Đừng làm cho cuộc sống thêm bi kịch!

Ai đó một khi đọc hết bài “Chuyến thăm của Macron khơi thêm lửa giận ở Lebanon”(1) cũng cảm thấy buồn và thở dài! Bởi vì đất nước này đã đầy đau khổ, khốn khó vì một nền kinh tế bị kiệt quệ từ lâu, gần đây lại bị virus Covid – 19 chi phối, hoành hành, giờ lại vướng thêm một vụ nổ kinh hoàng, làm sụp đổ như là tất cả mọi sự!!!


Như thế, đối với người dân làm sao tránh khỏi những thảm cảnh đầy bi đát, thật là một sự đáng tiếc!

Quả thật là như thế, không chỉ là số người chết tăng cao, mà bên cạnh đó số người bị thương không có ít ỏi gì! Đã vậy, trong bối cảnh đất nước đầy dẫy những hạn chế, thiếu thốn… thì phương tiện cứu chữa cùng các sự trợ lực khác…giờ chỉ mong sự yểm trợ từ nước ngoài đến mà thôi. Kèm theo đó, là những người sống sót trong vụ nổ kinh hoàng này sẽ trú ngụ một cách an toàn ở nơi đâu, khi nhà cửa bị sụp đổ toàn diện hay một phần nào đó? Vấn đề tiếp theo là lấy gì mà sống và tái thiết lại cho cuộc sống được tạm gọi ổn định, tươm tất, chứ đừng nói tới chuyện giàu có, phất lên như những ngày trước đây…?

 

Trước sự mất mát to lớn này, cũng như nhiều người phải gánh chịu những đau thương không sao kể xiết…chưa thấy chính quyền hiện diện trấn an, khích lệ, nâng đỡ…để xoa dịu, nâng đỡ mọi người trước điều chẳng một ai mong muốn ấy, mà chỉ có động tác là trao cho quân đội gìn giữ an ninh cũng như lời thủ tướng Hassan Diab tuyên bố “ sẽ điều tra và buộc bất kỳ ai gây ra vụ nổ này phải chịu trách nhiệm…” 

 

Vì, nhiều người Lebanon không thực sự tin tưởng về kết quả của cuộc điều tra ở đất nước mà các chính trị gia hàng đầu làm giàu từ tham nhũng, sống trong các khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt và chỉ xuất hiện trước công chúng cùng các đoàn xe hộ tống bọc thép lướt qua trên đường phố. Và hơn nữa cho tới nay chính phủ công bố rất ít thông tin về sự việc này!

 

Nhưng, trong những ngày gần đây, đã có tin “Tổng thống Liban phản đối điều tra toàn cầu vụ nổ Beirut với lý do bởi đây là thời điểm quan trọng để tập trung tìm kiếm những người còn sống sót dưới đống đổ nát.” (2)

 

Chuyện đã xảy ra là đã xảy ra rồi, lấy lại chắc không bao giờ có! Do đó, người dân biết và đầy thông cảm, không có một đòi hỏi gì cao xa hay ngoài tầm tay với, ngoài một mong muốn là cần sự thấu cảm của chính phủ để rồi cùng nhau đồng hành mà chung tay, góp sức xây dựng đất nước này giàu đẹp hơn, như tổng thống Pháp đã làm, khi “Chưa đầy 48 tiếng sau vụ nổ ở cảng Beirut, Tổng thống Macron đã làm điều mà chưa có chính trị gia cấp cao nào Lebanon làm: thị sát hiện trường xảy ra thảm kịch.” Đồng thời tại đây “Ông cũng bày tỏ lòng thương tiếc với gia đình nạn nhân, thậm chí còn gạt cận vệ qua một bên để ôm an ủi một người phụ nữ.”

  

Từ sự chậm trễ ấy cùng với biết bao sự việc không đẹp đã xảy ra trước đó đã đẩy người dân tới chỗ nghi ngờ là liệu tiền bạc giúp tái thiết có đến được với họ không? Như chính họ đã bày tỏ “ rất khó trông chờ vào các lãnh đạo đất nước sẽ giúp đỡ họ trong lúc khó khăn này.”

 

Vì cho đến giờ là “Chưa ai trong số họ đến thăm các khu phố bị thiệt hại nặng nề nhất sau vụ nổ. Bởi vậy, điều mà người dân cần nhất lúc này là nhìn thấy biểu lộ của chính phủ như họ đã thấy tận mắt nơi tổng thống Pháp “ Đôi lúc ông kéo chiếc khẩu trang để nói chuyện với người dân, vẫy tay với những người đứng nhìn từ ban công và chạm tay chào hỏi với người đang dùng điện thoại quay mình.

