MƯỜI HAI ĐIỀU ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ NÓI VỀ PHÁ THAI
Tác giả: Kathleen N. Hattrup
WGPNT (12.10.2021) - Đức Thánh cha đối diện với vấn đề phá thai trước hết trong cương vị là một mục tử và một người cha khi ngài thấy đàn chiên của mình đau khổ.
Vào ngày 01 tháng 12 năm 2020, Đức Phanxicô viết cho một số học trò cũ của mình ở Argentina về phá thai, vì quê hương của ngài đang tranh luận về khả năng hợp pháp hóa vấn đề này. Vào ngày 11 tháng 12, Hạ viện Argentina thông qua một biện pháp được Tổng thống đưa ra trước đó. Đến cuối tháng, Thượng viện tiếp tục thông qua, nghĩa là phá thai trong 14 tuần đầu của thai kỳ trở nên hợp pháp trên quê hương của Đức Giáo hoàng.
Trong thư, Đức Giáo hoàng nhắc lại điều ngài đã nói nhiều lần trước đó về phá thai, “Tôi đề nghị đặt ra hai câu hỏi: (1) Có chính đáng không khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề? và (2) Có chính đáng không khi thuê một kẻ giết người vì tiền để giải quyết một vấn đề?”
Sau đó, Đức Thánh cha than phiền là sứ điệp của mình không được lắng nghe. Ngài nói mình chỉ cười khi có người hỏi “Tại sao Giáo hoàng không phổ biến ở Argentina quan điểm của mình về phá thai? Thật sự, tôi đã nói cho toàn thế giới biết – cũng như cho Argentina – từ khi trở thành Giáo hoàng”.
Nói chung, người ta không biết tôi thường nói gì . . . nhưng chỉ biết điều tôi nói qua các phương tiện truyền thông mà như chúng ta biết chúng chỉ đáp ứng các lợi ích cục bộ, cụ thể hay chính trị. Về vấn đề này, tôi nghĩ người Công giáo – từ giám mục cho đến tín hữu trong giáo xứ – đều có quyền biết những gì Giáo hoàng thực sự nói . . . chứ không phải những gì truyền thông nói là ngài nói. Điều này như thể trò tam sao thất bản. Johnny nói với tôi rằng Janie đã nói rằng . . . và cứ thế tiếp tục dây chuyền.
Vì thế, đây là mười hai điều Đức Phanxicô nói về phá thai và thai nhi.
TÔI KHÔNG THỂ IM LẶNG
Tuy nhiều người sẽ thấy khó chịu khi nghe một vị Giáo hoàng cứ lặp lại chủ đề này, nhưng tôi không thể im lặng khi hơn 30 đến 40 triệu thai nhi bị vứt bỏ mỗi năm do phá thai. Thật là đau đớn khi thấy nhiều vùng tự coi mình là phát triển lại thường thúc đẩy phá thai vì lí do những đứa trẻ ra đời bị dị tật, hoặc vỡ kế hoạch. Sự sống con người không bao giờ là gánh nặng. Nó đòi chúng ta phải đón nhận thay vì vứt bỏ. . . . Phá thai là một sự bất công nghiêm trọng. Nó không bao giờ có thể là biểu hiện chính đáng của quyền tự chủ và sức mạnh. Nếu ta lấy quyền tự chủ của mình để đòi người khác phải chết, thì nó không khác gì một “chiếc cũi sắt” nhốt chúng ta.[1]
NÓI VỚI CÁC NHÀ KHOA HỌC
Trong các thư gửi đến Argentina, nơi đang tranh luận việc hợp pháp hóa phá thai: Cần xem phá thai là một vấn đề mang tính khoa học, để xác định xem đó có phải là sự sống hay không. Phá thai trước nhất không phải là vấn đề tôn giáo, nhưng đúng hơn là vấn đề nhân bản, liên quan đến đạo đức con người, có trước bất kỳ niềm tin tôn giáo nào.[2]
KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ TÔN GIÁO
