Thứ Sáu 12 tháng Năm vừa qua, tại Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Đại Sứ và là Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh bên cạnh Liên Hiệp Quốc, đã đọc một bài diễn văn tựa là “Một Trăm Năm Fatima và Sự Liên Hệ Lâu Dài của Sứ Điệp Hòa Bình của Nó”. Ngài cho rằng sứ điệp này không những ngỏ với thế giới Công Giáo mà còn là một bài học phổ quát “cho mọi người đang theo đuổi hòa bình”.
Dưới đây là nguyên văn bài diễn văn của Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza:
***
Thưa Đại Sứ Mendonça e Moura, Đại Diện Thường Trực của Bồ Đào Nha cạnh Liên Hiệp Quốc, Qúy Ngài, Qúy Diễn Giả, qúy bà và qúy ông,
Thực là một niềm vui lớn đối với riêng cá nhân tôi và đối với Sứ Bộ Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh được hợp tác với Sứ Bộ Thường Trực của Bồ Đào Nha cạnh Liên Hiệp Quốc để tổ chức biến cố kỷ niệm này dự ứng cho lễ kỷ niệm 100 năm việc khởi đầu các lần hiện ra ở Fatima vào ngày mai.
Ngay lúc này đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang tới căn cứ không quân Monte Real ở Leiria, Bồ Đào Nha, và trong vài phút nữa sẽ hội kiến với Tổng Thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa. Trong khi chúng ta đang tổ chức biến cố này ở đây, thì ngài đang dùng trực thăng để tới vận động trường Fatima và sẽ chuyển xe để tới Đền Thánh Đức Mẹ Fatima nơi, khi biến cố của chúng ta chấm dứt, thì ngài sẽ bước vào Capelinha, tức ngôi nhà nguyện Hiện Ra nhỏ bé để cầu nguyện và sẵn sàng chủ tọa buổi cầu nguyện dưới ánh nến và đọc kinh Mân Côi ban đêm.
Đối với những người chúng ta không thể có mặt ở Fatima với ngài để đánh dấu một trăm năm, tôi nghĩ đây, Liên Hiệp Quốc này, là nơi tốt thứ nhì để nói về Sự Liên Hệ Lâu Dài của Sứ Điệp Hòa Bình mà ba trẻ chăn chiên đầy khả tín chứng thực rằng vào ngày mai cách nay 100 năm, một bà mặc áo trắng tự xưng mình từ trời xuống đã loan báo cho các em lần đầu tiên.
Và vì chúng ta không thể ở đó, ở Cova da Iria, nên một phần của Fatima đã tới đây, tới trụ sở của Liên Hiệp Quốc này.Thánh tượng chúng ta hiện có đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII làm phép tại Vatican cách ngày mai 70 năm, tức năm 1947, nhân dịp kỷ niệm 30 năm việc khởi đầu các lần hiện ra ở Fatima và sau đó lại được làm phép bởi Đức Giám Mục Fatima vào ngày 13 tháng Mười năm 1952, dịp kỷ niệm năm thứ 35 lần hiện ra cuối cùng ở đó. Sau khi được làm phép ở Fatima, thánh tượng đã được chở tới Hoa Kỳ, nơi, vào ngày 8 tháng Mười Hai năm 1952, thánh tượng được chở tới Liên Hiệp Quốc bởi Đức Ông Harold Colgan, một linh mục ở Tiểu Bang New Jersey, người, 6 năm trước đó, đã thành lập một tổ chức sau này trở thành Đạo Binh Xanh và Tông Đồ Thế Giới Fatima. Với một người bạn, Đức Ông Colgan đã đem thánh tượng vào Phòng Suy Niệm bên cạnh Hành Lang Vãng Lai, nơi các ngài đọc kinh Mân Côi cầu cho hòa bình thế giới và chấm dứt Chiến Tranh Triều Tiên.
