Sáng thứ tư 32-1 ĐTC đã tiếp kiến hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô. Hai nhóm đông nhất là 2.000 học sinh Trường Đức Bà Phù Hộ Roma, và 1.300 học sinh Học viện Giêsu Maria Roma. Bên cạnh đó là các nhóm quốc tế như nhóm 31 vị Giám đốc quốc gia các Hiệp hội giáo hoàng truyền giáo và 30 nữ tu dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nhóm 148 linh mục tham dự đại hội quốc tế về đề tài “Đức tin và việc phân định ơn gọi”, nhóm 15 đại biểu cuộc gặp gỡ 2019 tại Giêrusalem. Ngoài ra có nhiều nhóm đến từ các nước Âu châu như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo. Từ Hoa Kỳ có 5 nhóm trong đó có nhóm 225 sinh viên các đại học Loyola, Chicago Illinois và Rome campus, và nhóm 160 sinh viên của đại học thánh Gioan New York. Đến từ xa nhất là nhóm 40 sinh viên đại học công giáo Australia, và hai nhóm tín hữu Argentina.
Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ và giải thích phần Phụng vụ Lời Chúa. Ngài nói: chúng ta tụ họp nhau tham dự Thánh Lễ trước hết để lắng nghe điều Thiên Chúa đã làm và còn muốn làm cho chúng ta. Đây là một kinh nghiệm trực tiếp chứ không phải là nghe nói đến, bởi vì khi trong Giáo Hội Thánh Kinh được đọc lên, thì chính Thiên Chúa nói vói dân Ngài và Chúa Kitô hiện diện trong lời Ngài loan báo Tin Mừng” (Thứ tự tổng quát của sách Lễ Roma, 29; Hiến chế SC 7; 33).
Có biết bao lần khi Lời Chúa được đọc thì người ta bình luận: “Này hãy nhìn ông này, hãy nhìn bà nọ, hãy nhìn cái mũ bà kia đội: tức cười thật”. Và người ta bắt đầu bình luận. Có đúng vậy hay không? Có đúng không? Phải bình luận trong khi nghe đọc Lời Chúa à? Tôi xin hỏi anh chị em: có phải làm vậy hay không? Không – mọi người trả lời – ĐTC nói tiếp: Bởi vì nếu bạn nói chuyện bép xép với người khác thì bạn không nghe Lời Chúa. Khi đọc Lời Chúa trong Thánh Kinh – Bài đọc nhất, bài đọc hai, Thánh vịnh đáp ca và Tin Mừng – chúng ta phải lắng nghe, phải mở con tim ra để cho chính Chúa nói với chúng ta và không nghĩ tới các điều khác hay nói về các điều khác. Đã hiểu chưa? Tôi không tin là đã hiểu nhiều. Tôi sẽ giải thích cho anh chị em biết điều gì xảy ra trong Phụng Vụ Lời Chúa.
ĐTC giải thích như sau:
** Các trang Thánh Kinh thôi là một bản viết để trở thành lời nói sống động, được chính Thiên Chúa công bố. Chính Thiên Chúa qua điều được đọc nói với chúng ta, mời gọi chúng ta lắng nghe với lòng tin. Thần Khí Đấng đã nói qua các ngôn sứ” (Kinh Tin Kính) và đã linh hứng các tác giả thánh, làm cho “lời của Thiên Chúa hoạt động thực sự trong trái tim điều đã vang lên trong tai” (Sách Bài Đọc, dẫn nhập, s.9). Nhưng để lắng nghe Lời Chúa cũng cần có con tim rộng mở để tiếp nhận các lời trong tim. Thiên Chúa nói và chúng ta lắng nghe, để rồi thực hành điều chúng ta đã nghe.
Lắng nghe rất là quan trọng. Đôi lần có lẽ chúng ta không hiểu tại sao lại có vài bài đọc hơi khó hiểu… Nhưng Thiên Chúa cũng nói với chúng ta trong một cách thế khác : trong thinh lặng và lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta đừng quên điều này. Trong Thánh Lễ khi chúng ta bắt đầu các bài đọc, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa.
Chúng ta cần lắng nghe Thiên Chúa! Đây thật là một vấn đề của sự sống, như kiểu diễn tả sắc nhọn sau đây “Con người sẽ không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn sống bằng mọi lời phát ra từ miệng Thiên Chúa nữa” (Mt 4,4). Sự sống trao ban cho chúng ta Lời Chúa. Trong nghĩa này chúng ta nói tới Phụng Vụ Lời Chúa như là “bàn tiệc” Chúa dọn để dưỡng nuôi cuộc sống thiêng liêng của chúng ta. Bàn tiệc phụng vụ là một bàn tiệc dồi dào, kín múc một cách rộng rãi từ các kho tàng của Thánh Kinh (x. SC, 51) Cựu Ước cũng như Tân Ước, bởi vì trong đó Giáo Hội loan báo cùng mầu nhiệm duy nhất của Chúa Kitô (x. Sách Bài Đọc, Dẫn nhập 5). Chúng ta hãy nghĩ tới sự phong phú của các bài đọc Sách Thánh được cống hiến bởi ba chu kỳ Chúa Nhật, mà dưới ánh sáng của các Phúc Âm Nhất Lãm, chúng đồng hành với chúng ta dọc dài năm phụng vụ, một sự phong phú lớn. Ở đây tôi cũng muốn nhắc lại tầm quan trọng của Thánh Vịnh đáp ca, có nhiệm vụ tạo thuận tiện cho việc suy gẫm những gì đã nghe trong bài đọc trước đó. Thật tốt là Thánh vịnh được đánh giá cao với việc hát lên ít nhất là điệp khúc (Sách Bài Đọc, Dẫn nhập, 19-22). Cả các bài đọc ngày thường cũng rộng ban của ăn cho cuộc sống kitô trong chu kỳ hai năm.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói việc công bố phụng vụ của các bài đọc với các bài ca lấy ra từ Thánh Kinh, diễn tả và tạo thuận tiện cho tình hiệp thông giáo hội đồng hành với lộ trình sống của tất cả và của từng tín hữu. ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:
** Vì thế chúng ta hiểu tại sao vài việc lựa chọn chủ quan, như bỏ các bài đọc hay thay thế chúng bằng các văn bản không kinh thánh, bị cấm. Tôi đã nghe nói có người dọc báo vì có tin tức trong ngày- Không!
