Gương mục tử của vị Tuyên Úy hy sinh sau cùng trong Thế Chiến Thứ 2

  1. Gương mục tử của vị Linh Mục Tuyên Úy sau cùng đã hy sinh trong Thế Chiến Thứ II

    Hải quân Hoa Kỳ đang có những vận động tuyên thánh cho Cha Thomas Conway, vị linh mục tuyên úy cuối cùng hy sinh trong thế chiến thứ Hai ở tuổi 37.

    Khi chiến hạm Indianapolis lướt ngang vùng biển Phi Luật Tân vào khoảng 12:14 sáng ngày 30 tháng 7 năm 1945, thì thật không may nó đã bị trúng phải 2 trái thuỷ lôi của tàu ngầm Nhật. Trái đầu tiên làm đứt phăng mũi tàu. Trái thứ hai nổ tung ngay giữa boong tàu. Thảm hoạ này đã đánh dấu thiệt hại nhân mạng lớn nhất trên biển trong lịch sử hải quân Hoa Kỳ, cho đến tận ngày hôm nay. Đó là một thảm hoạ với tầm mức tàn phá thật kinh hoàng. Chiếc Indianapolis đã chìm dần xuống lòng biển trong vòng 12 phút hỗn loạn.

    Đã có hơn 300 quân nhân trong số 1,195 thuỷ thủ và lính Thủy quân lục chiến trên tàu đã chìm theo chiếc Indianapolis vì không kịp thoát thân.

    Cha Thomas Conway đã là một trong số 880 người mới đầu còn sống sót, nhưng đã phải đối mặt với nhiều ngày trên biển trong những điều kiện thật khủng khiếp. Nhưng từ giây phút con tàu bắt đầu chìm xuống lòng biển, hành động của Cha Conway lại chính là điều cho chúng ta nhận biết thế nào là một vị mục tử anh hùng thực sự.

    Trong ngày tháng Bảy định mệnh đầy hỗn loạn đó, đầy rẫy bóng dáng người nhấp nhô trên vùng đại dương rộng mở. Chẳng ai có cơ hội mặc áo phao an toàn. Nhiều người trong số họ bị thương và nhiên liệu của chiến hạm phủ khắp người họ. Ngay sau đó họ lại phải đối mặt với các cuộc tấn công của cá mập. Và trong vài ngày, bộ Tư Lệnh Hải quân đã không hề hay biết gì về sự mất tích của con tàu.

    Những người sống sót cố bám vào một tấm lưới dùng để phủ hàng hóa đang nổi lềnh bềnh. Họ cố gắng bớt cử động để giữ sức trong khi chờ ai đó đến cứu. Lương thực và nước uống càng ngày càng cạn dần, trong khi mặt trời vẫn chói chang trên mặt đại dương rộng mở.

    Trong khi đó thì cha Conway hy sinh quên mình. Ngài không ngừng bơi đến từng nhóm riêng lẻ, giúp đỡ những người bị thương, tổ chức các nhóm cầu nguyện, nâng đỡ tinh thần họ, làm công tác mục vụ và làm các bí tích sau cùng cho những người sắp chết. Ngài thường bơi đằng sau những người yếu quá bị nước cuốn trôi và quăng giây để lôi họ trở lại, cố giữ lấy những người đang chết đuối, và khuyến khích mọi người không được từ bỏ hy vọng. 

    Ngài an ủi họ “Anh em hoặc sẽ về với gia đình hoặc sẽ về với Chúa.”

    Trong hồi ký cá nhân được in trên tờ The Saturday Evening Post vào năm 1955, Đại úy Lewis Haynes, bác sĩ y khoa trên tàu đã bày tỏ lòng tôn kính Cha Conway khi nói rằng “Chúng tôi đã tìm thấy một sự an ủi- một niềm tin mạnh mẽ để chúng tôi bám víu vào. Thiên Chúa có vẻ rất gần gũi. Phần lớn cảm xúc của chúng tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vị tuyên úy này là người đã di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác để cùng cầu nguyện với mọi người. Cha tuyên úy Conway, không phải là người mạnh mẽ về thể xác, nhưng lòng can đảm và sự tốt lành của ngài dường như không có giới hạn.” 