Hôm nay, sau gần 65 năm, bản sao thánh tượng ngự ở Nhà Nguyện Hiện Ra ở Fatima này lại trở lại Liên Hiệp Quốc. Chúng ta hy vọng các lời cầu nguyện cho hòa bình từng được đọc trước đây trước thánh tượng này trong khoảng sáu thập niên rưỡi vừa qua, bởi hàng triệu người khắp Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và nhiều quốc gia khác, sẽ được lắng nghe một cách đặc biệt cho hòa bình trên thế giới ngày nay nơi bạo lực đang tàn phá. Với sự phù giúp của ngài, chúng ta cầu nguyện một cách đặc biệt cho việc chấm dứt chiến tranh tại Syria, cho việc chấm dứt các đe dọa chiến tranh ngày một gia tăng ở bán đảo Triều Tiên, cho việc kết thúc bạo động ở Nam Sudan, ở Somalia, ở Yemen, ở Cộng Hòa Trung Phi, ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo, và ở Đông Ukraine và các nơi khác đang có tranh chấp. Chúng ta cũng cầu nguyện cho việc chấm dứt khủng bố, bách hại tôn giáo, sắc tộc và chủng tộc, các đàn áp độc đoán, các tập đoàn ma túy sát nhân và tội ác có tổ chức, việc buôn người và các hình thức nô lệ tân thời, và những cuộc nổi dậy có tính quốc gia vốn đã và đang làm nhơ thế giới bằng máu và hận thù.
Khi chúng ta khảo sát sứ điệp của ba trẻ chăn chiên ở Fatima, Lucia dos Santos và các em họ của chị là Phanxicô và Jacinta Marto, sứ điệp mà người phụ nữ được thánh tượng này tượng trưng đã nói với các em, chúng ta có thể nói rằng Đức Maria chủ yếu xuất hiện như một vị Đại Sứ của Hòa Bình với lời kêu gọi các em trở thành các thành viên tham mưu, nói theo biệt ngữ của Liên Hiệp Quốc, trong Sứ Bộ Thường Trực của ngài cạnh mọi quốc gia. Và sứ bộ này, cho tới hôm nay, vẫn có liên hệ, vì hơn 50 tranh chấp bạo động hiện đang diễn biến trên khắp thế giới, trong điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô quen gọi là “Thế Chiến thứ 3 được đánh từng mảng” y hệt như cách nay một thế kỷ thời Thế Chiến thứ nhất.
Tuy nhiên, trước khi đề cập tới “kế hoạch hòa bình” mà các trẻ chăn chiên nói rằng Vị Đại Sứ của Hòa Bình đầy tình mẫu tử này đã công bố với các em, tôi muốn trực diện nói tới tính khả tín của những lần hiện ra ở Fatima. Làm thế nào ta có thể biết rằng điều các trẻ chăn chiên chứng thực rằng Đức Bà Fatima đã tỏ cho các em là đúng? Đối với những người không tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa hay sự siêu nhiên, thì những gì được cho là đã xảy ra ở Fatima cách đây một thế kỷ chỉ như thuộc lĩnh vực các câu chuyện thần tiên hơn là sự kiện. Đối với những ai tin vào Thiên Chúa, nhưng ý niệm của họ là về một vị thần tách biệt khỏi hiện sinh trần thế, thì sự can thiệp của một phụ nữ được cho là từ trời đến với những đứa trẻ chăn chiên như thế cũng khó mà có thể tin được. Đối với những tín đồ không phải là Kitô giáo, đối với những Kitô hữu thấy khó có thể chấp nhận lòng sùng kính Mẹ Chúa Giêsu của người Công Giáo hoặc Chính Thống Giáo, hoặc thậm chí đối với những người Công Giáo không thích ý niệm hiện ra một cách lạ lùng, thì những gì xảy ra ở Fatima dường như chỉ là mê tín dị đoan của những người có thiện ý nhưng cả tin.
Hầu hết những người không phải là Công Giáo và ngay cả nhiều người Công Giáo đều ngạc nhiên khi họ được biết người Công Giáo không phải tin vào những gì được cho là đã xảy ra ở Fatima cách đây một thế kỷ. Họ không phải tin rằng Đức Maria đã hiện ra gì cả, hoặc bất cứ điều gì ngài yêu cầu các trẻ chăn chiên. Trong thần học Công Giáo, những gì xảy ra ở Fatima được gọi là "mặc khải tư", có ý nói đến các thị kiến và các cuộc hiện ra, được Giáo Hội chấp thuận như là đáng tin, đã diễn ra từ khi hoàn thành bộ Tân Ước. Khi Giáo Hội công nhận một mặc khải tư, thì người Công Giáo không bị kêu gọi phải tin nó như cách họ phải tin các nội dung của Thánh Kinh hay các nội dung của Thánh Truyền do những người theo chân Chúa Giêsu đầu tiên truyền lại. Thay vào đó, nó được chấp nhận là đáng tin và có thể xảy ra bằng điều chúng ta có thể gọi là niềm tin nhân bản, sự khôn ngoan, hoặc lương tri đã tinh luyện.
