Như chúng tôi đã loan tin, sáng thứ Năm ngày 5 tháng 9, lúc 9:45 sáng, Đức Thánh Cha đã viếng thăm tổng thống Filipe Nyusi tại dinh tổng thống gọi là Palacio da Ponta Vermelha.

Sau cuộc hội kiến với tổng thống kéo dài trong 30 phút, cũng tại dinh này, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với chính quyền, lãnh đạo xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Lúc 11 giờ sáng, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ liên tôn với giới trẻ tại vận động trường có mái che Maxaquene.

Lúc 4:15 chiều Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cả ba quốc gia trong chuyến tông du quốc tế lần thứ 31 của Đức Thánh Cha là Mozambique, Madagascar, và Mauritius đều là các quốc gia nơi dân số Kitô Giáo chiếm đa số.

Năm 1505, Bồ Đào Nha thiết lập được nền đô hộ tại đây, và nhờ công lao của các cha dòng Phanxicô Bồ Đào Nha, Đạo Công Giáo được phát triển rất mạnh kể từ đó. Dù thế, nhiều nhà sử học không cho rằng Đạo Công Giáo bắt đầu đến với quốc gia này vào năm 1505. Có những chứng cứ cho rằng các tín hữu Kitô đã có mặt từ rất lâu tại đây nhưng bị người Hồi Giáo tận diệt.

Theo thống kê vào tháng Bẩy, 2018, Mozambique có 8.784 triệu người Công Giáo, tức là chiếm 30.5% trong tổng số 28.8 triệu dân.

Theo Niên Giám Thống Kê 2017 của Tòa Thánh, Giáo Hội tại Mozambique có 3 tổng giáo phận và 9 giáo phận, với 337 giáo xứ, được coi sóc bởi 659 linh mục và 1,182 nữ tu.

Giáo Hội sở hữu 21 bệnh viện và 8 nhà dưỡng lão và các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật.

Tòa Thánh đã thiết lập ngoại giao đầy đủ với Mozambique vào ngày 17 tháng 11 năm 1974. Ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu hồi Sứ Thần Tòa Thánh tại Mozambique, là Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, người Venezuela, về Vatican đảm nhận chức vụ Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thay cho Đức Hồng Y Angelo Becciu được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh.

Sứ thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Piergiorgio Bertoldi, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào chức vụ này từ ngày 19 tháng Ba năm nay.

Trong diễn từ với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha nói:

Thưa các Giám Mục, Linh Mục, Nam Nữ Tu Sĩ và Giáo Lý Viên và Các Nhân Viên Mục Vụ trong các cộng đoàn Kitô Giáo

Anh chị em thân mến,

Tôi cảm ơn Đức Cha Hilário vì những lời chào mừng của ngài thay mặt cho anh chị em, và tôi chào tất cả các anh chị em với tình cảm và đầy lòng biết ơn. Tôi biết rằng anh chị em đã nỗ lực rất nhiều để có mặt ở đây. Cùng nhau, chúng ta muốn canh tân phản ứng của chúng ta đối với lời kêu gọi đã từng làm cho trái tim chúng ta bùng cháy; và Giáo Hội Mẹ đã giúp chúng ta nhận thức và khẳng định với một sứ mệnh. Cảm ơn anh chị em về những chứng tá của anh chị em về những thời điểm khó khăn và những thách thức nghiêm trọng mà anh chị em phải đối mặt, ý thức được những hạn chế và yếu điểm của chính mình, nhưng cũng ngạc nhiên trước lòng thương xót của Chúa.

