Mặt trái của việc sử dụng thiết bị di động

Thiết bị di động (TBDĐ) ngày càng phổ biến, mỗi các nhân đều có thể trang bị cho mình một hoặc một vài thiết bị di động khác nhau. Không thể phủ nhận những tiện ích thiết thực của phương tiện này trong kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, người dùng cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, nếu như không có sự nhận biết đúng đắn về những nguy cơ trong việc sử dụng TBDĐ.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mạng 5G, điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo..., các khái niệm này không còn xa lạ với mỗi chúng ta trong thời đại ngày nay. Trong đó, TBDĐ là phương tiện mang nhiều tiện ích không thể thiếu của mỗi cá nhân.

Nếu những năm đầu của thể kỷ 20, TBDĐ chủ yếu đảm nhận những chức năng cơ bản của một công cụ liên lạc cơ bản, với thiết kế đơn giản, thô sơ. Hiện nay, TBDĐ đã có những bước phát triển vượt bậc, những công nghệ mới liên tục được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng vào thiết bị di động, đã đưa thiết bị di động vượt xa những giá trị ban đầu.

TBDĐ giờ đây không chỉ là một công cụ đơn thuần, đó có thể là một chiếc máy ảnh cầm tay, một thiết bị ghi âm, một công cụ thanh toán tiện dụng… Có thể nói, TBDĐ đã đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của con người và luôn sẵn sàng cho những nhu cầu tương lai của con người.

Mặt trái của việc sử  dụng thiết bị di động

Một chiếc điện thoại thông minh có thể đáp ứng được khá nhiều nhu cầu cơ bản của người dùng. Với sự trợ giúp của các công cụ, ứng dụng tương thích thì con số này có thể lên đến hàng trăm chức năng khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu, thống kê cũng cho thấy, lạm dụng điện thoại thông minh còn là nguyên nhân gây ra một số vấn đề với sức khỏe con người như:

Hội chứng thị giác máy tính (CVS: Computer Vision Syndrome): Do nhìn vào màn hình máy tính hoặc điện thoại thông minh trong thời gian dài, sai tư thế, độ sáng màn hình quá cao…

Một số triệu chứng điển hình có thể kể đến như:

Khô mắt: Bình thường chúng ta nháy mắt 16-20 lần/phút, nhưng khi nhìn vào màn hình di động hay máy tính, chúng ta chỉ nháy mắt 6-8 lần/phút.

Đau đầu: Việc nhìn liên tục gây mỏi mắt, giữ cổ ở một vị trí cố định lâu dài làm căng cơ vùng cổ gáy làm tăng nguy cơ đau đầu, đau vai gáy.

 

Mờ tầm nhìn: Đã bao lần bạn tập trung nhìn vào màn hình rồi đột ngột chuyển sang nhìn ra môi trường bên ngoài thấy mọi vật xung quanh nhòe mờ đi. Triệu chứng này chỉ là tạm thời, nhưng có thể diễn tiến thành vĩnh viễn. Khi cơ mắt bạn căng thẳng sẽ không thể tập trung giúp mắt điều tiết ở các khoảng cách khác nhau gây nên nhìn mờ.

Cận thị: Tập trung nhìn màn hình trong khoảng thời gian dài sẽ gây mỏi cơ mắt, giảm khả năng điều tiết của mắt, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mắc các tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị) nhất là ở trẻ em.

Các vấn đề cơ xương khớp: Việc sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên, cũng như chuyển động lặp đi lặp lại của các ngón tay trong một tư thế không tốt, đã được chứng minh là các yếu tố chính gây nên các triệu chứng cơ xương khớp. Các triệu chứng cơ xương khớp ban đầu xuất hiện chỉ là cảm giác mỏi, khó chịu, nếu nặng hơn có thể xuất hiện những cơn đau thoáng qua ít khi ta để ý đến, dần dần sẽ trở thành đau mạn tính, giảm chức năng vận động của gân cơ. Các vị trí tổn thương không chỉ xảy ra ở cổ gáy, mà còn ở các khu vực khác của cơ thể bao gồm vai, khuỷu tay, cánh tay, cổ tay, bàn tay, ngón tay cái.

Khoảng 91% người sử dụng di động uốn cong cổ của họ khi nhắn tin, email, soạn thảo văn bản gây áp lực lên cột sống. Các bệnh thoái hóa cột sống, viêm khớp thường gặp ở người trên 40 tuổi, nhưng hiện nay ở khoảng tầm dưới 20 tuổi đã phát hiện vì sai tư thế trong lúc sử dụng di động.

Các vấn đề về tâm thần: Nghiện điện thoại là một vấn đề nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Người nghiện điện thoại thường có các biểu hiện như liên tục mang điện thoại bên người, thường xuyên kiểm tra điện thoại sau vài phút, không thể tách rời điện thoại dù là ngày nghỉ hay cuối tuần… Nghiện điện thoại có thể là nguyên nhân tiềm ẩn của nhiều vấn đề về thể chất như thừa cân, béo phì do thiếu vận động, suy nghĩ tiêu cực, sống cách biệt với xã hội… Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, nghiện TBDĐ có liên quan đến rối loạn giấc ngủ, gây mệt mỏi ở người dùng.

Sử dụng điện thoại di động trước khi lên giường đi ngủ làm tăng khả năng mất ngủ. Ánh sáng có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ. Ánh sáng phát ra từ điện thoại di động có thể kích hoạt não bộ, suy giảm trí nhớ, giảm khả năng kết nối và tương tác trong não bộ, rối loạn giấc ngủ, đau đầu kéo dài.

TBDĐ còn ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề vệ sinh do người dùng mang thiết bị thường xuyên kể cả khi đi vệ sinh, hơn thế nữa, rất ít người vệ sinh điện thoại của mình thường xuyên và đúng cách. Một nghiên cứu cho thấy, điện thoại di động là một trong những đồ vật bẩn nhất mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày.

TBDĐ  tạo ra để phục vụ cho những mục đích khác nhau, nhằm giúp cuộc sống con người có thêm nhiều tiện ích. Mỗi người nên có ý thức sử dụng một cách hợp lý, để các tiện ích được phát huy tối đa, và các yếu tố nguy cơ cần được hạn chế đến mức tối thiểu.

 



Một trong những vấn đề thường gặp đối với người thường xuyên sử dụng các TBDĐ là hội chứng “ngón tay cò súng” (Trigger finger). Còn được gọi là bệnh viêm bao gân gấp ngón tay, do tình trạng viêm bao gân của các gân gấp ngón tay, hậu quả gây chít hẹp bao gân. Một số trường hợp xuất hiện hạt xơ trong bao gân, khiến việc di chuyển gân qua vị trí hạt xơ bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn và hạn chế, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kéo cò súng. Nếu trước đây bệnh chủ yếu xuất hiện ở những ngành nghề có yêu cầu cao về độ linh hoạt các ngón tay như thợ cắt tóc, thợ thủ công… thì ngày nay hội chứng đã xuất hiện nhiều hơn ở những người sử dụng các TBDĐ thường xuyên với cường độ và tần suất cao.

 

TUẤN DŨNG

nguồn: Suckhoedoisong.vn