Kể từ Chúa Nhật thứ Năm vừa qua, gia đình chúng tôi chỉ còn phương tiện duy nhất để được chiêm ngắm lời lẽ và các cử chỉ của cử hành Phụng Vụ Thánh Thể là màn hình TV nhờ các “livestreams” của Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Phải nhận rằng nhờ tham dự các Thánh Lễ trực tuyến này, phần tham dự của chúng tôi trở nên ý thức và tích cực hơn rất nhiều. Mọi lời cầu nguyện, mọi đáp thưa, mọi giảng giải đều được “hết lòng” theo dõi và với lời kêu gọi “sursum corda” (Hãy nâng Tâm hồn lên) quả thật chúng tôi đã hướng nó lên cùng Chúa (Habemus ad Dominum).
Đối với chúng tôi, trong hiệp thông các thánh, không có gì là ảo cả, tất cả đều có ý nghĩa bí tích, lòng chúng tôi thực sự hòa nhập, hiệp thông với toàn thể Giáo Hội qua thánh lễ vị linh mục đang thực sự cử hành ở Nhà Thờ Chính Tòa Sài Gòn và được “livestream” để chúng tôi “thông công”. Trong thế giới “thông công” ấy, việc cử hành ở Sài Gòn và việc chúng tôi tham dự qua màn hình đều là những chuyện có thực, đều là những thực tại.
Dĩ nhiên có khác: thực tại ở Sài Gòn là thực tại bí tích, thực tại ở Sydney của chúng tôi là thực tại á bí tích (tôi nghĩ thế thôi, chưa có văn bản nào chính thức nào xác nhận). Nhưng nói thế chỉ là nói theo giáo luật. Tôi tin trước mặt Thiên Chúa, trong hoàn cảnh COVID-19, tất cả đều có thực và đều là những hành vi thờ phượng Người.
Chúng tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm của vị linh mục cử hành Thánh Lễ vào sáng Thứ Hai hôm qua tại Nhà Thờ Chính Tòa Sài Gòn: Ngài quả quyết rằng: khi anh chị em không thể đến với Chúa, Chúa đến với anh chị em. Ngài kể lại câu truyện được Tôi Tớ Chúa là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê kể nhiều lần: Ông Jim không biết cần đến bao nhiêu thì giờ để cuốc bộ tới nhà thờ mỗi trưa (có thể rất lâu, chứ sao lại cứ ban trưa mới tới), nhưng lại chỉ lưu lại đó có 2 phút đủ để nói với Chúa có 1 câu ngắn ngủi: thưa Chúa, Jim đây! Rồi lặng lẽ ra về (có thể đêm mới về đến nơi cư ngụ). Rồi ông Jim bệnh nặng phải vào nhà thương, hết còn sức đâu mà cuốc bộ đến nhà thờ. Chính lúc đó, ngày ngày Chúa đến bệnh viện thăm ông, ông dành sẵn cho Chúa một chiếc ghế bên cạnh giường bệnh của ông.
Và khi nhắm mắt lìa trần, người ta thấy ông giơ tay về phía chiếc ghế như từ giã một ai thân thương! Chắc chẳn lúc đó, Chúa cũng chỉ nói với ông một câu vắn vỏi “Jim ơi, Thầy đây”, một câu cũng vắn vỏi như câu nói với người trộm lành: “hôm nay con ở với Thầy trên thiên đàng”. Chúa quả thật đến với Jim. Chúng tôi cũng tin Cúa đến với chúng tôi khi “xem” Thánh Lễ Trực tuyến bằng tâm thức như lúc “tham dự” Thánh Lễ Bí Tích.
