“Thưa cha… con giết người”.
Đau khổ vì đã giết ngườiTrong tòa giải tội, mọi người đều đi qua. Tòa giải tội là nơi của sứ mệnh. Như đến những vùng đất xa lạ để rao giảng Phúc Âm, để loan báo sự cứu độ của Chúa Kitô, lòng thương xót của Ngài đối với con người, tuyên xưng tình yêu của Chúa cho những người còn chưa biết. Tòa giải tội là nơi trút hết mọi đau đớn, một nhu cầu lớn lao được nghe, được chia sẻ những tình huống mà, nếu ở một mình, mình không thể nào chịu đựng được; một nhu cầu lớn lao cần được tha thứ khi vào tòa giải tội.
Tôi đã từng nghe những người lớn xưng tội giết người. Cả với những người trẻ. Một người đàn ông nói với tôi, ông giết người không phải vì tự vệ hợp pháp, nhưng ông ăn cắp. Ông hối hận vô cùng về hành vi của mình và ông bị đảo điên. Khi ông đến với tôi, trên tay ông cầm quyển Thánh Kinh. Ông muốn đi ra khỏi tình trạng này và muốn thay đổi.
Tôi có nhiều trường hợp trong trạng huống này. Và những người này nghĩ Chúa không tha thứ cho họ. Tôi trả lời với họ, với hết tâm hồn tôi, với hết sức mạnh, với tất cả sự rõ ràng, rằng Chúa xuống thế làm người là để ở với chúng ta. Ngài đến để tha thứ, để yêu thương, để ôm hôn. Ngài xuống thế để cùng đi với chúng ta. Sự tha thứ của Chúa là sức mạnh của tình yêu; và đau khổ vượt lên khỏi cảm nhận tự nhiên của sự ghê tởm do sự dữ chúng ta làm. Sự tha thứ của Chúa cho chúng ta ý chí để sửa sai đời sống chúng ta.
Đau khổ vì đã phá thai
Dù đã sau nhiều năm, rất nhiều bà mẹ đến xưng tội với tôi, bà đã bỏ con của mình. Vì những lý do khác nhau: vì mất việc làm và không biết làm sao nuôi con, vì chồng bỏ hoặc vì cả hai lý do. Với gánh nặng này, các bà xin được tha thứ, họ cố gắng biện minh vì sao họ phải hành động như vậy, nhưng luôn luôn họ đau khổ, họ không thể thoát ra khỏi cảnh này. Thường thường, đó là những bà mẹ biết mình đã phạm một tội ác và tội này làm cho cuộc sống của họ trở nên cay đắng dù cho họ có biện minh như thế nào.
Phá thai đè nặng ghê gớm trên đời sống của một phụ nữ. Sau nhiều năm, các bà đến tòa giải tội nhưng không cách nào cất được gánh nặng này. Các bà phá thai khi còn trẻ, họ nói với tôi: «Thưa cha, con không biết việc con làm. Bây giờ con hiểu là con đã giết con của con». Với năm tháng, họ có các đứa con khác, nhìn chúng xinh đẹp, lớn lên bên cạnh họ và họ nghĩ đến đứa con đã mất. Điều này rất khó đối với họ, nhất là khi họ phá nhiều lần. Tôi nhớ có bà phá đến sáu lần, có bà năm.
Đôi khi họ cố gắng giảm thiểu hóa vấn đề, xem như không có gì mà không sửa lại được. Nhưng tự trong thâm tâm, các bà biết rõ, đây không phải là một chuyện vô hại, dù bản chất tự nhiên của con người là tự bảo vệ đau khổ của mình bằng cách che nó lại hoặc xếp nó vào quá khứ. Trong đa số trường hợp, không phải tự các bà quyết định một mình, đôi khi do gia đình làm áp lực. Hoặc do người đàn ông trả tiền phá thai để không ai biết.
