Lòng thương xót: hành trình hòa giải với Thiên Chúa, với chính mình...

Lòng thương xót: hành trình hòa giải với Thiên Chúa, với chính mình và với tha nhân theo thánh Faustina

Thánh Margaret Mary Alacoque | Lawrence OP

Bài viết do Trịnh Minh, O.P. chuyển ngữ từ bản tiếng Ý La misericordia: cammino di riconciliazione con Dio, con noi stessi e con gli altri in Santa Faustina Kowalska của Rocío Figueroa Alvear.


I. Lời giới thiệu

Tại sao lòng thương xót lại được xem là tâm điểm trong mối ưu tư và linh đạo của thánh Faustina. Và tại sao Giáo hội, từ hậu bán thế kỷ XX cho đến ngày nay, luôn ra sức cổ võ việc tôn sùng lòng thương xót của Thiên Chúa? Lời nói sau đây của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày tuyên thánh cho nữ tu Faustina đã trả lời cho những câu hỏi này:

Cuộc sống của người phụ nữ Ba Lan khiêm tốn này đã hoàn toàn tháp nhập vào vận mệnh của thế kỷ XX, một thế kỷ vừa trôi qua. Thật vậy, từ giữa thế chiến thứ I và thế chiến thứ II, Chúa Kitô bày tỏ sứ điệp về lòng thương xót của Ngài. Trong quãng thời gian đó, những người đã ghi nhớ, đã chứng kiến và tham gia vào các sự kiện gây tang tóc cho hàng triệu người, mới nhận thấy rằng sứ điệp về lòng thương xót là cần thiết như thế nào. Chúa Giêsu phán với thánh Faustina: “Nhân loại sẽ không tìm thấy sự bình an cho đến khi con người biết đặt niềm tin vào lòng thương xót của Ta” (Nhật Ký, trang 132). Nhờ hoạt động của Giáo hội Ba Lan, sứ điệp ấy đã được trân quý trong suốt thế kỷ thứ XX, những năm cuối của thiên niên kỷ thứ hai và trở nên cầu nối bước vào thiên niên kỷ thứ ba”[1]

Trước bóng đêm của thế kỷ XX, Thiên Chúa đã mạc khải lòng thương xót của Ngài cho thánh nữ Faustina. Sứ điệp lòng thương xót không phải là mới, nhưng ngày nay có thể trở nên một dấu hiệu của niềm hy vọng trong một thế giới ngày càng khó khăn và mất phương hướng.

Trong Kinh Thánh và sau này trong linh đạo Kitô giáo, lòng thương xót được định nghĩa: đó là tình yêu của Thiên Chúa trước cuộc sống tội lỗi và đau khổ của con người. Đức Giáo Hoàng Piô XII nhận định: Tội lớn nhất của thời đại ngày nay là đánh mất cảm thức về tội lỗi. Ngài cho thấy rằng tình trạng này làm cho lòng thương xót không còn đóng một vai trò chính yếu trong thao thức và trong tâm hồn con người. Nếu Thiên Chúa qua thánh Faustina nhận thấy cần phải đào sâu lòng Thương xót, thì hiển nhiên Ngài sẽ nhận ra điều gì còn thiếu xót trong phương thức tiếp cận thực tại tội lỗi của con người. Tôi cho rằng, đối mặt với vấn đề tội lỗi ngày nay, người ta không đáp trả bằng lòng xót, nhưng với ba thái độ rất phổ biến sau đây:

a. Sự dửng dưng

Việc đánh mất cảm thức về tội làm cho con người mất định hướng và từ đó không còn khả năng biện phân tốt/xấu. Người ta phủ nhận khả thể đạt tới chân lý. Điều này dẫn đến tính tương đối về luân lý và gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Bất khả tri chức năng thuyết nảy sinh giữa lòng xã hội, hình thành thái độ sống dửng dưng với Thiên Chúa. “Người theo chủ thuyết này cố gắng để tìm một lập trường trung dung, nhưng trong thực tế, điều này là không thể. Dưới lớp vỏ bọc của một khái niệm khoa học nào đó đang thịnh hành, người ta đặt thực tại của Thiên Chúa trong ngoặc kép, hoặc hồ nghi về khả năng con người có thể nhận biết sự hiện hữu của Người. Ngày hôm nay, chức năng tính của thuyết bất khả tri, nói cách khác là sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, đang bao trùm nền văn hóa và tạo ra một biểu hiện rất đặc trưng của “văn hóa sự chết”[2].

Những kinh nghiệm về sự dữ, đau khổ và tội lỗi trong thế giới khiến nhiều người nổi loạn và hoài nghi về Thiên Chúa, như thể Thiên Chúa là tác giả đem đến đau khổ cho con người.

Nhiều lần chúng ta nhận thấy Thiên Chúa là một người cha đầy lòng thương xót, nhưng đôi khi, Thiên Chúa như thể Đấng đã dựng nên và sau đó bỏ mặc các thụ tạo của Người mà chẳng hề chăm lo săn sóc.

b. Tính bi quan và thiếu tin tưởng vào ơn Chúa tha thứ

Xảy ra là một số Kitô hữu dù tin vào Thiên Chúa, nhưng vẫn thiếu xác tín hay bi quan trong tâm hồn. Họ chưa tin Thiên Chúa có thể hoán cải và biến đổi cuộc sống của họ[3]. Các Kitô hữu này cho rằng tội lỗi của họ lớn hơn ân sủng của Thiên Chúa. Trong một số trường hợp, nhiều Kitô hữu cảm thấy bất an vì sợ rằng Thiên Chúa sẽ không tha thứ tội lỗi cho họ. Đối với những người này, lòng thương xót là một điều gì đó không thể hiểu được.

c. Khủng hoảng tình phụ tử

Chúng ta cũng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tình phụ tử. Thật không dễ hiểu rằng Thiên Chúa là một người cha đầy lòng xót thương, có thể giải thoát tôi khỏi sự dữ. Freud là một trong những “bậc thầy hoài nghi”, và là đại diện cho trào lưu tư tưởng thế kỷ XX. Ông có tầm ảnh hưởng rất lớn trong xã hội và tuyên bố rằng: Kitô giáo là một triệu chứng rối loạn về mặt tâm lý. Nhà phân tâm học nổi tiếng này tranh luận về mối tương quan phụ tử giữa Chúa Cha và con người vốn đã có trước khi Nguyên tổ phạm tội[4]. Freud hoài nghi về mạc khải: Thiên Chúa là Cha mà lại để cho nhân loại mồ côi phải chịu nền tảng hiện hữu và bản thể của Người. Martinelli nói: “Ngày nay, xã hội đang phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hiện trạng thiếu vắng tình phụ tử. Chúng ta đang liều lĩnh sống trong một nền văn hóa và một “xã hội không có cha” và không có cảm thức về tình phụ tử”[5].

Khi khước từ tình phụ tử, chúng ta làm gia tăng khủng hoảng về căn tính gia đình và các mối tương quan nền tảng. Theo cách thức đó, người ta nhận thấy ngày càng khó khăn hơn khi cảm nghiệm sâu sắc về tính an toàn, lòng can đảm và bình an của tình phụ tử: “Tình trạng thiếu vắng cha mẹ trong gia đình khiến cho thanh thiếu niên cảm thấy bất an trước thực tại và sợ hãi trong trách nhiệm cũng như trong cách ứng xử thường ngày”[6]. Đôi khi, các bậc làm cha chưa hiện diện đủ trong cuộc sống của con cái, và cũng không ít lần cha mẹ chưa biết sống đúng với trách nhiệm và bổn phận. Điều này không quá cần thiết, nhưng nó làm thăng tiến căn tính của con cái.