Nói cách khác, khi xem xét chứng từ mà Lucia, Phanxicô và Jacinta nói rằng các em là những nhân chứng rất đáng tin cậy, Giáo Hội thấy sứ điệp do các em thuật lại không chứa bất cứ điều gì trái ngược với những gì Giáo Hội vốn coi là chân lý đức tin hay hợp lý, và mọi người được phép chấp nhận chúng một cách khôn ngoan. Mục đích của các mặc khải tư như vậy, theo thần học của Giáo Hội, là giúp người ta hiểu và sống giáo huấn của Chúa Giêsu tốt hơn vào một thời điểm cụ thể nào đó, nhưng người ta không bắt buộc phải sử dụng sự giúp đỡ này, ngay cả khi Giáo Hội dạy rằng không nên vô tình làm ngơ nó.
Chúng ta hãy áp dụng các nguyên tắc trên vào cách chúng ta hiểu phép lạ công cộng dường như đã xảy ra vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, trong lần hiện ra cuối cùng. Hai tháng trước đó, các em nói rằng Đức Maria hứa sẽ có một phép lạ để giúp người ta tin vào những gì các trẻ chăn chiên nói. Có bảy mươi nghìn người có mặt, dưới cơn mưa như trút, và không chỉ là những tín hữu. Có cả những người có thể mô tả là duy tục có óc tò mò nhưng cũng rất lớn tiếng và các lực lượng phản giáo sĩ, các nhà báo và những kẻ hoài nghi; họ muốn làm nhân chứng tận mắt chống gian lận chứ làm gì có phép lạ nào. Vào một lúc nhất định kia, khi nghe và thấy Đức Bà, đấng mà không ai khác có thể nhìn thấy, các em hướng nhìn lên trên trời, bỗng những đám mây đen tách ra, và mặt trời xuất hiện như một chiếc đĩa mờ mờ, quay tròn trên bầu trời, và cuối cùng lao về hướng trái đất trước khi vòng vèo trở lại vị trí bình thường của nó.
Mọi người hét lên như sắp chết. Các nhà báo của tờ O Dia ở Lisbon mô tả những gì họ và những người khác thấy như sau:
“Lúc 1 giờ chiều, giữa trưa của mặt trời, mưa dừng lại. Bầu trời, màu xám ngọc trai, chiếu sáng quang cảnh khô cằn bằng một ánh sáng kỳ lạ. Mặt trời có một tấm màn che mỏng như sa nhưng nhìn thấu qua để mắt trần có thể dễ dàng nhìn thẳng vào nó. Mầu xám ngọc trai biến thành một màn bạc xuất hiện khi những đám mây tản ra và người ta thấy mặt trời mầu bạc, bao phủ trong cùng một ánh sáng xám xịt mỏng nhẹ như sa ấy, quay cuồng và chạy vòng tròn quanh các đám mây vụn. Mọi cửa miệng đều kêu la và mọi người quỳ xuống đất bùn. Ánh sáng chuyển sang màu xanh đẹp đẽ như thể xuyên qua các cửa sổ kính màu của một nhà thờ chính tòa và tỏa rộng trên khắp những người đang quỳ xuống với đôi bàn tay dang ra. Màu xanh nhạt dần rồi ánh sáng dường như xuyên qua kính màu vàng. Những đốm vàng rơi xuống trên những chiếc khăn tay trắng, trên những váy đen của phụ nữ. Chúng được tường trình rơi trên cây, trên đá và trên sườn đồi. Người ta khóc và cầu nguyện trong khi để đầu trần khi thấy phép lạ họ vốn chờ đợi”.
