TGPSG-- Vậy là đã qua 4 ngày chúng tôi ra khỏi môi trường bao bọc của Nhà Dòng để đi đến gặp gỡ những bệnh nhân nhiễm Covid 19 nặng. Đây là một trải nghiệm đầy ý nghĩa.
Chúng tôi không phải là các bác sĩ, y tá hay điều dưỡng đã có kinh nghiệm chữa trị bệnh nhân nhưng lại tình nguyện đi đến nơi có nhiều bệnh nhân nặng và có nguy cơ lây nhiễm cao. Không phải chúng tôi không sợ chết hay không sợ bị lây nhiễm nhưng chúng tôi đi để đáp lại tiếng Chúa đang thổn thức trong lòng: Các con hãy ra đi, đem tình thương đến cho những người đau yếu bệnh hoạn. Vâng, chúng tôi đã dấn thân theo tiếng gọi ấy. Khi đến khu điều trị này, chúng tôi không có gì ngoài Chúa và trái tim yêu thương. Chúng tôi đến với các bệnh nhân bằng con tim yêu thương, bằng đôi tay sẵn sàng rộng mở để săn sóc họ, để xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần của họ.
Tất cả các bệnh nhân đều mong được khỏi bệnh để về với gia đình. Họ ước ao được thở bầu không khí trong lành nhưng thật không dễ dàng với họ ngay trong lúc này! Mới có 4 ngày phục vụ mà chúng tôi đã phải chứng kiến sự ra đi của một số bệnh nhân, sợ có, lo lắng có vì mới đây thấy họ vẫn còn khỏe, quay đi quay lại đã thấy họ yếu và ngưng thở. Dù các y bác sĩ đã nỗ lực cố gắng để cứu họ nhưng không thể cứu được! Nhìn thấy các bệnh nhân phải đối đầu với cái chết mà không có thân nhân bên cạnh, tôi thấy lòng mình tê tái, xót xa vô cùng, lúc ấy chỉ biết thầm cầu nguyện, xin ơn chết lành cho họ, để họ được thanh thản ra đi.
Các y bác sĩ ở đây vô cùng tận tâm nhưng hầu như ai cũng đã mệt và kiệt sức vì công việc, vì số bệnh nhân ngày càng tăng, số ca nhiễm ngày càng nhiều. Mặc dù vậy, với lương tâm của người thầy thuốc, các vị lương y vẫn cuốn mình vào công việc sau những giờ phút thay ca nghỉ ngơi đôi chút… Họ cũng có gia đình và họ cũng muốn được về nhà với vợ chồng, con cái, nhưng thời điểm này họ không thể về được! Có bác sĩ đã tâm sự: có ngày đi mà không biết ngày về, nhưng cũng nén nỗi nhớ mong gia đình - nơi có những người thân yêu - vì sự sống còn của các bệnh nhân! Chúng tôi ước mong mỗi người hãy ý thức thực hiện đúng các chỉ thị phòng tránh dịch, để cùng giúp nhau ngăn cản, không cho dịch lây lan thêm. Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ.
Với bộ đồ bảo hộ, các bệnh nhân không hề biết chúng tôi là tu sĩ. Mà dù có nói, họ cũng không biết tu sĩ là gì? Chúa là ai? Vì họ đã kiệt sức và đang phải thở bằng máy. Chúng tôi không nói về Chúa cho họ nhưng chúng tôi tâm niệm rằng: qua sự hiện diện, qua sự phục vụ, chăm sóc tận tụy của chúng tôi, họ có thể nhận thấy Thiên Chúa Tình Thương đang hiện diện trong chúng tôi và hiện diện giữa họ.
Chúng tôi tin Chúa thấu rõ hết mọi sự. Chúa biết họ và chúng tôi đang cần gì. Đừng sợ! Chúng tôi luôn luôn có Chúa ở cùng, như lời Chúa đã nói “Ơn Ta đủ cho con …” (2 Cr 12,9). Và thật hạnh phúc vì ngoài Ơn Chúa, chúng tôi còn có rất nhiều người quan tâm và cầu nguyện.
Trong thư Đức Tổng Giuse gửi cho chúng tôi, ngài đã động viên: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Vâng, mặc dù công việc, thời gian làm và bộ đồ bảo hộ không giúp cho chúng tôi cảm thấy thoải mái nhưng nó cũng không thể lấy đi được nhiệt huyết và ý hướng của chúng tôi. Khi bỏ lớp đồ bảo hộ xuống, dù trên mặt vẫn còn lớp khẩu trang nhưng chúng tôi luôn nhìn thấy nụ cười của nhau qua ánh mắt, cử chỉ khi được dấn thân phục vụ. Tuy không cùng tôn giáo, không cùng dòng tu, nhưng giờ đây chúng tôi có cùng một “họ Dương, tên F…”, và nhất là cùng chung chí hướng, chung niềm vui và nhiệt huyết đem tình yêu thương nhân ái để giành lại sự sống cho các bệnh nhân Covid. Niềm vui này sẽ luôn còn tiếp nối...
Nt. Maria Thu Nguyệt
Nguồn: https://tgpsaigon.net