Tôi rất hài lòng trước những gì một trong những giáo lý viên đã cho biết: “Chúng con là một Giáo Hội, là một phần của một dân tộc anh hùng” đã trải qua đau khổ nhưng vẫn giữ sống động niềm hy vọng. Với niềm tự hào linh thánh mà anh chị em đón nhận từ dân tộc mình, một niềm tự hào mời gọi một cuộc canh tân đức tin và hy vọng, tất cả chúng ta muốn làm mới lại lời “xin vâng” của chúng ta. Giáo Hội Mẹ hạnh phúc biết bao khi nghe anh chị em bày tỏ tình yêu của anh chị em dành cho Chúa và cho sứ vụ mà Ngài đã ủy thác cho anh chị em! Giáo Hội vui mừng xiết bao trước mong muốn của anh chị em tiếp tục quay lại với “mối tình đầu” của mình (Kh 2: 4)! Tôi cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn ban cho anh chị em ơn khôn ngoan để có thể gọi đích danh mọi thứ, và sự can đảm để tìm kiếm sự tha thứ và để học cách lắng nghe bất cứ điều gì Ngài muốn nói với chúng ta.

Anh chị em thân mến, dù muốn hay không, chúng ta vẫn được mời gọi để đối mặt với thực tế như nó là. Thời thế thay đổi và chúng ta cần phải nhận ra rằng rất thường khi chúng ta không biết vị thế của mình là ở đâu trong các tình huống mới: chúng ta cứ tiếp tục mơ hoài về “củ hành củ tỏi của Ai Cập” (Ds 11: 5), và quên rằng miền đất hứa là ở trước mắt chúng ta, chứ không phải ở đằng sau lưng chúng ta, và trong lời than thở của chúng ta về những thời đã qua, chúng ta hóa thành chai đá. Thay vì loan báo Tin mừng, chúng ta đưa ra một thông điệp buồn tẻ ai oán chẳng thu hút được ai và chẳng khiến được con tim nào rung động.

Chúng ta được tập hợp tại nhà thờ chính tòa này được dành để biệt kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, để chia sẻ với nhau, như trong một gia đình, những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta như một gia đình được sinh ra từ tiếng “xin vâng” mà Đức Maria đã thưa với thiên thần. Đức Mẹ chưa từng bao giờ nhìn về phía sau. Chúng ta đã nghe chương đầu tiên của mầu nhiệm nhập thể từ Thánh Sử Luca. Từ trình thuật này của ngài, có lẽ chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi mà anh chị em đã nêu ra ngày hôm nay, và tìm thấy động lực cần thiết để đáp trả với lòng quảng đại và quan tâm như Đức Maria.

Thánh Luca vẽ ra một sự song song giữa các sự kiện trong cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu Kitô. Khi đối chiếu như thế, ngài muốn cho chúng ta thấy cách hành động của Chúa và cách chúng ta đề cập đến Ngài trong Cựu Ước đang mở ra một con đường mới do Con Thiên Chúa hóa thành nhục thể mang lại cho chúng ta.

Rõ ràng là trong hai lần Truyền tin chúng ta thấy có sự xuất hiện của một thiên thần. Lần Truyền tin đầu tiên diễn ra tại thành phố quan trọng nhất của Giuđêa – là thành phố Giêrusalem - không phải ở bất cứ đâu nhưng chính là ngay trong Đền thờ và, ở đó, nơi Linh Thánh nhất của các nơi Linh Thánh, một lời loan báo đã được đưa ra cho một người nam và là một tư tế. Trong khi đó, lời loan báo về mầu nhiệm nhập thể được thực hiện ở Galilê, ở một vùng xa xôi, nơi xung đột hoành hành và chỉ là một thị trấn nhỏ - đó là Nagiarét. Biến cố này diễn ra trong một ngôi nhà, không phải một hội đường hay một nơi thờ phượng, và được đưa ra cho một người nữ, chỉ là một tín hữu đơn sơ. Nhưng điều gì đã thay đổi từ đó? Mọi thứ. Và trong sự thay đổi này, chúng ta tìm thấy bản sắc sâu sắc nhất của chúng ta.

Anh chị em hỏi chúng ta phải làm gì trước cuộc khủng hoảng căn tính linh mục, làm thế nào để chống lại nó? Về vấn đề này, những gì tôi muốn nói cụ thể với các linh mục là điều mà tất cả chúng ta, giám mục, giáo lý viên, những người tận hiến, và chủng sinh, đều được kêu gọi để trau giồi và nuôi dưỡng.