Không gian ảo, môi trường thờ phượng mớiLinh mục Arthur Ntembula, một linh mục Châu Phi vừa viết một bài, từ Milan, Ý Đại Lợi và đăng trên Vatican News hôm nay với tựa đề Cyberspace, a new environment for worship, chắc chắn củng cố niềm tin của chúng tôi khi Cha kết luận rằng “Thân Thể Chúa Kitô không bị giới hạn vào thân thể vật lý. Chúng ta cũng là một thân thể thiêng liêng nữa”. Nội dung bài viết của Cha như sau:Như chúng ta đã biết, ngày nay, loài người bị ảnh hưởng bởi một tai họa đã làm xáo trộn dòng sống bình thường. Những câu hỏi căn bản mà nhiều người trong chúng ta đang hỏi là, “nhưng khi nào thì đại họa này sẽ kết thúc? Khi nào chúng ta sẽ trở lại để tận hưởng cuộc sống bình thường? Thiên Chúa đang ở đâu trong tất cả những điều này? Các nhà kinh tế đang lo lắng về tác động của nó đối với các nền kinh tế thế giới hoặc địa phương. Các bác sĩ đang quan tâm đến việc cứu càng nhiều mạng sống càng tốt. Các nhà khoa học lo lắng về việc tìm ra một loại vắc-xin để tiêu diệt hoàn toàn con quái vật tí hon này. Các nhà báo lo lắng về việc cung cấp mọi thông tin cần thiết càng nhiều càng tốt. Các nhà lãnh đạo chính trị lo lắng về việc đưa ra các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.Khi các tín hữu không thể tụ tập để thờ phượng công cộng nữaGiáo hội cũng lo lắng về điều: Làm thế nào để đức tin của người ta được duy trì trong thời khắc thử thách này khi các tín hữu không thể tụ tập trong các buổi thờ phượng công cộng nữa?“Nếu người ta không thể đến với Giáo Hội, Giáo hội nên đến với người ta”. Tình hình hiện tại đang thách thức Giáo hội biến không gian ảo thành một môi trường thờ phượng có thể duy trì đức tin của người ta. Thật không may khi thách thức này xuất hiện vào thời điểm chúng ta sắp cử hành các mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô. Đối với nhiều người, năm nay, các cử hành Phục sinh sẽ thấy họ ở tại nhà. Đối với người Công Giáo, đây là một thử thách lớn đối với đức tin của họ. Bạn có bao giờ tưởng tượng việc không đến Nhà thờ vào Thứ Sáu Tuần Thánh, vào Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh không? Ngay việc nghĩ đến điều đó cũng đã khó khăn rồi, nhưng đó là thực tại mà chúng ta hiện có, và chúng ta phải đối diện với nó.Các phương tiện truyền thông như một không gian để truyền giảng Tin MừngBất kể điều gì đang xảy ra, Giáo hội có thể thánh hóa không gian mạng bằng sự hiện diện của mình. Điều này mở rộng để chúng ta thấy sự cần thiết và khả thể truyền giảng Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông, cả xã hội lẫn truyền thống. Trong cuộc khủng hoảng này, Giáo hội, bất kể là Cộng đồng Kitô giáo nhỏ, giáo xứ, giáo phận hoặc phổ quát, buộc phải chuyển trọng tâm từ tòa nhà thể lý sang không gian ảo.Không gian mạng, khi được sử dụng một cách hữu hiệu, có thể khiến tín hữu cảm thấy gần gũi hơn với Chúa Kitô và Giáo hội của họ ngay cả khi họ không thể đến Nhà thờ thể lý để thờ phượng. Đức Thánh Cha, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã dẫn đường trong khía cạnh này. Ngài đã thiết lập tiến độ. Và ngài luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết các linh mục phải đặc biệt quan tâm đến các công cụ truyền thông khác nhau mà chúng ta hiện có để truyền bá thông điệp của Chúa Kitô.Các linh