Có hợp lý không khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề? Câu trả lời là không. Câu hỏi thứ hai: Có hợp lý không khi thuê một tay bắn tỉa để giải quyết một vấn đề? Không. Phá thai không phải là một vấn đề tôn giáo theo nghĩa chỉ vì tôi là người Công giáo nên tôi không được tìm cách phá thai. Phá thai là vấn đề liên quan đến con người. Nó tước đi một mạng người. Chấm hết.[3]
RU CON BẰNG BÀI HÁT ĐÃ KHÔNG CÓ DỊP HÁT
Vấn đề không nằm ở việc tha thứ, mà hệ tại ở việc đồng hành với người phụ nữ nhận thức rằng chị đã phá thai. . . . Bởi vì nhiều lần – quả thực mọi lúc – họ gặp gỡ đứa con của mình. Và nhiều lần, khi họ khóc, đau khổ tôi khuyên họ: “Con của chị đang ở trên thiên đàng, hãy trò chuyện với nó, hãy ru nó bằng bài hát mà chị đã không hát, hoặc không thể hát”. Và nơi thiên đàng người mẹ có cách hòa giải với đưa con. Đối với Thiên Chúa, sự hòa giải đã có ở đó rồi: đó là sự tha thứ của Thiên Chúa. Ngài luôn luôn tha thứ. Nhưng lòng thương xót cũng có nghĩa là chị ấy [người phụ nữ] nên dần dần giải quyết vấn đề này.[4]
BI KỊCH
Bi kịch của phá thai. Để hiểu rõ nó, người ta phải ở nơi tòa giải tội. Nó thật khủng khiếp.[5]
SỰ SỐNG LUÔN ĐƯỢC BẢO VỆ
Tình yêu tha nhân không thể chỉ dành cho những khoảnh khắc đặc biệt, nhưng phải thể hiện luôn luôn trong cuộc sống của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi, chẳng hạn, bảo vệ người già như một kho tàng quý giá, với tình yêu thương, ngay cả khi họ gây ra khó khăn về kinh tế và bất tiện, nhưng chúng ta phải bảo vệ họ. Đây là lý do tại sao chúng ta phải hết sức có thể giúp đỡ người bệnh, ngay cả trong giai đoạn cuối. Đây là lý do tại sao các trẻ em còn trong bụng mẹ luôn được chào đón; và trên hết, đây là lý do sự sống luôn cần được bảo vệ và yêu thương, từ lúc thụ thai cho đến khi kết thúc cuộc sống cách tự nhiên. Và đây là tình yêu.[6]
NGƯỜI SPARTA THỜI HIỆN ĐẠI
Khi còn nhỏ, ở trường học, thầy cô dạy chúng tôi lịch sử của người Sparta. Tôi luôn bị ấn tượng bởi những gì họ nói với chúng tôi, rằng khi một đứa trẻ dị dạng được sinh ra, người Sparta sẽ đem nó lên đỉnh núi và ném xuống, để chúng chết. Tất cả học sinh chúng tôi đều cho rằng: “Thật độc ác!” Thưa anh chị em, chúng ta cũng làm như vậy, nhưng tàn nhẫn và khoa học hơn.[7]
HẠN TỪ “GIẾT”
Nhiều lần trong đời linh mục, tôi đã nghe những lời phản đối. “Hãy nói cho tôi biết tại sao Giáo hội phản đối phá thai? Nó là vấn đề tôn giáo sao?” – “Không, không. Nó không phải là vấn đề tôn giáo” – “Nó là vấn đề triết học chăng?” – "Không, nó không phải là vấn đề triết học”. Nó là vấn đề khoa học, bởi vì có sự sống con người ở đó và không hợp pháp khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề. “Nhưng không, trường phái tư tưởng hiện đại . . .” – “Nghe này, trong trường phái tư tưởng xưa và nay, hạn từ “giết” có nghĩa giống nhau!” Điều này cũng đúng với việc an tử.[8]
CÁC THẦN TƯỢNG KHÔNG THỂ MANG LẠI HẠNH PHÚC