Tuy nhiên, không ít người ngày nay muốn giải thoát mình khỏi những giá trị nền tảng và căn cốt của đời sống gia đình, đó là hôn nhân. Tỷ lệ sinh sản đang giảm sút, xét ở Italia, trung bình từ 1.23 trẻ trên một bà mẹ. Sau này, tỷ lệ đó còn thấp hơn nữa trong thế giới phương Tây. Dấu hiệu này cho thấy một xã hội đang dần đánh mất niềm hy vọng vào tương lai, sống cá nhân và vị kỷ.

Sau cuộc khủng hoảng về gia đình, nhiều người đã không còn khả năng nhận ra tình yêu phụ tử của Thiên Chúa ngang qua tình yêu của cha mẹ. Liên hệ với thực tế, chúng ta thấy rằng nếu sống trong một nền văn hóa dửng dưng với Thiên Chúa, thì những người cao niên, sẽ cảm thấy mồ côi, cô đơn và bị bỏ rơi trong chính số phận của mình. Cả nhân loại sẽ mồ côi và cần đến một người Cha.

Khám phá đề tài lòng thương xót thực sự là một thách đố đối với não trạng hiện đại. Đây cũng chính là thử thách mà thánh nữ Faustina khởi xướng nhờ sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Ngài thâm tín rằng: “Thiên Chúa là người Cha vĩ đại nhất”[7]. Dường như nhiệm vụ của thánh nữ Faustina là giúp cho nhân loại nhận ra Thiên Chúa thực sự là Cha của chúng ta, một người Cha vĩ đại nhất.

II. Lòng thương xót trong mối ưu tư của thánh Faustina

Trước hết, chúng ta phải nói rằng thánh Faustina có đời sống đức tin sâu sắc nhờ luôn kết hợp mật thiết với Chúa Kitô. Ngài không khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa bằng trí tuệ, nhưng chỉ muốn hiện thực hóa khát vọng này bằng cách sống mãnh liệt, giãi bày với cha linh hướng, ghi chép lại tất cả những gì ngài đã cảm nghiệm trong tương quan với Thiên Chúa, như được Chúa Thánh Thần gợi hứng trong sâu thẳm tâm hồn. Thánh Faustina, người phụ nữ khiêm hạ và ít học, lại có thể am tường mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa sâu sắc đến như thế. Nơi thánh nhân, lời Chúa Kitô đã được thành toàn khi Người hứa sẽ mạc khải cho những tâm hồn đơn sơ và trong trắng[8].

Đầu tiên, cần phải hiểu sự khác biệt giữa tình yêu và lòng thương xót. Theo thánh Faustina, “lòng thương xót là hoa trái của tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, Lòng thương xót là hành động của ngài, trong tình yêu có sự khởi đầu của lòng thương xót, và trong lòng thương xót có sự biểu lộ của tình yêu”[9]. Thật vậy trong dòng lịch sử, mỗi khi tội lỗi xuất hiện, thì tình yêu mà Chúa Cha hướng đến con người chính là lòng thương xót. Ta có thể định nghĩa lòng thương xót là tình yêu hướng đến các tội nhân, những người đau khổ, yếu đuối và nghèo túng. Tình yêu đồng nghĩa với lòng thương xót, nhưng lòng thương xót là một dạng thức đặc biệt của tình yêu. “Theo thánh Tôma Aquinô, đức ái là nhân đức có khuynh hướng thực hiện điều thiện sớm nhất có thể, và lòng thương xót là một nhân đức cố gắng loại bỏ sự dữ gây đau khổ cho con người. Do đó, đức ái được phân biệt với lòng thương xót dựa vào phạm vi mà nó hướng đến. Đức ái có xu hướng làm gia tăng sự thiện, ngược lại lòng hướng xót có khuynh hướng né tránh sự dữ. (ST, II-II, q. 31, a. 1)”[10].

Thánh Faustina định nghĩa lòng thương xót như sau: “Tôi nhận ra tình yêu và lòng thương xót là phẩm tính lớn nhất. Nó nối kết các loài thụ tạo với Đấng Tạo Sinh. Tình yêu lớn nhất là vực thẳm của lòng thương xót mà tôi nhận ra trong Mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời và trong Ơn Cứu Độ Người thực hiện. Từ đó, tôi hiểu rằng đây là thuộc tính vĩ đại nhất của Thiên Chúa”[11]. Trong lời phát biểu đơn giản này, thánh Faustina đã tóm kết nội dung quan trọng nhất của lòng thương xót. Chúng ta định nghĩa Ba Ngôi Thiên Chúa như là sự hiệp thông tình yêu: Chúa Cha trao hiến chính mình cho Chúa Con và Chúa Con trao hiến chính mình cho Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Thánh Faustina đã thâm tín rằng lòng thương xót cao quý nhất hệ tại nơi biến cố Nhập Thể của Ngôi Lời và trong Ơn cứu độ. Đó chính là chân lý nền tảng trong đức tin của chúng ta: “Thiên Chúa là tình yêu[12] và chúng ta phải khám phá Chúa Cha và tình yêu của Người qua khuôn mặt thương xót của Chúa Kitô[13]. Thiên Chúa đã mạc khải Người là Đấng giàu lòng thương xót qua Người Con Nhập Thể. Qua thánh nữ Faustina, Lòng thương xót được nhân cách hóa nơi Đức Giêsu và Lòng thương xót chính là Đức Giêsu Kitô: “Lòng thương xót của Thiên Chúa đến trong thế gian qua Ngôi Lời Nhập Thể”[14].

Ơn hòa giải và lòng thương xót của Chúa Giêsu còn vượt xa hồng ân của cuộc sáng tạo thứ nhất. Thánh Faustina nhận thấy rằng Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời làm sung mãn mạc khải tình yêu của Thiên Chúa. Biến cố này còn vượt xa tình yêu được biểu lộ khi tạo dựng con người. Chính vì thế, thánh nữ có niềm sùng kính đặc biệt đối với Hài Nhi Giêsu. Nhiều lần, chị thánh được chiêm ngắm Giêsu Hài Nhi trong thời khắc Truyền phép. Đối với chị, Mầu nhiệm Nhập thể và Giáng sinh của Chúa Kitô là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa.

Lời nói sau đây của thánh nữ Faustina giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa đích thực trong ơn hòa giải mà Chúa Kitô đã đem đến sau khi Nguyên tổ phạm tội: “Lòng thương xót liên kết thụ tạo với Đấng Tạo Sinh” Với lời nói này, thánh nữ muốn cho thấy sau tội nguyên tổ, Chúa Giêsu đã đến, để một lần nữa, nhân loại có thể thông phần vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu đến, không phải để mạc khải chân lý trong một mô thức lý thuyết, nhưng Người đến để mạc khải Chúa Cha, ngõ hầu chúng ta có thể sống tương quan thân tình như một sự thông phần đích thực vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Và lòng thương xót của Chúa Kitô đã trở nên hữu ích như chiếc cầu nối kết thụ tạo đối với Đấng Tạo Hóa.

