Mấy ngày gần đây, dư luận Công Giáo lưu ý nhiều tới vấn đề đối thoại giữa Vatican và Trung Hoa do việc lên tiếng về vấn đề này của hai vị giáo phẩm tạm gọi là am tường vấn đề, nhưng am tường ở hai bình diện khác nhau, tuy cùng tự hào là “vì Giáo Hội”. Đó là Đức Hồng Y Trần Nhật Quân mà Tây Phương biết nhiều hơn dưới tên Joseph Zen và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Pietro Parolin. Một vị thì đã nghỉ hưu, một vị thì còn tại chức, mà lại là chức lớn, chỉ thua Đức Giáo Hoàng thôi.
Còn nhớ hồi trước đây có ông linh mục “quốc doanh” ở Việt Nam tố cáo rằng Đức Giáo Hoàng ở quá xa, không hiểu rõ tình hình ở quê hương ông, chứ như ông mới biết được hiện tình Giáo Hội ở đấy. Phải chăng, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cũng rơi vào tâm tư ông linh mục “quốc doanh” Việt Nam này khiến Đức Hồng Y Parolin phải lên tiếng cho rằng “không ai độc quyền giải thích tình hình Công Giáo Trung Hoa”?
Để rộng đường dư luận phán đoán, chúng tôi cho đăng nguyên văn bài viết của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân (Zen) đăng trên Facebook ngày 29 tháng 1 năm 2018 và được AsiaNews đăng lại. Ngày mai, chúng tôi sẽ cho phổ biến nguyên văn cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Parolin của tờ Vatican Insider.
Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018
Các bạn thân mến trong các phương tiện truyền thông
Vì AsiaNews đã tiết lộ một số dữ kiện gần đây trong Giáo hội tại Trung Hoa Lục Địa, liên quan đến các giám mục hợp pháp được “Tòa Thánh” yêu cầu từ chức và nhường chỗ cho “các giám mục” bất hợp pháp, thậm chí minh nhiên bị tuyệt thông nữa, nhiều dị bản về sự kiện và diễn giải đang tạo ra mơ hồ lẫn lộn giữa người dân. Nhiều người, vì biết chuyến đi gần đây của tôi tới Rôma, nên đã yêu tôi làm sáng tỏ.
Tháng Mười vừa qua, khi Đức Cha Zhuang nhận được thông tri đầu tiên từ Tòa Thánh và yêu cầu tôi giúp đỡ, tôi gửi một người mang thư của ngài đến Bộ Trưởng Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, kèm theo một bản sao đệ trình Đức Thánh Cha. Tôi không biết bản sao đính kèm này có đến bàn làm việc của Đức Thánh Cha hay không. Thật may mắn, Đức Tổng Giám Mục Savio Hon Tai Fai lúc đó vẫn còn ở Rôma và có thể gặp Đức Giáo Hoàng trong một chuyến chào kính tạm biệt. Trong dịp đó, ngài đã đem hai trường hợp của Sơn Đầu và Mân Đông trình bầy để Đức Thánh Cha biết. Đức Thánh Cha đã ngạc nhiên và hứa sẽ xem xét vấn đề này.
Vì những lời của Đức Thánh Cha nói với Đức Tổng Giám Mục Savio Hon, nên những sự kiện mới vào tháng Mười Hai càng gây ngạc nhiên ngỡ ngàng cho tôi. Khi vị giám mục đau khổ già nua Zhuang yêu cầu tôi mang tới Đức Thánh Cha câu trả lời của ngài đối với thông điệp đã chuyển tới ngài từ "Phái đoàn Vatican" ở Bắc Kinh, tôi không thể nói "Không". Nhưng tôi có thể làm gì để chắc chắn lá thư của ngài đến tay Đức Thánh Cha, trong khi thậm chí tôi không thể chắc chắn liệu nhiều lá thư của tôi có tới tay Đức Thánh Cha hay không.
