Lễ tang của Arnaud Beltrame được cử hành theo nghi thức quốc tang tại quảng trường Les Invalides (Paris). Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron, đã có bài diễn từ ca ngợi vị Trung tá can đảm và chính thức trao tặng ông huân chương Bắc Đẩu bội tinh (Légion d’honneur) là huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp. Người ta ước tính có khoảng 4,5 triệu người theo dõi qua hệ thống truyền hình trực tuyến.
Arnaud Beltrame là một tín hữu Công giáo, được coi là thường xuyên “thực hành Đạo”, theo lối nói của người dân Pháp. Trước biến cố này, Giáo Hội Công giáo Pháp cũng tôn vinh ca ngợi Arnaud như một chứng từ của Tin Mừng. Anh đã thực hiện giáo huấn của Chúa Giêsu:“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Trả lời phỏng vấn của tờ báo Công giáo La Vie, Marielle, vợ của người quá cố, đã khẳng định: “Sự hy sinh của chồng tôi quả thực vừa là hành động của một hiến binh vừa là hành động của một Kitô hữu. Đối với anh, hai bổn phận này liên kết chặt chẽ với nhau và không thể tách rời” (Trang điện tử “7 sur 7”, ngày 27-3-2018). Đức Cha Antoine de Romanet, Giám mục Giáo phận tòng nhân quân đội Pháp đã cử hành thánh lễ ngày thứ Tư 28-3 trong nhà thờ Thánh Sulpice để cầu nguyện và tôn vinh vị Trung tá cũng cảm. Trả lời phỏng vấn báo chí, Đức Giám mục Antoine de Romanet đã nói: “Việc sẵn sàng hy sinh mạng sống là nhiệm vụ cốt lõi của mọi hiến binh. Hành động dũng cảm phi thường này không thể được thực hiện nếu không có niềm tin mạnh mẽ hướng về siêu nhiên, như chính ngài Tổng thống đã nhắc tới trong bài diễn từ tôn vinh tại quảng trường Les Invalides”.
Cùng một ngày với vụ khủng bố ở Pháp, tức là ngày 23-3, một vụ cháy khủng khiếp đã xảy ra tại chung cư Carina Plaza. Báo chí đã nói nhiều về những tổn thất về người và của do vụ cháy này gây ra. Điều đáng nói là một người bảo vệ, anh Trần Văn An, 48 tuổi, đã can đảm lao vào đám cháy để cứu 40 người thoát chết. Sau khi dũng cảm cứu người, anh An đã thiệt mạng. Ông Liêm, cậu ruột của anh An đã nói với báo chí: “Cháu tôi vốn là người lính, nó mang bản tính kiên cường, can đảm. Ai cũng bảo nếu lúc đó nó bỏ chạy thì đã an toàn rồi. Nhưng cháu tôi không làm vậy. Nó không màng tới mạng sống của mình để cứu những người khác thoát nạn. Gia đình đau buồn nhưng không quá bi lụy vì biết rằng nó đã sống những giây phút cuối đời thật sự có ý nghĩa” (Trang điện tử Zing.vn ngày 24-3-2018).
Hai người đàn ông, một ở phương trời Tây, một ở Việt Nam, hoàn cảnh, cuộc sống và tôn giáo khác nhau, nhưng đã có một hành động dũng cảm giống nhau, đó là xả thân cứu người. Bất chấp mọi nguy hiểm, họ đã hành động vì mạng sống của người khác. Cái chết của họ thật đáng trân trọng. Họ xứng đáng được ca ngợi như những vị anh hùng. Cái chết của hai người này làm chúng ta liên tưởng đến sự hy sinh cao cả của thánh Maximilian Kolbe (1894-1941), một linh mục người Ba Lan, ở tuổi 47, đã tình nguyện chết thay cho một tù nhân. Ngài được coi như một vị tử đạo và là tấm gương sáng cho các tín hữu. Tình yêu không phân biệt sắc tộc hay tôn giáo. Trái tim không kỳ thị ngôn ngữ hay màu da. Sự hy sinh của những người can đảm này khẳng định với chúng ta: cuộc đời này, dù có nhiều bon chen lừa lọc, vẫn còn những người tốt; cuộc sống này, dẫu nhiều vất vả gian nan, vẫn có những điều tuyệt diệu. Julie, cô gái thu ngân ở siêu thị, người đã được Trung tá Arnaud thay thế làm con tin, đã khẳng định với báo chí: “Anh ấy đã hy sinh mạng sống vì tôi. Anh ấy đã chết, trong khi tôi được sống và hiện diện ở đây. Anh ấy đã chấp nhận chết để tôi được sống”.
Trong Tam nhật Vượt qua, Giáo Hội Công giáo kính nhớ cuộc Khổ nạn của Đấng hiến mạng vì nhân loại. Đức Giêsu, Đấng vô tội, đã trở nên kẻ bị khinh khi nguyền rủa và chịu chết như một tội đồ. Ngôn sứ Isaia từ hơn bảy thế kỷ trước đã được chiêm ngắm hình tượng vị Tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa và khẳng định: “Chính Người đã mang lấy bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm. người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, chịu mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53, 4-5).
Vâng, Đức Giêsu đã hiến mình vì hạnh phúc của tha nhân. Người đã chết để cho nhân loại được sống, không phải chỉ là sự sống nhất thời trên trần gian, nhưng đó là sự sống đời đời. Qua cái chết của Người, Đức Giêsu đã mở cửa vào sự sống vĩnh cửu, là hạnh phúc muôn đời Thiên Chúa dành cho những ai mến Chúa yêu người. Thập giá là biểu tượng của tình yêu thương cao cả nhất. Thập giá cũng là nguồn sức mạnh của các tín hữu. Nhờ thập giá, những ai tin vào Chúa Giêsu không ngã gục trên đường đời, nhưng họ tìm được sức mạnh để tiếp tục bước đi.
“Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,14-15). Bài học yêu thương từ nghĩa cử rửa chân cho các môn đệ là bài học hiến thân phục vụ. “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). “Như Thầy đã yêu thương”, đó chính là chấp nhận hy sinh mạng sống vì hạnh phúc của tha nhân. Hai chứng nhân mà chúng ta đã đề cập trên đây, ở một khía cạnh nào đó, đã thực hiện giáo huấn của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, để được Chúa thưởng công vì đã hiến mạng vì tha nhân.
Nhìn lên thập giá trong những ngày này, xin Chúa cho chúng ta hiểu hơn tình thương của Chúa dành cho chúng ta. Xin Người dạy chúng ta biết noi gương Người, nếu không phải chết vì anh em, thì cũng sẵn sàng phục vụ và đem hạnh phúc cho những người xung quanh mình.
Hải Phòng, Mùa Phục sinh 2018
Nguồn: http://tgpsaigon.net