Để hiểu rõ hơn về mối ưu tư của thánh Faustina, tôi muốn tập trung vào ý nghĩa lòng thương xót. Trong Cựu Ước, từ lòng thương xót được hợp lưu từ hai dòng tư tưởng: sự trung tín và lòng trắc ẩn. Thuật ngữ đầu tiên hesed[15] được dịch ra trong tiếng Hi lạp là eleos. Từ này đề cập đến một tình yêu có ý thức, phát xuất từ chính nội tâm như một lời đáp trả trước sự trung tín của chính mình. Vì thế, lòng thương xót được hiểu là hành động bên ngoài xuất phát từ một tình yêu nảy sinh trong tâm hồn con người. Hesed thể hiện lòng trắc ẩn bao hàm cả sự trung tín. Nội dung của hạn từ này không chỉ là sự thiện hay ước muốn tốt lành hướng về những người đã và đang chịu đau khổ, mà còn là lòng tốt kết hợp với ước muốn giúp đỡ: “Hesed trước hết không phải là một mô tuýp cảm thức, nhưng hành động (nói đến việc giúp đỡ) sao cho phù hợp với sự trung tín và trung tín là thái độ tương ứng cho mối tương quan này”[16]. Vì thế, thật không lạ lẫm khi chúng ta nối kết hạn từ hesed với emeth[17] (Sal. 25,10; 26,3). Hạn từ nói đến sự trung tín sắt son của Thiên dù con người bất trung và phản trắc. Cùng với phẩm tính này của sự trung tín, lòng thương xót được thể hiện là tình yêu mãnh liệt nhất đối với tội lỗi và sự thất trung[18].

Hạn từ thứ hai được dùng để định nghĩa lòng thương xót là rahamim. Rahamim nghĩa cung lòng người mẹ và thể hiện tình mẫu tử. Đây là chiều kích cảm xúc của tình yêu: lòng thương cảm, một thứ tình yêu tự do vốn không phải là hoa trái của công phúc. Lòng thương xót của Thiên Chúa là tình yêu dịu dàng, kiên nhẫn, trắc ẩn, đi bước trước để gặp gỡ con người đau khổ nơi thân xác và tâm hồn, đặc biệt được biểu lộ là tình yêu tha thứ tội lỗi con người.

Trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta vừa nhận ra lòng trung tín đối với nhân loại, vừa cảm nghiệm tình yêu dịu dàng và trắc ẩn nơi Người. Tuy nhiên, lòng thương xót ấy vượt lên trên và hoàn trọn lòng thương xót trong Cựu Ước: Đức Kitô cùng với quyền năng trên sự chết và phục sinh không chỉ trung tín và đầy lòng trắc ẩn, mà còn có thể kéo quyền năng cứu độ và sự thiện ra khỏi sự dữ vì linh hồn con người. Lòng thương xót không chỉ là lòng trắc ẩn, nhưng là một khí cụ Thiên Chúa dùng để biến đổi và làm cho chúng ta trở nên những con người mới. Tình yêu của Chúa Giêsu Kitô không phải là tình yêu trừu tượng nhưng là tình yêu hạ mình trước thực tại con người cùng với một sự dấn thân thật sự và một tình yêu ngôi vị. Tình yêu ấy có thể đụng chạm đến tâm hồn con người và tình trạng tội lỗi của họ.

Trong mạc khải của Chúa Giêsu cho thánh Faustina, chúng ta có thể nhận ra hai khía cạnh của lòng thương xót: một mặt, sự trung tín của Chúa Giêsu không chùn bước trước cảnh tội lỗi của con người: Chúa Giêsu phán với thánh nữ: “Tội lỗi làm cho tâm hồn trở nên tối tăm như đêm đen. Nhưng một khi tội nhân biết hướng về lòng thương xót của ta, thì người ấy hoàn lại cho ta vinh quang vĩ đại nhất và niềm kiêu hãnh trong Cuộc khổ nạn của Ta”[19]. Lòng trung tín của Chúa Giêsu là sự bảo chứng Người sẽ đồng hành với chúng ta trong giờ lâm chung: Chúa Giêsu bày tỏ với thánh Faustina: “Chính ta sẽ bảo vệ người ấy trong giờ chết”[20]. Thứ đến, Lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với thánh Faustina đã cho thấy sự âu yếm và trìu mến trước tình cảnh đau khổ của ngài: “Hỡi con của Ta, mọi sự rồi sẽ qua đi, vì con đã lắng nghe Trái Tim mà con yêu mến, Trái tim của Người Bạn hoàn hảo nhất của con”[21].

Chúng ta hãy nối kết quyền năng xót thương của Chúa Kitô với sự trung tín và lòng trắc ẩn. Người có khả năng biến đổi tâm hồn chai đá của tội nhân: “Những tội nhân dù tội lỗi thế nào cũng có thể trở thành những vị đại thánh, miễn là người ấy tín thác vào lòng thương xót của Ta”[22].

Tình yêu của Chúa Cha, được Chúa Con mạc khải trong mỗi tâm hồn con người, có đặc tính là một tình yêu tự hạ trước nỗi đau khổ và hướng đến tội lỗi với tất cả quyền năng cứu độ: trong sự thành toàn cánh chung, lòng thương xót được mạc khải như tình yêu trong giây phút hiện tại, trong lịch sử nhân loại, đó là toàn bộ lịch sử của tội lỗi và sự chết. Tình yêu này phải được mạc khải trước hết như là lòng thương xót và cũng được thực hiện theo cách thức đó[23].

Lòng thương xót, hành trình hòa giải với Thiên Chúa

Đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa là hành trình hòa giải với Người. Lòng thương xót của Thiên Chúa là một tình yêu hòa giải, một tình yêu tha thứ và biến đổi. Chúng ta nhận thấy mối dây liên kết chặt chẽ giữa lòng thương xót và ơn hòa giải, bởi vì nội dung của lòng thương xót là hòa giải và tha thứ tội lỗi: “Mọi đau khổ chìm ngập trong lòng thương xót của Ta và từ nguồn suối này trào dâng mọi ân sủng cứu độ và thánh hóa”[24]. Thánh Faustina nhiều lần nhắc nhớ chúng ta rằng Chúa Giêsu luôn sẵn lòng tha thứ: “Hãy cầu nguyện cho những linh hồn này, vì họ sợ lại gần ngai tòa thương xót của Ta. Đừng bao giờ ngưng cầu xin cho các tội nhân”[25].

Trong những mạc khải Chúa Kitô cho thánh Faustina, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu đặc biệt lưu tâm đến nỗi sợ hãi và thiếu tin tưởng của con người trong cuộc chiến tâm linh của họ. Tội lỗi phát sinh do sự mất tin tưởng vào thánh ý Thiên Chúa. Đối với nhân loại ngày nay, Thiên Chúa xuất hiện như một vị Thiên Chúa thích áp đặt, chẳng đoái hoài đến niềm hạnh phúc của nhân loại. Người giống một vị Chúa bàng quan và xấu xa, không quan tâm đến các thụ tạo. Tội lỗi cốt ở sự ngờ vực trước tình yêu của Thiên Chúa và không xem Ngài như là người Cha nhân hậu. Vì thế, người ta nhìn Thiên Chúa bằng đôi mắt hoài nghi. Một số khác nghĩ rằng hành trình nhân thế và nỗi lo lắng lớn hơn kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Sứ điệp được Chúa Giêsu ban cho chúng ta qua thánh Faustina là chính là hành trình hòa giải với Thiên Chúa. Đây là một nỗ lực nhằm chữa lành vết thương tội lỗi vốn ngăn chặt mối tương quan giữa đức tin và sự trông cậy của con cái. Chúng ta nhớ lại biến cố cảm động khi Chúa ủy nhiệm cho thánh Faustina vẽ lại bức tranh với dòng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

