MÙA CHAY NGẪM CHUYỆN ÔNG GIÓP
Mùa chay ngẫm chuyện ông Gióp để ý thức thân phận tro bụi của mình. Cuộc sống không ai tránh được những khó khăn, đau khổ…
Gióp vừa là nhân vật chính vừa là tựa đề của một quyển sách trong Cựu Ước. Nói đến ông Gióp chắc hẳn người Công giáo ai cũng đã từng nghe những câu nói bất hủ: “Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ về đất cũng trần truồng. Chúa ban cho Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng danh Chúa…”, hay, “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?”…
Sách Gióp hấp dẫn người đọc bởi nội dung của nó phản ánh một thực tế cuộc sống mà ai ai cũng có lúc đối diện, nhưng lại rất khó tìm lời giải đáp: Lành – Dữ, Họa – Phúc trong mối tương giữa Thiên Chúa và con người; cùng với những trăn trở suy tư về phận đời kiếp người.
Nội dung sơ lược như sau: Thiên Chúa tự hào về sự công chính của Gióp trong muôn người. Ma quỷ xin Chúa được thử thách ông. Trong sự cùng cực của đau khổ do ma quỷ gây ra: mất hết tài sản, con cái; bản thân bệnh tật, ghẻ chốc; vợ xa lánh, xúi dục nguyền rủa Chúa; bạn bè kết luận bị vậy là do tội ông gây ra… Gióp quằn quại trong đau khổ để xin Chúa câu trả lời cho những gì đang xảy ra với ông.
Trong thân phận của một loài thụ tạo yếu đuối và tội lỗi…con người luôn phải đối diện với những thách đố của cuộc sống cả khách quan lẫn chủ quan mang lại. Mang hình ảnh tốt lành của Thiên Chúa, con người luôn trăn trở để vươn tới Chân – Thiện – Mỹ. Việc đi tìm lời giải đáp cho các vấn nạn như: Đâu là nguyên nhân của đau khổ? Tại sao những người ăn ngay ở lành phải chịu khổ cực, bất công? Thiên Chúa công minh quyền phép sao Ngài lại ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau của người công chính? Sao Thiên Chúa lại để sự dữ tồn tại? Đau khổ và bất công là hậu quả ta gây ra phải lãnh, hay phải chịu thay cho cha ông mình kiếp trước làm nên?
Sách Gióp đi tìm câu trả lời cho những vấn nạn trên nhưng không tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Qua các lời Chúa phán với Gióp, ta thấy Ngài chưa trực tiếp đưa ra câu trả lời về những điều ông chất vấn. Về phần Gióp, ông đã chấp nhận điều đó bằng sự tuân phục mà cũng không rõ lý do: “Vì thế, điều đã nói ra con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42,6).
Tuy còn nhiều giới hạn và mâu thuẫn trong việc giải quyết vấn nạn đặt ra, nhưng sách Gióp cho chúng một tấm gương của người luôn kiên trung và trọn niềm tin tưởng vào Chúa trong mọi nghịch cảnh cuộc sống. Vài thế kỷ sau, khi niềm tin về sự sống lại và linh hồn bất tử, cùng thưởng phạt ở đời sau dần dần tỏ lộ qua các sách Khôn ngoan, Macabe, Daniel…thì mầu nhiệm về đau khổ của con người được trả lời cách sáng tỏ hơn. Câu trả lời hoàn toàn thỏa mãn và trọn vẹn đến từ Mầu Nhiệm Nhập Thể Cứu Độ của Ngôi Hai Thiên Chúa trong thân phận con người nơi Đức Giêsu Kitô: Sự khó nghèo, chịu bách hại, bị hiểu lầm, chịu đau khổ, nhục nhã mà đỉnh cao là cuộc thương khó – đổ máu trên Thập giá ở đồi Canvê để rồi Phục Sinh khải hoàn vượt qua đau khổ và thần chết, mang lại ơn giải thoát khỏi kiếp sống đau khổ cho con người.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
Mùa chay ngẫm chuyện ông Gióp để ý thức thân phận tro bụi của mình. Cuộc sống không ai tránh được những khó khăn, đau khổ, vấn đề là chúng ta có đủ tỉnh táo và kiên trung đón nhận “thập giá” đời mình trong sự tin tưởng và phó thác vào Chúa như ông Gióp đã làm hay không. “Vác thập giá hằng ngày” là câu rất quen thuộc của người Công giáo chúng ta, nhưng chẳng mấy ai muốn làm điều đó dẫu biết chắc rằng: Qua thập giá sẽ là vinh quang trong nước Chúa.
Nguồn:http://gplongxuyen.org