    Trước chuyến hải hành định mệnh cuối cùng, tháng Ba, 1945, chiếc tàu bị hư hại nghiêm trọng tại Okinawa trong một cuộc tấn công theo kiểu quyết tử kamikazé của người Nhật. Chín thủy thủ thiệt mạng khi các chiến đấu cơ Nhật đâm xuống con tàu này để tự sát, và Cha Conway đã làm lễ an táng cho họ.

    Sau vụ này, con tàu được đưa về California để tu bổ toàn diện. Trong khi con tàu đang chờ được sửa chữa, Cha Conway, tự bỏ tiền túi của mình, đi đến từng nhà trong số chín gia đình của những thủy thủ thiệt mạng để cầu nguyện, bày tỏ niềm cảm thông, và kể cho họ nghe về những đứa con đã anh dũng hy sinh của họ.

    Dõi mắt theo bước những người lính của mình với các nhu cầu của họ - cả thể chất lẫn tinh thần - chính là mối quan tâm chính trong công việc mục vụ của ngài.

    Sau ba ngày rưỡi làm mục vụ cho đoàn chiên, hoàn toàn kiệt sức, cha Conway mới 37 tuổi đời đã chết đuối vào ngày 2 tháng Tám, 1945. Đúng một tháng sau, Nhật Bản đầu hàng đồng minh.

    Ngày 5 tháng Tám, lực lượng giải cứu tìm thấy họ. Nhưng chỉ còn 317 người trong tổng số 880 thuỷ thủ rời tàu còn sống sót. Những người khác đã chết vì thương tích, vì kiệt sức, vì uống quá nhiều nước biển và trở nên mê sảng rồi chết đuối, hay chết vì bị cá mập tấn công.

    2. Tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel DiNardo vào lúc khai mạc phiên khoáng đại mùa thu của HĐGM Hoa Kỳ

    Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, nhóm phiên khoáng đại mùa thu 2018 tại Baltimore từ ngày 12 đến 14 tháng 11.

    Theo dự trù, các giám mục sẽ thảo luận và bỏ phiếu về một loạt các biện pháp cụ thể để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng, bao gồm hai mục quan trọng là tiêu chuẩn trách nhiệm của các giám mục đối với các vụ lạm dụng tính dục xảy ra trong giáo phận của các ngài, và việc hình thành một ủy ban đặc biệt do giáo dân điều hành để nhận khiếu nại chống lại các giám mục.

    Tuy nhiên, vào giờ chót, Tòa Thánh đã yêu cầu các Giám Mục Hoa Kỳ không bỏ phiếu về hai mục quan trọng này. Đức Hồng Y Daniel DiNardo loan báo chỉ thị này của Tòa Thánh như sau:

    Chào buổi sáng các anh em. Thông báo đặc biệt từ chủ tịch Hội Đồng, vào lúc bắt đầu ngày hôm nay.

    Thưa các anh em, tôi phải bắt đầu thời gian chúng ta tụ họp cùng nhau với một thông báo quan trọng:

    Thể theo sự nhất quyết của Tòa Thánh, chúng ta sẽ không bỏ phiếu cho hai mục hành động trong tài liệu của chúng ta về khủng hoảng lạm dụng, đó là tiêu chuẩn trách nhiệm của các giám mục và ủy ban đặc biệt nhận khiếu nại chống lại các giám mục.

    Tòa Thánh đã yêu cầu chúng ta trì hoãn bỏ phiếu về những điều này để các cuộc thảo luận của chúng ta có thể bổ sung và được bổ sung bởi cuộc họp toàn cầu của các chủ tịch Hội Đồng Giám Mục mà Đức Thánh Cha đã kêu gọi triệu tập tháng Hai năm 2019.

