Giáng Sinh ở Bethlehem

Bất chấp những tranh chấp và xung đột về chính trị, mùa lễ hội một lần nữa quay về Bethlehem, nơi Chúa Giêsu chào đời hơn 2.000 năm trước.

Nằm ở phía nam Jerusalem, Bethlehem trong những ngày qua đã cố gắng duy trì các hoạt động lễ hội Giáng Sinh, sau khi toàn bộ khu vực lâm vào cảnh bất an vì Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Có thể dễ dàng cảm thấy sự ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Israel - Palestine trên đường phố. Một số người bán hàng than thở tình trạng căng thẳng đã xua đi không ít du khách đến những địa điểm vốn đông đúc người qua lại. Còn khách sạn sang trọng của thành phố là Jacir Palace đã tạm đóng cửa vì những vụ choảng nhau giữa hai phe vẫn tiếp tục diễn ra.

Tâm lý bất an

Tổng giám đốc khách sạn Marwan Kittani cho hay toàn bộ 250 phòng đều đã được đặt chỗ vào dịp Giáng Sinh, nhưng giờ đây mỗi ngày nhà quản lý đều phải đánh giá tình hình để xem có mở cửa được không. Tại quảng trường Máng Ăn (Manger Square), sát nhà thờ Giáng Sinh (Church of the Nativity) mà theo ghi chép đã được xây trên nơi sinh của Chúa Giêsu, những người buôn bán tại đây rầu rĩ vì tình hình kinh doanh chẳng mấy khả quan. Hai chủ cửa hiệu bán vật phẩm lưu niệm khắc chạm từ gỗ ô liu cho biết không hề có bất kỳ người khách nào mở hàng vào giờ trưa ngày hôm đó. Hãng tin Al-Jazeera dẫn lời Mahmoud Salahat, người bán nước ép trái cây trên quảng trường chia sẻ, nhóm khách quen Palestine phần lớn đều muốn tránh xa Bethlehem trong vòng 2 tuần qua, vì lo ngại có thể gặp chuyện giữa đường.

Ảnh: reuters

Trước khi ông Trump ra tuyên bố gây tranh cãi, hoạt động du lịch tại lãnh thổ Palestine rất sôi nổi. Bộ Du lịch Palestine cho hay đã có 2,7 triệu người lui đến Bethlehem vào năm 2017, tăng so với con số 2,3 triệu trong năm ngoái. Bất chấp nhiều đợt hủy chuyến, hơn 90% số phòng khách sạn tại nơi này đều có người đặt chỗ, theo quan chức của bộ du lịch. Tuy nhiên, những nhà hoạt động Palestine đang biến quảng trường Máng Ăn thành nơi truyền bá rộng rãi thông điệp phản đối Mỹ và đồng minh. Hai băng rôn lớn đang căng rộng tại nơi này có nội dung: “Jerusalem sẽ luôn là thủ đô vĩnh cửu của Palestine”. Các nhà hoạt động cũng lên kế hoạch phân phát giấy thỉnh nguyện cho người hành hương, với hy vọng có thể thu hút sự ủng hộ của thế giới.

Hồi đầu tuần trước, hàng chục người biểu tình tụ tập gần quảng trường có cây thông Giáng Sinh truyền thống nổi tiếng, nằm bên ngoài nhà thờ Giáng Sinh, phản đối sự can thiệp của Mỹ vào tình hình Jerusalem. Vào tuần đầu của tháng 12, cây thông đã bị tắt đèn trong một đêm theo lệnh của thị trưởng để chuyển thông điệp chỉ trích mạnh mẽ đến Mỹ - Israel. Trước đó vài ngày, hàng ngàn người đã tụ tập tại đây để chứng kiến sự kiện lên đèn cho thông Giáng Sinh. Một số du khách không muốn dính líu vào tình hình chính trị và quyết định đến thăm nhà thờ Giáng Sinh, dù một phần nhà thờ đang bị bao quanh bởi các giàn giáo trong thời gian trùng tu. Trong khi đó, một số khách hành hương như bà Ludmilla Trifl (người Ðức) cảm thấy lo lắng trước hàng rào chắn tại cửa ngõ ra vào Bethlehem, theo như biện pháp an ninh mới được thiết lập tại đây.

Lan truyền ngọn lửa hòa bình

Trong lúc Bethlehem chẳng mấy an bình, ngọn lửa hy vọng được thắp từ nhà thờ Giáng Sinh đã lan tỏa khắp châu Âu cũng như Bắc Mỹ nhờ vào công của tổ chức hướng đạo sinh. Theo chương trình được khởi động vào năm 1986, Áo là nơi đầu tiên chịu trách nhiệm truyền lửa sau khi lấy được từ nhà thờ. Một trong những nơi đã tiếp nhận được ngọn lửa mang theo niềm hy vọng của hòa bình của năm nay đã đến được nhà thờ tưởng niệm Kaiser Wilhelm ở Berlin, nơi cách đây một năm đã chứng kiến thảm họa khủng khiếp, khi một dân nhập cư tên Anis Amri đã tông xe tải vào chợ Giáng Sinh, khiến 12 người chết và làm bị thương hàng chục người khác. Ngọn lửa được tiếp đón trong nghi lễ trang nghiêm vào Chúa nhật 17.12, mang theo thông điệp chống khủng bố và bạo lực.

Lửa từ Bethlehem đã được các hướng đạo sinh tỏa đi khắp nơi bằng đủ loại phương tiện, từ máy bay đến tàu hỏa, cho phép nhiều tín hữu có thể thắp sáng ngọn nến của chính mình bằng ngọn lửa từ nơi Chúa chào đời. Cũng như niềm hy vọng về hòa bình vẫn luôn nhem nhúm tại Ðất Thánh, bất chấp những xung đột và tranh chấp của dòng thế tục.

Giáng Sinh vẫn ở lại Nazareth

Một ngày sau khi có thông tin Thị trưởng Nazareth, ông Ali Salam tuyên bố hủy mọi hoạt động mừng Giáng Sinh để phản đối Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, ông này đã thay đổi quyết định, cho phép người dân một trong những khu vực của Ðất Thánh được phép vui lễ hội. Theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu đã trưởng thành tại Nazareth, biến nơi này thành vùng đất lui tới phổ biến của các tín đồ hành hương

 BẠCH LINH