Giáo Hội Sierra Leone trước cuộc tổng tuyên cử và tình hình đất nước

Trong các ngày vừa qua HĐGM Sierra Leone đã công bố thư mục tử kêu gọi mọi công dân tới tuổi đầu phiếu tích cực tham gia cuộc tổng tuyển cử sẽ đuợc tổ chức vào ngày mùng 7 tháng 3 năm 2018. Các Giám Mục viết trong thông cáo: “Chúng tôi xin tất cả mọi người dân Sierra Leone, đặc biệt những người tới tuổi đi bầu, mạnh mẽ khước từ mọi hành động bạo lực, các khiêu khích vô ích, các hình thức gian lận làm sai lạc kết quả cuộc đầu phiếu, có thể dẫn tới tình trạng bất ổn và hỗn loạn. Chúng tôi khích lệ các đảng phái chính trị và những người ủng hộ họ chấp nhận các kết quả bầu cử, nếu chúng được các giới chức chuyên môn coi là tự do và hợp pháp.

Trong thư mục tử tựa đề “Bước tới các cuộc bầu cử hoà bình và đáng tin cậy”, các Giám Mục Sierra Leone mời gọi các đảng phái chính trị và các ứng cử viên tổng thống tôn trọng tiến trình bầu cử, duy trì hoà bình và coi nhau như là những người tranh đua chứ không phải là kẻ thù.” Các Giám Mục cũng xin các linh mục, tu sĩ và giáo dân thăng tiến một tinh thần hiệp nhất, hoà giải, khoan nhượng và hoà bình trong các bài giảng, bài diễn thuyết và các dấn thân mục vụ.

Các vị cũng bầy tỏ lòng biết ơn chân thành đối với tổng thống Ernest Bai Koroma, vì đã loan báo trước ngày bầu cử, và như thế loại bỏ mọi sợ hãi các cuộc bầu cử bị chậm trễ hay rời lại. Theo các vị, sự kiện này là một yểm trợ quan trọng cho việc thăng tiến hoà bình, ổn định và đẩy mạnh nền dân chủ non yếu của đất nước. Cách riêng các Giám Mục thừa nhận các nỗ lực to lớn và các hy sinh mà nhân dân Sierra Leone đã làm trong nước cũng như ngoài nước nhằm bảo đảm sự tiến bộ cho quốc gia đã phải đau khổ quá lâu, cách riêng do bệnh dịch Ebola khiến cho hàng ngàn người phải thiệt mạng.

** Các Giám Mục viết tiếp trong thư mục tử: “Khi Chúa Kitô hướng dẫn chúng ta với ánh sáng của Ngài, và khi Ngài trở thành sức mạnh thúc đẩy các hành động của chúng ta, khi đó chúng ta sẽ có thể xây dựng các gia đình, các cộng đoàn, và một đất nước tốt đẹp hơn. Hai thảm cảnh chiến tranh và bệnh dịch Ebola đã đưa người dân Sierra Leone tới chỗ hiệp nhất với nhau và tranh đấu cho một mục đích chung. Các khác biệt chủng tộc, văn hoá và tôn giáo đã được gạt sang một bên để có được một thiện ích lớn hơn. Các thái độ đáng khen mà chúng ta đã biểu lộ một cách rõ ràng trong những lúc khó khăn của lịch sử, phải được cho thấy trở lại trong khi chúng ta tiến bước tới các cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2018, là các cuộc đầu phiếu sẽ định đoạt giai đoạn tới của lịch sử đất nước chúng ta.”

Sau cùng các Giám Mục kêu gọi toàn dân hiệp nhất dấn thân xây dựng quốc gia và khẳng định: “Như là Giáo Hội chúng tôi không cho phép mình xa rời việc tham gia chính trị. Nhưng việc vào cuộc của chúng tôi không thể là việc theo hay yểm trợ một đảng phái chính trị nào. Chúng tôi không thể tranh đấu cho một đảng phái chính trị nào. Nhiệm vụ của chúng tôi cao quý hơn: đó là bênh vực quốc gia và nhân dân khỏi các lèo lái chính trị, và giáo dục các công dân bỏ phiếu với sự khôn ngoan và tinh thần trách nhiệm.”

Sierra Leone rộng 71.740 cây số vuông, có khoảng 8 triệu dân, gồm nhiều chủng tộc khác nhau, đa số thuộc gốc Sudan. Trên bình diện tôn giáo có 60% theo Hồi giáo, 30% theo Kitô giáo và 10% theo đạo thờ vật linh. Người dân Serra Leone nói các thứ tiếng Anh, Creol, Temné và Mende, cũng như Krio là ngôn ngữ hỗn hợp gồm tiếng Anh và tiếng Creol.