    Tôi xin lỗi vì đã thông báo muộn nhưng thực ra, tôi cũng chỉ mới được thông báo vào chiều ngày hôm qua.

    Mặc dù tôi thất vọng rằng chúng ta sẽ không thực hiện những hành động này vào ngày mai liên quan đến việc bỏ phiếu, tôi vẫn hy vọng rằng lời cố vấn bổ sung này cuối cùng sẽ cải thiện phản ứng của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt.

    Dưới ánh sáng của diễn biến này, tôi đề nghị chúng ta sẽ tiến hành như sau:

    Đầu tiên, sau khi chào mừng các vị khách của chúng ta tại cuộc họp này bao gồm cả Sứ Thần Tòa Thánh, chúng ta sẽ nghe ngài nói và sau đó tôi sẽ đưa ra một số nhận xét của riêng tôi.

    Sau đó, chúng ta sẽ tạm hoãn để sang nhà nguyện theo kế hoạch cầu nguyện và suy tư của chúng ta trong ngày hôm nay.

    Ngày mai, chúng ta chính thức bắt đầu cuộc họp và giới thiệu với các anh em một chương trình nghị sự đã được sửa đổi cho công việc chung của chúng ta để các anh em thảo luận và phê duyệt.

    Các anh em,

    Tôi chắc chắn rằng anh em có những quan tâm về diễn biến mới nhất này như chính tôi cũng vậy. Thay vì đề cập đến chuyện đó ngay lúc này này, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách dâng những quan tâm của chúng ta lên với Chúa trong lời cầu nguyện và tìm kiếm thượng trí của Ngài cho sự đáp trả của chúng ta. Như thế, chúng ta có thể an tâm rằng Chúa Thánh Thần có thể có mặt trong các cuộc thảo luận của chúng ta và hướng dẫn các cuộc thảo luận này vào ngày thứ Ba khi chúng ta trở lại công việc.

    3. Lý do Bộ Giám Mục ngăn chặn cuộc bỏ phiếu của các Giám Mục Hoa Kỳ

    Edward Petin, phóng viên thường trú tại Vatican của tờ National Catholic Register thuộc hệ thống truyền hình EWTN của Công Giáo Hoa Kỳ, đã có bài tường trình về lý do Bộ Giám Mục đã ngăn chặn cuộc bỏ phiếu của các Giám Mục Hoa Kỳ dự trù diễn ra hôm thứ Ba 13 tháng 11 trong phiên khoáng đại mùa thu 2018.

    Trong bài tường trình này Edward cho biết Vatican đã chỉ thị cho các Giám Mục đình hoãn việc bỏ phiếu hai đề nghị về chính sách đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục vì Tòa Thánh muốn cung cấp “đánh giá và sự đồng hành tốt nhất” cho các Giám Mục Hoa Kỳ về vấn đề này.

    Trong lời nhận xét ngắn gọn gởi đến National Catholic Register ngày 13 tháng 11, Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám Mục, cho biết ngài muốn đưa ra “sự tái bảo đảm rằng bộ [Giám Mục] đang làm việc để đưa ra đánh giá và sự đồng hành tốt nhất đối với các vấn nạn của các giám mục Hoa Kỳ”.

    Vị Hồng Y Canada là người duy nhất đưa ra những nhận xét ngắn gọn của ngài về vấn đề này. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Phòng Báo chí Tòa Thánh và Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên đều không trả lời những thắc mắc của tờ Register về quyết định gây sóng gió vừa qua.

    Chỉ thị bất ngờ đã ngăn cản các Giám Mục Hoa Kỳ không được bỏ phiếu cho hai đề xuất chính được dự kiến sẽ hình thành cơ sở cho những phản ứng của Giáo Hội đối với các trường hợp lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Cuộc bỏ phiếu dự trù diễn ra tại hội nghị khoáng đại mùa thu của các giám mục, diễn ra tại Baltimore từ thứ Hai 12/11 đến thứ Tư 14/11.