Trong một cuộc khủng hoảng về căn tính linh mục, đôi khi chúng ta cần rời khỏi những nơi quan trọng và trang trọng, và trở về những nơi mà chúng ta đã được kêu gọi, nơi rõ ràng rằng ý định và sức mạnh [để thực thi ý định ấy] là từ Thiên Chúa. Đôi khi, dù không muốn, và cũng không phải cố ý sai phạm về luân lý, chúng ta đã quen với việc đồng hóa các hoạt động hàng ngày của chúng ta như một linh mục với các nghi lễ nhất định, các cuộc họp và trao đổi ý kiến, nơi mà sự hiện diện của chúng ta trong những cuộc họp, tại bàn hoặc trong hội trường là sự hiện diện của “đấng bậc”. Khi đó, chúng ta giống với tư tế Giêcaria hơn là Đức Maria. Tuy nhiên, “Tôi không nghĩ rằng đó là một sự cường điệu khi nói rằng vị linh mục thực sự rất nhỏ bé: sự hùng vĩ khôn ví của ân sủng/ được ban cho chúng ta cho sứ vụ của mình/ đặt để chúng ta vào hàng những người nhỏ bé nhất. Linh mục là người nghèo nhất trừ khi Chúa Giêsu phong phú hoá người ấy bằng sự thanh bần; là đầy tớ vô dụng nhất trừ khi Chúa Giêsu gọi người ấy là bằng hữu của Ngài; là người dốt nát nhất trừ khi Chúa Giêsu kiên nhẫn dạy người ấy như đã từng dạy Phêrô; là người yếu đuối nhất trong các Kitô hữu trừ khi vị Mục tử nhân lành củng cố người ấy giữa đàn chiên. Không ai ‘nhỏ bé’ hơn một linh mục bị bỏ mặc với những gì của mình; và do đó lời cầu nguyện của chúng ta để bảo vệ chống lại mọi cạm bẫy của ma quỷ là lời cầu nguyện của Mẹ của chúng ta: Con là một linh mục vì Chúa đã đoái nhìn đến sự bé nhỏ của con (Lc 1:48)” (Bài giảng tại lễ Dầu, ngày 17 tháng Tư năm 2014).

Trở về Nagiarét có thể là cách để đối mặt với một cuộc khủng hoảng về căn tính và được đổi mới như những mục tử, các môn đệ và những nhà truyền giáo. Chính anh chị em đã nói về một mối quan tâm nhất định được phóng đại trong việc quản lý tài nguyên hoặc chăm sóc phúc lợi cá nhân của chúng ta. Khi đó, chúng ta đi “những con đường vòng” thường xuyên kết thúc nơi thái độ ưu tiên cho các hoạt động bảo đảm có lợi lộc, và những điều này khiến chúng ta chống lại việc tận hiến cuộc sống mình cho các chăm sóc mục vụ hàng ngày. Những hình ảnh của người thiếu nữ đơn sơ trong nhà của mình, tương phản với tất cả các hoạt động của đền thờ và thành phố Giêrusalem, có thể là một tấm gương trong đó chúng ta nhìn thấy những phức tạp và lo ngại đang làm lu mờ và tan biến sự quảng đại trong lời “xin vâng” của chúng ta.