Để đảm bảo tiếng nói của chúng tôi đến với Đức Thánh Cha, tôi đã đột ngột đưa ra quyết định sẽ đến Rôma. Tôi rời Hồng Kông vào tối ngày 9 tháng 1, đến Rôma vào sáng sớm ngày 10 tháng 1, đúng lúc (thực sự hơi muộn một chút) để tham gia buổi triều kiến chung hôm thứ Tư. Vào cuối buổi triều kiến, các Hồng Y và giám mục được phép "bacia mano" (hôn tay) và tôi đã có cơ hội để trao vào tay Đức Thánh Cha một phong bì; tôi thưa rằng tôi đến Rôma chỉ với mục đích duy nhất là mang đến ngài một lá thư của Đức Giám Mục Zhuang, với hy vọng ngài có thể tìm ra thời gian để đọc nó (trong phong bì, có một lá thư của Đức Giám Mục bằng tiếng Trung Hoa với bản dịch của tôi sang tiếng Ý và một bức thư của tôi).
Vì những lý do rõ ràng, tôi hy vọng sự xuất hiện của tôi ở buổi triều kiến sẽ không được chú ý nhiều lắm, nhưng sự xuất hiện trễ của tôi trong hội trường đã làm nó được chú ý đặc biệt. Dù sao, bây giờ mọi người có thể thấy toàn bộ diễn tiến nhờ truyền hình Vatican (nhân tiện, buổi triều kiến đã được tổ chức tại Đại Sảnh Phaolô VI, chứ không phải ở Quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô và tôi đến buổi triều kiến hơi muộn, nhưng không phải "xếp hàng chờ đợi, trong thời tiết giá lạnh ", như một số phương tiện truyền thông đã tường trình sai).
Khi ở Rôma, tôi gặp Cha Bernard Cervellera của AsiaNews. Chúng tôi trao đổi thông tin của chúng tôi, nhưng tôi nói với cha đừng viết bất cứ điều gì. Ngài nghe theo. Bây giờ một ai đó đã tung tin tức ra, nên tôi đồng ý xác nhận nó. Vâng, theo như tôi biết, mọi chuyện đã xảy ra như chúng đã được thuật lại trên AsiaNews (tường thuật của AsiaNews "tin rằng" Đức Giám Mục dẫn đầu Phái đoàn Vatican là Đức Cha Celli. Tôi không biết vị này giữ vai trò chính thức nào ở đó, nhưng rất có thể ngài là người ở đấy, ở Bắc Kinh).
Trong giờ phút nghiêm trọng này và do sự mơ hồ lẫn lộn trong các phương tiện truyền thông, tôi, người trực tiếp biết tình thế của Sơn Đầu và gián tiếp của Mân Đông, cảm thấy có trách nhiệm chia sẻ kiến thức của mình về sự kiện, để mọi người chân thành quan tâm đến lợi ích của Giáo Hội có thể biết sự thật mà họ có quyền. Tôi nhận thức rõ rằng khi làm như vậy tôi có thể nói về những điều mà, về mặt kỹ thuật, được coi là "bảo mật". Nhưng lương tâm của tôi nói với tôi rằng trong trường hợp này, "quyền chân lý" nên quan trọng hơn bất cứ "nghĩa vụ bảo mật" nào như thế.
Với niềm xác tín như vậy, tôi xin chia sẻ với các bạn cả những điều sau đây:
Vào chiều ngày đó, 10 tháng 1, tôi nhận được cú điện thoại từ Santa Marta nói với tôi rằng Đức Thánh Cha sẽ tiếp tôi vào buổi triều kiến riêng lúc tối thứ Sáu ngày 12 tháng 1 (mặc dù bản tường trình chỉ xuất hiện vào ngày 14 tháng 1 trong bản tin của Tòa Thánh). Đó là ngày cuối cùng của 85 năm cuộc đời tôi, quả là món quà từ thiên đường! (Lưu ý đó là tối áp ngày Đức Thánh Cha lên đường đi Chile và Peru, nên chắc hẳn Đức Thánh Cha phải rất bận rộn).