Avelino de Almeida, biên tập viên của O Seculo, một tờ báo lớn của Lisbon, người khởi đầu chế giễu những cuộc hiện ra, sau đó bị thúc bách bởi những gì ông quan sát để viết ra, "Từ đường lộ, nơi xe cộ dừng lại và hàng trăm người không có can đảm lội bùn tập trung, người ta có thể thấy đám đông vô số đang hướng về phía mặt trời, một mặt trời xuất hiện không một đám mây che và đang ở đỉnh cao nhất của nó. Nó trông giống như một tấm bảng bằng bạc xỉn và có thể nhìn thẳng vào nó mà không hề có sự khó chịu nào. Có thể có một cuộc nhật thực đang diễn ra. Nhưng ngay lúc đó, một tiếng hét lớn vang lên và người ta nghe thấy các khán giả gần nhất hét lên: ‘Phép lạ! Phép lạ!’ Trước những con mắt lạ lùng của đám đông, mà dáng vẻ của họ giống như trong Thánh Kinh: đứng im, đầu để trần, háo hức lục lọi bầu trời, mặt trời run rẩy, tạo nên các chuyển động bất ngờ, khác thường, vượt ra ngoài mọi định luật của vũ trụ - mặt trời ‘nhảy múa’ theo cách diễn tả rất đặc trưng của dân chúng". Cuối cùng, mặt đất và quần áo của mọi người đều khô ráo, bất chấp trận mưa như trút.
Làm thế nào một điều như thế có thể được chúng ta đánh giá sau gần một thế kỷ? Phải chăng có khả năng 70,000 người kia, trong đó có nhiều người chống các giáo sĩ, có các nhà báo đầy hoài nghi, các viên chức chính phủ đối nghịch, và các nhà chức trách của Giáo Hội, hết thẩy đều trải qua một ảo giác về mặt trời? Mà cho là đúng như thế đi chăng nữa, thì điều gì đã xảy ra cho những bộ quần áo, trong giây lát, bỗng từ ướt đẵm trở thành khô ráo hoàn toàn?
Nhà vô thần Richard Dawkins, trong cuốn The God Delusion, thừa nhận, "Không dễ dàng gì giải thích được việc bảy mươi nghìn người cùng có một ảo giác như nhau", nhưng rồi ông vẫn tiếp tục khẳng định rằng tất cả đều đã cùng có một ảo giác tập thể vì sẽ là “điều còn khó hiểu hơn khi chấp nhận rằng điều đó thực sự đã xảy ra mà cả thế giới, bên ngoài Fatima, không nhìn thấy – mà không phải chỉ nhìn thấy nó, mà còn cảm thấy nó như sự hủy hoại thảm khốc đối với hệ mặt trời". Nhưng cũng không hợp khoa học chút nào, thậm chí không hợp lý chút ào, nếu loại bỏ thẳng thừng dữ liệu mà 70,000 người đã nhất tề làm chứng, chứ không giả vờ như thể mình bị lừa dối.
Việc chấp nhận sự đáng tin cậy tổng quát của đám đông khổng lồ và đa dạng trên đây, mà không phải ai cũng là người có thiên hướng thích phép lạ, việc nhìn nhận rằng họ ở đó một cách đông đảo như thế vì các trẻ em cho biết Đức Bà đã hứa trước đó hai tháng rằng sẽ có phép lạ vào ngày 13 tháng 10, bằng chứng vật lý của quần áo khô ngay lập tức, đã dẫn nhiều người trong suốt thế kỷ trước kết luận rằng những lần hiện ra ở Fatima là đáng tin cậy - dựa trên sự khôn ngoan của con người hoặc điều chúng ta gọi là niềm tin tự nhiên, một loại niềm tin nhờ đó chúng ta chấp nhận coi những điều chính chúng ta không quan sát được như có thật, dựa vào sự đáng tin cậy của các người làm chứng.
Và, có thể nói, đó là điều làm cho những gì xẩy ra tại Fatima có liên quan tới mọi người, vì ngay cả người Công Giáo cũng đánh giá tính xác thực của Fatima, cũng như mọi mặc khải tư, chủ yếu dựa trên niềm tin của con người hoặc việc thực thi lý lẽ, tức hỏi xem liệu điều này có thể có hay không dựa trên bằng chứng này là điều cho là đã xảy ra thực sự đã xảy ra thật. Các sự kiện cần được xem xét có thể tìm thấy trong các tờ báo chống Công Giáo của thế kỷ trước; họ đã chứng thực rằng một điều gì đó không thể giải thích một cách khoa học thực sự đã xảy ra, làm gia tăng sự khả tín đối với những gì các trẻ em đã chứng thực như một toàn bộ.
Với những điều trên làm bối cảnh quan trọng, tôi muốn trở lại với "kế hoạch hòa bình", mà các trẻ chăn chiên nói rằng người phụ nữ hứa có phép lạ mặt trời đã cho các em biết. Kế hoạch này liên quan đến một vài yếu tố chắc chắn có ý nghĩa sâu sắc và những lời yêu cầu đặc biệt đối với những người thuộc đức tin Công Giáo, nhưng tôi muốn chú tâm vào những điều tôi gọi là bài học phổ quát cho mọi người đang tìm kiếm hòa bình.