Những nghi ngờ của ông Giêcaria, cùng với nhu cầu của ông muốn có những lời giải thích, tương phản với lời “xin vâng” của Đức Maria, là người chỉ hỏi cho biết tất cả mọi thứ nói về Mẹ sẽ được thực hiện như thế nào. Ông Giêcaria không thể vượt qua mong muốn kiểm soát được mọi thứ; ông không thể từ bỏ nếp nghĩ của một người thích chịu trách nhiệm cho mọi thứ xảy ra. Đức Maria không ngần ngại hay lo toan cho bản thân mình: thay vào đó, Mẹ phó dâng chính mình; Mẹ tin tưởng. Đó là một cuộc đấu tranh không ngừng trong quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa như Giêcaria, như một thầy thông luật: luôn luôn khống chế, luôn luôn đánh giá xem là liệu sự đền đáp có tương xứng với công việc được thực hiện hay không, liệu đó có phải là do tôi mà có, vì Chúa chúc phúc cho tôi, liệu Giáo Hội có bị buộc phải nhận ra những nhân đức của tôi và công việc khó khăn của tôi. Chúng ta không nên hoạt động vì tư lợi của chính mình; nhưng đúng hơn, sự mệt mỏi của chúng ta nên liên quan đến “khả năng thể hiện lòng từ bi của chúng ta; và liệu tâm hồn của chúng ta có ‘xúc động’ và tham gia hoàn toàn vào việc thực hiện chúng không. Chúng ta vui mừng với các cặp vợ chồng kết hôn; chúng ta phải cười với những đứa trẻ được mang đến giếng rửa tội; chúng ta phải đồng hành cùng với các cặp hứa hôn và gia đình trẻ; chúng ta phải chịu đau khổ với những người nhận được bí tích xức dầu bệnh nhân trên giường bệnh; chúng ta phải đau buồn thương tiếc với những người vừa chôn cất một người thân “ (Bài giảng Lễ Dầu, ngày 02 tháng Tư năm 2015).

Chúng ta thường bỏ ra hết giờ này sang giờ khác, hết ngày này sang ngày khác để đồng hành cùng một người mẹ bị AIDS, một đứa trẻ mồ côi, một bà nội chăm sóc nhiều cháu, hoặc một người trẻ vừa lên thành phố và tuyệt vọng vì không thể tìm thấy công ăn việc làm.. . “ Tất cả những cảm xúc này có thể làm cạn kiệt trái tim của một mục tử. Đối với chúng ta, các linh mục, những gì xảy ra trong cuộc sống của người dân chúng ta không giống như một bản tin: chúng ta biết người của chúng ta, chúng ta cảm nhận được những gì đang diễn ra trong trái tim của họ. Trái tim của chúng ta, khi chia sẻ nỗi đau khổ của họ, cảm thấy ‘đồng-thương khó’, đã cạn kiệt, tan vỡ thành hàng ngàn mảnh, bị lay động và thậm chí là ‘bị tiêu hao’ bởi mọi người. Hãy cầm lấy mà ăn. Đây là những lời mà vị linh mục của Chúa Giêsu thì thầm liên tục trong khi chăm sóc cho những tín hữu của mình: Hãy cầm lấy mà ăn; hãy cầm lấy mà uống.. . Bằng cách này đời sống linh mục của chúng ta được trao ban trong sự phục vụ, trong sự gần gũi với dân Thiên Chúa.. . và điều này luôn khiến chúng ta mệt mỏi “ (ibid.).

Canh tân ơn gọi của chúng ta thường đòi hỏi phải biết phân định xem sự mệt mỏi và lo lắng của chúng ta có phải là kết quả của một “tinh thần thế gian” áp đặt bởi “sự quyến rũ của hàng ngàn quảng cáo thương mại gây mất tập trung hay không, như thế chúng ta mới có thể tiến về phía trước, một cách tự do, dọc theo những con đường dẫn chúng ta đến tình yêu dành cho anh em chúng ta chị em, dành cho đoàn chiên của Chúa, dành cho các con chiên đang chờ đợi tiếng nói của người mục tử của mình” (Bài giảng Lễ Dầu, ngày 24 tháng Ba năm 2016).

Làm mới lời mời gọi dành cho chúng ta phải liên quan đến việc lựa chọn và nói “vâng” và để cho sự mệt mỏi của chúng ta đến từ những điều sinh hoa kết quả ra trong mắt Chúa, những điều làm Chúa Giêsu Con Ngài hiện diện và nhập thể. Mong sao chúng ta có thể tìm thấy, trong sự mệt mỏi ơn ích này nguồn gốc của căn tính và hạnh phúc của chúng ta!