Sierra Leone đã bị một ông vua địa phương bán cho Anh quốc năm 1788 và trở thành thuộc địa của Anh. Mục đích là để nó trở thành nơi trú ẩn của các người Phi châu không có quê hương và của các nô lệ được trả tự do. Sierra Leone được chia thành hai vùng, mỗi vùng do một ủy viên âu châu cai trị giải quyết các vấn đề quan trọng. Các vấn đề ít quan trọng được giao cho các thủ lãnh địa phương.

Năm 1898 xảy ra cuộc nổi loạn của người dân bản xứ chống lại người Anh và các người phi châu đã bị âu châu hoá. Năm 1904 quần đảo Los được nhượng cho người Pháp. Năm 1926 việc phát triển và thám hiểm đưa tới khám phá vài quặng mỏ như platino, ematite và vàng. Vùng cao nguyên giầu nhất vì có nhiều quặng mỏ, nhất là mỏ kim cương.

Sau khi đệ nhị thế chiến kết thúc Anh quốc bắt đầu một đường lối chính trị chuẩn bị cho việc tự trị cuả các vùng thuộc địa theo các chặng khác nhau: năm 1946, 1951 và 1956, với mục đích duy trì các vùng này trong Khối thịnh vượng chung. Năm 1958 Sierra Leone được cai quản bởi một Hội đồng hành pháp gồm toàn người Phi châu.

** Ngày 16 tháng 3 năm 1961 Anh quốc thu nhận Sierra Leone làm thành viên của Khối Thịnh Vượng Chung. Vào tháng 10 cùng năm Sierra Leone cũng được Liên Hiệp Quốc chấp nhận. Sau khi được độc lập Sierra Leone được cai trị bởi một chính quyền liên minh Mặt trận thống nhất do ông Milton Margai thuộc đảng Nhân dân Sierra Leone làm tổng thống đốc đại diện Anh quốc, và ông Henrry Josiah Lightfoot Boston làm quốc trưởng, trong khi ông Siaka Stevens lãnh tụ đảng Hội nghị toàn dân lãnh đạo phe đối lập. Năm 1964 khi ông Margai qua đời người em là Albert lên thay thế, nhưng vì áp dụng chính sách độc tài nên thất bại trong các cuộc bầu cử năm 1967. Trong khi ông Stevens chuẩn bị lên nắm quyền thì xẩy ra vụ quân đội đảo chánh do ông Lansana cầm đầu. Các đảng phái chính trị bị giải tán, Hiến pháp bị ngưng lại. Hội đồng cải cách chào đời do đại tá Juxson Smith lãnh đạo. Ông hứa sẽ mau chóng tái lập chính quyền dân sự, nhưng lại bị đảo chánh.

Các xung đột, hỗn loạn và chống đối bộ tộc khiến cho Sierra Leone phải rơi vào tình trạng khẩn cấp trong nhiều tháng. Sau vài cuộc đảo chánh khác ngày 19 tháng 4 năm 1971 Serra Leone được tuyên bố là Cộng hoà có ông Stevens làm tổng thống và ông Koroma làm thủ tướng. Trong các cuộc bầu cử năm 1977 đảng Hội nghị toàn dân thắng cử, và năm 1978 được tuyên bố là đảng phái chính trị duy nhất, với một chính quyền hiệp nhất quốc gia có sự tham gia của các lãnh vực khác. Trên bình diện đối ngoại ngay từ cuối thập niên 1970 Sierra Leone đã bỏ ý thức hệ phò tây phương để kết thân với các nước cộng sản, trước hết là Trung Quốc. Trung Quốc dấn thân xây dựng các cơ cấu công cộng và trợ giúp kinh tế rộng rãi cho Sierra Leone. Tiếp đến là Lybia cung cấp dầu hỏa. Tuy nhiên các năm bất ổn và hỗn loạn lại đẩy đưa Sierra Leone vào tình trạng khẩn cấp kéo dài cho tới năm 1985. Năm 1987 lại xảy ra đảo chánh. Năm 1991 chế độ đa đảng được đề ra, nhưng ngày 30 tháng 4 năm 1992 lại xảy ra một cuộc đảo chánh khác của các sĩ quan do đại tá Strasser cầm đầu. Và ông này lên làm quốc trưởng khi mới 25 tuổi. Chính quyền được điều hành bởi một Hội đồng Tối Cao và do một Hội đồng các thủ tướng vừa dân sự vừa quân sự. Năm 1993 ông Strasser thành lập tân chính quyền và hứa trở lại chính quyền dân sự. Nhưng điều này đã không xảy ra và đất nước lại tiếp tục bị xâu xé vì bạo lực đủ loại. Ông Strasser phải chiến đấu với các lực lượng của Mặt trận cách mạng thống nhất. Các nhóm này sau khi yểm trợ cuộc nội chiến bên cạnh các chiến binh Liberia, giờ đây quay ra đánh phá cuộc sống chính trị bằng các hành động tội phạm và cướp bóc các mỏ kim cương là nguồn lợi duy nhất của Sierra Leone và tiến gần về thủ đô Freetown, khiến cho nhiều người dân phải bỏ nhà cửa trốn chạy.