mục có thể tiếp cận giáo dân của các ngài qua các thiết bị điện tửNgười ta không thể đến Nhà thờ nữa, nhưng các tác nhân mục vụ có thể giúp họ cảm nhận được bàn tay chăm sóc của Giáo hội và sự hiện diện ban phước lành của Chúa Kitô trong nhà của họ. Trong thời gian này, người ta đang dành nhiều thời gian hơn để xem các thiết bị điện tử của họ, lướt tìm thông tin trên mạng, trên Facebook, trao đổi tin nhắn trong WhatsApp và những gì không có trong đó. Các linh mục vẫn có thể tiếp cận giáo dân của mình thông qua các phương tiện tương tự bằng cách phát tuyến sống các thánh lễ trực tiếp, dành thời gian viết và đăng tải các bài giảng ngắn và gửi đi các tin nhắn hoặc băng video đã được thu trước về các khía cạnh của đức tin. Thậm chí còn có thể tổ chức các bài học giáo lý về hôn nhân qua hình thức hội nghị bằng điện thoại (conference calls).Bục truyền giảng Tin Mừng không còn đủBây giờ không phải là lúc để thư giãn vì chúng ta không đang nghỉ hè. Đã đến lúc phải mạnh mẽ hơn nữa trong công việc mục vụ truyền giảng Tin Mừng của chúng ta. Thật vậy, không phải tất cả giáo dân đều ở trên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc được kết nối. Tuy nhiên, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tin nhắn của bạn sẽ tiếp cận ngay cả những người không được kết nối với cộng đồng ảo.Người ta có thể nói, “nhưng tôi thậm chí không ở trên Facebook hay Instagram hay twitter, v.v... Làm thế nào để tôi làm điều này trên không gian mạng được?” Không sao, tình huống này đòi bạn phải xem xét việc tham gia cộng đồng truyền thông xã hội hoặc ít nhất tạo các nội dung để những người đã kết nối với cộng đồng ảo có thể đăng tải thay mặt bạn hoặc trên các trang mạng của họ. Nó sẽ giúp bạn tiếp tục hợp nhất với các giáo dân của bạn để họ cảm thấy sự chăm sóc của mục tử họ ngay trong nhà của họ. Trong thế giới ngày nay, các tác nhân mục vụ không thể an tâm chỉ với hình thức truyền giảng Tin Mừng bằng bục giảng. Nếu Giáo hội phải di chuyển cùng với người ta, thì các linh mục không thể ngồi một chỗ và chỉ chờ mọi người đến với giáo xứ. Chúng ta cần phải đứng lên và đi ra ngoài để gặp họ mọi lúc mọi nơi. Nếu họ ở trên Facebook, chúng ta hãy dựng lều cho giáo xứ chúng ta trong không gian đó và tiếp tục vươn tay ra với họ.Thân Thể của Chúa Kitô không bị giới hạn trong thân thể vật lý. Chúng ta cũng là một thân thể thiêng liêng nữa.Ý kiến nhà chuyên mônViệc Đức Giáo Hoàng, ngày 27 tháng 3 vừa qua, ban phép lành Urbi et Orbi, từ Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô với ơn toàn xá cho cả những người “xem” ngài cử hành nghi lễ đó trên màn ảnh TV của nhà họ đủ nói lên “hiệu quả” thực sự của việc tham gia này. Tất cả phụ thuộc ý hướng của chúng ta trong hoàn cảnh Covid-19. Điều cần nhấn mạnh có chăng là điều này: đây là hình thức tham gia đáng khuyến khích trong thời Covid-19, là thời, Giáo Hội miễn chước việc tham dự Thánh Lễ dù là thánh lễ buộc theo giáo luật, nhưng nó không thay thế việc đích thân tham dự Thánh Lễ Bí Tích trong tình thế bình thường.Một nhà chuyên môn Công Giáo đã phát biểu một số nhận định về vấn đề này trên tạp chí Crux. Đó là Tiến Sĩ Katherine Schmidt, một nhà thần học tại Cao Đẳng Molloy, người từng nghiên cứu mối tương quan giữa nền văn hóa kỹ thuật số và Giáo