Và cũng thường khi, cô gái trẻ quyết định chấm dứt bào thai vì lý do tài chánh, cô không có việc làm, hoặc cả hai không có việc làm, hoặc việc làm của họ bấp bênh.
Cũng có một lý do khác hay gặp: đó là căng thẳng của người phối ngẫu, vị hôn phu hay người chồng, họ sợ một quan hệ không lâu bền, sợ một mình ở với con… Tôi lắng nghe họ, tôi nhìn họ và tôi biết thật gay go; rằng, đối với các cô, các cô rất khổ khi đi xưng tội. Làm sao xem nhẹ được lòng tha thứ của Thiên Chúa?
Các nhân vật trong Thánh Kinh được Chúa Giêsu tha thứ
Với các phụ nữ này, tôi nói đến các nhân vật trong Thánh Kinh mà Chúa đã tha thứ. Bà Maria-Mađalêna, người phụ nữ ngoại tình, bà góa thành Naim. Hay ông Giakêu, người con hoang đàng, người kẻ trộm lành. Cuộc đời của tất cả những người này đều đã trải qua những chuyện ghê gớm và nhờ một lời ăn năn, Chúa đã tha thứ cho họ.
Chúa đến để tha thứ
Tôi cũng nói với họ, Chúa đã ôm họ, yêu họ và cùng đi với họ. Chúa đến để tha thứ chứ không phải để phạt; Chúa không ở trên Trời, Chúa xuống thế với chúng ta để chia sẻ thân phận làm người lầm lạc của chúng ta. Vậy thì làm sao chúng ta lại sợ?
Nhờ Chúa, tòa giải tội là nơi của sự sống. Luôn luôn, vì đó là nơi tái hồi, nơi sinh ra một cái gì mới mà trước đây chưa có. Nhưng đó cũng là nơi của sự sống, vì khi một cô gái trẻ ý thức mình sắp làm một chuyện tiêu cực, nhờ ý thức vậy cô quyết định không làm nữa. Tôi có trường hợp, có hai cô trẻ đến nói họ muốn phá thai và sau đó họ không phá. Đôi khi họ làm ngược ý cha mẹ: «Cha mẹ muốn nghĩ sao cũng được, nhưng tôi, tôi muốn giữ con tôi… ».
Rất nhiều người đồng tính, đàn ông cũng như đàn bà đến tòa giải tội. Họ hỏi vì sao họ cảm thấy mình bị xáo trộn bởi những gì họ làm. Rất nhiều người đi trở lại, lặp lại cũng cùng chuyện. Rõ ràng họ không được thanh thản; họ muốn thay đổi. Tôi định hướng lại cho họ, khuyên họ tránh các dịp phạm tội, những dịp làm tăng sự yếu đuối để họ phải đi xưng tội. Tôi không thể làm gì hơn, tôi không có khả năng đi xa hơn nữa.
Còn về các người ấu dâm, tôi khuyên họ phải tôn trọng con người, tôn trọng chính họ và người khác. Họ phải cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi tình trạng nô lệ này, một tình trạng làm tổn thương người vô tội không cách nào kháng cự.
Đôi khi có những người trẻ đến nói, và tôi rất vui khi nghe họ nói: «Thưa cha, hôm nay con muốn xưng một chuyện mà con chưa bao giờ có can đảm xưng. Con cũng có dịp, nhưng con đã không xưng». Tôi khuyến khích họ: «Con cứ thong thả… cha không vội. Nhưng con cứ trút hết tâm hồn con, hãy xưng tội, hãy phó vào bàn tay Chúa tất cả sức nặng đã đè bẹp con! Hãy trút hết tất cả hành lý này trước mặt Chúa và con thấy, con sẽ nhẹ nhõm khi đi ra khỏi tòa giải tội này». Và đã được như vậy.
«Con còn gì nữa không?».
«Thưa cha, không».
«Con cảm thấy như thế nào?».
«Con thở được».
Một kinh nghiệm được giải thoát.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 23.11.2016/
fr.aleteia.org 2016-11-22)