** Tháng 6 năm 1995 quân đội Sierra Leone cùng với lính đánh thuê Nam Phi và các lực lưọng quân sự Nigeria và Guinea tổng tấn công và đẩy lui các phiến quân về các vùng biên giới với Liberia. Theo thống kê năm 2010 của Liên Hiệp Quốc, Sierra Leone hiện là một trong các nước nghèo nhất thế giới, đứng hàng thứ 180 trên 187.

Chính cảnh nghèo đói và chậm tiến này đã gây ra các hậu quả rất tiêu cực cho cuộc sống của dân chúng. Sierra Leone là một trong các nước có số tử của các bà mẹ sinh con cao nhất thế giới. Cứ 100 thì có một bà mẹ không sống sót khi sinh con. Dịch Ebola cũng đã khiến cho hơn 14.200 người lây bệnh và gần 4.000 người chết. Sau 1 năm 5 tháng ngày mùng 7 tháng 11 năm 2015 Sierra Leone được tuyên bố là hết dịch Ebola. Bệnh dịch đã để lại các ảnh hưởng tiêu cực trên tình hình y tế tại đây.

Dân nghèo lại tiếp tục là nạn nhân vì nhiều nhà thương và trạm xá đã bị đóng cửa không hoạt động nữa do thiếu nhân viên y tế và dụng cụ thuốc men. Các bác sĩ và tổ chức CUAMM săn sóc sức khoẻ cho các dân tộc Phi châu cho biết nhà thương săn sóc các bà mẹ và trẻ em trong thủ đô Freetown vẫn được trợ giúp. Nhà thương có 150 giường và trong năm 2014 đã săn sóc cho 9.000 bệnh nhân và trợ giúp 5.000 bà mẹ sinh con. Đây là nhà thương hộ sinh nhi đồng duy nhất có thể cống hiến các săn sóc chuyên môn và khẩn cấp cho các sản phụ và trẻ sơ sinh. Thách đố lớn nhất mà tổ chức CUAMM phải đương đầu là cải tiến các săn sóc bằng cách gửi nhân viên chuyên môn, các bác sĩ sản khoa, đào tạo nhân lực địa phương, các sinh viên y khoa, tổ chức các khoá bồi dưỡng, cung cấp các dụng cụ y khoa, thuốc men và trang bị các xe cứu thương để trải rộng các hoạt động khám bệnh phát thuốc cho dân chúng, gia tăng việc cung cấp điện nước, các dịch vụ vệ sinh và thu dọn rác.

Hồi tháng 2 năm nay tổ chức AEXCID cộng tác phát triển quốc tế đã gửi một xe bus y tế lưu động từ thành phố Badajos vùng Estremadura bên Tây Ban Nha sang Freetown để săn sóc sức khỏe cho các trẻ em bụi đời do các tu sĩ Don Bosco điều hành. Các thừa sai Salesien đã hiện diện tại Sierra Leone từ hơn 30 năm qua, và đã có 18 năm kinh nghiệm hoạt động cho trẻ em bụi đời. Xe đi tới các khu phố nghèo nhất thủ đô với các nhân viên y tế xã hội để trợ giúp các em, khám bệnh, phân phát thực phẩm, quần áo. Các em cũng có thể tắm rửa và nếu cần sẽ được đem tới nhà thương để chữa trị. Các em cũng sẽ được trợ giúp về tâm lý xã hội. Hiện nay Giáo Hội Sierra Leone vẫn đi tiên phong trong các hoạt động giáo dục y tế và lo lắng an sinh cho dân.

Linh Tiến Khải

 Nguồn:http://vi.radiovaticana.va/news