Mong sao cho những người trẻ của chúng ta có thể thấy rằng chúng ta tự để cho mình bị “ăn và uống”, được truyền cảm hứng để theo Chúa Giêsu, được rạng rỡ với niềm vui của một dấn thân hàng ngày không áp đặt nhưng được nuôi dưỡng và lựa chọn trong im lặng và cầu nguyện, sẽ ước ao nói lên tiếng “xin vâng” của mình. Anh chị em nào vẫn đang còn đang tự vấn, và những anh chị em nào đã dứt khoát đi trên con đường tận hiến, không bao giờ nên quên rằng “sự căng thẳng và nhịp độ nhanh chóng của một thế giới liên tục bắn phá chúng ta với các tác nhân kích thích có thể không chừa lại lại không gian nào cho sự thinh lặng nội tâm, trong đó chúng ta có thể cảm nhận được ánh mắt của Chúa Giêsu, và nghe được lời mời gọi của Ngài. Trong khi đó, nhiều lời mời chào trọn gói hấp dẫn sẽ ập đến. Chúng có vẻ hấp dẫn và đầy kích thích, mặc dù theo thời gian chúng sẽ chỉ khiến cho anh chị em cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi và cô đơn. Đừng để điều này xảy ra với anh chị em, bởi vì nhịp độ quay cuồng của thế giới này có thể khiến anh chị em đi theo một con đường không có ý nghĩa thực sự, không có phương hướng, không có mục tiêu rõ ràng, và do đó cản trở nhiều nỗ lực của anh chị em. Thật là tốt để tìm ra các khoảng khắc lắng đọng và yên tĩnh cho phép anh chị em suy tư, cầu nguyện, nhìn rõ ràng hơn vào thế giới xung quanh mình, và sau đó, với Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra đâu là ơn gọi của mình trong thế giới này “ (Christus Vivit, 277 ).

Suy tư về sự tương phản được trình bày cho chúng ta bởi Thánh Sử Luca đạt đến đỉnh điểm trong cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ: bà Êligiabét và Đức Maria. Đức Trinh Nữ đến thăm người chị họ lớn tuổi của mình và tất cả mọi thứ là một cử hành tán tụng ca khen tuyệt vời. Một phần của Israel đã nắm bắt được sự thay đổi sâu sắc và chóng mặt này trong kế hoạch của Thiên Chúa, và để mình được viếng thăm. Kết quả là hài nhi nhảy mừng trong bụng mẹ. Trong một khoảnh khắc, ở giữa một xã hội phụ hệ, thế giới của những người đàn ông lùi lại và im lặng, giống như Giêcaria. Hôm nay cũng vậy, chúng ta cần các giáo lý viên, những người phụ nữ Mozambique nhắc nhở anh chị em rằng không có gì có thể khiến anh chị em đánh mất đi nhiệt tình truyền giáo, và nhiệt tình thực hiện sứ mệnh được ủy thác khi nhận lãnh bí tích rửa tội. Nơi những người phụ nữ này, chúng ta có thể thấy tất cả những người khác, những người ra đi gặp gỡ anh chị em của họ: những người như Đức Maria, viếng thăm người khác và những người để họ được viếng thăm, những người cho phép người khác thay đổi cuộc sống của mình bằng cách chia sẻ với họ văn hóa, và lối sống cũng như thể hiện đức tin của mình.

Mối quan tâm mà anh chị em bày tỏ cho chúng ta thấy rằng hội nhập văn hóa sẽ luôn là một thách thức, tới lui như con thoi, như đã từng xảy ra giữa hai người phụ nữ là những người đã thay đổi bởi sự gặp gỡ, đối thoại và sự phục vụ. “Các Giáo Hội cụ thể cần tích cực thúc đẩy tối thiểu là các hình thức hội nhập văn hóa cơ bản. Mục đích cuối cùng là Tin Mừng, như được rao giảng trong các phạm trù phù hợp với từng nền văn hóa, sẽ tạo ra một sự tổng hợp mới với nền văn hóa cụ thể đó. Đây luôn là một quá trình chậm chạp và đôi khi chúng ta có thể quá sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta để cho những nghi ngờ và nỗi sợ hãi làm giảm bớt lòng can đảm của chúng ta, thay vì khiến chúng ta trở nên sáng tạo hơn, chúng ta sẽ vẫn cứ ung dung trong khi không có chút tiến bộ nào. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ không tham gia tích cực trong quá trình lịch sử, nhưng chỉ là những kẻ bàng quang trong khi Giáo Hội tàn lụi dần” (Niềm Vui Phúc Âm, 129).

