Một thần học lành mạnh về Thiên Chúa phải bảo đảm được cho mọi biện giáo thực hành mục vụ của chúng ta. Bất kỳ điều gì chúng ta làm nhân danh Chúa thì phải phản ánh Thiên Chúa.
Mới đây, một sinh viên tôi từng dạy cách đây vài chục năm, đã nói với tôi thế này: “Thời con học với cha đã cách đây hai mươi năm, và con đã quên hầu hết mọi điều cha từng dạy. Nhưng con nhớ một điều là ta phải luôn cố gắng đừng làm cho Thiên Chúa có vẻ ngu ngốc.”
Tôi mong là điều này đúng. Tôi mong là người ta rút ra được điều gì đó từ những bài giảng và bài viết của tôi vì tôi tin rằng nhiệm vụ đầu tiên của bất kỳ khoa biện giáo Kitô giáo nào là đừng để Thiên Chúa bị nhập nhằng với những thứ ngu ngốc, độc đoán, hẹp hòi, vị luật, khắc nghiệt, phe phái, và bất kỳ thứ gì xấu xa mà lại bị gán cho Thiên Chúa. Một thần học lành mạnh về Thiên Chúa phải bảo đảm được cho mọi biện giáo thực hành mục vụ của chúng ta. Bất kỳ điều gì chúng ta làm nhân danh Chúa thì phải phản ánh Thiên Chúa.
Không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa bài giáo quyền, và nhiều công kích đủ mức độ nhắm vào Giáo hội và tôn giáo ngày nay lại luôn có thể chỉ ra những điểm thần học và mục vụ tồi tệ, những thứ dựng nên sự hoài nghi và cơn giận của họ. Chủ nghĩa vô thần luôn là một thứ ký sinh trên một tôn giáo xấu. Khuynh hướng tiêu cực đối với các Giáo hội là chuyện quá thường thấy ngày nay. Một thái độ bài Giáo hội là thứ được nuôi dưỡng nhờ một tôn giáo xấu, và chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa và Giáo hội, phải xem lại mình hơn là biện hộ cho mình.
Hơn nữa, một điều còn quan trọng hơn cả những chỉ trích của người vô thần nhắm vào Giáo hội, chính là biết bao nhiêu người đã bị tổn thương vì Giáo hội của chúng ta. Ngày nay rất nhiều người không còn đến nhà thờ, là những người có mối quan hệ căng thẳng với Giáo hội của mình, bởi những gì họ thấy trong Giáo hội đó không nói lên những gì tốt đẹp về Thiên Chúa.
Tôi nói lên điều này với lòng đồng cảm. Thật không dễ để nói thỏa đáng với Thiên Chúa, chứ chưa nói đến là nói cho thật tốt. Nhưng chúng ta phải cố gắng, và mọi bí tích cũng như mục vụ của ta phải phản ánh một thần học lành mạnh về Thiên Chúa, phản ánh Thiên Chúa hiện thân và được mặc khải trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã mặc khải điều gì về Thiên Chúa?
Trước hết, Thiên Chúa không thiên vị và tuyệt đối công bằng với mọi chủng tộc, với người giàu cũng như người nghèo, nô lệ cũng như tự do, nam cũng như nữ. Không một người nào, chủng tộc hay quốc gia nào được Thiên Chúa ưu ái hơn. Không một ai là ưu tiên hàng đầu. Tất cả đều được hưởng đặc ân của Thiên Chúa.
Thứ nữa, Chúa Giêsu đã dạy rằng Thiên Chúa đặc biệt cảm thương và thông hiểu với những người yếu đuối và người có tội. Chúa Giêsu đã làm chướng mắt các chức sắc tôn giáo thời đó, khi ngồi đồng bàn với những người có tội công khai lúc chưa mở lời bảo họ hối lỗi. Ngài chào đón tất cả mọi người bất kể hoàn cảnh của họ thế nào, đến mức thường vi phạm tục lệ tôn giáo thời đó, và có lúc Ngài đi ngược lại cảm thức tôn giáo của thời đó, như chúng ta đã thấy trong chuyện Ngài gặp người phụ nữ thành Samari hay chuyện Ngài chữa lành cho con gái một bà người dân ngoại. Hơn nữa, Ngài yêu cầu chúng ta cũng phải cảm thông như thế, và Ngài nói rõ rằng Thiên Chúa yêu thương tội nhân và các thánh như nhau. Thiên Chúa không thiên vị người nhân đức.
Và còn sốc hơn nữa, là Chúa Giêsu chưa từng biện hộ khi bị công kích. Ngài còn quở trách những người, dù chân thành đến đâu, cố ngăn người ta đến với Ngài. Ngài chấp nhận chịu chết hơn là biện hộ cho mình. Ngài chưa từng lấy oán báo oán, và Ngài chết mà lòng tha thứ và yêu thương những kẻ giết mình.
Chúa Giêsu cũng nói rõ rằng những ai nói “Lạy Chúa, lạy Chúa” chưa hẳn đã là môn đệ thật, mà là những người thực thi ý Chúa trên đời, bất chấp đức tin và việc hành đạo của họ thế nào.
Cuối cùng và là điểm trọng tâm, Chúa Giêsu đã nói rõ rằng, trên hết, Tin mừng là dành cho người nghèo, và mọi lời giảng dạy nhân danh Ngài mà không phải dành cho người nghèo thì không phải là Tin mừng.
Chúng ta cần ghi khắc những điều này khi nhận định sự xác đáng và tầm quan trọng của những cuộc tranh luận đang diễn ra trong giáo hội chúng ta về việc ai hay điều gì làm nên tinh thần môn đệ và bí tích thật. Điều quan trọng là phải hỏi xem điều gì làm nên bí tích thật, và điều kiện nào cần có có thừa tác viên bí tích có hiệu lực. Cũng quan trọng nữa, là chúng ta cần chất vấn xem ai được đón nhận Mình Thánh Chúa, cũng như xác định những điều kiện nhất định cần làm để chuẩn bị rửa tội, rước lễ và hôn phối.
Các chất vấn mục vụ nổi lên quanh và trong những vấn đề này, và không phải lúc nào cách xử lý chúng sao cho nhanh chóng và đơn giản hóa nhất lại phản ánh được ý định cứu chuộc toàn thể cũng như sự thông hiểu và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa. Phải thừa nhận, đôi khi lợi ích lâu dài khi sống theo một chân lý khó khăn có thể áp đảo nhu cầu ngắn hạn cần gạt đi nỗi đau và cơn đau đầu thoáng qua của ta. Nhưng ngay cả như thế, phải luôn phản ánh trong mọi quyết định mục vụ của chúng ta một thần học về Thiên Chúa phản ánh được tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu không, chúng ta sẽ làm cho Thiên Chúa có vẻ ngu ngốc, độc đoán, bè phái, nhẫn tâm, và mâu thuẫn trong việc hành đạo.
Marilynne Robinson nói rằng Kitô giáo là một câu chuyện quá vĩ đại nên không thể lấy một câu chuyện ngắn gọn hơn để biện hộ cho nó, cũng như không được biến nó thành những thứ hẹp hòi, vị luật, và thiếu tình thương.
J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn: https://phanxico.vn