Năm mới – Xin ơn bình an

Dẫu rằng cuộc đời này còn nhiều lo toan vất vả, người ta vẫn cần nài xin cho mình có được bình an của Thiên Chúa, thứ bình an của hạ mình phục vụ, của trách nhiệm và yêu thương.

 

Bạn thân mến, 

Trong thâm tâm của mỗi người, ai cũng mong chờ cuộc sống của mình được bình an. Trong những ngày này, người ta cầu chúc nhau một mùa Giáng Sinh và Năm Mới an bình hạnh phúc. Dù trao gửi hay đón nhận những lời chúc như thế, tôi tự hỏi: mình đang nói những lời sáo rỗng của một điệp khúc quen thuộc hay tự thâm tâm mình đang ước mong thứ bình an nào. Và câu hát của thiên thần khi loan tin cho các mục đồng đã cho tôi câu trả lời ít nhiều: Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Tôi cùng với các mục đồng đi tìm bình an mà Thiên thần nói. 

Các mục đồng đã trải qua những nỗi vất vả của một cuộc đời nghèo và khổ. Nếu ai đã từng phải đứng ngoài trời suốt đêm sương lạnh hay mưa tuyết, người ta sẽ hiểu thế nào là buốt giá. Nếu ai đã từng lam lũ cực nhọc lao động chẳng những ca ngày mà cả ca đêm để nuôi sống gia đình, hẳn sẽ thấu được cái lặn lội của những thân cò. Nếu ai đã từng bị khinh khi rẻ rúng, bị coi là những kẻ bần cùng đáng khinh trong mắt người giàu sang quyền quý, hẳn cũng hiểu phần nào cái nỗi cơ cực ngày ấy của những người mục đồng. Giữa cái lạnh buốt của trời đông và cái lạnh giá của cuộc đời, những người mục đồng được thúc giục đi tìm Hài Nhi Giê-su –  hoàng tử bình an. 

Nào chúng ta đi Bê-lem. Đi tới Bê-lem, những người chăn chiên vừa tò mò mà lại vừa hy vọng. Giữa cái đều đều của công việc, giữa những con người thân quen, họ ngạc nhiên về một Tin Mừng vừa được loan báo. Họ tò mò vì cái mới lạ. Nhưng đúng hơn, họ hy vọng cuộc đời mình có được chút đổi khác giữa cái cơ cực vất vả hết ngày này qua ngày khác này. 

Những tưởng Con Thiên Chúa sinh ra ở nơi lộng lẫy lắm, thì ra lại ở một nơi chẳng mấy xa lạ. Ngài sinh ra trong một cái chuồng bò. Và ở đó có mùi cỏ, mùi rơm, có mùi bò, mùi chiên. Những thứ ấy vốn dĩ vẫn bám lấy cuộc sống của họ suốt bao năm qua. Cái chuồng bò bình thường như bao chuồng bò khác trở nên một nơi an bình là bởi có Con Thiên Chúa. 

Thật ra, chẳng dễ để cảm thấy an bình nơi đây nếu như không thấy cái bình an mà cha mẹ của Hài Nhi đang có lúc này. Xua tan đi tất cả những nhọc nhằn của một chặng đường dài, hay cái đau đớn lúc chuyển dạ sinh con, họ nhìn ngắm Hài Nhi với vẻ bình an và hạnh phúc thấy lạ. Cha mẹ Hài Nhi thấy bình an là bởi họ kinh nghiệm mình được yêu thương. Họ kinh nghiệm một Thiên Chúa tự hạ mình, bỏ đi tất cả mọi sự mà đến với mình. Thiên Chúa quyền năng đã tự nguyện trở nên nghèo để lấy cái nghèo nàn của mình mà cho họ được trở nên giàu có. Và vì thế, cái nghèo khó, cái vất vả nhọc nhằn họ trải qua thật chẳng sánh gì so với cái từ bỏ để yêu thương của Thiên Chúa. 

Đã có lúc người ta dễ trách Thiên Chúa bỏ rơi mình. Nhớ những đêm dài đói khổ, người ta thầm trách Chúa không nhìn đến cái cơ cực của mình. Nhớ đến những chiều tà hắt bóng, người ta lại trách Chúa để mình bị sỉ nhục ê chề. Buông ra những lời trách móc như thế là bởi người ta nghĩ tới một Thiên Chúa cao sang, quyền năng, chứ chưa nhớ tới một Thiên Chúa khiêm tốn và tự hạ. 

Trong số các mục đồng, có thể có những người đã thất vọng vì Thiên Chúa mình tưởng tượng không quyền uy giàu sang, sẽ chẳng thể ban cho mình cái lợi vật chất hay danh tiếng cao sang. Trong cái xã hội này, không quá khó để có thể kiếm đủ cơm áo sống qua ngày, dù không phải ai cũng biết thế nào là “đủ”. Cái khó thực sự trong xã hội này là sống với một con tim lương thiện. Có những lúc, ngay cả người lương thiện cũng dễ trách cứ Thiên Chúa để mình mãi nghèo khổ hay bị người đời chê cười vì chọn lựa sống ngay chính của mình. Nhưng khi nhìn ngắm một Thiên Chúa hạ sinh trong hang bò lừa, những người thiện tâm có lý do để thấy niềm vui và hy vọng vì Ngôi Hai tự hạ và khiêm tốn như thế. Dù cuộc đời có ra sao, Thiên Chúa vẫn ở bên họ, bao bọc che chở để họ tiếp tục sống ngay chính, giữ trọn phẩm giá làm người, làm con Thiên Chúa. Lúc đó mới thấy ơn Ta đủ cho con. 

Hôm nay, tôi cũng nhìn lại lòng tôi, nhìn những xao động, lo lắng và phiền muộn trong lòng mình. Tôi tự hỏi: điều gì đang khiến tôi mất đi sự cân bằng, điều gì đang làm tôi thiếu vắng sự bình an. Nhìn vào gia đình mình: tôi cũng xét xem điều gì đang gây căng thẳng, điều gì đang gây bất hoà. Tôi nhìn vào những người thân cận, tôi có thể giúp gì cho cuộc sống của họ được hạnh phúc hơn không? Một nắm cơm chiều khi đói bụng, một lời động viên khi ốm đau. 

Tôi cũng nhớ đến những người đã góp phần làm nên những chặng cuộc đời bình an của mình. Người cha, người mẹ tảo tần sớm hôm vai mang gánh cả cuộc đời lam lũ. Khi tiếng gà chưa kịp cất lên, mẹ đã gồng mình trong sương sớm. Khi đàn con đã ngủ say, cha vẫn nặng lòng lo bữa ăn ngày mai. Những người đã dành cả cuộc đời để cho cuộc đời khác được bình yên. 

Dẫu rằng cuộc đời này còn nhiều lo toan vất vả, người ta vẫn cần nài xin cho mình có được bình an của Thiên Chúa, thứ bình an của hạ mình phục vụ, của trách nhiệm và yêu thương. Cầu chúc bình an đến với tâm hồn bạn và với những người sống bên bạn. 

Trần Đỉnh, SJ

(dongten.net 01.01.2019)