    Vatican nhất mực cho rằng việc xem xét các biện pháp mới này phải bị trì hoãn cho đến khi kết thúc một cuộc họp quốc tế đặc biệt của các giám mục về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục dự trù diễn ra tại Vatican vào tháng Hai tới.

    Các giám mục Hoa Kỳ đã xem hai đề xuất này – bao gồm một dự thảo “Tiêu chuẩn ứng xử” cho các giám mục và việc thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt để giải quyết các cáo buộc chống lại các giám mục – như là một phương thế hữu hiệu để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Các đề xuất cũng nhằm cho các tín hữu Hoa Kỳ thấy rằng các giám mục đã chọn con đường kiên quyết hành động sau một loạt các vụ tai tiếng lạm dụng trong những tháng gần đây.

    Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, đã thông báo về chỉ thị này tại hội nghị vào sáng thứ Hai, và nói rằng ngài chỉ mới được Vatican thông báo vào chiều hôm trước. Ngài nói rằng ngài “thất vọng” vì động thái này, là điều mà ngài cho rằng thật “giễu cợt”. Các giám mục “không vui”, nhưng Đức Hồng Y vẫn hy vọng cuộc họp vào tháng Hai tại Rôma cuối cùng sẽ cải thiện phản ứng của các giám mục Hoa Kỳ đối với cuộc khủng hoảng đang phải đối mặt.

    Theo một số quan sát viên, văn bản của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về các biện pháp đối phó với tội ác lạm dụng tính dục chỉ mới được hoàn tất vào ngày 30 tháng Mười và rằng trong văn bản đó có một số vấn đề liên quan đến giáo luật, đặc biệt là vấn đề thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong việc điều tra các giám mục.

    Cũng có các nguồn tin cho rằng Vatican có thể đã nghĩ rằng các giám mục Hoa Kỳ đã phản ứng thái quá. Suy nghĩ trên có thể xuất phát từ thực tế là vấn đề lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ không tạo ra những quan ngại nghiêm trọng như nhau tại các quốc gia khác nhau. 

    Việc Vatican ngăn chặn cuộc bỏ phiếu của các Giám Mục Hoa Kỳ đã gây ra nhiều phản ứng bất lợi. 

    Có các phản ứng thái quá xuất phát từ lòng thù hận đức tin Công Giáo như bài “The Catholic Church proves incapable of exorcising clergy sex abuse — again” (“Lại một lần nữa Giáo Hội Công Giáo chứng tỏ không có khả năng xua trừ tội ác lạm dụng tính dục”) của tờ Washington Post.

    Cũng có những phản ứng nhẹ nhàng theo đó việc ngăn chặn này lẽ ra là không cần thiết. Theo Ed Condon và JD Flynn của Catholic News Agency, Vatican lẽ ra nên để cho các Giám Mục Hoa Kỳ bỏ phiếu về hai đề xuất, và sau đó yêu cầu tu chính trong giai đoạn”recognitio”, tức là giai đoạn trong đó Toà Thánh sẽ chấp nhận chính sách của USCCB hoặc đề xuất những sửa đổi, trước khi những chính sách này có thể có hiệu lực. 

    4. Diễn từ khai mạc phiên khoáng đại mùa thu 2018 Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ của Đức Hồng Y Daniel DiNardo

    Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục của Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ nói trước các Giám Mục tại buổi khai mạc phiên khoáng đại diễn ra tại Baltimore ngày 12 tháng 11, 2018 như sau:

    Thánh Augustinô đã viết “Để sự yếu đuối [của con người chúng ta] có thể nên mạnh mẽ, sức mạnh [của Thiên Chúa] đã trở nên yếu đuối [nơi hài nhi Giêsu]”.

