Lòng thương xót của Thiên Chúa qua đời sống của Giáo Hội

HỌC VIỆN THUYẾT TRÌNH VỀ ĐỀ TÀI NĂM THÁNH

Chủ đề: “Lòng thương xót của Thiên Chúa qua đời sống của Giáo Hội”

Ngày 13 tháng 11 năm 2016, tại hội trường VP.GT đã diễn ra buổi học tập, chia sẻ định kỳ theo chương trình của Học viện với chủ đề: “Lòng thương xót của Thiên Chúa qua đời sống của Giáo Hội”, kết thúc một năm học hỏi tích cực về các chủ đề trong năm thánh. Đến tham dự buổi thuyết trình, có sự hiện diện của các cha giáo, thầy giáo, quý thầy, các anh em Trung tâm Sinh viên và Học viện.

Dựa vào các văn kiện của Giáo Hội cũng như của Hội Dòng, nhóm thuyết trình đã đề cập đến những khía cạnh của đề tài, bao gồm: Giáo Hội loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, Lòng thương xót được thể hiện qua đời sống của Giáo Hội, qua đặc sủng Trợ Thế và những chứng nhân của lòng thương xót hôm nay.

Việc loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa phải là trung tâm điểm, là linh hồn của đời sống Giáo Hội. Qua dòng thời gian, đặc biệt với công đồng Vaticano II, Giáo Hội bước vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình, để có thể nói về Thiên Chúa với thời đại trong một cách thế dễ tiếp cận, gần gũi và sống động hơn. Giáo Hội muốn thể hiện mình là một người mẹ yêu thương mọi người; kiên nhẫn, dịu dàng, từ tâm và nhân hậu. Đó cũng là điều được Giáo Hội thực thi, đặc biệt qua những dấu chỉ và nơi bí tích của Lòng Thương Xót.

Trong năm thánh này, Chúng ta được mời gọi ngước mắt chiêm ngưỡng dung mạo của Lòng Thương Xót Chúa Cha, để tái khám phá và Thực thi lòng thương xót qua đặc sủng mình đang đón nhận, biết hành động trước những khó khăn, đau khổ của đồng loại đang sống trong bạo lực, thiên tai, chịu đe dọa đến nhân phẩm và sự sống của con người. Thật là quý báu, khi trong đời sống của Giáo Hội, chúng ta vẫn thấy biết bao dòng tu, tổ chức đã, đang và tiếp tục thực thi lòng thương xót qua sứ mạng, đặc sủng của mình, luôn ưu tiên nâng đỡ những người bất hạnh và nghèo khổ. Đó là văn hoá của lòng thương xót luôn cần được nở hoa. Heinrich Boell, một nhà văn người Đức viết: “Ít nhất, lòng thương xót là một điều khả thi giữa những Ki-tô hữu, và lúc này hay lúc khác lại có những Ki-tô hữu xuất hiện và làm cho thế giới này phải ngạc nhiên. Chính một thế giới Ki-tô giáo xấu nhất đối với tôi lại vẫn hơn một thế giới tục hoá tốt nhất, vì trong thế giới của Ki-tô giáo luôn có không gian cho những người bất hạnh, mà họ không thể tìm được chỗ nương tựa trong lòng thế giới tục hoá”.

Trong năm thánh, Giáo Hội cũng đã tôn phong những chứng nhân sống đức ái trọn hảo, được thể hiện nơi Thánh Giáo hoàng Gioan Paul II, Mẹ thánh Teresa Calcutta. Cách riêng với Hội Dòng, thầy William Gagnon, là một mẫu gương trợ thế, mà Đức thánh Cha Phanxico đã nâng thầy lên bậc Đáng Kính vào ngày 14.12.2015 vừa qua. Dù ở cương vị và đoàn sủng nào, nơi các ngài đều cho chúng ta thấy những điểm chung, đó là niềm trông cậy vào một chỗ dựa duy nhất là Thiên Chúa, sự hy sinh âm thầm và luôn trung thành làm chứng cho tình yêu của Chúa.

Hôm nay, năm thánh Lòng Thương Xót Chúa kết thúc, nhưng sứ mạng thực thi bác ái của Lòng Thương Xót thì còn mãi. Chúng ta cần dành thời gian để nhìn lại một năm thánh trôi qua đã mang lại ý nghĩa gì cho mỗi người chúng ta? Năm thánh có giúp bản thân mình thay đổi về cái nhìn và hành động không? Và mỗi chúng ta đã làm được gì khi năm thánh kết thúc?

Đó cũng là những thao thức mà nhóm thuyết trình gợi mở, để giúp mỗi người suy gẫm một cách tận căn việc sống Tin Mừng của Lòng Thương Xót nơi mỗi cá nhân, để từ đó biết đáp trả bằng những hành động thiết thực như người Samaritano nhân hậu qua linh đạo và sứ mạng trợ thế mà Hội Dòng đang đón nhận. 

[Hình ảnh]

 

Ghi: Phê-rô Trọng Quỳnh, OH