Tại sao lại có dòng chữ này? Tội lỗi không đơn thuần là hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng theo Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tội lỗi được định nghĩa là “một hành động tự sát”[26]. Thật vậy, tội lỗi là một hành động tự sát vì con người đã phá vỡ nguồn suối sự sống của chính mình. Khi ấy, chúng ta không sống theo tư cách là những người con thảo hiếu nữa, nhưng sống như nô lệ. Tội nhân không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa, mà khi ấy họ tự thoát ly khỏi gia đình của Cha để sống như người con hoang đàng. Tội nhân tự bội nhọ phẩm giá và không sống xứng hợp là con cái, nhưng là nô lệ. Như thế, tình trạng nộ lệ là hoa trái của tội lỗi. Nó không cho phép tội nhân sống trung tín và tự do của người con Thiên Chúa. Ngược lại, những người cảm thấy mình là con thì tin tưởng, an nhiên và tự do khi tương quan với Cha. Do đó, tội lỗi chính là sự xa cách, ngờ vực và thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao sứ điệp về lòng thương xót của thánh Faustina lại tập trung vào niềm tin tưởng của con cái. Nhận thấy mình tội lỗi và đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa nghĩa là cảm thấy mình được hoàn lại địa vị làm con. Và trong sự tự do trở về, chúng ta thấy mình là một người con đích trước tình yêu và lòng nhân hậu của Cha. Thánh Faustina đã đã nhận ra Chúa Kitô nói với ngài: “Tội nhân không được sợ đến với Ta, sự thiếu tin tưởng của các linh hồn thiêu đốt lòng Ta. Đôi khi những linh hồn Ta tuyển chọn lại bất trung và gây cho ta nhiều đau đớn. Ngay cả những linh hồn Ta rất mực yêu mến, lại không tín thác vào Ta”[27]. Nhiều lần, Chúa Giêsu đã mạc khải cho thánh nữ Faustina nhận ra tầm quan trọng của lòng tin tưởng đối với Thiên Chúa là Cha. Sự trung tín vào Thiên Chúa được miêu tả bằng thái độ của một người sống Đức Cậy và Đức Tin. Trong thuật ngữ Hipri, từ trung tín là Batah có nghĩa là chắc chắn hoặc an toàn. Nơi thánh Faustina, Lòng trung tín được liên kết nhờ Đức tin vào Chúa Kitô và Đức Cậy nhờ lời của Người.

Chúa Kitô đã phải chịu nhiều đau khổ vì chúng ta chưa tin tưởng, thiếu sẵn sàng và tự do trong tương quan với Chúa Cha. Những lời nói về thánh nữ Faustina như thanh âm vang vọng trong dụ ngôn người con hoang đàng: “Trước sự bất trung và thiếu tin tưởng của tội nhân, Thiên Chúa đã biểu lộ như một vị Thiên Chúa chạy đến gặp gỡ con người. Và chính Người đã đi bước trước trong nỗ lực hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Đồng cảm với dụ ngôn, thánh nữ Faustina nhận thấy rằng Đấng Cứu Thế đầy lòng thương xót đã rong ruổi trên các con đường dương thế và trong lịch sử để tìm kiếm những tâm hồn sẵn sàng đón nhận Ơn tha thứ. Đức Kitô không dễ dàng bỏ cuộc nhưng dõi theo tội nhân trên mọi nẻo đường đời[28].

Trong tương quan với con người, Thiên Chúa luôn là Đấng khởi xướng lòng thương xót. Chính Thiên Chúa đi bước trước để con người được hòa giải với Người. Đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa là trở nên hành trình hòa giải với Chúa Cha. Bởi vì hòa giải là bước đầu tiên để hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Thánh Faustina đã cảm nghiệm mối dây hiệp nhất với Chúa Kitô. Nhờ đó, ngài có thể đón nhận lòng thương xót và ơn tha tội của Chúa Cha trong chính cuộc sống của mình.

Ơn hòa giải cho phép chúng ta sống thực tại mà Giáo hội gọi là nhà của Ba Ngôi Thiên Chúa vốn chỉ dành cho những người công chính. Thánh nữ đã chỉ cho chúng ta con đường về nhà Cha là sống tình bằng hữu sâu sắc với Thiên Chúa, vì lẽ Ba Ngôi ngự trong tâm hồn mỗi người là đền thờ của chính Ngài. Thánh Faustina nhận định: “Thiên Chúa hiện diện sống động và khả giác trong tâm hồn tôi. Trái tim tôi là nhà tạm lưu động, nơi đó gìn giữ Lễ Vật hằng sống. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy Thiên Chúa trong một khoảng không gian nào đó, nhưng trong thâm tâm tôi, trong sâu thẳm cõi lòng, tôi được sống mật thiết với Thiên Chúa của tôi”[29].

Hiệp thông với Thiên Chúa là sống tương quan mật thiết với Ngài mà tất cả Kitô hữu đều được mời gọi hướng đến. Đây là mối tương quan bình đẳng, khi ấy Thiên Chúa trở nên người bạn thực sự, một vị khách quý của chúng ta[30]. Thánh Tôma tuyên bố: “Đức Mến là một thứ tình bằng hữu. Nó cho thấy sự hiệp nhất vì tình yêu có sức mạnh hiệp nhất”[31]. Theo thánh Tôma, tình mến hàm chứa một sự hiệp thông nội tại nào đó, một mối tương quan mật thiết và tự nhiên. Người Kitô hữu được mời gọi sống mầu nhiệm hiệp thông sâu xa này cùng với Ba Ngôi Thiên Chúa. Thế nên, người sống trong ân sủng thì được ân sủng cư ngụ trong nhà Cha. Thông thường, các vị thánh sự hiện này rất rõ trong tâm hồn các ngài. Thánh Faustina cho biết: “Tâm hồn tôi là ngôi nhà vững chắc của Chúa Giêsu”[32].

Đây là niềm vui và sự hạnh phúc của thánh Faustina. Nỗi thống khổ, thập giá và đau đớn không thể chia cắt ngài khỏi tình yêu Chúa Kitô: “Trong tâm hồn tôi, Thiên Chúa là suối nguồn hạnh phúc và sức mạnh. Tôi không tìm kiếm hạnh phúc nào ngoài niềm hạnh phúc trong tâm hồn, trong ngôi nhà của Thiên Chúa” (II, 256).

Thánh Faustina khuyên các Kitô hữu tùy theo hoàn cảnh phải sống những giây phút thinh lặng để cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong chiều sâu nội tâm và trong cuộc sống hằng ngày. Trong Tin Mừng, chúng ta đọc: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Chỉ có những tâm hồn trong sạch mới có thể nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi chí thánh. Như thánh Lêô Cả đã nói, Kitô hữu là người có đặc ơn: “Hỡi Kitô hữu, hãy nhận ra phẩm giá nơi mình”. Chúng ta được mời gọi để nhận ra sự cao trong trong ơn gọi, để sống tương quan mất thiết với Thiên Chúa và phải thăng tiến trong cuộc gặp gỡ thân hữu và cá vị với Chúa Giêsu Kitô.