Bài học đầu tiên là về nhu cầu hoán cải. Hoán cải nghĩa là quay trở lại, là thay đổi cách suy nghĩ và cách sống của người ta, là xem xét các suy nghĩ, lời nói, hành động và không hành động của mình, xem xem, thay vì xây dựng hòa bình, tình huynh đệ và sự đoàn kết, chúng đã chia rẽ, hoặc làm hại hoặc phá huỷ ra sao. Đến nỗi, sự thiếu hòa bình trên thế giới thường bắt nguồn từ sự kiện này: người ta không quay lưng khỏi những cung cách hiếu chiến, khỏi việc biến người khác thành đồ vật, hạ thấp nhân phẩm hoặc ngược đãi họ. Đến độ, sự thiếu hòa bình thường phát xuất từ việc quá ám ảnh chú tâm vào những sai lầm của người khác hơn là ngẫm nghĩ về chính tác phong của mình, hoặc các chính sách của quốc gia mình, khiến người khác tìm biện pháp khắc phục bằng bất cứ phương tiện nào. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tìm cách kêu gọi cộng đồng quốc tế bước vào loại hoán cải phổ quát này, kêu mời chúng ta quay mình khỏi việc thờ ngẫu thần tiền bạc vốn có khả năng dẫn toàn bộ nhiều quốc gia bỏ bê và làm khổ người nghèo, khỏi việc buôn bán vũ khí đang triển nở chỉ làm gia tăng cuộc tàn sát mà các tên độc tài và khủng bố vốn có thể thực hiện, khỏi việc thiếu sự hiếu khách đối với những người phải chạy trốn các tình huống chiến tranh, nghèo đói hoặc thiên tai. Nếu không có sự hoán cải này, hòa bình sẽ mãi mãi chỉ là ảo ảnh. Sự hoán cải là điều kiện tiên quyết của hòa bình.
Bài học phổ quát thứ hai là về việc hòa bình bắt đầu từ đâu. Các trẻ chăn chiên nói rằng sau khi cho thấy các thị kiến khủng khiếp về hỏa ngục, về sự tàn phá do chủ nghĩa cộng sản vô thần gây ra, và cuộc bách hại Giáo Hội đến mức ám sát một vị giám mục mặc áo trắng - tất cả đều gây ra bởi các tội lỗi mà thế giới cần phải hoán cải - Đức Maria đã mô tả cho các em một phương thuốc, đó là việc dâng mình cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của ngài. Điều này có ý nói tới một cam kết tìm cách bắt chước trái tim của Đức Maria, một trái tim mà các Kitô hữu tin rằng rất trong sạch và không phân chia, khôn ngoan và vâng lời, trung thành và thận trọng, một trái tim yêu mến Thiên Chúa với tất cả những gì mình có và yêu thương người khác bằng tình yêu mến Thiên Chúa. Một trái tim như thế, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô tương lai sẽ viết vào năm 2000, năm năm trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng rằng "nó mạnh hơn súng và vũ khí mọi loại" và có khả năng thay đổi lịch sử. Hòa bình bắt đầu từ trong trái tim. Nếu trái tim không có hòa bình, sẽ rất khó để ta có thể là người kiến tạo hòa bình, người xây dựng và người duy trì. Người ta phải được biến đổi. Và từ sự biến đổi này, cuộc cách mạng hòa bình mới xuất hiện, như chúng ta thấy trong các cố gắng và thành công của những nhà kiến tạo hòa bình vĩ đại trong các thế kỷ gần đây.
