm vui và ích lợi cho mọi người, đều hướng về Thiên Chúa và đang góp phần xây dựng vương quốc của Thiên Chúa nơi trần gian. Vương quốc của Thiên Chúa là vương quốc tình yêu, công bình, bác ái. Vì vậy, những việc làm xây dựng công bình bác ái và nối kết yêu thương đều làm cho vương quốc ấy sớm được thực hiện nơi trần thế này.

Xung quanh chúng ta, có những người đang âm thầm làm việc góp phần xây dựng công ích. Họ là những thiện nguyện viên, tham gia những hoạt động bảo vệ môi trường, giúp đỡ người nghèo, mở mang đường sá, khai thông cống rãnh. Họ cũng là những chị lao công âm thầm làm việc, những bác xích lô nghèo nhưng chân chính thanh bạch. Họ là những thày cô giáo, vượt non cao đem cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số câu văn cái chữ, nhằm giúp các em hội nhập với thế giới hiện đại và có một tương lai tốt đẹp.

Họ còn là những nghệ sĩ, văn sĩ, thi sĩ, đam mê thể hiện cái đẹp qua các tác phẩm của mình, để rồi, giúp cho độc giả, thính giả và khán giả khám phá vẻ đẹp diệu kỳ của Đấng làm nên vẻ đẹp của thiên nhiên vũ trụ và cuộc sống con người. Những người này đang cố gắng để diễn tả Chân, Thiện, Mỹ ở nhiều khía cạnh khác nhau. Người tín hữu tin rằng, vinh quang của Thiên Chúa phản chiếu nơi con người và mọi tạo vật. Bởi lẽ khi sáng tạo, Thiên Chúa đã nhận định “mọi sự là tốt đẹp” (x St 1,31).

Khi chuyên cần lao động cũng như khi để tâm suy tư và tâm huyết sáng tạo, người lao động nói chung và người nghệ sĩ nói riêng đang cố gắng để làm cho những điều tốt đẹp hiện hữu trong cuộc đời. Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã viết: “Đẹp là hình thức bên ngoài của cái tốt, cũng như tốt là điều kiện siêu hình của cái đẹp. Người Hy Lạp rất hiểu rõ việc này, nên họ kết hợp hai khái niệm ấy, tạo nên một thuật ngữ bao gồm cả hai khái niệm đó là “kalok-agathia” hay “tốt đẹp” (Thư gửi các nghệ sĩ, năm 1999, số 3).

Ngài còn viết: “Bởi đó, Thiên Chúa cho con người hiện hữu, trao cho con người nhiệm vụ của những nghệ nhân. Chính qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật ấy mà hơn bao giờ hết, con người cho thấy mình “giống Thiên Chúa” (Sđd, số 1). Cái đẹp giúp ta nâng tâm hồn để gặp gỡ Đấng Tối Cao. Nhà văn người Nga Dostoievski còn khẳng định: “Cái đẹp cứu chuộc thế giới”.

Trong xã hội hôm nay, người ta có khuynh hướng để ý nhiều đến những vụ việc gây ấn tượng mạnh, hay những tin tức giật gân. Nhiều người cũng thường chú trọng đến những thông tin hoặc vấn đề tiêu cực mà không quan tâm đến những việc tích cực.

Quả vậy, công bằng mà nói, dù cuộc sống này có nhiều xáo trộn, bạo lực, nhưng đây đó vẫn có những cá nhân hay tập thể đang âm thầm làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp. Họ làm việc mà không cần được tôn vinh ca ngợi. Dù thuộc tín ngưỡng tôn giáo nào, họ đang góp phần phản ánh sự thánh thiện của Thượng Đế. Họ là những vị thánh giữa đời.

Không có ai sinh ra đã đương nhiên trở thành thánh. Nên thánh là kết quả của những cố gắng suốt cuộc đời. Mỗi chúng ta đều được mời gọi đạt tới mục tiêu cao cả ấy. Hãy nên thánh từ ngày hôm nay, trong hoàn cảnh và bổn phận cụ thể của mỗi người, âm thầm, khiêm tốn, nhưng có giá trị giúp chúng ta nên hoàn thiện.

Hãy trở nên những vị thánh giữa đời, để trần gian này trở thành vương quốc bình an và công chính, là phác thảo của đời sau, nơi chúng ta sẽ được gặp gỡ, chiêm ngưỡng và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng ngàn trùng chí thánh. Ngài là mẫu mực và là Cha Chung của chúng ta. 

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

nguồn: http://hdgmvietnam.org/nen-thanh-giua-doi