Sống hiệp thông với Thiên Chúa giúp thánh Faustina trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô. Ngài là người Con vâng phục, đã luôn sống theo thánh ý Chúa Cha. Trong nhật ký của thánh Faustina vào ngày 04/02/1935, thánh nữ đã ghi lại như sau: “Từ đây tôi sẽ thực thi thánh ý Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc và không sợ hãi bất cứ điều gì. Tình yêu sẽ đem đến sức mạnh cho bạn và làm cho mọi sự trở nên dễ dàng”[33]. Thánh nữ hiểu rằng hành trình hòa giải và hiệp thông là sống vâng phục tuyệt đối trước ý định của Thiên Chúa. Trong ngày hôm ấy, thánh nữ đã quyết định thực hiện thánh ý của Thiên Chúa một cách triệt để hơn. Theo dấu chân của Đức Kitô, thánh nữ muốn sống vâng phục trong đức mến, trong tình con thảo và luôn sẵn sàng đối với Thánh Ý Thiên Chúa: “Niềm hạnh phúc của tôi là thi hành thánh ý Thiên Chúa và không có gì trên thế giới này có thể làm xáo trộn niềm hạnh phúc ấy”[34]. Đối với ngài, cầu nguyện, linh hướng, lắng nghe, vâng phục bề trên và cha giải tội, khuyên bảo và biện phận là những phương tiện nền tảng để sống vâng phục Thiên Chúa.

Lòng thương xót- Hành trình hòa giải với chính mình

Sứ điệp về lòng thương xót của thánh Faustina cũng trở nên hành trình hòa giải với chính mình. Đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa là hoàn toàn chấp nhận tội lỗi luân lý của mỗi người: “Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm”[35].

Đối với những người muốn sống xa Thiên Chúa, lương tâm của họ không đủ tỉnh táo. Do đó, những người này phải gánh chịu những hậu quả chủ quan và tương đối về mặt luân lý. Hệ lụy là làm cho con người đánh mất khả năng nhận thức về tính nghiêm trọng cũng như tác hại của tội lỗi. Trong tình trạng này, thiết nghĩ cần phải có một phương pháp giáo dục tiệm tiến và cởi mở thật sự để ân sủng có thể nâng đỡ những người này nhận ra tình trạng của mình.

Trái lại, đối với những người mới bắt đầu cuộc hành trình đức tin, thì một cạm bẫy phổ biến của Satan là làm cho người ta tin rằng cuối cùng mình cũng chẳng phải là “người phạm nhiều tội đến như thế”. Kitô hữu bị cám dỗ khi nghĩ rằng: nếu so với người khác, mình cũng chẳng phạm nhiều tội nặng. Họ cố gắng tương đối hóa chính mình khi bào chữa có nhiều người cũng phạm những tội ấy mà thậm chí còn nặng hơn nữa. Đối với những người khát khao sống đời Kitô hữu đích thức, họ phải chịu một cơn cám dỗ giả hình là tự lừa dối mình với niềm xác tín riêng. Đồng thời, cơn cám dỗ này còn gây xáo trộn ước muốn hoặc khao khát sâu xa là phải nên thánh, nghĩa là lý tưởng dấn thân, là thực tại của cuộc sống, là chân lý đối với chính mình. Cơn cám dỗ giả hình khiến người ta không chỉ hoàn toàn quên đi tội lỗi, mà chỉ còn biết nhớ đến nhân đức hay công trạng của bản thân. Họ quay cuồng trong chính hình ảnh của mình.

Thánh Faustina là người nữ đã đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, nên chị có kinh nghiệm hòa giải với mình. Chính thánh nữ đã dấn thân trong một hành trình dài với sự khiêm tốn thẳm sâu. Lòng khiêm nhường đích thực hướng đến hành trình hòa giải cá nhân. Chúng ta có thể nói rằng sự trong sáng và ý thức mình tội lỗi là ân sủng và cũng là lời đáp trả của thánh nữ.

Thánh Faustina ý thức sâu sắc về tình trạng nghiệm trọng của tội lỗi. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã mạc khải sứ vụ của Chúa Thánh Thần là Đấng: “an ủi nhân loại tội lỗi”. Ý thức mình tội lỗi là một trong những hoa trái của ơn hòa giải nhờ thập giá Chúa Kitô. Chúa Kitô, Đấng ban sự sống của Người cho chúng ta, đã cho thấy tính nghiêm trọng của tội lỗi con người. Tội lỗi nhân loại quá nặng nề đến nỗi Chúa Con đã phải chịu chết vì chúng ta. Thánh Faustina đã tham dự vào đời sống tâm linh và đau khổ của Chúa Con: “Khi tôi ngất trí- kể lại thị kiến- Chúa đã cho tôi nếm trải một phần nhỏ sự bội bạc chảy tràn trong trái Tim Người”[36].

Một trong những hoa trái của ơn cứu độ là mạc khải về tình trạng của tội nhân bị tổn thương và được hòa giải. Thánh nữ Fausstina có một kinh nghiệm rất sâu sắc về sức mạnh của tội lỗi: “Khi suy niệm về tội lỗi, Chúa đã cho tôi nhận ra tất cả sự ác của tội và thái độ bội bạc chứa đựng trong tội”[37].

Bước đầu tiên để một người đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa là hoán cải và thành tâm thú nhận tội lỗi. Ý thức mình là kẻ tội lỗi một cách chung chung vẫn chưa đủ, điều cần thiết là phải nhận ra những tội củ thể, đặc thù, “cá nhân”. Và như thế, Chúa Thánh Thần sẽ khởi sự sứ mệnh của Người là Thầy Dạy Chân Lý và là Đấng Thánh Hóa. Chính Ngài đã ban cho thánh nữ Faustina mở cánh tâm hồn để chân lý đi vào cuộc đời: “Hôm nay, bất thình lình cái nhìn của Thiên Chúa chiếu rọi vào hồn tôi như thể một tia chớp. Ngay lúc ấy, tôi nhận ra một chút bụi nhỏ trong linh hồn mình. Vì thế, tôi đã nài xin Chúa tha thứ và với tất cả niềm tin tưởng, tôi phó thác vào lòng thương xót bao la của Người. Ý thức này không làm tôi thất vọng tôi hay lảng tránh Chúa. Trái lại, tâm hồn tôi trào dâng một tình yêu lớn lao, một sự phó thác tuyệt đối cùng với một sự hoán cải trong tâm hồn và hợp nhất trong tình yêu. Những tia chớp này đào luyện tâm hồn tôi”[38].

Hòa giải với chính mình không chỉ là chấp nhận tội lỗi nhưng còn yêu thương và sống trong chân lý hiện hữu của mình. Đôi khi, chúng ta thấy khó liên kết tình yêu với Thiên Chúa và với chính mình bởi xem ra có vẻ mâu thuẫn. Đức khiêm nhường mà Kitô hữu phải sống không phải là thái độ suy nghĩ mình là kẻ bất tài, vô dụng; từ đó quy kết mình như đối tượng của sự kinh thường. Chúng ta phải biết rằng các thánh hiểu như thế nào khi nói về sự bất tài của mình. Trước hết, các ngài là những người yêu chính mình và không phủ nhận khả năng hay nhân đức. Với lòng khiêm nhường, các vị đón nhận nguồn gốc phát sinh sự thiện trong tâm hồn và không sợ đón nhận các khả năng này: “Khi linh hồn nhận ra tất cả những gì mình có là do ân ban nhưng không, và khi thủ đắc các ân sủng này sẽ gây nhiều đau khổ, thái độ đó sẽ giữ cho linh hồn luôn biết khiêm nhường trước Thiên Chúa”[39]. Vì vậy, lòng khiêm nhường đích thực là hành trình trong chân lý, nghĩa là đón nhận ân sủng, khả năng và nhân đức mà chúng ta dược phú ban trong tâm hồn. Chúa Giêsu nói với thánh Faustina: “Con sẽ được đón nhận một chút ẩn sủng ta trao ban, bởi vì cách thức đón nhận như thế, Ta buộc phải trao cho con ân sủng mới”[40]. Đức khiêm nhường đích thực kìm hãm ham muốn gây xáo trộn phẩm giá cao trọng của mỗi người. Từ đó hướng chúng ta đừng tìm kiếm hư danh hay yêu mến thụ tạo nào khác một cách vô trật tự. Khiêm nhường đích thực giúp cho con người biết yêu mến chính mình và dẫn thực tại của ta đi vào ánh sáng chân lý đơn thành. Như thánh Faustina, chúng ta cũng ước muốn: “Đừng khúm núm trước một người nào. Đừng bao giờ xu nịnh. Khiêm nhường là chân lý. Trong khiêm nhường không có chỗ cho sự hèn hạ. Dẫu rằng, tôi nhận ra mình là kẻ nhỏ nhất trong tu viện; nhưng mặt khác, tôi vui mừng vì phẩm giá là hiền thê của Đức Kitô. Tôi chẳng mấy quan tâm khi người ta nói tôi kiêu kỳ, bởi tôi biết họ sẽ chẳng bao giờ hiểu được những động cơ bên trong của các hành động này”[41].

