Trong cuộc sống của chúng ta, vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ, nhất là đồng bào ở vùng sâu vùng xa và người dân tộc thiểu số. Biết bao những mảnh đời bất hạnh, ốm đau bệnh tật không đủ thuốc chữa, đói không có lương thực và trẻ em không được học hành. Bên cạnh đó, cũng có quá nhiều hành động gây lãng phí. Người ta chi phí những món tiền khổng lồ không phải do nhu cầu, mà chỉ để khẳng định đẳng cấp hoặc để tranh đua thiệt hơn.
Một cuộc nghiên cứu đã kết luận rằng mỗi năm trên thế giới có đến 1,3 tỷ tấn thức ăn bị trút vào thùng rác, cùng với 250 tỷ mét khối nước sạch bị lãng phí. Tại một số quốc gia Âu, Mỹ, đã có những sáng kiến thu gom thức ăn hoặc thực phẩm thừa tại các nhà hàng, siêu thị để chế biến và phát miễn phí cho người nghèo. Những cố gắng này, vừa nhằm giúp đỡ những người khó khăn, vừa nhằm gửi đi một thông điệp kêu gọi tiết kiệm.
Người dân ở các nước phát triển có điều kiện kinh tế hơn chúng ta. Tuy vậy, họ tính toán rất kỹ lưỡng trong việc sử dụng tiền bạc. Từ bữa ăn thường ngày đến những dịp kỷ niệm, phải tính toán để thức ăn không thừa và đồ dùng không hoang phí. Đối với họ, điều kiện kinh tế khá giả không đồng nghĩa với sự lãng phí xa hoa. Những sự kiện quan trọng trong đời như đám cưới, đám tang, điều được quan tâm nhấn mạnh là ý nghĩa của những biến cố đó, chứ không phải ở những bữa tiệc đông nghẹt thực khách.
Theo định nghĩa của Từ điển: “lãng” là phóng túng; “phí” là chi tiêu. Lãng phí là làm mất một cách vô ích tiền của, sức lực, thời gian.
Ở khắp các địa phương, chúng ta thấy có nhiều công trình xây cất với tổng kinh phí khổng lồ. Đơn vị tính của các công trình ấy là “ngàn tỷ”. Có nhiều công trình đang dở dang, phải “đắp chiếu” vì kế hoạch thay đổi hoặc vì bị “rút ruột” nên thiếu kinh phí. Có những công trình đã hoàn thành, nhưng công năng sử dụng không phù hợp. Nhiều công trình rất “hoành tráng” nhưng lại đìu hiu vì không có người lui tới, như trường hợp nhà Bảo tàng Hà Nội được báo chí phản ánh nhiều lần.
Có những công trình được xây cất cho một sự kiện, rồi sau đó cũng bỏ hoang, như trường hợp một số nhà thi đấu nhân dịp Hội nghị SEA Games 22 (năm 2003). Những nhà thi đấu được xây tại 10 tỉnh và thành phố. Hiện tại, một số lớn trong số những công trình này rất ít khi sử dụng. Một số công trình mới hoàn thành đã xuống cấp nghiêm trọng, do gian lận hoặc do thiếu chuyên môn. Người ta tìm đủ mọi lý do để biện minh cho sự xuống cấp này, thậm chí đổ cho thời tiết. Xem ra ông Trời cũng là một “thủ phạm” gây nên sụt lún cầu đường.
Trong xã hội hiện đại của chúng ta, xuất hiện những danh xưng của thời phong kiến: đại gia, thiếu gia, cậu ấm cô chiêu… Những danh từ này để chỉ nhà giàu, quan chức và gia đình họ. Để cho tương xứng với đẳng cấp xã hội, cơ ngơi của những đại gia này được gọi là “biệt phủ”, rất sang trọng và là nơi tập trung những “kỳ hoa dị thảo” và những đồ vật, động vật hiếm quý. Tiền lương chính thức của các quan chức không nhiều, nhưng họ có những gia sản kếch xù.
Vì tiền kiếm được dễ dàng, nên họ cũng chi tiêu thoải mái, sẵn sàng “ném tiền qua cửa sổ”. Những đám tang, đám cưới của “nhà quan” thường được tổ chức rất trọng thể và linh đình. Tiền phúng viếng và tiền mừng tỉ lệ thuận với mức độ linh đình ấy. Có những đám cưới con đại gia ở miền quê nghèo, chi phí đến hàng chục tỷ đồng, giữa những người quanh năm chân lấm tay bùn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Lãng phí không chỉ ở ngoài đời mà cả trong Đạo. Những công trình xây cất nhiều khi không phải do nhu cầu của cộng đoàn xứ họ, mà để phô trương thanh thế. Những vị ân nhân dâng cúng đòi hỏi phải được khắc bia ghi tên ở vị trí mọi người đều có thể dễ dàng nhìn thấy. Một số công trình tốn kém, nhưng không có quy hoạch tổng thể và không bảo đảm chất lượng hay nghệ thuật, nên chỉ một thời gian ngắn sau đã bị phá bỏ. Tiền công đức của mọi người bỗng chốc thành đống gạch vụn.