Tối hôm đó cuộc trò chuyện kéo dài khoảng nửa giờ. Tôi đã khá lộn xộn trong câu chuyện của mình, nhưng tôi nghĩ tôi đã thành công trong việc truyền đạt đến Đức Thánh Cha những lo lắng của con cái trung thành của ngài ở Trung Hoa.
Câu hỏi quan trọng nhất mà tôi nêu ra với Đức Thánh Cha (cũng được nói trong bức thư) là liệu ngài có thời gian "nhìn vào vấn đề" (như ngài đã hứa với Đức Tổng Giám Mục Savio Hon). Mặc dù có nguy cơ bị buộc tội vi phạm việc bảo mật, tôi quyết định cho các bạn biết điều Đức Thánh Cha nói: "có, tôi đã nói với họ (các cộng tác viên của ngài tại Tòa Thánh) đừng tạo ra một trường hợp Mindszenty khác"! Tôi có mặt ở đó với sự hiện diện của Đức Thánh Cha đại diện cho các anh em đau khổ của tôi ở Trung Hoa. Những lời lẽ của ngài phải được hiểu như để an ủi và động viên họ nhiều hơn tôi.
Tôi nghĩ quả là điều có ý nghĩa và thích hợp nhất khi Đức Thánh Cha dựa vào lịch sử nhắc đến Đức Hồng Y Josef Mindszenty, một trong những anh hùng của đức tin chúng ta. (Đức Hồng Y Josef Mindszenty là Tổng Giám mục của Budapest, Hồng Y Giáo Chủ của Hungialợi thời Cộng sản bách hại. Ngài đã phải chịu đựng nhiều năm tù giam. Trong cuộc cách mạng ngắn ngủi năm 1956, ngài đã được những người nổi dậy trả tự do, và trước khi Hồng Quân dẹp tan cuộc cách mạng, ngài trú ẩn tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Dưới áp lực của Chính phủ, ngài được Toà thánh ra lệnh rời khỏi đất nước và ngay lập tức người kế nhiệm ngài được bổ nhiệm theo sở thích của Chính phủ Cộng sản).
Với việc thổ lộ này, tôi hy vọng đã làm hài lòng "quyền được biết" rất hợp pháp của giới truyền thông và của anh em tôi ở Trung Hoa.
Điều quan trọng đối với chúng ta bây giờ là cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, rất phù hợp bằng cách hát bài ca truyền thống "Oremus":
Oremus pro Pontifice nostro Francisco, Dominus conservet eum et vivificet eum et beatum faciat eum in terra et non tradat eum in animam inimicorum eius (Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô của ta, Chúa gìn giữ và thêm sức sinh lực và ban cho ngài đời nay hạnh phúc, đừng trao ngài cho ác tâm quân thù.)
Một số giải thích vẫn có thể cần có.
1. Xin vui lòng lưu ý rằng vấn đề không phải là sự từ chức của các giám mục hợp pháp, mà là việc yêu cầu nhường chỗ cho các giám mục bất hợp pháp và thậm chí bị tuyệt thông. Nhiều giám mục hầm trú già nua, dù luật hưu trí không bao giờ được thi hành ở Trung Hoa, vẫn đã yêu cầu có người kế nhiệm, nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời từ Tòa Thánh. Một số vị khác, dù người kế vị đã được cử nhiệm, thậm chí còn có thể đã nắm được sắc chỉ có chữ ký của Đức Thánh, vẫn được lệnh không tiến hành việc tấn phong vì sợ làm phật lòng Chính phủ.