Bài học phổ quát thứ ba là về cầu nguyện. Cầu nguyện là công cụ của hòa bình. Các trẻ chăn chiên nói rằng Đức Maria yêu cầu các em cầu nguyện và hy sinh cho người khác ăn năn trở lại ngõ hầu bình an trở về với linh hồn họ. Ngài yêu cầu các em đọc những lời kinh đặc biệt, như chuỗi Mân Côi hay lời kinh khác giữa các chục kinh của chuỗi Mân Côi, hoặc vào ngày thứ Bảy đầu tháng. Nhưng có hai bài học tổng quát về cầu nguyện. Đầu tiên là về giá trị chủ quan của cầu nguyện, tức lời cầu nguyện biến đổi người cầu nguyện, nhất là khi người ta cầu nguyện một cách khiêm tốn và với lòng thương xót. Ngay cả những người không tin cũng nhìn nhận rằng cầu nguyện có một tác động tích cực đối với người ta, một điều được nhiều nhà nghiên cứu tâm lý và y học chứng thực. Nhưng sứ điệp của Fatima còn chứa đựng một bài học về giá trị khách quan của cầu nguyện nữa, tức là lời cầu nguyện có thể thay đổi không những thế giới bên trong người cầu nguyện mà cả thế giới bên ngoài họ nữa. Và hơn bất cứ hành động kiến tạo hoà bình nào, Đức Maria đã mời gọi các trẻ chăn chiên phải cầu nguyện, những lời cầu nguyện cho người khác hóan cải, những lời cầu nguyện cho nước Nga quay lưng khỏi chủ nghĩa cộng sản vô thần Bolshevik mới chớm nở mà ngài tiên đoán sẽ gây tổn hại lớn cho thế giới, những lời cầu nguyện cho vị giám mục áo trắng bị bắn. Những lời cầu nguyện này dường như đã mang lại hiệu quả, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói ở Fatima vào năm 1982 và năm 2000, khi ngài cảm ơn Đức Mẹ và cảm ơn Jacinta về những lời cầu nguyện đã cứu mạng ngài và năm 1991 sau những biến cố quan trọng của năm 1989, lúc ngài ghi công Đức Maria qua lời cầu nguyện "đã hướng dẫn bằng tình âu yếm mẫu tử nhiều dân tộc tới tự do. Đức Maria nói rằng trong công trình hòa bình, trước việc hành động, tuy là việc không thể thiếu được, nhưng cầu nguyện và sự hy sinh phải diễn ra trước nhất”.
Và bài học thứ tư và cuối cùng là về sự cần thiết phải có sự tham gia của mọi người vào công việc kiến tạo hòa bình. Điều đáng ngạc nhiên là Đức Maria thích đến với, không phải những người đứng đầu nhà nước hoặc các nhà ngoại giao hoặc lãnh đạo tôn giáo để trực tiếp ghi danh họ vào chính nghĩa hoà bình, nhưng với ba đứa trẻ đơn sơ không được giáo dục nhiều và ủy thác cho các em một sứ điệp, các bí mật và một nhiệm vụ đặc biệt vì chính nghĩa hòa bình và thiện ích của các linh hồn và của thế giới. Các tiêu chuẩn chọn lựa của Đức Maria cho ta thấy rằng mọi người đều có một vai trò, ngay cả những người mà thế giới coi là không đáng kể, hoặc không có khả năng hoặc quá trẻ. Nếu những trẻ chăn chiên có thể được chọn lựa, và các em có thể đáp ứng hết lòng như đã làm, thì đây là một dấu hiệu cho thấy mọi người đều có thể làm được.
Và như thế, khi chúng ta kỷ niệm một trăm năm của Fatima, chúng ta nắm vững điều này: chúng ta không chỉ đơn thuần cử hành một loạt biến cố của quá khứ, nhưng tôi tin rằng, chúng ta cử hành một điều hết sức hiện thực, có tính liên quan lâu dài, đối với hiện tại và cả tương lai của chúng ta nữa. Ngày nay, sứ điệp hòa bình mà các trẻ chăn chiên nói rằng Bà từ thiên đàng mang đến, và những thực hành hoán cải, biến đổi tâm hồn, việc cầu nguyện và sự dấn thân mà Bà đã chỉ dẫn cũng vẫn quan trọng cho hòa bình trên thế giới như cách đây một thế kỷ.
Cũng như Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở Fatima đêm nay và ngày mai tìm cách hướng dẫn mọi người Công Giáo khắp thế giới cầu nguyện cho hòa bình và biết ơn di sản sống động mà vị Đại Sứ Hòa Bình đầy tình mẫu tử đã để lại, cả chúng ta nữa cũng tụ tập ở đây tại Liên Hiệp Quốc, cùng cam kết góp phần của chúng ta, như Phanxicô, Jacinta và Lucia, trong việc đáp lại lời kêu gọi cao quý và chính nghĩa khẩn trương kiến tạo hòa bình.
Nguồn: http://thanhlinh.net