Các ý thức hệ với những tuyên bố về điều tuyệt đối: Sự giàu có – và đây là một thần tượng vĩ đại – quyền lực và thành công, sự phù phiếm, với ảo tưởng về sự vĩnh hằng và toàn năng, các giá trị như vẻ đẹp bên ngoài và sức khỏe: Khi những cái tuyệt đối này trở thành thần tượng mà mọi thứ đều phải hy sinh, chúng là tất cả những gì khiến tâm trí bị lẫn lộn, và thay vì ủng hộ sự sống, chúng lại dẫn đến cái chết. Thật là khủng khiếp khi nghe đến, và thật là đau đớn cho tâm hồn: Nhiều năm trước, có lần tôi nghe ở Giáo phận Buenos Aires: một phụ nữ tốt – rất xinh đẹp – khoe khoang về nhan sắc của mình. Cô ấy nói, như thể đó là điều tự nhiên: “Đúng vậy, tôi phải phá thai vì vóc dáng của tôi rất quan trọng”. Đó là những thần tượng lôi kéo bạn xuống con đường sai trái, và không mang lại cho bạn hạnh phúc.[9]
KHÔNG CÔNG BẰNG CHO PHỤ NỮ
Một số người trải qua bi kịch phá thai với nhận thức hời hợt, như thể không nhận ra tác hại vô cùng từ hành vi này. Mặt khác, nhiều người khác dù trải qua khoảnh khắc này như một thất bại nhưng họ nghĩ rằng mình không còn lựa chọn nào khác. Tôi nghĩ cách riêng về tất cả những phụ nữ đã buộc phải phá thai. Tôi biết rõ áp lực đã khiến họ đi đến quyết định này. Tôi biết rằng đó là một thử thách hiện sinh và luân lý. Tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ mang trong lòng vết sẹo của quyết định khổ sở và đau đớn này. Những gì đã xảy ra là vô cùng bất công; tuy nhiên, chỉ khi thấu hiểu bản chất của nó mới có thể giúp người ta không đánh mất hy vọng.[10]
CON NGƯỜI BỊ VỨT BỎ
Thật không may, những thứ bị vứt bỏ không chỉ là thức ăn và những đồ vật không cần thiết, mà thường là chính con người, họ bị vứt bỏ vì “không cần thiết”. Ví dụ, thật đáng sợ khi nghĩ đến cả những đứa trẻ, nạn nhân của phá thai, chúng sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng ban ngày...[11]
GIÁO HUẤN RÕ RÀNG CỦA GIÁO HỘI
Phóng viên: Ngài không nói gì về phá thai, về hôn nhân đồng giới. Tại Brazil, một đạo luật đã được thông qua nhằm nới rộng quyền phá thai và cho phép kết hôn giữa những người đồng giới. Tại sao ngài không nói về những vấn đề này?
Đức Giáo hoàng Phanxicô: Giáo hội đã nói khá rõ ràng về vấn đề này. Tôi không cần thiết phải nhắc lại, cũng như tôi không nói về gian lận, dối lừa, hoặc những vấn đề khác mà Giáo hội đã giảng dạy rõ ràng! […]
Phóng viên: Nếu có thể hỏi, vậy lập trường của Đức Thánh cha là gì?
Đức Giáo hoàng Phanxicô: Là lập trường của Giáo hội. Tôi là con cái Giáo hội.[12]
ĐCV Sao Biển chuyển ngữ theo aleteia.org (28.12.2020)
Nguồn: giaophannhatrang.org
[1] Sách: Let Us Dream: The Path to a Better Future, trang 115, amazon.com/Let-Us-Dream-Better-Future
[2] aleteia.org/2020/12/02
[3] aleteia.org/2019/05/28
[4] w2.vatican.va/panama-volo-ritorno.html
[5] w2.vatican.va/panama-volo-ritorno.html
[6] w2.vatican.va/regina-coeli_20180506.html
[7] w2.vatican.va/omelia-sangiovannirotondo.html
[8] w2.vatican.va/medici-cattolici-italiani.html
[9] w2.vatican.va/udienza-generale.html
[10] vatican.va/lettera-indulgenza-giubileo-misericordia.html
[11] vatican.va/corpo-diplomatico.html
[12] vatican.va/gmg-conferenza-stampa.html
Nguồn: https://hdgmvietnam.com/