    Các anh em thân mến của tôi,

    Dưới ánh sáng của tin tức sáng nay, bài diễn từ của tôi đã thay đổi về bản chất. Chúng ta vẫn cam kết theo đuổi chương trình cụ thể về trách nhiệm giải trình lớn hơn mà chúng ta sẽ thảo luận trong những ngày này. Các cuộc trao đổi sẽ diễn ra. Việc bỏ phiếu sẽ không diễn ra trong tuần này. Nhưng chúng ta sẽ chuẩn bị để tiến lên phía trước.

    Giờ đây, xin cho phép tôi nói vài lời trực tiếp với những nạn nhân bị lạm dụng tính dục.

    Những nơi tôi đã vô tâm hay không nhạy bén trước nhu cầu của anh chị em, bất cứ nơi nào tôi đã thất bại, tôi hối tiếc một cách sâu xa. Lệnh của Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta thật rõ ràng. “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức!” Trong sự yếu đuối của chúng tôi, chúng tôi đã say ngủ. Giờ đây, chúng tôi khiêm tốn cầu xin sức mạnh của Thiên Chúa ban cho ơn biết cảnh giác ở phía trước.

    Thánh Augustinô cũng cảnh báo rằng có hai thái cực chúng ta có thể rơi vào – đó là tuyệt vọng hoặc giả định.

    Chúng tôi, và các tín hữu, có thể rơi vào tuyệt vọng – khi tin rằng không có hy vọng cho Giáo Hội hay không thể có những thay đổi tốt đẹp trong Giáo Hội. Chúng tôi cũng có thể tin rằng không có hy vọng chữa lành những tội lỗi này. Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng có một điều được gọi là đức tin tín thác và điều đó dẫn chúng ta đi trên hành trình hiện tại của mình. Đức tin tín thác này mang đến cho chúng ta những căn cội cho một ký ức sống động. Người dân của chúng ta cần ký ức sống động này của hy vọng.

    Chúng ta cũng phải nhớ đến một thái cực khác: là sự giả định. Chúng ta có thể bị quyến rũ vào một thái độ vô vi, không làm gì hết, khi giả định rằng chuyện này rồi cũng qua đi, mọi sự sẽ trở lại bình thường. Một số người nói chuyện này hoàn toàn chỉ là một cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Không phải như thế đâu. Chúng ta không bao giờ lại một lần nữa biến những người bị lạm dụng tính dục trở thành những nạn nhân bằng cách buộc họ chữa lành theo thời gian biểu của chúng ta. Đúng là hầu hết những trường hợp lạm dụng tính dục đã diễn ra hàng mấy thập niên trước. Nhưng nỗi đau vẫn tiếp diễn hàng ngày.

    Số lượng những cáo buộc mới ngày nay là một phần rất nhỏ so với trong quá khứ. Nhưng Chúa Giêsu đặt ra một câu hỏi, “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” Công tâm mà nói, chúng ta phải tìm kiếm mọi con cái Thiên Chúa, những người mà sự hồn nhiên của họ đã bị cướp mất bởi một kẻ săn mồi khốn nạn bất cứ vào thời nào, cách đây nhiều thập kỷ hoặc ngày nay.

    Sự chữa lành có thể xảy đến, nếu như có sự tha thứ. Có biết bao những kẻ biết rõ mình đã phạm tội với anh chị em của mình nhưng lại không sẵn lòng nói: xin tha thứ cho tôi. Chúng ta không chỉ phải sẵn lòng làm điều này mà thôi nhưng còn phải sẵn sàng và thiết tha mưu cầu sự tha thứ. Với những người bị lạm dụng tính dục mà tôi đã làm anh chị em thất vọng, xin hãy tha thứ cho tôi. Đối với những người đã mất niềm tin vào Giáo Hội, xin hãy tha thứ cho chúng tôi vì những thất bại của chúng tôi.

