Lời kinh tình yêu

Sinh thời, đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II là một vị tông đồ rất nhiệt thành của Kinh Mân côi. Thánh nhân chính là người đã thêm Năm sự sáng vào các mầu nhiệm của Kinh Mân côi. Và một hình ảnh của người đã trở nên khá quen thuộc với nhiều người Công giáo, đó là người thường xuất hiện với tràng hạt trên tay, quỳ gối đọc kinh như một tín hữu có lòng sùng kính Kinh Mân côi. Điều này thực ra chẳng có gì lạ vì Kinh Mân côi là một hình thức đạo phổ biến nhất trong Giáo hội Công giáo. Từ các em bé cho đến các cụ già, từ một giáo dân bình thường cho đến đức giáo hoàng, từ một người mù chữ cho đến các nhà thần học thông thái, tất cả mọi tín hữu đều có thể cầu nguyện với Kinh Mân côi. Rosarius, trong tiếng La Tinh cổ điển có nghĩa là cánh đồng hoa hồng. Mỗi lời kinh là một đoá hoa hồng thiêng liên dâng Chúa qua trung gian Mẹ Ma-ri-a.

Sở dĩ Kinh Mân côi có sức thu hút kỳ lạ đối với người Công giáo, vì đằng sau những lời kinh có vẻ bình thường, giản dị nếu không muốn nói là đơn điệu và nhàm chán này, là cả một kho tàng đức tin và một di sản tâm linh quý báu của Giáo hội, và nhất là của dòng Đa Minh. Có người ví Kinh Mân côi như một viên kim cương nhiều mặt lấp lánh với những mầu nhiệm và những suy tư thần học của người tín hữu về Chúa Ki-tô. Mặc dù Kinh Mân côi không phải do anh em Đa Minh sáng tạo, vì hình thức cầu nguyện này do các đan sĩ Ai Cập nghĩ ra từ thời cổ đại, đến thế kỷ thứ XII, nghĩa là trước khi thánh dòng Đa Minh lập dòng, lại được các anh em dòng Cîteaux sửa đổi và trở thành lời cầu nguyện hằng ngày của họ. Nhưng sở dĩ Kinh Mân côi vẫn được coi như một di sản tâm linh của dòng, bởi vì nhiều anh em Đa Minh đã góp phần rất lớn trong việc hoàn chỉnh, phổ biến và ấn định ngày lễ Mân côi.

Người đầu tiên là Đức hồng y Hugues de Saint-Cher (1244-1263, vào dòng năm 1225), đã phân chia Kinh Mân côi thành ba mầu nhiệm (vui, thương, mừng) như chúng ta vẫn quen đọc ngày nay. Người thứ hai là chân phước Alain de la Roche (1428-1475), là người đã có sáng kiến thành lập và cổ võ các hội Kinh Mân côi. Sở dĩ thánh Đa Minh được coi như là người được Mẹ Ma-ri-a trao tràng hạt Mân côi vì trong một cuốn sách của mình, cha Alain de la Roche đã nói đến điều này khiến những thế hệ về sau lầm tưởng như vậy. Dù vậy, sinh thời thánh Đa Minh có lẽ cũng là người sùng kính Kinh Mân côi. Có một giai thoại kể rằng, thánh Đa Minh từng cầu nguyện Kinh Mân côi cho những người theo lạc giáo. Người anh em dòng Đa Minh thứ ba đã góp phần làm cho Kinh Mân côi được phổ biến khắp thế giới, đó là thánh Pio V (†1572). Năm 1571, thánh nhân đã đề nghị các tín hữu dùng lời Kinh Mân côi để làm một cuộc thánh chiến bằng cầu nguyện. Nhờ lời cầu nguyện của các tín hữu, ngày 7/10/1571, liên quân Công giáo đã chiến thắng quân Hồi giáo trong trận thuỷ chiến Lépante ở Hy Lạp. Từ đó, ngày 7 tháng 10 được ấn định là ngày lễ Mân côi. Sau nhiều lần thay đổi, năm 1913, đức giáo hoàng Pio X đã ấn định lại lễ Mân côi được cử hành vào ngày 7 tháng 10 hằng năm như thuở ban đầu.

Khi cầu nguyện bằng Kinh Mân côi, chúng ta cùng với Mẹ Ma-ri-a dâng lên Chúa những lời cảm tạ và tri ân, những lời ngợi khen và chúc tụng, những lời cầu xin và khẩn nguyện. Mặc dù rất bình thường và giản dị, nhưng Kinh Mân côi chứa đựng cả kho tàng lời Chúa, vì trong những lời kinh rất bình dân này là một bản Tin mừng ngắn gọn và cô động, diễn tả một cách đầy đủ và dễ hiểu, dễ nhớ những thời điểm đáng ghi nhớ trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Khi cầu nguyện bằng Kinh Mân côi, chúng ta nhìn lại những biến cố quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Cùng với Mẹ Ma-ri-a, chúng ta đặt Chúa Giê-su vào tâm điểm của đời sống để suy niệm và chiêm ngắm những mầu nhiệm vui, sáng, thương và mừng. Chính Mẹ Ma-ri-a sẽ giúp chúng ta đào sâu tương quan của mình với Chúa để xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta và Người tuôn đổ muôn vàn hồng ân xuống xã hội, cộng đoàn và gia đình chúng ta.

Qua Kinh Mân côi, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết theo Chúa theo gương của Mẹ Ma-ri-a. Mẹ không chỉ theo Chúa như một người mẹ luôn luôn dõi theo đứa con yêu quý của mình, nhưng trên hết, Mẹ là người luôn luôn biết lắng nghe và vâng theo thánh ý của Chúa. Chính vì vậy, Mẹ là mẫu gương của mọi tín hữu, nhất là của những người sống đời thánh hiến.

Giêrônimô Bùi Thiện Thảo, op.

Nguồn: http://daminhvn.net