Hội trong thập niên qua.Tiến sĩ Schmidt phản đối những người cho rằng không gian mạng là điều xa lạ đối với truyền thống và thần học Công Giáo vì bà tin rằng ngay từ thế kỷ 17, Giáo Hội đã lưu ý tới một vài loại phương tiện truyền thông rồi. Trong cuốn sách của bà tựa là Virtual Communion: Theology of the Internet and the Catholic Sacramental Imagination (Truyền Thông Ảo: Thần Học về Liên Mạng và Óc Tưởng Tượng Bí Tích Công Giáo) do nhà Lexington/Fortress xuất bản, bà đã đề cập đến lịch sử các tuyên bố của Giáo Hội về các phương tgiện truyền thông và kỹ thuật.Bà cho rằng, với tính bí tích sâu sắc, người Công Giáo chúng ta rất thích các phương tiện truyền thông: Đàng Thánh Giá là một điển hình chứng minh chúng ta rất yêu chuộng hình ảnh, những gì mình đụng chạm, ngửi được và cả các không gian nữa. Và bà cho rằng các phương tiện này không hoàn toàn khác với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, nhưng là một thể liên tục (a continuum).Đi xa hơn một chút, Tiến sĩ Schmidt nói rằng không gian ảo là nơi hiện nay chúng ta dành cho nhiều thì giờ hơn cả, có khi đến 11 giờ 1 ngày. Nghĩ rằng việc này không ăn nhằm gì tới việc cảm nghiệm ơn thánh là điều nguy hiểm về phương diện thần học.Thực ra bà không lưu ý tới “thánh Lễ Trực Tuyến” cho bằng làm thế nào để không gian mạng gia tăng và hoạt động song song với các không gian phụng vụ. Nghĩa là các không gian mạng như facebook và các trang mạng giáo xứ phải giúp cung cấp điều mà các nhà thần học, các nhà xã hội học và các nhà tâm lý học nói chúng ta cần, nghĩa là một mạng lưới xã hội dầy hơn vượt quá những gì chúng ta thực hiện trong vòng 1 giờ mỗi Chúa Nhật.Điều ấy rất cần để tạo ra một thứ gắn bó giữa các giáo dân trong xứ đạo vốn không còn tập trung tại 1 nơi như xưa mà tản mác về địa dư và thể lý khắp trong 1 khu phố.Dĩ nhiên có dây liên kết mạnh có dây liên kết yếu, nhưng Tiến Sĩ Schmidt không đồng ý coi dây liên kết do không gian ảo tạo ra là dây liên kết yếu so với dây liên kết đích thân. Phạm vi nào cũng có những liên kết mạnh và yếu. Theo bà, Giáo Hội cần cả hai loại liên kết này.Môt trong những điểm yếu trên đây có thể là cung cách truyền thông trên twitter. Bà thường thấy khi 1 văn kiện của Tòa Thánh được ban hành, các twitters thường chỉ trích những đoạn “hợp” với quan điểm hay chủ trương của mình, và khi “hót” đi “hót” lại, nhóm này vô tình tạo nên 1 cái nhìn phiến diện, bỏ qua chiều hướng lớn lao hơn của sứ mệnh Giáo Hội.Riêng về các Thánh Lễ trực tuyến, bà đồng ý với việc không coi nó có tính phụng vụ đúng nghĩa, không thể tương đương với Thánh Lễ Bí Tích, nhưng cũng không nên coi nó như các thực hành khác như lần hạt Mân Côi hay bất cứ “podcast” cầu nguyện nào khác vì nếu thực hiện cho tốt, nó có chiều kích cộng đồng thực sự quan trọng và thánh thiện.Phân tích các Thánh Lễ trực tuyến gần đây, bà nhận thấy kỹ thuật có nhiều dị biệt: nơi dùng 1 máy, do đó màn ảnh thường quá xa hoặc quá gần (tạo nên có khi một bầu khí lạnh lùng), nơi dùng nhiều máy để quay nhiều góc cạnh khác nhau, nhưng các góc cạnh này có tính chủ quan, nên không hẳn tạo ra “hiệu quả” khách quan. Bà nghĩ rằng, trong phụng vụ, một chi tiết dù nhỏ cũng rất quan trọng. Nên bà thỉnh cầu hàng giáo phẩm nên có các hướng dẫn cụ thể về phương diện này.