Thật khó để kêu gọi mọi người đóng góp cho công việc bác ái, nhưng nếu tổ chức liên hoan ăn mừng thì số người tham dự có thể lên tới trăm mâm cỗ là điều dễ dàng. Người ta có thói quen đánh giá sự long trọng của buổi lễ khánh thành hay tạ ơn ở số lượng mâm cỗ và số thực khách.
Có nơi còn tiệc tùng trước sau sự kiện, gây nên tốn kém và lãng phí. Việc tặng hoa nhân dịp kỷ niệm là nét đẹp văn hóa và thể hiện tình thân. Tuy vậy, số lượng hoa tặng quá nhiều, tính đến vài chục, thậm chí hằng trăm lẵng hoa, để rồi, giá trị của lẵng hoa chỉ bằng một cái chạm tay giữa người nhận và người tặng, rồi sau đó được chất thành đống và nhanh chóng biến thành rác.
Từ vài năm trở lại đây, mỗi khi tết đến xuân về, biết bao lễ hội được tổ chức. Đây cũng là những chi phí rất tốn kém, mặc dù do người dân tự nguyện đóng góp. Người ta pha trộn giữa cái tâm linh và cái thế tục, tạo ra một danh từ mơ hồ: du lịch tâm linh. Một số nhà kinh doanh rất nhạy cảm với thị hiếu của quần chúng và đây là cơ hội để làm giàu.
Mỗi lễ hội lại có biết bao dịch vụ ăn theo, nhất là cờ bạc đen đỏ. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, đa số người dân ở miền Bắc vẫn giữ tục lệ này. Suốt tháng đầu năm âm lịch, người ta tổ chức nhiều cuộc vui chơi, tốn kém. Kể cả các cơ quan hành chính cũng chỉ mở cửa cho có lệ, mọi công việc trì trệ vì lý do vui xuân.
Một trong những quà tặng quý giá mà Thượng Đế ban cho con người, đó là món quà thời gian. Nhiều người lãng phí thời gian, sống không có lý tưởng, vật vờ như bèo trôi giữa dòng nước cuộc đời, để mặc cho thế sự hoàn cảnh đưa đẩy. Nhiều bạn trẻ không có một định hướng cho tương lai, vùi mình vào những đam mê tệ nạn mà không biết đến ngày mai.
Người trân trọng món quà thời gian biết sống có ý nghĩa đối với bản thân và với tha nhân. Họ ý thức người ta chỉ sống một cuộc đời, và thời gian đang lặng lẽ trôi đi mà không bao giờ trở lại. “Đôi khi trễ hẹn một giờ, đến khi muốn gặp phải chờ trăm năm”. Những gì ta bỏ lỡ hôm nay, có thể sẽ bỏ lỡ suốt đời.
Nói về tình trạng lãng phí trong bối cảnh thế giới còn nhiều người nghèo khổ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Lương thực để lãng phí là lương thực ăn cắp của người nghèo” (Phát biểu nhân ngày môi trường thế giới, 5-6-2013). Theo Đức Thánh Cha, mỗi người đều phải trân trọng của cải và sử dụng đúng mức, đồng thời phải biết chia sẻ cho những người kém may mắn đang sống xung quanh mình. Của cải mà chúng ta may mắn có được là Chúa trao cho chúng ta quản lý. Người quản lý khôn ngoan là người biết làm cho số vốn mình đã nhận sinh lời.
Trong Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta về người phú hộ (x. Lc 16,19-31). Ông giàu có, xa hoa tiệc tùng suốt ngày, nhưng lại dửng dưng trước nỗi thống khổ của anh Lagiarô đói khát, mình đầy ghẻ lở. Bên cạnh những bữa tiệc sang trọng, anh Lagiarô chỉ muốn ăn đồ thừa rơi xuống từ bàn tiệc mà không được. Sự chết đã tước khỏi người phú hộ tất cả những gì ông ta sở hữu và khiến ông phải ở trong tình trạng trầm luân đau khổ.
Xung quanh chúng ta hôm nay, vẫn đang còn đó những nhà phú hộ và những Lagiarô. Ước chi người ta thận trọng hơn trong việc tổ chững những lễ hội, những công trình xây cất để tránh lãng phí. Ước chi những người có điều kiện kinh tế hãy quan tâm đến người nghèo, để nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh và để lòng nhân ái được nhân rộng.
Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư Chung gửi tới mọi thành phần Dân Chúa đầu tháng 10 vừa qua, đã đưa ra những hướng dẫn rất cụ thể để bảo vệ môi trường và chống lãng phí. Những cử chỉ tưởng chừng như rất đơn giản như tắt điện, khóa vòi nước khi không cần thiết, nhưng lại góp phần tiết kiệm và tạo ý thức chung. Cũng vậy, không xả rác bừa bãi, tôn trọng môi trường thiên nhiên, cũng là những “việc nhỏ mà nghĩa lớn”.
Đối với người tín hữu, những hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên còn phải đi đôi với những cố gắng để xây dựng một môi trường cuộc sống thấm đượm giáo huấn Tin Mừng; những hành vi tiết kiệm phải dẫn đến những nghĩa cử sẻ chia bác ái, để qua đó, vương quốc tình yêu mà Chúa Giêsu rao giảng sớm được thực hiện trong cuộc sống của chúng ta.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
nguồn: http://hdgmvietnam.org