    Việc chống lại tội ác tấn công tình dục trong Giáo Hội sẽ đòi hỏi tất cả các nguồn lực tâm linh và thể chất của chúng ta. Chúng ta phải đến gần Chúa Kitô trong mọi nỗi muộn phiền, sỉ nhục và day dứt trong lòng, để nghe rõ hơn tiếng nói của Ngài và phân định đâu là thánh ý Chúa. Chỉ sau khi lắng nghe Ngài, chúng ta mới có thể thực hiện những thay đổi cần thiết. Những thay đổi mà dân Chúa đòi hỏi một cách chính đáng.

    Công việc của chúng ta phải tôn vinh những hoạt động liên tục của rất nhiều người trên khắp đất nước này nhằm bảo vệ trẻ em và những người khác khỏi nỗi lo sợ bị xâm hại. Hàng chục ngàn người - bao gồm cả các giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân – đang làm việc hoặc đang tình nguyện làm việc trong các thừa tác vụ Công Giáo sẵn lòng theo học các khóa về môi trường an toàn và sẵn sàng chịu trải qua các kiểm tra về lý lịch. Hàng trăm cha mẹ, nhân viên xã hội, những người thực thi pháp luật và các chuyên gia khác đang phục vụ trong các ủy ban tái xét nhằm bảo đảm việc xem xét công bằng tất cả các cáo buộc. Các điều phối viên hỗ trợ của nạn nhân đang sẵn sàng trong mọi giáo phận để hỗ trợ những người bị lạm dụng. Và kể từ năm 2002, các linh mục của chúng ta và những người khác đang phục vụ Giáo Hội dưới một chính sách không khoan dung sau khi cáo buộc lạm dụng trẻ em được thừa nhận hoặc chứng minh.

    Thưa các Giám Mục anh em,

    Miễn trừ bản thân chúng ta khỏi những tiêu chuẩn cao về trách nhiệm giải trình này là không thể chấp nhận được và không thể được. Trái lại, chúng ta, trong tư cách là những người kế vị các Thánh Tông đồ, phải giữ mình theo những tiêu chuẩn cao nhất có thể được. Làm bất cứ điều gì ít hơn như thế là xúc phạm đến những ai đang hoạt động để bảo vệ và chữa lành tai ương lạm dụng tính dục.

    Tuy nhiên, trước các sự kiện được công bố rõ ràng trong năm nay, chúng ta phải mở rộng hiểu biết của chúng ta về sự phòng ngừa và cảnh giác. Những hành vi sai trái tình dục phải được đối phó một cách mạnh mẽ hơn trong các giáo phận của chúng ta và trong các chính sách của chúng ta. Ý thức về công lý được xây dựng trên bản năng đức tin chân chính của con người khiến chúng ta phải chịu trách nhiệm.

    Giáo Hội được Chúa Giêsu Kitô thành lập là một Giáo Hội hy vọng và sống động. Các giám mục anh em thân yêu của tôi, chúng ta phải đề phòng sao cho hành vi của chúng ta không dẫn dắt người nào rời xa Chúa. Liệu chúng ta sẽ được nhớ đến như những người bảo vệ cho những người bị ngược đãi hay cho những kẻ ngược đãi sẽ được xác định bởi hành động của chúng ta bắt đầu từ tuần này. Hôm nay, chúng ta hãy đến gần Chúa Kitô, hy sinh cho Ngài những tham vọng riêng của chúng ta, và khiêm nhường trao phó trọn vẹn chúng ta cho những gì Ngài đòi buộc chúng ta trong tình yêu và công lý.

    Giáo Hội đã và sẽ luôn luôn là Nhiệm Thể của Chúa Kitô - là Giáo Hội của Ngài. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta phục vụ tốt nhất có thể. Và khi chúng ta thất bại, chúng ta hãy cúi đầu nhận lỗi trước Đức Thánh Cha và trước nhau trong tinh thần sửa lỗi huynh đệ.