Lời Chúa là Lời Chúa! Nhật báo chúng ta có thể dọc sau. Nhưng trong Thánh Lễ chúng ta đọc Lời Chúa. Chính Chúa nói với chúng ta. Thay thế Lời Chúa bằng các điều khác làm nghèo nàn đi và gây nguy hiểm cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong việc cầu nguyện. Trái lại, phẩm giá của giá sách và việc dùng Sách Bài Đọc, việc sắp xếp các người đọc tốt và các người hát thánh vịnh quan trọng. Hãy tìm những người đọc tốt, những người biết đọc chứ không phải những người đọc mà ngưòi ta không hiểu gì hết. Như thế này ĐTC đọc lâm râm một câu làm thí dụ. Chọn các người đọc tốt. Cần phải đọc thử trước Thánh Lễ để đọc tốt. Điều này tạo ra một bầu khí thinh lặng đón nhận.
Chúng ta biết rằng lời Chúa là một trợ giúp cần thiết để chúng ta không lạc lối, như tác giả thánh vịnh xưng thú hhi hướng tới Chúa: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi “ (Tv 119,105). Làm sao chúng ta có thể đương đầu với cuộc lữ hành trần thế với các mệt nhọc và thử thách của nó, mà không được thường xuyên nuôi dưỡng và soi sáng bởi Lời Chúa vang lên trong phụng vụ?
Chỉ nghe bằng tai không thôi mà không tiếp nhận trong con tim hạt giống Lời Chúa và cho phép nó sinh hoa trái, thì chắc chắn là không đủ. Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn người gieo giống và các kết quả khác nhau theo các loại đất khác nhau (x. Mt 4,14-20). Hoạt động của Thánh Thần khiến cho câu trả lời hữu hiệu, cần tới các con tim để cho Ngài làm việc và vun trồng, làm sao để những gì đã nghe trong Thánh Lễ bước sang cuộc sống thường ngày, như tông đồ Giacôbê cảnh cáo: “Anh em hãy là những người thực hành Lời Chúa chứ không chỉ là những người nghe suông và lừa dối chính mình” (Gc 1,22). Lời Chúa bước đi trong chúng ta. Chúng ta lắng nghe
Lời Chúa với đôi tai, nói qua trái tim, chứ không ở lại trong đôi tai, Lời Chúa phải đi vào trái tim và từ trái tim đi ra đôi tay, đi ra các công việc làm tốt lành. Đó là lộ trình mà Lời Chúa làm: từ đôi tai sang trái tim và ra đôi tay. Chúng ta hãy học các điều này.
** ĐTC đã chào các đoàn hành hương hiện diện. Với các nhóm nói tiếng Pháp ngài khích lệ mọi người hiểu biết tầm quan trọng của Lời Chúa giúp đương đầu với cuộc lữ hành trần gian và cần phải thực thi lời Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Chào các nhóm nói tiếng Anh ngài xin Chúa ban cho họ và gia đình họ niềm vui và sự an bình. Chào các nhóm nói tiếng Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Brasil, ngài khích lệ mọi người tiếp nhận Lời Chúa trong con tim, lấy thánh ý Chúa làm trung tâm điểm cuộc sống như Mẹ Maria và để cho Lời Chúa sinh nhiều hoa trái.
Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC khích lệ họ để cho Lời Chúa nhào nặn cuộc sống gia đình đặc biệt là trong việc giáo dục trẻ em và giới trẻ, không sợ hãi loan báo Thiên Chúa và nói về đức tin và Giáo Hội.
Trong số các nhóm nói tiếng Ý ngài chào các nữ tu Salesien và cầu chúc các nữ tu tiếp tục cống hiến nền giáo dục có nhiều giá trị cho các thế hệ trẻ.
Chào giới trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua lễ nhớ thánh Don Bosco là cha và thầy dậy giới trẻ. Ngài nhắn nhủ người trẻ nhìn lên thánh nhân như nhà giáo dục gương mẫu; người đau yếu biết noi gương thánh nhân tín thác mọi sự cho Chúa Kitô chịu đóng đinh, và các cặp vợ chồng mới cưới xin thánh nhân bầu cử cho họ biết quảng đại dấn thân sống sứ mệnh đời hôn nhân.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khài
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news