Theo gương thánh Faustina, chúng ta cần trở nên những người cộng tác đắc lực với hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn. Thánh nữ thâm tín rằng những tia chớp mà ngài nói đến chính là hoa trái hoạt động của Chúa Thánh Thần, vốn đào luyện tâm hồn chị. Thánh nữ đã hân hoàn chào đón Chân Lý và cố gắng lột bỏ tính lừa dối khỏi tâm hồn ngài. “Tính kiêu căng kiềm hãm tâm hồn trong bóng tối. Nó không biết và thực sự không muốn đi vào chiều sâu của đau khổ. Thói xấu này cải trang và trốn tránh bất cứ điều gì có thể chữa lành nó.”[42] Trong sự tự do, thánh nữ đã cộng tác với ân sủng để luôn biết mình, nài xin ơn tha thứ, phó thác vào lòng thương xót và không bao giờ xa cách Chúa.

Một thực hành cụ thể để cộng tác với ân sủng của Chúa Thánh Thần là thường xuyên duyệt xét lương tâm nhằm chân thành ý thức mình tội lỗi. Thánh Faustina rất chuyên chăm thực hành nhân đức này. Thế nhưng, Giáo Hội dường như lãng quên thói quen này và ngày nay người ta bắt đầu nhìn nhận lại. Thánh Faustina hiện thực hóa lòng thương xót khi viết về những cuộc chiến thắng và những thất bại của ngài trong cuộc sống hằng ngày[43]. Khi thực hành đời sống tâm linh, thánh nữ nhắc nhớ chúng ta những bổn phận củ thể mà chúng ta xem xét kỹ lưỡng. Duyệt xét lương tâm giúp thánh nhân hiểu được nguyên nhân của những thiếu xót, cả bên trong lẫn bên ngoài, để né tránh và sửa chữa. Việc thực hành này giúp chúng ta hiểu được sức mạnh thánh thiện ẩn chứa trong chính đời sống của người nữ tu nhỏ bé này.

Để hòa giải với chính mình, ý thức mình tội lỗi vẫn chưa đủ, nếu chúng ta không nhìn lên Đấng đã hòa giải và ban cho chúng ta khả năng để hoán cải. Một người mới bắt đầu đời sống đức tin sẽ khó tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành những vết thương và đánh bại tội tỗi của họ. Mặc dù trên lý thuyết, người ta có thể nói rằng họ có đức tin; nhưng trong tâm hồn, họ vẫn khăng khăng duy trì quan điểm tiêu cực về con người. Quan điểm này khiến họ có một cái nhìn giả tạo, khi cho rằng các thế lực sự dữ mạnh hơn quyền năng Chúa Kitô.

Với sự thánh thiện, thánh Faustina đã chỉ cho chúng ta hành trình để bước theo. Đối với ngài, sự trung tín trong lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một thái độ cố định. Ngài nhận ra sự yêu đuối và mòng dòn của bản thân, nhưng ngài không cậy dựa vào sức riêng và vui sướng phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa: “Khi linh hồn nhận ra tình trạng nghiêm trọng của tội lỗi của bản thân, khi linh hồn ấy được chứng kiến vực thẳm đau khổ mà nó phải chịu, thì con đừng thất vọng, con hãy chạy đến vòng tay thương xót của Ta, tựa như đứa trẻ trong vòng tay âu yếm của người cha”[44].

Niềm hi vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa không làm cho tâm hồn thánh Faustina nên khô cằn hay thụ động. Trái lại, thánh nhân có một tinh thần đầy hy vọng và vui sướng vào cuộc chiến thắng của Đức Kitô phục sinh. Với sự quyết đoán, chị thánh luôn cố gắng chiến đấu với tội lỗi: “Ôi lạy Chúa Giêsu của con, dù Chúa ban cho con rất nhiều ân sủng, nhưng con đã nghe và thấy những đau khổ của mình. Con bắt đầu một ngày chiến đấu và chiến đấu tới cùng, chỉ để loại bỏ một khó khăn. Ở vị trí này, người ta sẽ thấy khó khăn gấp mười lần, nhưng con chẳng lo lắng về điều đó. Vì con biết rằng đây là thời gian đấu tranh chứ không phải là hòa bình. Khi cuộc chiến trở nên khốc liệt vượt quá sức con, như một đứa trẻ, con sẽ lao đến vòng tay của Cha trên Trời và con tin tưởng mình sẽ không phải hư mất. Lạy Chúa Giêsu, nhiều lần con chao đảo trước sự dữ và điều này thôi thúc con phải luôn tỉnh thức. Nhưng điều nhỏ bé này chẳng làm con thất vọng. Bởi vì nơi nào càng đau khổ thì ân sủng của Chúa càng dào dạt”[45]. Trong người nữ thánh thiện này, cuộc chiến tâm linh đã trở thành một thực tại hằng ngày và tự nhiên. Ngài không dừng lại trên hoa trái của cá nhân, trên thành quả hay những công việc ngài làm. Thánh nữ chỉ có một ước vọng: đó là nên thánh. Thánh Faustina đã sống trong niềm hy vọng chắc chắn và an toàn, không sớm thì muộn, Chúa sẽ làm trổ sinh hoa trái thánh thiện: Con muốn nên thánh và con tin rằng lòng thương xót của Thiên Chúa trước đau khổ mà con chịu có thể làm nên một vị thánh, bởi vì sau mọi sự con luôn có thiện chí. Mặc dù con đã chiến đấu rất nhiều, nhưng con muốn chiến đấu như một linh hồn thánh thiện. Con không thất vọng vì bất cứ điều gì, như một linh hồn thánh thiện không được phép thất vọng. Nhưng kể từ giây phút này, con sẽ luôn hướng nhìn lên Ngài, Ôi lạy Chúa Kitô, Đấng hướng dẫn tuyệt vời nhất của con. Con tin rằng ngài sẽ ban sức mạnh cho con”.

Thánh Faustina phân biệt giữa sự thánh thiện và tính cầu toàn. Thánh thiện không phải là không có những sai lầm và thiếu sót. Sự thánh thiện được thủ đắc nhờ quá trình đấu tranh và luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã với niềm xác tín Thiên Chúa sẽ thưởng công. Thánh nữ nói rằng: “Chúng ta đừng bao giờ nản chí, thời gian rồi sẽ qua đi. Dẫu chúng ta có làm điều gì không tốt đi nữa, thì Thiên Chúa sẽ nhìn vào ý định khởi đầu mà thưởng công cho ta”[46].