    Tôi đã trích dẫn lời Thánh Augustinô vào đầu diễn từ này. Ngài cũng viết, “bất cứ nơi nào một người sa ngã, ở nơi đó người ấy phải tìm được sự nâng đỡ để có thể đứng dậy.” Thưa anh em, chúng ta đã vấp ngã vào một yếu đuối lớn lao. Chúng ta cần phải cầu nguyện và hành động ngay bây giờ ở nơi này để bắt đầu vươn lên một sự liêm chính mới.

    Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng để chúng ta, những người yếu đuối, trở nên mạnh mẽ, Chúa Kitô đã trở nên yếu đuối. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Nhờ ân sủng và lòng thương xót của Chúa Giêsu Kitô, cầu xin cho chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ - không phải để an ủi chính mình, nhưng để phục vụ tốt hơn anh chị em chúng ta.

    Chúng ta hãy là một gương mẫu về cách một tội nhân khiêm tốn quỳ trước mặt Chúa để có thể nhận được lòng thương xót của Người. Như thế, chúng ta mới có thể bắt đầu thanh tẩy và chữa lành các vết thương trên Nhiệm Thể Chúa Kitô. Xin Chúa ban phước lành cho anh em.

    5. Diễn từ bế mạc phiên khoáng đại mùa thu 2018 Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ của Đức Hồng Y Daniel DiNardo

    Sau đây là toàn văn diễn từ quan trọng, nói lên hướng đi của các Giám Mục Hoa Kỳ, đã được Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục của Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đọc trước các Giám Mục tại buổi bế mạc phiên khoáng đại diễn ra tại Baltimore ngày 14 tháng 11, 2018.

    Anh em thân mến

    Tôi khai mạc cuộc họp này với một số thể hiện thất vọng. Giờ đây tôi kết thúc cuộc họp này trong hy vọng.

    Niềm hy vọng của tôi trước hết được căn cứ vào Chúa Kitô, Đấng mong muốn Giáo Hội được thanh tẩy và những nỗ lực của chúng ta mang lại kết quả.

    Mùa hè vừa qua, thay mặt cho anh em, tôi đã bày tỏ tình cảm huynh đệ của chúng ta đối với Đức Thánh Cha. Tháng Chín, Ủy ban Thường trực cũng đã bày tỏ thay cho tất cả chúng ta “tình yêu, sự vâng phục và lòng trung thành” đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Giờ đây, cùng với anh em đang tụ họp tại Baltimore trong Hội nghị Khoáng đại, chúng ta, các thành viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cam kết với Đức Thánh Cha lòng trung thành và tận tụy của chúng ta trong những ngày khó khăn này. Tôi chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô, cuộc hội thảo toàn cầu của Giáo Hội vào tháng Hai sẽ giúp chúng ta tẩy sạch tội ác lạm dụng tính dục khỏi Giáo Hội chúng ta.

    Anh em thân mến, 

    Anh em và những người phát biểu, mà chúng ta đã lắng nghe, mang lại cho tôi hướng đi và một sự đồng tâm nhất trí. Tôi sẽ xem đó như là bàn đạp để hành động. Lắng nghe là điều cần thiết, nhưng lắng nghe phải định hướng cho hành động có tính quyết định. Các nạn nhân bị lạm dụng và các chuyên gia đã cho chúng ta những lời khuyên và hướng dẫn tốt như vậy trong những ngày qua.

    Khi tin tức trong mùa hè qua vừa nổ ra, chúng ta đã cam kết thực hiện 3 mục tiêu: [thứ nhất là] làm mọi điều có thể được để đi đến cùng về tình trạng của Tổng giám mục McCarrick; [thứ hai là] làm sao cho việc báo cáo hành vi lạm dụng và các hành vi không đúng của các giám mục được dễ dàng hơn; và [cuối cùng là] phát triển một phương thế ràng buộc trách nhiệm của chính chúng ta có tính chất thực sự độc lập, có thẩm quyền phù hợp và có sự tham gia đáng kể của anh chị em giáo dân.