 

Chẳng những thế, họ còn biết rõ điều mà tổng thống Pháp bày tỏ "Tôi nhìn thấy cảm xúc hiện lên trên khuôn mặt các bạn, là nỗi buồn và đau khổ", khi tổng thống Macron nói và chia sẻ về mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa hai quốc gia, từ khi Lebanon còn là thuộc địa của Pháp với câu nhấn mạnh: "Đó là lý do tôi ở đây".

 

Nhiều người Lebanon thực sự ấn tượng với hành động này, đặc biệt là khi so sánh với những gì đã thấy từ giới lãnh đạo nước nhà. Để rồi một điều bất ngờ đầy đau lòng, chua xót xảy ra, khi chính họ đã có một bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu tổng thống Macron "đặt Lebanon dưới sự bảo trợ của Pháp trong 10 năm tới".

 

"Chúng tôi đề nghị Tổng thống Pháp tiếp quản Lebanon", Jana Harb, 17 tuổi, tình nguyện viên ký đơn kiến nghị nói. "Bãi bỏ chính phủ hiện tại đi. Không có tương lai nào cho chúng tôi ở đây với các chính trị gia hiện nay. Chúng tôi thà trở thành thuộc địa còn hơn là chết".

 

Đề nghị Pháp tiếp quả đất nước của họ vì thà trở thành một thuộc địa còn hơn là chết! Quả là một sự thật nghe “ Đắng lòng!”

 

Điểm qua những điều đang xảy ra nơi người dân Liban sau vụ nổ kinh hoàng mà thấy giật mình, Đúng là cháy nhà ra mặt chuột!

 

Vì thế, chúng ta là ai ở trong tình trạng nào đừng có thờ ơ, đừng có xao nhãng với những sự việc đang xảy ra ở quanh chúng ta, hay nghĩ rằng chưa tới lúc, vẫn còn sớm chán! Nói như thế không phải là phủ nhận những lo liệu, tính toán trong cuộc sống của mỗi người. Nhưng, điều quan trọng là ta lo liệu, là ta tính toán như thế nào và đã đi tới đâu?

 

Trong cuộc sống này, không có chỗ cho ai chỉ biết ngồi đó mà mơ mộng, mà vẽ vời để rồi “ tự nhiên ” những điều tốt đẹp đến với ta cũng như đến với mọi người. Tất cả đều phải đánh đổi. Do đó, nếu ta đi đúng đường đúng lối thì sự đánh đổi này bớt đi được nhiều điều không cần thiết, còn nếu không thì ta và nhiều người phải hy sinh nhiều lắm lắm…

 

Vì vậy, cách biết lo, biết tính đẹp nhất, đúng nhất, hay nhất…là làm tốt, làm những điều có ích không chỉ cho bản thân mình, mà còn hơn nữa là cho mọi người, bất kể người đó là ai và ngay từ hôm nay cho đến ngày mai ngay từ lúc này và ngay tại đây…

 

Nếu mỗi người chúng ta nhận biết và cùng nhau chung tay góp sức mà cố gắng làm với hết khả năng của mình, thì chắc chắn cho dù có gặp phải những khó khăn, trở ngại đến đâu cũng vượt qua được hết, để không đến nỗi tuyệt vọng cũng như phải cầu cứu đến một đất nước đã có một thời “đô hộ” mình, như một số người dân Liban đã bày tỏ!

 

Vì vậy, không có gì bằng sự thành tâm phát xuất từ chính bản thân của ta.

 

Vì vậy, không có gì bằng việc chính ta bắt tay ngay vào việc, mà không phải chờ hay xem xét người khác có làm hay không và làm như thế nào…

 

Vì vậy, không có gì bằng việc ý thức việc ta làm cho ta, cho con cháu của ta, cho dòng giống loài người của ta.. cho nên không có sợ bị uổng phí, kể cả sự lãng quên…

 

Qua đó, giúp cho chúng ta cảm nhận ra điều mà thánh Phalô đã nói “ Vui với người vui, khóc với người khóc..” ( Rm 12,14); hay là điều Chúa Giêsu đã nhấn mạnh “ Muốn người khác làm gì cho mình, thì mình hãy làm điều ấy cho người ta..”( Lc 6,31).

 

Để từ đó, giúp cho chúng ta nhận ra được lòng thương xót của Chúa dành cho con người có ý nghĩa và giá trị làm sao. Đặc biệt là đối với những người bị coi là tội lỗi như Giakêu, Matthêu, Giuda, Phêrô, người phụ nữ ngoại tình…hay là những người bất hạnh vướng vào căn bệnh hiểm nghèo như bệnh cùi, bệnh bại liệt, bệnh loạn huyết…Và với lòng tin còn non yếu, Chúa đã củng cố niềm tin của họ trở nên mạnh mẽ hơn, Chúa sẵn sàng ra tay giúp đỡ, kể cả khi vướng vào ngày Sabat, là một ngày tối kỵ đối với người Do Thái.

 

Thiên Quang sss