2. Tôi đã nói phần lớn về hai trường hợp Sơn Đầu và Mân Đông. Tôi không có bất cứ thông tin nào khác ngoại trừ bản sao một bức thư của một mệnh phụ Công Giáo xuất sắc, một giáo sư đại học về hưu rất quen với các vấn đề của Giáo Hội ở Trung Hoa, trong đó bà cảnh cáo Đức Cha Celli đừng thúc đẩy việc hợp pháp hóa "giám mục" Lei Shi Ying ở Tứ Xuyên.
3. Tôi thừa nhận mình là một người bi quan về tình hình hiện tại của Giáo hội ở Trung Hoa, nhưng tính bi quan của tôi có nền tảng trong kinh nghiệm trực tiếp lâu dài của tôi với Giáo hội ở Trung Hoa. Từ năm 1989 đến năm 1996, tôi đã dành sáu tháng mỗi năm để dạy học trong các các chủng viện khác nhau thuộc cộng đồng Công Giáo chính thức. Tôi đã có cảm nghiệm trực tiếp về cảnh nô lệ và nhục nhã mà các giám mục anh em của chúng ta từng phải chịu.
Và từ những thông tin gần đây, không có lý do gì để thay đổi quan điểm bi quan đó. Chính phủ Cộng sản đang đưa ra những quy định mới khắc nghiệt hơn nhằm hạn chế quyền tự do tôn giáo. Hiện nay họ đang thực thi nghiêm ngặt các quy định cho đến bây giờ chỉ có trên giấy tờ (từ ngày 1 tháng 2 năm 2018, việc tham dự Thánh Lễ nơi hầm trú sẽ không còn được dung thứ nữa).
4. Một số người nói rằng tất cả những nỗ lực để đạt được một thỏa thuận là để tránh sự ly giáo. Thật buồn cười! Sự ly giáo đã có đó rồi, trong cái Giáo hội độc lập kia! Các vị giáo hoàng tránh dùng từ "ly giáo" vì các ngài biết rằng nhiều người trong cộng đồng Công Giáo chính thức không ở đó do ý chí tự do của họ, nhưng dưới áp lực nặng nề. Việc "thống nhất" được đề nghị sẽ buộc mọi người phải gia nhập cộng đồng đó. Tòa thánh quả đang ban phúc lành cho cái Giáo Hội ly giáo vừa được tăng cường, cất lương tâm xấu khỏi tất cả những ai đã sẵn lòng phản bội và những người khác sẵn sàng nhập bọn với họ.
5. Há không phải là điều tốt sao khi cố gắng tìm ra cơ sở hỗ tương để nối liền sự chia cắt kéo dài hàng thập niên giữa Vatican và Trung Hoa? Nhưng liệu có thể có bất cứ điều gì thực sự "hỗ tương" với một chế độ độc tài toàn trị hay không? Một là bạn đầu hàng hai là chấp nhận bị bách hại, nhưng mãi trung thành với chính mình (bạn có thể tưởng tượng được một thỏa thuận giữa Thánh Giuse và Vua Herod hay không?)
6. Bởi thế, tôi nghĩ Vatican đang bán đứng Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa. Vâng, dứt khoát như thế, nếu họ đi theo hướng xưa nay vốn rõ ràng dựa vào tất cả những gì họ đang làm trong những năm và tháng gần đây.
7. Một số chuyên gia về Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa nói rằng không hợp luận lý chút nào khi giả thuyết một chính sách tôn giáo khắt khe hơn phát xuất từ Tập Cẩn Bình. Tuy nhiên, chúng ta không nói đến tư duy hợp luận lý, nhưng nói đến thực tại hiển nhiên và thô bạo.
8. Tôi có phải là trở ngại chính trong diễn trình đạt được thỏa thuận giữa Vatican và Trung Hoa không? Nếu đó là một thỏa thuận xấu, tôi còn bằng lòng hơn nữa được làm trở ngại ấy.
Vũ Văn An
(Nguồn: Vietcatholic.net)