    Giờ đây, chúng ta đang trong tiến trình hoàn thành các mục tiêu này. Đó là phương hướng mà anh em và các nạn nhân bị lạm dụng khắp quốc gia này trao phó cho tôi tại cuộc họp tháng Hai ở Rôma. Hơn thế nữa, trong những ngày trước cuộc họp của các chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, nhóm Đặc Nhiệm mà tôi đã hình thành trong tuần này sẽ diễn dịch phương hướng này thành một số bước hành động cụ thể. Những bước hành động này bao gồm:

    • Một quy trình điều tra khiếu nại liên quan đến các giám mục theo đúng nguyên tắc báo cáo thông qua đường dây nóng của bên thứ ba. Chúng ta sẽ hoàn thành một đề xuất thành lập một ủy ban toàn quốc duy nhất do giáo dân điều hành và một mạng lưới quốc gia dựa trên các hội đồng xét duyệt giáo phận, với các chuyên gia giáo dân, được giám sát bởi vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh hay một Giám Mục Cao Cấp trong giáo tỉnh.

    • Hoàn thiện các tiêu chuẩn trách nhiệm đối với các Giám mục.

    • Hoàn thiện Quy Định dành cho các Giám mục bị loại bỏ.

    • Nghiên cứu các chỉ dẫn quốc gia về việc công bố danh sách các giáo sĩ đang phải đối diện với những cáo buộc lạm dụng chứng minh được.

    • Ủng hộ việc hoàn thành công bằng và kịp thời những cuộc điều tra đa dạng liên quan đến tình trạng xung quanh Đức Tổng Giám Mục McCarrick và công bố những kết quả này. Chúng ta rất biết ơn Tuyên bố của Tòa Thánh vào ngày 6 tháng 10 liên quan đến vấn đề này.

    Chúng ta rời khỏi nơi này với cam kết có những hành động mạnh nhất vào thời điểm sớm nhất có thể được. Chúng ta sẽ làm như vậy trong tình hiệp thông với Giáo Hội Phổ Quát. Tiến lên nhịp nhàng với Giáo Hội trên toàn thế giới sẽ làm cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ vững mạnh hơn và sẽ làm cho Giáo Hội Hoàn Vũ mạnh mẽ hơn.

    Nhưng hy vọng của chúng ta cho sự cải cách thực sự và sâu sắc cuối cùng hệ tại không chỉ ở việc có nhiều hơn các hệ thống xuất sắc, dù điều này là thiết yếu. Nó còn đòi hỏi sự thánh thiện: sự xác tín sâu sắc về các chân lý Tin Mừng, và thao thức muốn diễn dịch những chân lý ấy thành mọi khía cạnh của cuộc sống.

    Như Đức Sứ thần Tòa Thánh nhắc nhở chúng ta hôm thứ Hai: “Nếu Giáo hội muốn cải cách chính bản thân và cấu trúc của mình, thì sự cải cách ấy phải bật lên từ sứ vụ loan báo Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống”. Không có hệ thống quản trị hay giám sát nào, dù tuyệt vời và cần thiết đến đâu, tự mình nó là đủ cho chúng ta, tất cả đều là những kẻ yếu đuối, có thể sống đúng theo những yêu cầu cao chúng ta nhận được từ Chúa Kitô.

    Chúng ta phải tái cam kết hướng đến sự thánh thiện và sứ vụ của Giáo Hội.

    Anh em thân mến, 

    Tôi đã được nghe anh em ngày hôm nay. Tôi tin rằng trong tình hiệp nhất với Đức Thánh Cha và với cuộc trao đổi vào tháng Hai, chúng ta sẽ tiến lên phía trước.

    Còn nhiều việc phải làm nhưng những gì chúng ta đã làm là một dấu chỉ của hy vọng.

    Phó dâng mọi sự cho sự cầu bầu của Đức Mẹ, chúng ta hãy cầu nguyện cùng nhau. . .

    Kính mừng Maria..
  2. Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/247586.htm