Mái nhà Trợ Thế của bệnh nhân nghèo

Đúng như tên gọi “Trợ Thế”, suốt chặng đường hơn 60 năm hiện diện ở Việt Nam, những tu sĩ của dòng vẫn luôn một lòng hướng về người đau bệnh, cần sự giúp đỡ về thể xác lẫn tâm hồn.
Mái nhà Trợ Thế của bệnh nhân nghèo
Mái nhà Trợ Thế của bệnh nhân nghèo

Nhà dòng và nhà thương

Tọa lạc sau lưng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, kế cận giáo xứ Thánh Tâm (GP Xuân Lộc), dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa hiện diện trong khuôn viên tĩnh lặng và yên bình. Bất kể thời gian nào trong ngày, nơi đây cũng vang lên lời kinh của các bệnh nhận đang điều trị tại bệnh viện lui tới cầu nguyện, khấn xin. Nhà dòng vì thế trở thành mái nhà chung, là nơi gởi gắm nhiều tâm tình, tiếp thêm sức mạnh cho những con người đang ngày ngày phải vật lộn với nỗi đau đớn thể xác.

Nhà nguyện của hội dòng

Dòng chính thức hiện diện tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1952, với các tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Canada qua lời mời của Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi - Giám mục GP Bùi Chu. Sau năm 1954, dòng di chuyển vào Nam, chọn mảnh đất gần nhà thờ Thánh Tâm để lập nên tu viện và bệnh viện phục vụ cho cư dân trong vùng. Năm 1979, bệnh viện Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành của nhà dòng được chuyển giao cho Sở Y tế Đồng Nai. Tuy nhiên, những tu sĩ Gioan Thiên Chúa với linh đạo khao khát thể hiện Lòng Thương Xót của Đức Giêsu Kitô vẫn chọn phục vụ bệnh nhân nghèo. Trong giai đoạn này, một số tu sĩ tiếp tục ở lại phục vụ trong bệnh viện, còn số khác chuyển hướng sang học tập, nghiên cứu cách chữa bệnh bằng phương pháp Y học dân tộc.

Với cách chữa bệnh Đông y qua châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, đối tượng nhà dòng hướng đến là bệnh nhân mắc phải những căn bệnh mạn tính như bại liệt do tai biến, do tai nạn giao thông hay đau lưng, mỏi khớp… Để có cơ sở phục vụ, dòng mở ra nhiều phòng khám Đông y. Hiện nay, ngoài cơ sở chính nằm kế bên nhà dòng với tên gọi Phòng khám Y dược học Dân tộc Thiên An, dòng còn có thêm nhiều điểm khác trong tỉnh Đồng Nai, cùng một cơ sở ở Lâm Đồng và một tại Quảng Nam.

Những người dấn thân

Ghé qua phòng khám Thiên An khi trời đã về chiều nhưng chúng tôi vẫn gặp rất đông bệnh nhân đang điều trị. Thầy Giuse Thợ Trần Văn Thông, cố vấn tỉnh dòng, nguyên giám tỉnh cho hay, trung bình mỗi ngày phòng khám đón tiếp trên 150 bệnh nhân, đó là chưa kể con số tương đương lưu trú lại. Vì những loại bệnh mà dòng đang chữa trị cần thời gian lâu dài mới hồi phục nên để động viên tinh thần người bệnh, hằng ngày mỗi tu sĩ đến với họ bằng cả tấm lòng, ân cần chăm sóc cũng như tư vấn cách phục hồi.

Bà Nguyễn Thị Mây, sống tại miền Tây cho biết chồng bà bị liệt hai chân sau một tai nạn, gia đình đã chạy chữa nhiều nơi dẫn đến kiệt quệ mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm, nhưng khi vào đây, được sự giúp đỡ tận tình từ các tu sĩ, hai vợ chồng đã có thêm nguồn động lực to lớn… Không chỉ người già, nhiều người còn trẻ cũng tìm đến điều trị. Ông Nguyễn Huy Thông, mới qua tuổi 40 đã không may bị tai biến dẫn đến liệt nửa người, cho hay: “Ngày mới đến thì bản thân bất toại vẫn phải nằm một chỗ nhưng qua hơn một tháng chữa trị, chân tôi đã có thể nhấc lên đi lại, bệnh giảm rất nhiều”.

Để giúp bệnh nhân ở xa không phải lo lắng chuyện ăn ở, nhà dòng

Bốc thuốc cho người bệnh

dựng dãy nhà nội trú với mức giá khá tượng trưng, chỉ trên 200.000đ/người mỗi tháng. Hiện khu nội trú đang xây lại (bệnh nhân được chuyển về ở một nơi gần đó), nhằm thay thế cho dãy nhà lụp xụp, xuống cấp lại không bảo đảm an toàn vì đã được xây dựng cách đây 60 năm. Theo thiết kế của nhà dòng, khi hoàn thành, nhà nội trú sẽ có khoảng 200 giường, kèm một khu vực dành riêng cho tu sĩ các nơi đến điều trị. Tuy nhiên, để hoàn tất công trình lớn và cấp bách này cần một khoản chi phí rất lớn, nên dù các thầy không nhắc đến, chúng tôi biết rằng nhà dòng đang rất cần sự quảng đại, cùng sự chung tay góp sức của nhiều người.

Ngoài việc khám chữa bệnh, mỗi ngày phòng khám còn cung cấp những suất ăn cho bệnh nhân và người nhà với mức giá chỉ 5.000đ/suất. Có lẽ thấy được ý nghĩa to lớn từ hoạt động này, nhiều bàn tay nhân ái đã chung tay góp sức. Hằng ngày, thường xuyên có người ghé qua gởi cho các thầy vài ký gạo, ký thịt hay rau củ để tăng cường bữa ăn cho người đang điều trị bệnh. Nhờ đó, suốt 12 năm qua, nhà bếp vẫn đều đặn đỏ lửa.

Ân cần chăm sóc từng người bệnh

Ngày nay, giáo dân ở nhiều nơi cũng đang sống theo linh đạo của dòng. Đây thường là những nhóm chăm sóc bệnh nhân tại gia muốn cộng tác vào sứ mạng của dòng để phục vụ người bệnh theo tinh thần của Đức Kitô. Do vậy, ngoài công việc nơi phòng khám, nhà dòng còn cắt cử các tu sĩ đến trang bị kiến thức cần thiết cho các tình nguyện viên về chuyên môn tại nhiều giáo hạt, giáo phận, giúp mỗi người biết cách chăm sóc bệnh nhân, lo phần hồn khi người bệnh qua đời.

Hiến pháp của dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa quy định các thành viên đa phần là tu huynh, chỉ trừ những trường hợp cần thiết mới có tu sĩ chịu chức linh mục để lo mục vụ cho cộng đoàn và bệnh nhân. Linh đạo của dòng đã thu hút nhiều người xin gia nhập hội dòng, bởi với họ, mỗi bệnh nhân chính là hình ảnh của Đức Kitô. 

PHÚ THỊNH

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc