Hôm thứ hai 5/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một phái đoàn đại diện của Công nghị Thế giới Những người Do Thái Miền núi. Đây là lần đầu tiên một phái đoàn từ cộng đồng này, có niên đại từ thế kỷ thứ 5, đến Rôma để gặp một vị Giáo Hoàng.

Quá khứ và hiện tại

Người Do Thái Miền núi là hậu duệ của người Do Thái Ba Tư, là những người đã từng sống trên lãnh thổ ngày nay gọi là Iran. Họ nổi tiếng là những chiến binh can trường trên lưng ngựa trong quá khứ. Họ sống thành các cộng đồng miền núi gần Biển Caspi trong nhiều thế kỷ, nhưng sau khi Liên bang Sô viết sụp đổ, họ đang lan rộng khắp nhiều vùng, với các cộng đồng lớn nhất sống ở Nga và Azerbaijan.

Trong diễn từ tại cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ cuộc họp gần đây nhất của ngài với một cộng đồng Do Thái trong chuyến tông du Lithuania hồi tháng Chín vừa qua. Chuyến tông du đó đã trùng vào dịp kỷ niệm bảy mươi năm vụ tàn sát người Do Thái ở thủ đô Vilnius của Lithuania.

Biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ rằng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có một số lễ kỷ niệm quan trọng liên quan đến biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã. Đặc biệt, ngài đề cập đến ngày kỷ niệm cuộc đột kích vào khu Do Thái ở Rôma của quân Quốc Xã, và kỷ niệm ngày Quốc Xã Đức khởi động chiến dịch đàn áp người Do Thái, mà nhiều người vẫn gọi là “đêm đập kính”, vì trong một đêm hàng loạt các cửa hàng của người Do Thái và các hội đường Do Thái tại Đức đã bị đập bể kính. Đó là khởi đầu chiến dịch bách hại người Do Thái tại Đức trong thời Hitler. Gần đây các nhà sử học đã đưa ra nhiều thuật ngữ khác, thay cho thuật ngữ “đêm đập kính”, để đề cập đến sự hủy diệt mạng sống người Do Thái hay nhận chìm cuộc sống của họ vào những điêu linh kinh hoàng.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Nỗ lực để thay thế Thiên Chúa của lòng từ nhân với ngẫu tượng quyền lực và ý thức hệ hận thù đã kết thúc trong sự điên rồ hủy diệt con người. Do đó, tự do tôn giáo là một lợi ích tối cao cần được bảo vệ, một quyền cơ bản của con người và một bức tường chống lại các luận điệu của chủ nghĩa độc tài”.

Khoảng 1,500 người Do Thái Miền núi đã bị giết trong biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã, phần lớn là tại Crimea. Hầu hết cộng đồng người Do Thái Miền núi không bị ảnh hưởng trong chiến dịch tận diệt người Do Thái của Quốc Xã, một phần vì quân Đức không đến được lãnh thổ của họ, và một phần vì Quốc Xã Đức coi họ là các tín hữu Do Thái Giáo, hơn là những người Do Thái về mặt chủng tộc, là mục tiêu ưu tiên cao hơn của chế độ Quốc Xã Đức.

Thái độ bài Do Thái

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng vẫn còn thái độ bài Do Thái trong xã hội ngày nay: “Như tôi thường xuyên lặp lại, một tín hữu Kitô không thể là một người bài Do Thái; chúng ta cùng chung một nguồn gốc. Tâm tình bài Do Thái mâu thuẫn với đức tin và cuộc sống. Thay vào đó, các tín hữu Kitô được mời gọi dấn thân trong nỗ lực bảo đảm thái độ bài Do Thái phải bị loại khỏi cộng đồng nhân loại”.

Trích dẫn sách tiên tri Isaia, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả các tôn giáo hãy giúp thế giới “Biến giáo mác thành lưỡi liềm” để các cộng đồng có thể hưởng được một thời gian kiên nhẫn hòa giải với nhau. Đức Thánh Cha đã kết thúc diễn từ của mình với một lời chào bình an truyền thống của người Do Thái: “Shalom Aleichem!”
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/247379.htm