Sự trung tín vào Thiên Chúa giúp chúng ta sống kiếp nhân sinh vô thường trong sự thanh thản và bình an giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống. Thánh Faustina nghiệm ra rằng ngài không làm chủ hiện hữu, và cũng không thể kiểm soát hành trình cuộc đời của bản thân. Trong đau khổ, chị nhận ra rằng Thiên Chúa là chủ lịch sử của ngài: Thánh nữ không phàn nàn về quá khứ, cũng chẳng âu lo về tương lai. Với sự đơn sơ, ngài biết rằng hiện tại thuộc về ngài và cần làm tất cả những gì trong khả năng để thực hiện thánh ý Thiên Chúa: “Tương lai không ở trong tầm tay con, để có thể thay đổi, sửa chữa hay thêm bớt một điều gì. Người khôn ngoan hay tiên tri cũng chẳng thể làm được điều này. Vì lẽ đó, chúng con xin trao phó những gì đã qua cho Thiên Chúa. Ôi giây phút hiện tại, mi hoàn toàn thuộc về ta. Con muốn sử dụng giây phút này bao nhiêu có thể. Dù con nhỏ bé và yếu đuối, nhưng Ngài đã ban cho con ân sủng toàn năng của Ngài. Vì vậy như trẻ thơ con tín thác vào lòng thương xót của Chúa tất cả những gì còn lại trong cuộc đời con”[47].

Lòng thương xót - Hành trình hòa giải với tha nhân

Trong Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nên thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Đối chiếu với câu nói này, thánh Luca sẽ giải thích cho chúng ta thế nào là sự hoàn thiện. Trong Tin Mừng của ngài, được ví như Tin Mừng của lòng thương xót, thánh Luca xác định: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Sự hoàn thiện được so sánh với việc thực thi lòng thương xót. Trong các mối phúc, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong tư cách là người đầu tiên thực thi lòng thương xót: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,7).

Vì vậy, nên thánh chính là tình yêu căn cốt đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận. Thánh Faustina đã không dừng lại trên những lầm lỗi cũng như những giới hạn của bản thân. Thánh nữ biết rằng chị sẽ bị chất vấn về tình yêu. Thánh nhân đã thể hiện sức mạnh của tình yêu bằng câu nói sau đây: “Ôi lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nhận ra và hiểu được điều gì đã làm nên sự vĩ đại của một tâm hồn. Chẳng phải là trong những hành động lớn lao, nhưng là trong một tình yêu vĩ đại. Tình yêu mới thật đáng giá và chính tình yêu làm cho hành động của chúng ta nên cao trọng. Dù cho hành động tự bản chất là nhỏ bé và tầm thương, nhưng trong tình yêu và chỉ qua tình yêu, những hành động ấy sẽ trở nên vĩ đại và cao cả trước nhan Thiên Chúa. Tình yêu là một mầu nhiệm có khả năng biến đổi tất cả mọi sự trở nên tốt đẹp và được Thiên Chúa yêu mến.”[48]

Với câu nói này, thánh Faustina mời gọi chúng ta nên thánh trong chính cuộc sống hằng ngày. Đây là điều rất gần gũi và thực tế. Nên thánh trở nên một tiếng gọi phổ quát cho mọi tín hữu ngày nay. Đôi khi trước sự dữ của thế gian, chúng ta bất lực và không thể làm được điều gì. Nhưng chúng ta không nhận thấy rằng chính tình yêu trao hiến trọn vẹn sẽ làm cho cuộc sống này trở nên lớn lao và kỳ diệu. Tình yêu sẽ trở thành nguồn sức mạnh nâng đỡ nhân loại trong một cách thức kỳ diệu. Thánh Faustina có thể hiểu nguồn tình yêu mang lại lợi ích cho nhân loại: “Hôm nay con hiểu và biết rằng dù con không thể hoàn thành điều Chúa muốn nơi con, nhưng Ngài sẽ ban thưởng cho con như kết quả cuối cùng, bởi vì Chúa đã biết ý định ban đầu của con rồi. Tình yêu có một ý nghĩa, có sức mạnh và công trạng. Ngài đã mạc khải cho tâm hồn con những chân trời bao la. Tình yêu lấp đầy vực thẳm”.[49]

Đối với thánh nữ, tình yêu không phải là một thực tại trừu tượng, một ý thức hay cảm xúc thoáng qua mà thôi. Lòng thương xót đối với tha nhân là vô hạn. Trong khi cầu nguyện, thánh Faustina đã xin Chúa ban cho đôi mắt, môi miệng, tay chân và trái tim biết thương xót: “Lòng thương xót được thánh nữ miêu tả là một tình thương trọn vẹn, ôm lấy toàn bộ con người, không chỉ trong tâm hồn, mà còn nơi thân xác. Đôi mắt biết thương xót khi khám phá trong tâm hồn của người thân cận những gì là tốt nhất. từ đó biết nâng đỡ và cảm thông với những tâm hồn khiếm khuyết hoặc tỳ vết. Đôi tai sẽ biết thương xót, khi đồng cảm với nỗi thông khổ của tha nhân. Lưỡi sẽ biết thương xót khi tránh nói xấu người khác, nhưng biết nói ra một lời lẽ tốt đẹp, thông cảm và tha thứ. Đôi tay sẽ biết thương xót nếu nó biết làm điều tốt cho người khác, đón nhận vào cho mình những công việc dù nặng nhọc nhất. Đôi chân, dù mệt mỏi, cũng biết chạy đến giúp đỡ người khác. Trái tim sẽ biết thương xót nếu nó biết cảm nghiệm lòng trắc ẩn đối với người xung quanh và tất cả nỗi khổ đau của họ”. [50]

Lòng thương xót có ba cách thức thể hiện. Như Chúa Giêsu phán với thánh Faustina: “Ta chỉ cho con ba cách thức thể hiện lòng thương xót đối với tha nhân: thứ nhất là hành động, thứ hai là lời nói, thứ ba là cầu nguyện. Trong ba mức độ này đều chứa đựng trọn vẹn lòng thương xót và bày tỏ rõ ràng tình yêu đối với Ta”[51]. Ba cách này rất cụ thể và rõ ràng. Tình yêu được biểu hiện trong hành động. Như chúng ta thấy, Kinh nghiệm thần bí không ngăn cản chị thánh tìm kiếm sự tương hợp giữa cầu nguyện và hành động. Mặt khác, đối với thánh nữ, hành động và lòng thương xót đối với tha nhân là biểu hiện của đời sống chiêm niệm. Đời sống thần bí của thánh nữ được củ thể hóa trong sinh hoạt hằng ngày. Chúa phán với thánh nữ: “Một linh hồn càng hoàn hảo và càng vĩ đại bao nhiêu thì sẽ như một thứ ánh sáng chiếu soi xung quanh mình và còn tỏa sáng xa hơn nữa”[52]. Thánh Faustina được nuôi dưỡng trong những cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Theo thánh nữ, hành động này trở nên một hành vi thờ phượng và là một hành động tạ ơn liên lỉ. Thánh nữ đã cầu xin để biết nối kết tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Cuối cùng, người ta cảm thấy hiếu kỳ vì theo kế hoạch của Thiên Chúa, thánh nhân không phải là một vị sáng lập trực tiếp một Hội Dòng mới nhưng ngài vẫn ở lại dòng để chu toàn trách nhiệm của một người làm bếp, người làm vườn và giữ cửa. Đây chính là chìa khóa giải thích thú vị: Cuộc sống hàng ngày, những trách nhiệm nhỏ dù bình dị nhất vẫn không làm ngài xa cách Thiên Chúa; trái lại, cuộc sống của thánh nữ Faustina đã dạy chúng ta rằng: công việc thường ngày sẽ trở nên một khát khao để sống trong sự hiện diện liên lỉ của Thiên Chúa. Có nhiều cách để thực hiện lòng thương xót đối với tha nhân. Tình yêu được củ thể hóa trong phục vụ. Điều này có nghĩa là cố gắng giúp đỡ tha nhân, trở thành người bảo vệ anh em mình, luôn tỉnh thức vì ơn cứu độ, thấu hiếu và lắng nghe những nhu cầu của tha nhân, giúp họ trên hành trình nên thánh, hoán cải và tăng trưởng trong đức tin.

