Kitô hữu và việc tạ ơn Chúa

Có thể nói, suốt cả cuộc đời Ki-tô hữu chúng ta là một lời kinh tạ ơn và ngợi khen. “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, / muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 1); “Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng Chúa, / sống bao lâu, nguyện đàn ca kính Chúa Trời” (Tv 146, 2). 

Hằng ngày, ít nhất cũng có một vài dịp chúng ta nhớ đến và thực hành việc tạ ơn Chúa. Chẳng hạn, sau giấc ngủ ban sáng, trước/ sau các bữa ăn, sau những lúc hoàn thành công việc bổn phận. Đặc biệt, trong thánh lễ, chúng ta có dịp cùng cộng đoàn lên tiếng tạ ơn, đó là lúc nghe xong hai bài đọc và sau câu chúc “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an” của vị chủ tế... 

Thực ra, việc tạ ơn Chúa của Ki-tô hữu không chỉ diễn ra khi làm một vài việc nào đó, trong một thời khắc nào đó, mà hơn thế, đó phải là một nếp sống đạo đức thường xuyên trong tâm tình vui mừng, sốt mến và khiêm nhu... “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa / và ca ngợi Thánh Danh muôn thủa muôn đời” (Tv 144, 2). Riêng thánh Phao-lô cũng đã khuyên nhủ các tín hữu: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1Tx 5, 16-18). 

Đối với Ki-tô hữu, việc tạ ơn Chúa chẳng những là một hành vi biết ơn thông thường của kẻ chịu ơn, mà còn là một bổn phận tôn giáo có liên quan đến đức tin và lòng mến của chúng ta đối với Thiên Chúa. Thực vậy, “Khám phá việc tạ ơn trong Thánh Kinh cũng là tìm thấy niềm vui mừng (Tv 33, 1-3. 21), sự ca ngợi và hân hoan (Esđ 3, 11; Tv 69, 31), sự tôn vinh Thiên Chúa (Tv 50, 23; 86, 12). Nói rõ hơn, tạ ơn là công khai tuyên xưng các kỳ công hiển nhiên của Thiên Chúa. Ngợi khen Chúa, tức là cao rao các vẻ cao siêu của Ngài; cảm tạ Chúa, tức là công bố những việc diệu kỳ Ngài thực hiện, và làm chứng cho các công trình của Ngài” (x. Mục từ “Tạ ơn”, Điển ngữ THTK GHHV Pi-ô X Đalat). 

* KI-TÔ HỮU TẠ ƠN CHÚA VỀ NHỮNG ĐIỀU GÌ? 

Bình thường Ki-tô hữu chúng ta có thói quen tạ ơn về những điều mình đã nhận được qua việc cầu xin. Đây đó, tại những khu vực thích hợp, trong hoặc ngoài nhà thờ, người ta dễ dàng nhìn thấy những tấm bia đá ghi khắc mấy chữ “Tạ ơn Chúa”, “Tạ ơn Đức Mẹ”, “Tạ ơn ông thánh...bà thánh...”. Người ta cũng thấy đặt để đây đó những hòm/ thùng tiền tạ ơn hoặc nghe những lời thông báo tạ ơn trước hoặc sau thánh lễ. Tất cả những việc đó nói lên điều gì? Nói lên điều này là chúng ta thường chỉ quan tâm đến việc cám ơn khi đã được những ơn cầu xin. Và sự đền ơn đáp nghĩa của chúng ta thường đơn giản chỉ tính bằng tiền bạc, vật chất như một bó hoa, một hai cây nến, một vài đóng góp nào đó cho việc đạo vv... 

Thực ra, việc tạ ơn của chúng ta phải liên quan đến những ơn huệ cao cả vĩ đại hơn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua Đức Giê-su Ki-tô và trong Hội thánh của Người. Chúng ta thử đọc và phân tích kinh Cám Ơn mà chúng ta đọc hằng ngày để xem nội dung tạ ơn gồm những gì: 

Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời mà lại sinh ra con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết trên cây thánh giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời cũng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội thánh nữa, và đã cho phần xác con (ngày / đêm) hôm nay được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào thì con cùng hợp cùng các thánh mà dâng chúa con cùng cám ơn như vậy. Amen”.

Dựa vào nội dung kinh trên, chúng ta có thể kể ra 4 ơn huệ cao trọng nhất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, đó là: Ơn làm người, ơn cứu chuộc, ơn làm Ki-tô hữu và ơn quan phòng. 

- Ơn huệ làm người 

Ơn đầu tiên mà con người phải luôn ghi khắc trong lòng, đó là ơn được làm người. Từ hư vô, Thiên Chúa đã “kéo” con người ra và ban cho họ sự sống. Thánh Kinh đã ghi lại: “Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.’ Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ ” (St 1, 26-27). 

Quả vậy, “Ơn gọi đầu tiên và là nền tảng của mọi ơn gọi tự nhiên là ơn gọi làm người. Từ hư vô con người trở thành hiện hữu do ý muốn của Thiên Chúa và mang trong mình một định hướng siêu việt. Mỗi con người là một công trình tác tạo phát xuất từ chính sự sống của Thiên Chúa và nằm trong kế hoạch tình yêu muôn đời của Ngài. Vì thế sự sống của mỗi con người gắn liền với chính sự sống của Thiên Chúa, và tình yêu nơi mỗi người là dấu ấn khắc ghi tình yêu bao la của Ngài...” (LM Thái Nguyên, bài “Ơn gọi hiện diện”, nguồn simonhoadalat.com). 

Ơn huệ được làm người là một ơn nhưng không mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã muốn chia sẻ sự sống và tình yêu cho họ để họ được hưởng sự vinh quang đời đời như Người. Giáo lý HTCG đã diễn giải như sau: “Mỗi con người đều mang hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh ấy rực sáng trong sự hiệp thông nhân vị, giống sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa” (Số 1702); “Được ban cho một linh hồn bất tử, con người là ‘thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ’. Ngay từ lúc tượng thai, con người được Thiên Chúa tiền định để hưởng hạnh phúc đời đời ” (Số 1703). 

- Ơn cứu chuộc 

Ơn huệ kế tiếp là ơn mà tất cả mọi tín hữu chúng ta không ngừng cảm tạ. Đó là ơn cứu chuộc. 

Lịch sử cứu độ cho ta biết con người đã phạm tội. Tội kiêu ngạo, tội phản nghịch cùng Thiên Chúa, tội chống lại Đấng Sáng Tạo. Đây là khởi nguồn của tội nguyên tổ mà tất cả loài người đều chịu liên lụy. Thực vậy, “Con người bị ma quỷ cám dỗ, đã đánh mất lòng tín thác vào Đấng Sáng Tạo, và khi lạm dụng sự tự do, con người đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Đó là tội đầu tiên của con người. Từ đó mọi tội lỗi đều là do bất tuân Thiên Chúa và thiếu tín thác vào lòng nhân hậu của Người” (GLHTCG số 397); “Ngay từ đầu lịch sử, con người bị thần Dữ cám dỗ nên đã lạm dụng tự do của mình. Họ đã sa chước cám dỗ và làm điều ác. Dù vẫn con ước muốn điều thiện, nhưng bản tính họ đã bị thương tổn vì nguyên tội. Con người nghiêng chiều về sự dữ và có thể sai lầm ” (GLHTCG số 1706). 

Vậy rõ ràng là con người đã phạm tội và hậu quả khốc liệt của tội là đau khổ, chết chóc, hư vô. “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3, 19). Thánh Phao-lô cũng nhắc nhở các tín hữu thế này: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5, 12). 

Chính Đức Giê-su, Con Một yêu dấu của Chúa Cha, đã vâng phục đảm nhận vai trò Đấng Cứu Thế thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại. Nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, Thiên Chúa đã cứu chúng ta khỏi tội và sự chết, đồng thời cũng chuộc chúng ta lại trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 3, 24). Bên cạnh đó, GLHTCG cũng nhấn mạnh: “Nhờ cuộc khổ nạn, Đức Ki-tô giải thoát chúng ta khỏi Xa-tan và tội lỗi; nhờ đó, chúng ta đáng được hưởng đời sống mới trong Chúa Thánh Thần. Ân sủng của người phục hồi những gì tội lỗi đã làm hư hỏng nơi chúng ta” (Số 1708). 