“Khoảng cách” giữa Nagiarét và Giêrusalem được rút ngắn và biến mất với lời “xin vâng” được Đức Maria thốt lên. Sự xa cách, chủ nghĩa địa phương cụ bộ và tinh thần bè phái, việc liên tục xây dựng các bức tường, đang làm suy yếu tính năng động của mầu nhiệm nhập thể, là điều đã phá vỡ bức tường ngăn cách chúng ta (xem Ê-phê-sô 2:14). Anh chị em, tối thiểu là những người cao niên trong anh chị em, đã từng phải chứng kiến sự chia rẽ và xung đột gây ra chiến tranh như thế nào. Anh chị em phải luôn luôn sẵn sàng để “viếng thăm”, để rút ngắn khoảng cách. Giáo Hội tại Mozambique được mời gọi trở thành Giáo Hội Thăm viếng; Giáo Hội không thể là một phần trong chuyện đố kỵ, thiếu tôn trọng và chia rẽ khiến một số người chống lại những người khác, nhưng thay vào đó, Giáo Hội phải là một cánh cửa cho các giải pháp, và là một không gian nơi sự tôn trọng, trao đổi và đối thoại là khả thi.

Câu hỏi được đặt ra về cách chúng ta phản ứng đối với các cuộc hôn nhân liên tôn giáo thách thức xu hướng dai dẳng này của chúng ta về sự phân chia, tách rời chứ không phải là hợp nhất. Điều tương tự cũng đúng với mối quan hệ giữa các quốc tịch và chủng tộc, giữa Bắc và Nam, giữa các cộng đồng, giữa các linh mục và các giám mục. Đó là một thách thức bởi vì phát triển “một nền văn hóa gặp gỡ hòa bình và đa diện” đòi hỏi “ một quá trình liên tục, trong đó mỗi thế hệ mới phải tham gia: đó là một nỗ lực chậm và khó khăn đòi hỏi một mong muốn hội nhập và ý chí muốn đạt được điều này”. Đây là điều kiện cần thiết cho “tiến bộ trong việc xây dựng một dân tộc trong hòa bình, công lý và tình huynh đệ”, cho “sự phát triển của cuộc sống trong xã hội và việc xây dựng một dân tộc trong đó sự khác biệt được hài hòa khi cùng theo đuổi mục đích chung” (Niềm Vui Phúc Âm, 220, 221 ).

Như Đức Maria lên đường đến nhà bà Êligiabét, chúng ta cũng vậy, với tư cách là một Giáo Hội, chúng ta phải tìm ra con đường để đối mặt với những vấn đề mới, chú ý không để mình bị tê liệt bởi não trạng chống đối, chia rẽ và lên án. Hãt cất bước trên con đường đó và tìm kiếm câu trả lời cho những thách thức này bằng cách cầu xin sự giúp đỡ không ngừng của Chúa Thánh Thần. Vì Ngài là Thầy có thể chỉ cho chúng ta những con đường mới để tiến bước.

Như thế, chúng ta hãy làm sống lại ơn gọi của mình trong ngôi đền tráng lệ này được dành riêng cho Đức Maria. Cầu xin cho cam kết “xin vâng” của chúng ta công bố sự vĩ đại của Chúa và làm tinh thần của người dân chúng ta hân hoan trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ chúng ta (x Lc 1: 46-47). Cầu xin cho đất nước Mozambique yêu dấu của chúng ta tràn đầy hy vọng, hòa bình và hòa giải!

Tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi, và mời gọi những người khác cùng làm như thế.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh gìn giữ anh chị em.

Cảm ơn anh chị em.


Source:Libreria Editrice Vaticana