Cách thứ hai để thực thi lòng thương xót là lời nói, trở nên những người tông đồ trong tư cách là người đầu tiên làm chứng cho cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô. Cách thế thứ ba là bằng lời cầu nguyện. Lời cầu nguyên cho ơn cứu độ cảu tội nhân và cho những người mà chúng ta yêu mến có sức mạnh rát huyền nhiệm. Thánh Faustina mời gọi chúng ta biết thương xót với tha nhân ngang qua lời cầu nguyện về lòng Chúa thương xót. Vòng hoa cho lòng thương xót được tán tụng nhiều lần: “Lạy Cha, xin thương xót chúng con”. Công thức: “Xin thương xót chúng con và toàn thế giới” “dạy chúng ta bằng cách giải phóng mình khỏi tính ích kỷ, đặt trước mặt chúng ta những điều tốt của người khác. Càng liên kết sự tốt lành của mình với sự thiện của cộng đồng, thì chúng ta càng thực thi lòng thương xót mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Tuần cửu nhật kính lòng Chúa Thương xót cũng hàm chứa chiều kích phổ quát này”[53]. Bằng lời cầu nguyện, chúng ta ôm ấp cả thế giới.

Với bài chia sẻ này, tôi muốn nói rằng một vị thánh, một nhà huyền bí như thánh Faustina không phải là một mẫu người xa lạ hay không thể đạt tới. Tôi không cố gắng tìm sự tương hợp trong những xáo trộn giữa chiều kích khổ hạnh hay thần bí, giống như cách thức nhịp đập từ tâm thu đến tâm trương. Trước hết trong trường hợp của vị thánh như tôi đã trình bày: Điều đã làm cho ngài trở nên một vị thánh chắc chắn không phải là những ân sủng siêu nhiên, những cuộc thần hiện hay mạc khải. Sự thánh thiện anh hùng của thánh nữ chính là ân sủng của Thiên Chúa và hoa trái của sự cộng tác liên lỉ. Đồng thời đây cũng là hoa trái của những cuộc chiến đấu liêng liêng; nhờ đó, thánh nữ có thể nhận ra tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Đồng thời, sự thánh thiện của thánh nữ được đúc nắn qua những khó khăn, đau khổ, ngược đãi và hiểu lầm. Qua thánh nữ, đau khổ đã trở thành một cơ hội để trở nên đồng hình đồng dạng thập giá với Đức Kitô ngõ hầu đem ơn cứu độ cho nhân loại. Đời sống đơn sơ và khiêm nhường của vị thánh này giúp chúng ta hiểu rằng nên thánh không phải gì khác hơn là sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa trong Đức Ái.

 

[1] GIOAN PHAOLÔ II, Bài giảng lễ tuyên thánh cho nữ tu Faustina Kowalska, 30/04/2000 

[2] L.F. Figari, Sự luyến tiếc vô tận, Roma 2004, p. 27.

[3] G. Biffi, Những người được giải thoát của Đức Kitô, Milano 1996, p. 33.

[4] Theo Freud, Thiên Chúa là sự phóng chiếu của những ước muốn vô thức. Người là kết quả từ những nhu cầu rất trẻ thơ để được bảo vệ và giữ gìn an toàn từ con người. Theo ông, “Tôn giáo giống như một tình trạng sang chấn hoặc rối loạn tâm lý tập thể”. Xem: “Sigmund Freud y la Antropología Cristiana” en La Psicología ante la gracia, Buenos Aires 1999, p. 174.

[5] P. Martinelli, Tình yêu thương xót và phụ tử của Thiên Chúa, tr. 24.

[6] L. F. Figar, Một thế giới thay dổi, Lima 2004, tr. 85.

[7] Nhật Ký, I, tr. 155.

[8] Lc 10:21-22

[9] Santa Maria Faustina Kowalska, Nhật ký, Città del Vaticano 2004, II, tr. 420.

[10] MarcinkowskiLinh đạo lòng thương xót trong Nhật Ký, Lòng thương xót của Thiên Chúa trong tâm hồn thánh nữ Faustina, Roma 2004, tr. 23.

[11] Nhật Ký, I, tr. 181

[12] 1 Ga, 4,7

[13] Gaudium et spes, 22.

[14] Nhật Ký, II, tr. 554

[15] “Misericordia” (L. Doufour), Từ vựng Thần học Thánh Kinh, Barcelona 1973, tr. 543.

[16] “Eleos” (R. Bultmann) en Kittel, G. - Friedrich, G., ed., Từ điển Tân Ước, 16 vol., Brescia 1965, tr. 403-404.

[17] Sm 2,6. 15,20.

[18] Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 4.52.

[19] Nhật Ký, I, tr.278-279.

[20] Nhật Ký ,I, tr.. 279.

[21] Nhật Ký ,V, tr. 776.

[22] Nhật Ký, VI, tr. 925.

[23] Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 8.

[24] Nhật Ký, VI, tr. 922.

[25] Nhật Ký, II, tr. 565.

[26] Gioan Phaolô IIReconciliatio et Paenitentia, 15.

[27]Nhật Ký, I, tr. 76.

[28] L. GrygielMisericordia divina per il mondo intero. La mística di Santa Faustina Kowalska, Siena 2003, tr. 400.

[29] Nhật Ký, IV, p. 695-696.

[30] ArinteroCuộc cách mạng huyền nhiệm, Illinois 1978, vol. 1, tr.109.

[31] STh II-II, 25, 4.

[32] Nhật Ký, I, tr. 187

[33] Nhật Ký, I, tr. 274

[34] Nhật Ký, II, tr. 474.

[35] Rm 7:14.

[36] Nhật Ký, V, tr. 804-805

[37]Nhật Ký, V, tr. 712.

[38] Nhật Ký, II, tr. 507.

[39] Nhật Ký, II, tr. 328.

[40] Nhật Ký, VI, tr. 884.

[41] Nhật Ký, V, tr. 793-794.

[42] Nhật Ký, I, tr. 128

[43] Nhật Ký, I, tr. 167.

[44] Nhật Ký, V, tr. 806.

[45] Nhật Ký, II, tr. 397.

[46] Nhật Ký, V, tr. 712

[47] Nhật Ký , I, tr. 40.

[48] Nhật Ký, IV, tr. 525.

[49] Nhật Ký, II, p. 491.

[50] Marcinkowski, T., op. cit., tr. 25.

[51] Nhật Ký, II, tr. 457.

[52] Nhật Ký, VI, tr. 836.