Để thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại, Đức Kitô đã phải trả một giá rất đắt để chuộc những người Kitô-hữu chúng ta, như thánh Phao-lô đã nhấn mạnh: “Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6, 20; x. 7, 23). Nếu trong công cuộc sáng tạo, con người là sản phẩm ưu việt của Thiên Chúa, thì trong công trình cứu chuộc, phẩm giá con người đã được phục hồi một cách lạ lùng hơn gấp bội lần. Vì lí do đó, thánh Gio-an Kim Khẩu đã nói: “Thiên Chúa đã làm người để cho con người được làm Thiên Chúa”. Còn thánh I-rê-nê thì đã thốt lên: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống”. 

- Ơn làm Ki-tô hữu 

Thành quả của ơn cứu chuộc đã thể hiện cụ thể nơi mỗi người chúng ta khi ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Nhờ ơn sủng của bí tích này mà chúng ta trở nên một tạo vật mới, một con người mới, một Ki-tô hữu thực thụ. Từ đây, chúng ta được tái sinh làm con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô, được trở nên chi thể của Hội thánh Chúa, được gọi là công dân của Nước Trời. Như thánh Gio-an đã khẳng định: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3, 5). 

Bí tích Thánh tẩy là một biến cố siêu nhiên nhờ đó Thiên Chúa ban cho ta các ơn sau (x. bài “Bí tích Thánh tẩy”, nguồn simonhoadalat.com): 

- Ơn tha tội, gồm tội chung (nguyên tổ) và tội riêng (cá nhân) để chúng ta được trở nên trong sạch trước khi được tháp nhập vào Thiên Chúa là Đấng thánh. 

- Ơn làm con Thiên Chúa với tên gọi là Kitô hữu, bởi lẽ chúng ta tự bản chất chỉ là loài thụ tạo chứ không do Thiên Chúa sinh ra. Thiên Chúa chỉ có một người Con là Chúa Giêsu Kitô, nên chúng ta chỉ có thể là con cái của Thiên Chúa nhờ việc trở nên giống Chúa Kitô với tên gọi của Ngài. 

- Ơn gia nhập Hội thánh, nghĩa là trở thành chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Chúa Kitô. Chính Hội thánh sinh chúng ta ra làm con Thiên Chúa, nên chúng ta cũng là con cái Hội Thánh. 

- Ơn huynh kết với các Kitô hữu, nghĩa là các Kitô hữu trở nên anh chị em với nhau vì cùng là con của một Cha trên trời. 

- Ơn thiêng liêng không thể tẩy xóa, nghĩa là ghi một dấu ấn đã tái sinh làm con Thiên Chúa thì mãi mãi là con Thiên Chúa, cho dù có phản bội Người thì cũng không phải chịu lại bí tích Rửa Tội lần thứ hai. 

Như vậy ơn huệ được gọi và chọn làm Ki-tô hữu được coi là đỉnh điểm của mọi ơn huệ mà Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta. Đó được coi là nền tảng cho mọi ơn siêu nhiên, bởi vì: “Từ cuộc sống bình đẳng với nhau con người được nâng lên để sống bình đẳng với Thiên Chúa trong Đức Kitô: ‘Nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng Ngài phục sinh, nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị’ (Rm 6, 8). Trong giao ước mới này mỗi người trở nên đồng hàng với Đức Kitô. Và còn hơn thế nữa, mỗi người trở nên một với Đức Kitô, đồng hình đồng dạng với Ngài, mang chung một tính cách, chung một sự sống, chung một tình yêu, để cùng tác tạo và tái tạo với Thiên Chúa trong Đức Kitô, dưới sự tác động của Thánh Thần. Sự sống của người Kitô hữu mang một chiều kích vô biên trong chính mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa” (LM Thái Nguyên, bài và nguồn đd). 

- Ơn quan phòng 

Ơn quan phòng là những ơn huệ tự nhiên, hữu hình cũng như vô hình, mà  qua đức tin và kinh nghiệm thực tế, ta có thể cảm nhận được. Đó là những ơn như cơm bánh hằng ngày, không khí, nguồn nước, khí hậu, mùa màng, sự sống thể lý, sự sống tinh thần, sức khỏe, sự bình an, tình yêu, tình bạn, gia đình, các liên đới xã hội vv... Hết thảy đều là ơn Chúa ban. Như thánh Phao-lô đã nói: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15, 10). Còn thánh nữ Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su thì đã khẳng định: “Tất cả đều là hồng ân”.     

Chúa Giê-su cũng đã nhắc nhở các môn đệ nhiều về ơn quan phòng của Thiên Chúa. Ngài đã nhấn mạnh: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ?... Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em...” (Mt 6, 26 - 30).  

Mầu nhiệm Chúa quan phòng soi sáng ta hiểu rằng Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc ta như người mẹ lo cho con cái. Người quan tâm đến từng việc nhỏ của chúng ta. Chúa Giê-su đã nói: “Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Lc 12, 7), và “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc...Phần anh em, đừng lo tìm cho có gì để ăn, có gì để uống, và đừng băn khoăn. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12, 22-31). 

* KI-TÔ HỮU TẠ ƠN CHÚA NHƯ THẾ NÀO? 

Việc tạ ơn của người Ki-tô hữu không được hiểu như là một hành động trả ơn theo kiểu “ Có qua có lại”, vì Thiên Chúa không cần bất cứ thứ gì từ con người, trừ niềm tin, sự tín thác và lòng yêu mến. Thực vậy, “Tạ ơn không phải là hoàn lại ân huệ đã nhận hay dâng một điều gì đó để đền đáp, theo kiểu ‘Hòn đất ném đi hòn chì ném lại’. Ai có thể đền bù lại cho Thiên Chúa? Và có thể lấy gì mà bù lại cơ chứ? Tạ ơn, đúng hơn, là nhìn nhận ơn Chúa ban, và đón nhận ân sủng nhưng không của Ngài, không dám mong tự chuộc mình hay trả giá thục hồi cho Ngài (Tv 49,8). Tạ ơn không khác gì nhìn nhận mình là người chịu ơn, là kẻ tuỳ thuộc, để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa.” (LM Micae Trần Đình Quảng, bài “Tạ ơn Chúa”, nguồn simonhoadalat.com). 

Trước hết, đối với Ki-tô hữu, việc tạ ơn là một hành vi tôn giáo thường xuyên, liên lỉ luôn kèm theo lời cầu nguyện trong tâm tình vui sướng, hân hoan. 

. Tạ ơn trong mọi hoàn cảnh 

Người Ki-tô hữu không chọn thời điểm hay hoàn cảnh để tạ ơn, mà phải nuôi dưỡng và thực hành việc tạ ơn suốt cả đời, ở mọi nơi mọi chỗ. Thánh Phao-lô đã nhấn mạnh: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1Tx 5, 16-18). Trong kinh nguyện của Ki-tô hữu luôn bao hàm tâm tình tạ ơn như thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã nói: “Đối với tôi, cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan ” (Sách Tự Truyện). 

Ngay cả khi gặp những điều không vừa ý xảy đến, ta cũng phải vui vẻ đón nhận. Thực sự, cám ơn Chúa vì những điều may lành như ý thì dễ, nhưng cám ơn về những điều rủi ro trái ý lại không dễ chút nào. Vì thế chúng ta cần tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho ta: vui cũng như buồn, thành công cũng như thất bại, an lành khỏe mạnh cũng như rủi ro tật bệnh...Vì những điều đó đều hữu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta, như thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã xác quyết: "Tất cả đều là hồng ân". Thánh Phao-lô cũng nhắn nhủ các tín hữu: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định ” (Rm 8, 28). 

. Tạ ơn bằng đời sống Ki-tô hữu chân chính 

Hội thánh luôn thúc giục chúng ta sống tâm tình tạ ơn và biến cuộc đời của mình thành lễ tế tạ ơn liên lỉ. Thực vậy, “Ý thức ân huệ mình đã lãnh nhận và noi gương Thầy Giê-su, các Ki-tô hữu đầu tiên đã biến cả cuộc sống mới của mình thành một lời tạ ơn” (x. Mục từ “Tạ ơn”, sách đd). Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3, 16-17). 

Trong khi sống trong tâm tình tạ ơn Chúa, chúng ta không bỏ qua bổn phận yêu thương và giúp đỡ anh em đồng đạo và đồng loại mình. Nếu chúng ta tạ ơn Chúa vì lòng mến thì cũng phải thi ân vì tình bác ái tha nhân. Thánh Phao-lô đã nhắc bảo các tín hữu Cô-lô-xê về đời sống trong tình yêu và lời tạ ơn, như sau: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy anh em hãy hết dạ tri ân” (Cl 3, 14-15)./. 

Aug. Trần Cao Khải

Nguồn: http://conggiao.info/kito-huu-va-viec-ta-on-chua